Phụ trang 14
Devotio Moderna
Devotio Moderna là một phong trào canh tân đời sống thiêng liêng phát sinh tại Hà Lan vào cuối thế kỷ XIV, phát triển tại đó trong thế kỷ XV, rồi lan sang các nước khác ở Châu Âu. Có thể nói về đời sống thiêng liêng, thế kỷ XV là thế kỷ của Devotio Moderna.
Hai khuynh hướng lớn chế ngự đời sống và sinh hoạt của Hội Thánh trong thế kỷ XIV là nền tu đức thần bí và nền thần học kinh viện. Người khai sinh Devotio Moderna là Gerard Groote (1340-1384). Sau khi tốt nghiệp đại học, ông gia nhập hàng giáo sĩ và nhận chức kinh sĩ ở Aix-la-Chapelle năm 1368. Sau một cơn bệnh nặng, ông từ bỏ chức vụ và tài sản, gia nhập dòng Chartreux năm 1378. Từ đó, suốt đời ông băn khoăn tìm một hướng đi mới cho đời sống thiêng liêng: vẫn giữ đức tin truyền thống, nhưng đổi mới về tâm tình đạo đức. Thay vì thụ phong linh mục, ông bỏ dòng Chartreux, lập một cộng đoàn nữ tu tại Deventer, rồi một tu viện tại Windesheim. Hai nét mới chính của phong trào: (1) trung dung, không tìm kiếm những điều vượt quá mức của những người bình thường; (2) đời sống nội tâm: suy niệm dưới nhiều hình thức, thay vì chỉ hát kinh thần vụ và hát lễ. Theo Pierre Chaunu[1], Devotio Moderna là “tôn giáo của các giáo sĩ triều và của các giáo dân có học” (Le Temps des Réformes, la crise de la chtétienté, l’éclatement 1250-1550, Fayard 1975).
Gerard Groote qua đời lúc mới 44 tuổi, và Devotio Moderna được Florent Radewijns củng cố và phát triển: hai tổ chức tu trì trở thành Anh Chị Em Đời Sống Chung (sống chung, không có lời khấn) và Hội Dòng Windesheim (đan viện, có lời khấn), phong trào vượt khỏi giới hạn hai tổ chức tu trì và lãnh thổ Hà Lan.
Devotio Moderna suy tàn vào thế kỷ XVI. Tác phẩm tiêu biểu và nổi tiếng nhất của phong trào này là quyển Gương Chúa Giêsu.