Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (IV)

Vào thời thánh I-nhã, nói chung thì “các dòng khất thực làm cho Tây Ban Nha trở thành rất giàu có về trí thức và thiêng liêng”[36]. Thực ra dòng Thánh Đaminh rất mạnh về trí thức và đặc biệt nắm Ban Thanh Tra Giáo Lý đầy quyền thế; nhưng dòng Thánh Phanxicô ở khắp nơi, thành thị cũng như thôn quê, miền bắc cũng như miền nam, và ảnh hưởng rất lớn trên quần chúng. Ngay tại Azpeitia, đời sống Công Giáo gần như đồng nghĩa với tinh thần thánh Phanxicô: dòng ba thánh Phanxicô, tu viện dòng nhất Phanxicô, đan viện dòng thánh Clara. Pierre Chaunu cho rằng “Tây Ban Nha đậm nét Phan sinh”[37]. Dầu vậy, thánh I-nhã chưa nghĩ đến những chuyện xa vời. Thánh Đaminh mỗi ngày đánh tội 3 lần và vượt biển không cần tiền bạc; thánh Phanxicô bỏ cuộc sống trưởng giả và mặc quần áo của người nghèo: đó là những điều đánh động ngài chứ không phải vì các ngài đã lập hai dòng lớn ảnh hưởng quan trọng đến đời sống cả Hội Thánh[38].

Ngược với ý muốn lúc ấy còn thô thiển của ngài, Thiên Chúa đã bắt đầu nhen nhúm điều gì đó mà chính ngài chưa ý thức đủ.

“Dầu vậy, có sự khác biệt này: khi nghĩ đến những chuyện thế gian, kẻ ấy rất thích thú; nhưng khi mệt mỏi, thôi không nghĩ nữa, lại thấy trống rỗng và buồn chán; trái lại, khi nghĩ về việc đi chân đất đến Giêrusalem, chỉ ăn rau cỏ, và làm những việc khổ chế như các thánh đã làm, chẳng những ngay lúc ấy kẻ ấy cảm thấy an ủi[39], mà cả sau khi thôi không nghĩ đến nữa vẫn thấy vui và thích. Lúc đầu kẻ ấy không để ý điều ấy nên không dừng lại để suy xét về sự khác biệt. Một hôm, mắt kẻ ấy phần nào mở ra: kẻ ấy bắt đầu ngạc nhiên về sự khác biệt này, nên khởi sự suy tư[40]. Kinh nghiệm cho kẻ ấy thấy có những ý tưởng khiến kẻ ấy buồn, có những ý tưởng giúp kẻ ấy vui. Dần dần kẻ ấy nhận ra các tác nhân khác nhau tác động nơi mình[41], tác động của ma quỉ và tác động của Thiên Chúa.”[42]

            Đến đây, thánh I-nhã bắt đầu để ý đến việc hai ý tưởng ảnh hưởng khác nhau trên tâm trí: khởi đầu, cả hai đều làm ngài thích thú, nhưng rồi một bên dẫn đến “trống rỗng và buồn chán”, còn bên kia làm cho ngài “vẫn vui và thích”. Ngài “bắt đầu ngạc nhiên”. Từ đó ngài khám phá ra “tác động của ma quỉ và tác động của Thiên Chúa”. Tại sao? Không phải là kẻ tội lỗi thì bị lương tâm cắn rứt còn người công chính thì được bình an, vì những suy tính của ngài về đời sống hiệp sĩ đâu có gì là tội lỗi. Có điều gì sâu xa hơn. Thánh Âutinh mở đầu cuốn Tự Thuật với lời bất hủ: “Chúa đã dựng nên con cho Chúa nên con khắc khoải cho tới khi được yên nghỉ trong Chúa.” Đó là đúc kết kinh nghiệm bản thân của ngài sau những năm tháng chạy theo “thế gian”. Ở đây có thể nói thánh I-nhã cũng bắt đầu cảm thấy cái “rỗng” và cái “đầy” nội tâm: những thực tại trần gian chưa đủ làm đầy nội tâm sâu thẳm của con người, chỉ Thiên Chúa mới làm được điều ấy. Một ý nghĩ cụ thể xuất hiện như một thí dụ: “đi chân đất đến Giêrusalem, chỉ ăn rau cỏ, và làm những việc khổ chế như các thánh đã làm”. Thánh I-nhã không chỉ suy nghĩ viển vông.

“Nhờ đọc sách, kẻ ấy được soi sáng khá nhiều, nên bắt đầu suy nghĩ nghiêm chỉnh hơn về đời sống quá khứ của mình, và thấy rất cần phải làm việc đền tội. Chính lúc ấy, kẻ ấy nảy sinh lòng ao ước bắt chước các thánh. Kẻ ấy không lưu ý được hoàn cảnh riêng của từng vị, nhưng tự hứa với mình là, nhờ ơn Chúa, phải làm những điều các ngài đã làm. Nhưng điều kẻ ấy ước ao hơn hết là, ngay sau khi bình phục, sẽ đi Giêrusalem, như đã nói trên, và ăn chay đánh tội[43] theo như một tâm hồn quảng đại và sốt mến Chúa có thể ước ao thực hiện”[44].

           

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *