Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (V)

Luyện tập đời sống thiêng liêng ảnh hưởng trên thánh I-nhã thế nào? Ribadeneira viết: “Cuốn sách của cha I-nhã khác xa cuốn của cha García, vì mặc dầu cả hai cùng đề cập một số đề tài y hệt nhau, nhưng cách thức và hình thức thì khác hẳn.”[143] Các nhà nghiên cứu lịch sử có nhiều ý kiến khác nhau. Ngài chỉ ở Montserrat 3 ngày nên nếu được trao chắc cũng không thể đọc hết cuốn sách được, nhất là đọc chăm chú và nghiền ngẫm để chịu ảnh hưởng sâu đậm. Khi đi Manresa thánh I-nhã có mang theo cuốn Luyện tập đời sống thiêng liêng không? Nhiều nghi vấn và tranh luận. Cha Paul Dudon viết: “Chắc chắn thánh I-nhã được cha Jean Chanon hướng dẫn theo những gì học được với Garcia Ximenes. Như vậy, ngài được khai tâm với cuốn Luyện tập đời sống thiêng liêng. Có thể ngài đã đọc Luyện tập đời sống thiêng liêng, nhưng không chép. Giữa Luyện tập đời sống thiêng liêng và Linh Thao chỉ có chừng 20 câu gần giống nhau. Ngoài ra, phần chủ yếu của Linh Thao, thứ tự các bài, những hướng dẫn, nhất là các bài tiêu biểu, là của riêng thánh I-nhã.”[144] Theo Louis Boyer[145], cuốn Linh Thao của thánh I-nhã là một tác phẩm độc đáo chứ không chỉ góp nhặt như cuốn Luyện tập đời sống thiêng liêng. Năm 1995, Aimé Solignac cho biết đã tìm thấy một cuốn sách nhỏ, bằng tiếng Tây Ban Nha, không đề tên tác giả, in tại Barcelona năm 1555, tựa là Tóm lược các bài thao luyện thiêng liêng[146], có nhiều điểm tương đồng với Linh Thao hơn cuốn Luyện Tập Đời Sống Thiêng Liêng, và suy đoán là có thể trước khi sách được in thì đã có bản văn ở Montserrat và thánh I-nhã đã sử dụng và đã chịu ảnh hưởng[147]. Mặc dầu Pedro Leturia[148], nhà nghiên cứu rất đáng tin cậy về giai đoạn thánh I-nhã ở Tây Ban Nha, bác bỏ giả thuyết thánh I-nhã từ Manresa trở lại gặp Jean Chanon, nhưng vì các đan sĩ Montserrat đều làm chứng là đúng như vậy[149], nên Javier Melloni Bibas cho rằng thánh I-nhã có trong tay cuốn Tóm lược, và người ta không thể không nhìn nhận ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp của cuốn Luyện Tập trên việc thai nghén cuốn Linh Thao, đặc biệt về ba điểm: phương pháp cầu nguyện, chú trọng đến việc chiêm ngắm cuộc sống Đức Kitô, ba ‘chặng đường’ và sự tiến tới trong đời sống thiêng liêng. Dầu vậy, Linh Thao vẫn là một sáng tác: trong khi cuốn Luyện Tập vẫn giữ nguyên truyền thống đan tu là kết hiệp với Thiên Chúa qua việc xa lánh sự đời, còn Linh Thao đề ra một đường hướng mới là kết hiệp với Thiên Chúa qua việc nhận định và chọn lựa ngay trong cuộc sống giữa đời[150].

Về cuốn sau[151], Pierre Debongnie[152] viết: “Chắc chắn tác giả Linh Thao đã không đọc cuốn De Spiritualibus Ascensionibus của Gerard Zerbolt, nhưng hai cuốn có nhiều điểm tương đồng về tinh thần và phương pháp đến nỗi người ta không thể phủ nhận cuốn sau chịu ảnh hưởng ít là gián tiếp của cuốn trước: (1) phương pháp cầu nguyện dựa theo tâm lý; (2) những chủ đề được sắp đặt tiệm tiến; (3) những chân lý cơ bản về đời sống Chúa Giêsu; (4) việc xét mình riêng… Có lẽ De Spiritualibus Ascensionibus ảnh hưởng trên Linh Thao qua trung gian Luyện tập đời sống thiêng liêng của Ximenes de Cisneros.” Thiết tưởng nếu thực sự thánh I-nhã đã sử dụng thì cuốn Luyện tập đời sống thiêng liêng cũng không thể khiến Linh Thao có nhiều điểm tương đồng với De Spiritualibus Ascensionibus hơn với Luyện tập đời sống thiêng liêng được.

Dầu sao, các tác giả lịch sử linh đạo đều đồng ý Linh Thao không chỉ là một bản sao chép hay góp nhặt, nhưng là một sáng tác độc đáo mang đậm nét đặc sủng thánh I-nhã. Theo Dudon, hai nguồn gốc của Linh Thao là cuốn tập vở thánh I-nhã ghi chép kiểu nhật ký ở Loyola và ơn soi sáng ở Manresa[153]. Theo Louis Cognet, vào thời điểm quyết định, thánh I-nhã không có ai là linh hướng đúng nghĩa, cũng không có những tác phẩm cổ điển giúp ngài theo một linh đạo nào nhất định: “Ngài chỉ được hướng dẫn do chính các kinh nghiệm của mình.”[154] Aimé Solignac cũng đồng ý: “Tập sách nhỏ của thánh I-nhã độc đáo ở chỗ bắt nguồn trước hết và chính yếu từ những ánh sáng ngài nhận được do Thiên Chúa ban riêng, để chuẩn bị ngài cho sứ mạng trong Hội Thánh phổ quát.”[155]

Chúng ta trở về với sức khỏe thể xác của ngài. “Trong một cơn bệnh tại Manresa, kẻ ấy bị sốt nặng đến nỗi tưởng không sao qua khỏi được. Kẻ ấy cầm chắc là linh hồn sắp lìa khỏi xác”[156]. “Khi mùa đông đến, kẻ ấy ngã bệnh nặng… Kẻ ấy được chăm sóc chu đáo và nhiều phụ nữ nổi tiếng quí mến nên đến canh suốt đêm.”[157]

Thánh I-nhã sống quá khắc khổ[158]: thiếu ăn thiếu ngủ, ăn mặc sơ sài, thiếu nghỉ ngơi và giải trí, làm việc không ngừng, nên ngài ngã bệnh nặng hai lần, lần trước vào mùa hè, lần sau vào mùa đông. Cả hai lần ngài đều được đón về chăm sóc tại gia đình Amigant, cách nhà tế bần Santa Lucia chưa tới 100 mét[159]. Gia đình này từ lâu đời vẫn dành hai phòng cho người bệnh. Ngài được nhiều người đến thăm viếng và giúp đỡ. Đặc biệt lần sau ngài được chính quyền địa phương trả mọi chi phí. Đáng lưu ý là qua hai lần, ngài rút ra hai kinh nghiệm quan trọng. Lần trước, ngài tự cho mình là thánh thiện. Vì thế, khi khỏi, ngài xin những người đến thăm nếu lần sau thấy ngài sắp chết thì “phải hét lớn lên kẻ ấy là người tội lỗi”. Lần sau, “vì tình trạng của kẻ ấy và vì mùa đông rất khắc nghiệt, các bà cho kẻ ấy mặc quần áo đầy đủ, mang giày và đội mũ. Họ bắt kẻ ấy phải nhận hai chiếc áo ngoài màu nâu, bằng vải rất thô, và một cái mũ nồi cũng bằng thứ vải ấy.” Hai lần bệnh nặng này cho thấy thánh I-nhã ngày càng trở nên một người bên trong sâu sắc hơn và bên ngoài bình thường hơn.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *