Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (V)

Phụ trang 16

Gương Chúa Giêsu

(De Imitatione Jesu của Thomas Hemerken)

 

            Cuốn sách tương đối nhỏ (đã được dịch và khá phổ biến tại Việt Nam từ lâu), được thánh I-nhã gọi thân mật là Gerson nhỏ, thực ra là của Thomas Hemerken (1379/80-1471), đại biểu quan trọng nhất và đầy đủ nhất của Devotio Moderna.

            Trong các sách in thời xưa, người ta thường không ghi tên tác giả. Đã có một thời người ta nghĩ cuốn sách này là của Jean Cherlier (1363-1429), mà người ta quen gọi theo sinh quán là Gerson, nguyên là sinh viên đại học Paris trong 15 năm và chưởng ấn đại học Paris trong 24 năm.

            Tác giả sinh tại Kempen (nên thường được gọi là Kempis), giáo phận Koeln (Đức), nhưng thời ấy thuộc Hà Lan; năm 1406: vào nhà tập đan viện St Agnietenberg ở Zwolle (anh ruột làm bề trên từ 1399), thuộc Hội Dòng Windesheim của phong trào Devotio Moderna; năm 1413 hay 1414: thụ phong linh mục; sau đó làm tập sư: (1) giúp tập sinh; (2) chép sách đạo đức; (3) viết sách đạo đức. Người ta nhận ra tác giả cuốn Gương Chúa Giêsu nhờ đặt trong toàn bộ tác phẩm của tác giả nói riêng và trong phong trào Devotio Moderna nói chung.

Gương Chúa Giêsu được soạn xong muọn nhất là năm 1423 (từ 1424 đã có những bản sao chép tay).

Cấu trúc tác phẩm: (1) 4 phần hoàn toàn biệt lập; (2) trong mỗi phần, các chương nối tiếp nhau không theo một dàn bài nào; (3) trong mỗi chương, tác giả nêu lên hết ý tưởng này đến ý tưởng khác, không có dàn bài chặt chẽ và rõ ràng. Louis Boyer[1] nhắc nhở: “Đừng căn cứ vào tựa sách mà lầm: được gợi hứng từ mấy chữ đầu của bản sưu tập chứ không nêu lên chủ đề cho toàn thể cuốn sách; chủ đề ấy là đời sống nội tâm và bí tích Thánh Thể. Việc bắt chước Chúa Giêsu chỉ là một chủ đề phụ và tương đối ít được đề cập”. Mấy chữ đầu cuốn sách là “Ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm” (Ga 8,12).

            Có thể nói đó là một tập sách hướng dẫn: (1) về đời tu theo tinh thần phong trào Devotio Moderna; (2) những việc đạo đức trong đời tu; (3) những nhân đức của một tu sĩ tốt; (4) suy niệm về sự chết và những điều đến sau đó. Đó là toàn bộ nếp tu của Dòng Windesheim: chúng ta gặp được ở đó những trang chính yếu của Gerard Groot, Florent Radewijns, Joan de Schoonhoven và Joan Vos de Huesden, nghĩa là bốn tác giả cột trụ gầy dựng tinh thần và đường hướng của Dòng.

            Tác giả không quan tâm lắm đến giáo thuyết, nhưng chú trọng đến tu đức thực hành. Khởi điểm của đời sống thiêng liêng theo Gương Chúa Giêsu là: (1) kỷ luật tu viện (thinh lặng, hát thần vụ, làm việc chân tay); (2) các nhân đức Kitô giáo (tuân phục, tiết độ, khiết tịnh, mến Chúa yêu người); (3) các khía cạnh của cuộc sống Chúa Giêsu (gương mẫu cho đời sống tín hữu cũng như đời sống tu sĩ). Đời sống nội tâm được coi là một trong những giá trị cao quý nhất nơi một tu sĩ đạo hạnh. Với giọng văn mạnh mẽ nhưng duyên dáng, tác phẩm có sức thuyết phục rất cao.

André Vauchez (Histoire de la Spiritualité chrétienne, II, Aubier MCMLXI) cho rằng “tầm mức quan trọng của Gương Chúa Giêsu không chỉ ở chỗ nêu lên một quan niệm mới về lòng đạo, xây dựng trên việc siêu thoát khỏi trần gian, và một đời sống thực tế với những đòi hỏi cụ thể thường ngày của người môn đệ, mà còn chứng thực một bước dứt khoát cắt đứt giữa thần học và linh đạo, điều cho đến nay vẫn là một trong những nét tiêu biểu của Hội Thánh Công Giáo Rôma.”

Tiêu biểu cho Devotio Moderna, Gương Chúa Giêsu là chứng tích một giai đoạn lịch sử không chịu giới hạn đời sống đức tin vào những suy tư thuần lý dành riêng cho các nhà thần học hay những chiêm niệm cao siêu dành riêng cho các đan sĩ, nhưng muốn giúp những người bình thường đạt đến mức cao trong đời sống thiêng liêng. Tuy nhiên, cũng tiêu biểu cho Devotio Moderna, Gương Chúa Giêsu nặng phần cá nhân và nội tâm, ít chú ý đến đời sống cộng đoàn và hoạt động tông đồ. Trong một thời gian dài, Gương Chúa Giêsu được nhiều người coi như Tin Mừng Thứ Năm. Tuy nhiên, linh đạo của Devotio ModernaGương Chúa Giêsu là kết tinh không còn đáp ứng nhiều vấn đề lớn trong đời sống thiêng liêng hiện nay nữa.

Chắc Gương Chúa Giêsu đã ảnh hưởng trên đời sống nội tâm cá nhân của thánh I-nhã, và một phần trong Linh Thao, nhưng ít để lại dấu ấn rõ rệt hay đáng kể trong linh đạo nhập thế và tông đồ của Dòng Tên.

 

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *