Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (VIII)

Phụ trang 23

Đại học Paris thời thánh I-nhã

 

Đại học Paris có quy chế chính thức từ năm 1215. Hoạt động giáo dục đã có trước đó từ lâu tại nhà thờ Notre-Dame. Đến thế kỷ thế kỷ XII, một số thầy trò chuyển sang khu vực đồi ở bờ trái, tổ chức dạy và học ngay trên đường. Đến thế kỷ XIII, các học viện dần dần được xây dựng ở khu vực đồi Sainte-Geneviève chẳng bao lâu phát triển rất mạnh và trở nên một trung tâm trí thức hàng đầu của Châu Âu và Hội Thánh. Nhiều dòng tu thiết lập cộng đoàn cho các tu sĩ trẻ từ nhiều nơi đến học. Đại học Paris đã nổi tiếng với những giáo sư thời danh như Pierre Lombard, thánh Albertô Cả, thánh Tôma Aquino… Vì ở khu vực này ngôn ngữ được sử dụng tại các học viện cũng như tại các tu viện là tiếng Latinh nên về sau được gọi là Quartier Latin.

Vào thời thánh I-nhã, số sinh viên theo học tại Paris được ước lượng khoảng từ 4 ngàn đến 20 ngàn, trong đó 2/3 là sinh viên nước ngoài. Về việc ăn ở, các sinh viên tuỳ theo hoàn cảnh có thể nội trú hay ngoại trú. Một sinh viên được học bổng, chẳng hạn Simão Rodrigues, được nội trú tại ký túc xá, được nuôi ăn, ở và học hoàn toàn miễn phí. Một sinh viên không được học bổng cũng có thể nội trú, chẳng hạn chân phước Phêrô Favres và thánh Phanxicô Xavier, nhưng phải trả mọi chi phí. Các sinh viên có thể ăn ở bên ngoài học viện. Nếu gia đình giàu có, sinh viên có thể thuê một phòng riêng, và nhiều khi có cả người giúp việc nữa. Nếu gia đình nghèo, một nhóm sinh viên mướn nhà trọ, ở chung một phòng và tự lo việc ăn uống. Ngoài ra, mỗi giáo sư đều được quyền có một sinh viên giúp việc: sinh viên này được đại học miễn chi phí ăn ở và học. Thánh I-nhã khi mất hết tiền tại nhà trọ đã nghĩ đến giải pháp này, nhưng không thành. Từ năm 1530, khi làm phụ khảo, thánh Phanxicô Xavier cũng có một sinh viên giúp việc. Tất cả cách sinh viên phải mặc đồng phục: áo dài và thắt lưng vải, màu đen nếu là sinh viên thần học, màu nào khác tùy mỗi học viện thuộc các phân khoa khác.

Có 4 phân khoa: Nghệ Thuật, Thần học, Y học và Giáo Luật. Phân khoa Nghệ Thuật có thể gọi là khối Phổ Thông dạy tiếng Latinh, triết học Aristốt và một số kiến thức khoa học như toán, địa lý, thiên văn. Thời ấy chưa có trường tiểu học hay trung học như hiện nay. Đại học nhận sinh viên từ 10 tuổi. Sau khi được coi là thông thạo tiếng Latinh, sinh viên phải học 3 năm rưỡi các môn còn lại. Tốt nghiệp phân khoa Nghệ Thuật, sinh viên được cấp bằng Cử Nhân. Chỉ sau đó, sinh viên mới được tiếp tục học một trong 3 phân khoa khác để lấy bằng tiến sĩ. Tùy theo từng người, thời gian học để được cấp bằng tiến sĩ có thể từ 5 đến 12 năm. Chẳng hạn chân phước Phêrô Favre và thánh Phanxicô Xavier cùng đến Paris học từ năm 1525, lúc 19 tuổi, và tốt nghiệp phân khoa Nghệ Thuật năm 1530, nhưng khi rời Paris năm 1536, cả hai vẫn chưa có bằng tiến sĩ. Giảng dạy tại ba phân khoa sau là các giáo sư có học vị tiến sĩ. Giảng dạy tại phân khoa Nghệ Thuật hầu hết là các phụ khảo mới tốt nghiệp cử nhân và đang theo học tiếp để lấy học vị tiến sĩ. Mỗi năm các giáo viên mời sinh viên của mình đi dự tiệc hai lần: trong dịp ấy, sinh viên nộp tiền học cho các giáo viên.

Việc học được tổ chức trong các học viện. Mỗi học viện gần như một trường biệt lập, do một cá nhân hay một tổ chức thiết lập, có cơ sở riêng, ban giáo sư và sinh viên riêng, hiệu trưởng riêng, ký túc xá riêng, nội quy riêng. Có tổng cộng chừng 60 học viện. Phân khoa Nghệ Thuật chiếm ¾ số sinh viên và số học viện. Các sinh viên và học viện của phân khoa Nghệ Thuật được chia thành 4 khối dân: (1) Khối Normandie gồm các sinh viên gốc miền tây bắc nước Pháp; (2) khối Picardie gồm các sinh viên gốc miền đông bắc nước Pháp; (3) khối Pháp gồm các sinh viên gốc miền đông, miền trung và miền nam Pháp, cùng với các sinh viên gốc Ý, Tây Ban Nha và Bồ đào Nha; (4) khối Anh hay Đức gồm các sinh viên gốc Tô cách lan, Anh, Đức và miền Alsace. Các sinh viên Nghệ Thuật sẽ thi theo khối dân. Các giáo sư Nghệ Thuật mỗi quý họp lại bầu viện trưởng cho toàn thể đại học.

Trừ một số ít các sinh viên giàu sang, hầu hết các sinh viên rất nghèo. Thánh Phanxicô Xavier cho biết ngài phải sống rất cực khổ, và lúc nào cũng thiếu trước hụt sau, ngay cả khi ngài đã làm phụ khảo. Chân phước Phêrô Favre được một linh mục trong gia đình giúp nên sau khi tốt nghiệp cử nhân có thể học thần học mà không cần làm phụ khảo. Thánh I-nhã cũng không cần làm phụ khảo trong lúc học thần học vì được các ân nhân giúp. Kỷ luật mỗi học viện mỗi khác, nhưng nói chung khá khắt khe. Hằng ngày phải dự lễ, đọc kinh, ăn uống chung. Phải dự tất cả các tiết học và các buổi thảo luận. Muốn ra khỏi học viện phải xin phép hiệu trưởng, và phải đi với một người do vị này chỉ định. Phải tham dự các đám rước kiệu do đại học tổ chức, các buổi đón tiếp vua hay các quan chức, và cả các cuộc hành quyết những người bị kết án là lạc giáo. Mỗi tuần sinh viên chỉ có giờ giải trí vào hai buổi chiều. Mỗi năm có khá nhiều kỳ nghỉ: lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh, mùa hè…

Hằng ngày các tiết học thường bắt đầu lúc 5 giờ sáng. Phương pháp của đại học Paris khá đặc biệt vào thời ấy. Các sinh viên học Latinh được phân chia theo trình độ, sinh viên được chỉ định phải học lớp nào với giáo viên nào. Thỉnh thoảng giáo viên tổ chức thi, ai đủ trình độ có thể vượt lớp. Từ khi học triết, chẳng những sinh viên có quyền chọn học viện mà còn được tự do chọn giáo viên nữa. Tuy nhiên, thời hạn tối thiểu để sinh viên được thi cử nhân là phải học triết và các kiến thức khoa học trong ba năm rưỡi. Sau đó, ở cấp tiến sĩ, không ấn định thời gian bắt buộc nữa, nhưng thường khoảng 7-10 năm. Nội dung học ở phân khoa Nghệ Thuật, ngoài phần kiến thức khoa học, gồm luận lý, tâm lý, đạo đức, siêu hình, tất cả theo Aristốt. Các phụ khảo thường theo một cuốn sách giáo khoa có sẵn, chỉ việc cắt nghĩa cho sinh viên. Mỗi ngày thường buổi sáng cũng như buổi chiều sinh viên nghe giáo viên giảng 150 phút, rồi thảo luận 30 phút. Trong khi đó, ở đại học Koln, sinh viên phải nghe giảng buổi sáng 6-7 tiết, chiều 2-4 tiết, và không có giờ thảo luận. Ở tất cả các đại học thời ấy, sinh viên không có giờ học bài riêng, cũng không có giờ tham khảo sách riêng.

Hai điều thánh I-nhã rất thích ở phương pháp Paris là chia lớp học theo trình độ sinh viên và ngoài giờ nghe giảng bài, sinh viên còn có giờ để thảo luận. Sau này ngài sẽ cho các trường học của Dòng Tên theo phương pháp Paris. Nhưng Paris thời thánh I-nhã rõ ràng có hai mặt: một bên là thành trì của học thuật kinh viện đang bị đe dọa, một bên là lò những môn học mới, đặc biệt các cổ ngữ mở đường tìm về nền văn hóa trước Kitô giáo[136].

 

 

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *