Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (V)

Trang phục là dấu hiệu bên ngoài cho thấy một hiệp sĩ đang phục vụ ai. Các hiệp sĩ thuộc về cùng một thủ lãnh có trang phục giống nhau và huy hiệu của thủ lãnh. Khi thay đôi thủ lãnh, hiệp sĩ cũng thay đổi trang phục. Trong một cuộc hội diễn, chẳng hạn những ngày mừng vua Carlos I ở Valladolid, các hiệp sĩ mặc trang phục khác nhau, nhưng nhìn vào trang phục, người ta biết hiệp sĩ nào thuộc về ai. Phần nào giống ngày nay như học sinh có đồng phục của trường mình, hay công nhân viên có đồng phục của công ty mình… Do đó, thánh I-nhã không chỉ thay đổi trang phục bên ngoài, nhưng ngài muốn diễn tả việc ngài nhận Chúa Giêsu làm thủ lãnh mới. Sau này, trong Hiến Chương Dòng Tên (số 101), thánh I-nhã muốn người vào Dòng Tên phải mang trang phục của Đức Kitô. Trong Linh Thao, thánh I-nhã cho biết cờ hiệu của Chúa Giêsu là thanh bần, sỉ nhục, khiêm tốn[50]. Cởi bỏ trang phục quý tộc, mang trang phục của người hành hương, thánh I-nhã muốn nói lên việc mình đã là một người mới, đã trở thành hiệp sĩ của Chúa Giêsu, như các thánh mà ngài đọc được trong sách truyện[51]. Trong thư ngày 7.8.1547, thánh I-nhã viết: “Kết thân với người nghèo, chúng ta sẽ trở thành bạn của Đức Vua muôn đời” “Ai tự nguyện trở nên nghèo về của cải trần gian sẽ được giàu có về ân huệ của Thiên Chúa”[52].

Trong trang phục mới, đêm hôm rạng lễ Truyền Tin, thánh I-nhã đến trước tượng Đức Mẹ Đen, có lẽ vào giờ kinh chiều, treo kiếm và dao găm ở bàn thờ , rồi tay cầm gậy, thực hiện đêm “canh thức võ trang”[53]. Canh thức trước tượng Đức Mẹ Đen là tập tục thường xuyên và đã có từ lâu đời[54]. Điều đặc biệt là thánh I-nhã thực hiện đúng theo nghi thức tấn phong hiệp sĩ mà ngài đọc được trong sách truyện[55]. Việc cầu nguyện kéo dài suốt đêm. Hiệp sĩ phải mặc áo giáp, mang kiếm và dao găm, quỳ bao lâu còn quỳ được. Muốn nghỉ, được phép đứng lên, nhưng không bao giờ được ngồi hay nằm. Buổi canh thức chỉ được thực hiện một lần trong đời, vào đêm hôm trước ngày được nhận làm người phục vụ một lãnh chúa. Trước khi canh thức, phải xưng tội và sau khi canh thức phải rước lễ. Chắc chắn thánh I-nhã muốn trở nên hiệp sĩ hay đầy tớ và môn đệ của Chúa Giêsu nhân ngày lễ mừng Chúa nhập thể. Nhìn bên ngoài, có thể ngài làm một điều kỳ dị, nhưng Polanco giải thích: “Như thế, người chiến sĩ mới của Đức Kitô bắt đầu sử dụng võ khí mới để phục vụ, không phải một vua chúa trần gian, nhưng là Đức Vua uy quyền trên trời.”[56]Theo Dudon, nội dung đêm canh thức sau này được chuyển thành bài chiêm niệm Nhập Thể của Linh Thao[57]. Theo Ricardo García-Villoslada, đó là Kinh Dâng Hiến kết thúc Linh Thao[58].

            Có thể nói Montserrat đánh dấu quyết tâm của thánh I-nhã hoàn toàn dứt khoát với quá khứ để trở thành một con người mới, chẳng những trước mặt Thiên Chúa, nhưng ngay cả trước mặt người đời. Ngài đã tặng con la cho đan viện để cám ơn, rồi sau khi dự lễ và rước lễ, có lẽ trước khi trời sáng, ngài đi bộ xuống núi, mình mặc áo vải gai dài đến gót chân, tay cầm gậy dài, chân phải mang dép (vừa đỡ đau ở vết thương cũ, vừa để hai chân cao bằng nhau), lưng đeo balô đựng vài quyển sách, một tay chống gậy, một tay xách bình nước.

            Thánh I-nhã không đi thẳng đến Barcelona để đón tàu đi Rôma và rồi đi Giêrusalem, nhưng ngài hướng về Manresa, một làng cách Montserrat chừng 20 km về hướng bắc. Tại sao? Chính thánh I-nhã cho biết: “Sáng tinh sương, kẻ ấy ra đi, để khỏi ai biết. Kẻ ấy không theo đường đến thẳng Barcelona, vì sợ có thể gặp nhiều người quen biết và kính nể, nhưng đi đường vòng đến một làng gọi là Manresa để lưu lại trong một nhà tế bần, ở đó mấy ngày và ghi chép đôi điều trong cuốn vở kẻ ấy giữ rất cẩn thận và đem lại cho kẻ ấy nhiều an ủi.”[59] Vì ngài không nói rõ, chúng ta có thể phỏng đoán như sau[60]. Một phần vì ngài muốn tránh đoàn của Đức Giáo Hoàng tân cử Adrianô VI[61], một phần vì ngài cần nghỉ ngơi lại sức trước khi thực hiện chuyến đi dài ngày, mặt khác ngài muốn ghi chép những điều cảm nghiệm từ khi rời Loyola, nên Jean Chanon khuyên ngài đến làng Manresa[62]. Sau đó, ở Manresa, người ta cho biết là Barcelona đang bị bệnh dịch hạch hoành hành, không ai được phép vào, nên ngài phải lưu lại[63]. Mấy ngày của thánh I-nhã kéo dài hơn 10 tháng! Theo Javier Melloni Ribas, ‘mấy ngày’ trong tiếng Castellano cổ có nghĩa là ít lâu. Vì đan viện Montserrat chỉ cho một khách hành hương ở tối đa 3 ngày, nên thánh I-nhã theo lời khuyên của cha Jean Chanon đến ở trong nhà tế bần dành cho người nghèo và thỉnh thoảng trở lại gặp cha ở Montserrat[64]. Bên trên những nguyên nhân tự nhiên, có lẽ còn phải thấy là Thiên Chúa thường gây bất ngờ: con người không dễ gì lên chương trình cho Thiên Chúa được[65].

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *