Một người Tây Ban Nha gặp ngài, giới thiệu với viên Thống Lĩnh Venezia[43], và ngài được nhận vào tàu đi đảo Síp. Trong dịp ấy có hai lễ hội lớn ở Venezia: lễ Thánh Thể[44] và lễ Kết Hôn Với Biển[45]. Nhiều người từ các nơi đến tham dự hai lễ ấy. Tuy nhiên, ngài không quan tâm chút nào.
“Mặc dầu năm ấy có nhiều người hành hương muốn đi Giêrusalem, nhưng hầu hết đã trở về quê, vì đảo Rodos mới bị chiếm[46]. Dầu vậy, vẫn có 13 người trên tàu hành hương; tàu này khởi hành trước, còn 8 hay 9 người khác trên tàu các thống đốc[47]. Tàu này đang chuẩn bị nhổ neo thì kẻ hành hương bị cơn sốt rất cao hành hạ mấy ngày mới hết. Tàu khởi hành đúng hôm kẻ ấy uống thuốc xổ. Những người chủ hỏi thầy thuốc xem kẻ ấy có thể đáp tàu đi Giêrusalem được không, và thầy thuốc trả lời là nếu kẻ ấy muốn đến Giêrusalem để được chôn tại đó, thì chắc chắn là được. Dầu vậy, kẻ ấy cứ xuống tàu hôm ấy. Khi tàu khởi hành, kẻ ấy nôn thốc nôn tháo, nhưng thấy bớt, và tàu đi được ít lâu thì kẻ ấy khỏe hẳn lại. Trên tàu, một số người công khai làm điều dâm ô và tồi bại, và bị kẻ ấy quở trách nghiêm khắc. Những người Tây Ban Nha trên tàu khuyên kẻ ấy đừng nói gì, vì những người trong đoàn thủy thủ đã bàn đến việc bỏ kẻ ấy trên một hòn đảo nào đó. Nhưng Chúa đã cho họ sớm đến đảo Síp. Họ rời tàu ấy, hành khách đi đường bộ đến một cảng khác gọi là Las Salinas[48], cách đó chừng 10 dặm. Tại đó họ xuống tàu hành hương và kẻ ấy không mang theo lương thực nào ngoài lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa, như kẻ ấy đã làm trên chiếc tàu kia[49]. Trong thời gian này, Chúa Giêsu nhiều lần hiện ra với kẻ ấy, làm cho kẻ ấy rất hăng hái và phấn khởi. Làm như kẻ ấy nhìn thấy một vật thể tròn và lớn, hình như bằng vàng; kẻ ấy thấy như vậy từ khi rời đảo Síp đến khi họ tới Jaffa.”[50]
Ngay tại Đất Thánh, ngài cũng không để ý gì đến lịch sử, văn hoá và kiến trúc rất phong phú, chỉ chú tâm đến những nơi ghi dấu Chúa Giêsu và những tâm tình thiêng liêng[51]. “Khi còn cách Giêrusalem chừng 2 dặm, theo thông lệ, một người Tây Ban Nha, có vẻ là một người quí tộc, tên là Diego Manes, sốt sắng đề nghị những người hành hương vì sắp đến điểm họ nhìn thấy Thành Thánh, mọi người nên chuẩn bị tâm hồn và thinh lặng tiến bước. Mọi người cho đó là ý hay, nên ai cũng cầm lòng cầm trí. Một chút trước khi có thể nhìn thấy Thành, họ xuống lừa vì thấy có các tu sĩ mang Thánh Giá chờ đón họ. Khi thấy Thành, kẻ hành hương rất phấn khởi, và mọi người khác cũng cảm thấy như vậy. Họ cho biết là họ cảm nhận một niềm vui không hẳn là tự nhiên.”[52]. Ngài không kể chi tiết những nơi đến viếng, chi ghi nhận tậm tình: “Kẻ ấy cũng cảm thấy sốt sắng như vậy trong tất cả những lần kẻ ấy viếng các Nơi Thánh”[53].
Với những tâm tình sốt sắng nóng bỏng, ngài “quyết tâm ở lại Giêrusalem để thường xuyên viếng các Nơi Thánh. Ngoài ước muốn đạo đức này, kẻ ấy cũng có ý định giúp đỡ các linh hồn”[54]. Nhưng ước nguyện của ngài không thành: bề trên Dòng Thánh Phanxicô, đại diện của Tòa Thánh tại Giêrusalem, không cho phép, và ngài vâng lời. “Vì ý Chúa không muốn cho mình ở lại trên Đất Thánh, kẻ ấy bừng cháy ước nguyện trở lại viếng núi Ôliu lần nữa trước khi ra về. Ở núi Ôliu có một phiến đá Chúa Giêsu đã đứng trên đó trước khi lên trời, và ngày nay người ta còn thấy dấu vết hai bàn chân Chúa. Đó là điều kẻ ấy muốn xem lại. Thế là chẳng nói chẳng rằng, cũng không có người hướng dẫn, (mà đi đâu không có người Thổ Nhĩ Kỳ hướng dẫn thì rất nguy hiểm), kẻ ấy lẻn đoàn ra đi một mình lên núi Ôliu. Các người bảo vệ không chịu cho kẻ ấy vào, nên kẻ ấy cho họ một con dao xếp mang theo trong người. Sau khi đã cầu nguyện với lòng tràn ngập an ủi, kẻ ấy muốn đi Betphaghê. Đến nơi, kẻ ấy mới nhớ là trên núi Ôliu, kẻ ấy chưa để ý bàn chân phải của Chúa quay về hướng nào. Kẻ ấy quay lại và cho những người bảo vệ cái kéo, tôi nghĩ vậy, để họ cho vào. Ở đan viện, khi biết là kẻ ấy đã ra ngoài mà không có ai hướng dẫn, các tu sĩ cho người đi tìm. Lúc kẻ ấy đang ở trên núi Ôliu xuống thì chạm trán một Kitô hữu thắt đai giúp việc tu viện. Anh ta cầm một cây gậy lớn, vẻ mặt hằm hằm, làm như muốn đánh đập kẻ ấy. Lên đến nơi, anh ta chộp thật mạnh cánh tay kẻ ấy. Kẻ hành hương để yên cho anh ta dẫn đi, nhưng anh chàng không chịu buông tay ra. Trên đường, trong khi bị anh chàng Kitô hữu thắt đai giữ chặt, kẻ ấy được Chúa ban ơn an ủi mãnh liệt vì suốt quãng đường làm như kẻ ấy lúc nào cũng thấy Chúa Giêsu ở phía trên. Ơn an ủi này vẫn mãnh liệt cho tới khi kẻ ấy về đến tu viện.”[55]