“Trong thời gian này, đôi khi kẻ ấy trao đổi với những người đạo đức kính trọng kẻ ấy và muốn nói chuyện với kẻ ấy, vì mặc dầu không hiểu biết gì các vấn đề của đời sống thiêng liêng, các lời nói của kẻ ấy cho thấy kẻ ấy rất sốt sắng và quyết tâm tiến tới trong việc phục vụ Thiên Chúa. Lúc ấy ở Manresa có một bà đã cao tuổi, đã phục vụ Thiên Chúa từ lâu, được nhiều người ở Tây Ban Nha nhìn nhận như vậy, đến nỗi có lần vị Vua Công Giáo đã mời bà đến để xin ý kiến[94]. Một hôm người phụ nữ ấy nói chuyện với người lính mới của Đức Kitô[95]. Bà nói: ‘Ôi, ước gì có ngày Chúa Giêsu Kitô hiện ra với anh!’ Rất ngạc nhiên và hiểu lời ấy theo nghĩa đen, kẻ ấy đáp lại: Đời nào Chúa Giêsu Kitô lại hiện ra với con!”[96] Chúa vẫn nâng đỡ ngài qua những người đạo đức: chẳng những khích lệ ngài mà còn hướng ngài về một hy vọng được thấy Chúa hiện ra.
“Đến đây, kẻ ấy bắt đầu bị khuấy động mạnh vì các bối rối[97]. Mặc dầu ở Montserrat, kẻ ấy đã xưng tội chung rất cẩn thận, viết hết ra giấy như đã nói, đôi khi kẻ ấy thấy như còn gì đó chưa xưng thú, nên bị dằn vặt nhiều. Mặc dầu có xưng thú hết rồi, kẻ ấy vẫn chưa yên lòng. Vì vậy, kẻ ấy bắt đầu đi tìm những người đạo đức để chữa trị bệnh bối rối. Nhưng uổng công. Cuối cùng, một người thông thái ở nhà thờ Chính Tòa[98], một người rất đạo đức, thường giảng ở nhà thờ ấy, một hôm, trong tòa giải tội, bảo kẻ ấy viết ra tất cả những gì nhớ được. Kẻ ấy làm theo, nhưng sau khi kẻ ấy xưng tội, các bối rối trở lại mỗi lần một tinh vi hơn, nên kẻ ấy hết sức khổ tâm. Kẻ ấy biết là các bối rối ấy làm hại mình nhiều, nên phải xua đuổi đi, nhưng không sao xua đuổi được. Đôi khi kẻ ấy nghĩ là muốn chữa trị được, cha giải tội phải nhân danh Chúa Giêsu ra lệnh cho kẻ ấy không được xưng lại bất cứ điều gì trong quá khứ nữa. Kẻ ấy mong nhận được lệnh như vậy, nhưng không dám đề nghị với cha giải tội. Tuy nhiên, mặc dầu kẻ ấy không nói với cha giải tội, ngài đã ra lệnh cho kẻ ấy không được trở lại với quá khứ, trừ phi có gì rất rõ. Khốn nỗi đối với kẻ ấy cái gì cũng rất rõ, nên lệnh ấy chẳng đem lại ích lợi nào. Day dứt vẫn nguyên.”[99]Như bà mẹ, giờ đây Chúa buông hẳn tay ra, để thánh I-nhã tự đi một mình. Có thể nói ngài chới với như người đang rơi lơ lửng trên không. Những bối rối đưa ngài đến chỗ hoàn toàn mất định hướng.
“Lúc ấy, trong một phòng nhỏ các cha Đaminh cho ở tại đan viện[100], kẻ ấy trung thành mỗi ngày quỳ gối cầu nguyện 7 giờ [101], hôm nào cũng thức dậy vào nửa đêm[102], và làm tất cả các việc đạo đức khác như đã nói[103]. Dầu vậy, kẻ ấy không tìm ra phương thuốc chữa trị bệnh bối rối đã hành hạ mình từ mấy tháng rồi. Một lần, quá rời rã, kẻ ấy đi cầu nguyện và tha thiết kêu gào thật lớn với Thiên Chúa: ‘Lạy Chúa, xin cứu con! Không còn ai, không còn thụ tạo nào cứu chữa được con nữa. Nếu biết phải làm thế nào thì khó khăn đến đâu con cũng làm. Lạy Chúa, xin cho con biết phải tìm ở đâu. Dù có phải đi theo một con chó con để tìm được thuốc chữa trị, con cũng sẽ đi.’ Trong lúc đang miên man với những ý tưởng ấy, các cơn cám dỗ dồn dập tấn công, mãnh liệt thôi thúc kẻ ấy lao mình vào một hố sâu trong phòng, gần nơi kẻ ấy cầu nguyện. Nhưng biết tự tử là phạm tội, nên kẻ ấy lại kêu gào lên: ‘Lạy Chúa, con nhất định không làm gì xúc phạm đến Chúa!’ Kẻ ấy lặp đi lặp lại những lời này cũng như những lời trên kia nhiều lần.”[104] Có lẽ khởi đi từ việc nhớ lại tội lỗi đã phạm trong quá khứ, thánh I-nhã cảm thấy bối rối, và bị khủng hoảng. Ngài không biết có được Chúa tha thứ không, rồi rơi vào tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng. Cuối cùng, ngài bị cám dỗ tự tử[105]. Phần nào giống Giona bị xô xuống vực thẳm: “Ngài đã ném con vào vực sâu, giữa lòng biển, làn nước mênh mông vây bọc con, sóng cồn theo nước cuốn, Ngài để cho tràn ngập thân này” (Gn 2,4).