Quyết tâm học
Ngài rời Barcelona khoảng đầu tháng 1 và đến Paris vào đầu tháng 2: một mình và đi bộ[3]vượt khoảng 1100 km ngay giữa mùa đông. Lộ trình có thể là Barcelona, Perpignan, Narbonne, Carcassone, Toulouse, Limoges, Bourges, Orléans, Paris. Thánh I-nhã không kể gì về những điều xảy ra trên đường. Ngài vào Paris theo đường Saint-Jacques hiện nay, vốn là con đường mòn đã có từ trước công nguyên, sau này được người Rôma mở rộng thành quan lộ thẳng tắp rộng 9 mét.
Kẻ ấy trọ với mấy người Tây Ban Nha khác và theo các lớp học cổ văn tại Montaigu. Trước đây do học vội học vàng quá, nên kẻ ấy bị mất căn bản. Kẻ ấy cùng học với các trẻ em, theo chương trình và phương pháp Paris[4].
Trước hết hẳn là thánh I-nhã phải tìm một nhà trọ. Ở khu Đại học không thiếu gì các nhà trọ đủ loại cho sinh viên. Đối với những sinh viên giàu sang, họ thuê riêng một phòng và đôi khi có cả người giúp việc nữa. Nhưng đa số sinh viên nghèo hùn nhau thuê và ở chung một phòng. Đó là trường hợp của thánh I-nhã. Ngài mang theo một tín phiếu 25 ecudo, do các ân nhân ở Barcelona tặng, tằn tiện thì đủ chi phí trong hai năm. Ngài ở trọ chung phòng với một số sinh viên khác người Tây Ban Nha. Hiện chúng ta không biết căn nhà ấy ở đâu. Có thể không thiếu phòng trọ ở khu Đại học, nhưng cũng có thể ngài thuê phòng ở xa hơn một chút để giá rẻ hơn.
Điều quan trọng là ngài khởi sự lại từ đầu và chọn học viện Montaigu. Đó là một khu nhà tọa lạc tại nơi hiện nay là thư viện Sainte-Geneviève, bên cạnh điện Panthéon. Học viện được thành lập năm 1314 do đức tổng giám mục Gilles Ayeclin Montaigu của giáo phận Rouen. Năm 1483, Jan van Standonck[5], 40 tuổi, được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Vị này sinh trưởng tại Hà Lan, thọ giáo với các tu sĩ Tu Hội Anh Em Đời Sống Chung theo linh đạo Devotio Moderna. Năm 1490, nhằm chuẩn bị ứng sinh cho hàng giáo sĩ và các dòng tu, ông cho thành lập một hình thức tu hội ngay tại học viện Montaigu, thu nhận các sinh viên nghèo. Họ đi học như các sinh viên khác, nhưng sống thành cộng đoàn, có lời khấn tạm, mặc đồng phục như các tu sĩ, dự lễ và đọc thần vụ như các đan sĩ. Hằng ngày họ đến đứng ở cổng đan viện Chartreux xin ăn. Vào lúc thánh I-nhã đến Paris, nhóm sinh viên nghèo này lên đến khoảng 200 người. Nếp sống thực sự khắc khổ và đạo hạnh của họ, độc đáo tại Paris, có lẽ đã hấp dẫn thánh I-nhã lúc đầu, nhưng khác một điều là ngài quyết tâm dành trọn thời giờ và tâm trí cho việc học.
Các lớp học tiếng Latinh học sinh khoảng từ 9-10 tuổi trở lên, và chia theo trình độ. Có lẽ thánh I-nhã vào học lớp của người mới bặt đầu, mặc dầu đã 37 tuổi, nên mới học chung với trẻ em. Thời gian học Latinh không hạn định, có thể kéo dài nhiều năm cho tới khi được đánh giá là đủ trình độ theo học các môn triết học. Thánh I-nhã học Latinh tại Montaigu khoảng một năm rưỡi.
Ngay khi đến, kẻ ấy đã được một nhà buôn trả cho 25 đồng escudos theo một tín phiếu mang từ Barcelona tới. Kẻ ấy trao cho một người Tây Ban Nha cùng nhà trọ giữ giùm. Nhưng chỉ ít lâu sau, người này tiêu xài hết, không sao hoàn lại được. Thế là sau Mùa Chay, kẻ hành hương trắng tay, một phần do chính mình đã tiêu, một phần vì lý do nêu trên. Kẻ ấy bắt buộc phải đi ăn xin và ngay cả phải rời nhà trọ[6].
Mùa Chay năm 1523 bắt đầu ngày 24 tháng 2. André Ravier cho là điều này xảy ra vào cuối Mùa Chay[7], tức là vào khoảng đầu tháng 4, chỉ sau khoảng hai tháng, thánh I-nhã lại bị ném ra ngoài đường.
Kẻ ấy được nhận vào nhà tế bần Saint-Jacques, bên kia chỗ Các Thánh Anh Hài. Ở đó bất tiện cho việc đi học, vì nhà tế bần cách học viện Montaigu khá xa, mà kẻ ấy phải về nhà tế bần trước khi đổ chuông Truyền Tin thì cửa mới còn mở, và phải chờ trời sáng mới ra khỏi nhà tế bần được. Vì thế kẻ ấy không theo dự đầy đủ các tiết. Một bất tiện khác là kẻ ấy phải đi ăn xin để sống[8].
Saint-Jacques Aux Pèlerins[9] là một khu nhà gồm nhà tế bần, một số nhà trọ, nhà nguyện và một khoảng đất trống, ở cách Montaigu chừng 2 km về hướng bắc. Lúc đầu nhà trọ tiếp đón khách hành hương đi viếng mộ thánh Giacôbê ở Compostela, nước Tây Ban Nha. Vào thời thánh I-nhã, nhà trọ tiếp đón những người nghèo, cho chỗ ngủ, mỗi ngày cho một miếng bánh mì và một chút rượu[10]. Vì không đủ sống, ngài phải đi xin ăn. Ngoài ra, nhà trọ chỉ mở cửa khi mặt trời mọc và đóng cửa khi mặt trời lặn, mà các tiết học đầu tiên ở Montaigu bắt đầu từ 5 giờ sáng, nên ngài không dự được đầy đủ. Ngài đã bỏ việc ăn xin để học, nhưng giờ đây phải ăn xin mà vẫn không học được đầy đủ.
Sống ở nhà tế bần và ăn xin được ít lâu, kẻ ấy thấy việc học hành không tiến bộ bao nhiêu, nên tự hỏi phải làm gì. Vì thấy trong các học viện có những sinh viên giúp việc cho một số phụ khảo và có giờ để học, nên quyết định tìm một chỗ làm. Kẻ ấy tự nghĩ mình sẽ hình dung giáo viên là Đức Kitô, và mỗi sinh viên được gọi bằng tên của một tông đồ, thí dụ Phêrô, Gioan… và dự định này làm cho kẻ ấy vui thích. “Khi giáo viên ra lệnh, mình sẽ nghĩ là Đức Kitô ra lệnh cho mình và khi một người khác ra lệnh, mình sẽ nghĩ là thánh Phêrô ra lệnh cho mình” Kẻ ấy bỏ ra nhiều công để tìm một chỗ làm. Kẻ ấy nhờ anh Castro, nhờ một đan sĩ Chartreux, vì người này quen biết nhiều giáo viên, và nhờ những người khác nữa, nhưng không ai tìm được việc cho kẻ ấy[11].
Chúng ta xem thánh I-nhã tìm cách thoát khỏi tình trạng nan giải ấy thế nào. Về ăn ở, các sinh viên khác nhau khá xa. Học viện Montaigu nhận các sinh viên nghèo, nhưng phải sống khắc khổ và đọc kinh như các tu sĩ, lại phải đi xin ăn: tất cả những điều ấy thánh I-nhã không ngại, nhưng ngài muốn dành nhiều thời giờ cho việc học. Cách ngài đã chọn lúc mới đến, tức là thuê phòng trọ chung, phù hợp nhất với ngài vì nghèo, nhưng có nhiều thời giờ để học. Ở Paris còn một giải pháp khác: giúp việc một giáo sư. Mỗi giáo sư thường có một sinh viên “cần vụ”, tức là giúp những việc lặt vặt trong đời sống hằng ngày, và được nuôi ăn ở. Thánh I-nhã nghĩ đến giải pháp ấy. Tuy nhiên, ngài không tìm được Đức Kitô và các tông đồ của ngài như lòng mong ước.
Không tìm ra giải pháp, có lần kẻ ấy được một tu sĩ người Tây Ban Nha cho biết là tốt hơn mỗi năm nên đến miền Flanders, bỏ ra hai tháng, có thể ít hơn, và trở về với tiền đủ để học cả năm. Kẻ ấy trình bày với Thiên Chúa, và thấy điều ấy tốt. Theo lời khuyên ấy, hằng năm kẻ ấy mang từ Flanders về số tiền tạm đủ sống. Có một lần kẻ ấy sang cả nước Anh và nhận được của bố thí nhiều hơn các năm khác[12].
Hai nước Bỉ và Hà Lan thời ấy được gọi chung là xứ Flandres hay Flanders cùng có chung hoàng đế Karl V với Tây Ban Nha, nên có nhiều người Tây Ban Nha đến đó sinh sống, đặc biệt ở hai thành phố Antwerpen và Bruges, hiện nay thuộc Bỉ. Họ thường là giáo sư hay thương gia giàu có. Thánh I-nhã đi Bỉ ba chuyến vào các kỳ nghỉ năm 1529, 1530 và 1531. Ngài được đồng hương tiếp đón nồng hậu và giúp đỡ tận tình. Ở Antwerpen, hai gia đình Pedro Quadrato và Juan de Cuellar là những ân nhân lớn. Ở cửa nhà gia đình sau, gần nhà thờ Thánh Giacôbê, mãi đến thế kỷ XVIII, người ta còn thấy một bức tượng bán thân của thánh I-nhã rất được dân chúng sùng mộ, với bảng lưu niệm: S. Ignacio, S.J.F., In hac domo Olim hospitato, Sac[13]. Ở Bruges[14], gia đình Gonzales Aguilerq vừa giàu có vừa ngoan đạo cũng hết lòng giúp đỡ ngài. Sau này, khi có dịp đến Paris, ông thường đến thăm và ở lại với thánh I-nhã tại Học viện Sainte-Barbe. Gần nhà ông có một vị giáo sư nổi tiếng: Juan Luis Vives[15], từng là giáo sư Latinh ở đại học Louvain, rồi gia sư của công chúa Mary Tudor[16] tại Luân đôn, xuất bản nhiều tác phẩm được nhiều người hâm mộ. Một lần ông mời thánh I-nhã đến ăn cơm chung với một số vị khách khác. Ông cảm phục ngài về những hiểu biết sâu xa và những tâm tình thiêng liêng, nên nói với các bạn: Đó là một vị thánh, sau này sẽ lập một dòng tu. Mùa hè năm 1531, thánh I-nhã sang Luân đôn, hẳn là do giáo sư Vives giới thiệu. Chúng ta không biết thêm chi tiết về chuyến đi này, ngoại trừ kết quả: thánh I-nhã nhận được của bố thí nhiều hơn hai lần trước. Sau đó, các ân nhân miễn cho việc ngài phải đi: họ gởi hoặc đem tiền đến Paris giúp đỡ ngài. Có người đặt vấn đề: ngài thuộc gia đình quý tộc, đi ăn xin là làm nhục gia đình, nên đó là phạm tội. Ngài hỏi ý kiến các giáo sư thần học và yên tâm vì theo họ ăn xin vì muốn bắt chước đời sống nghèo khó của Chúa Giêsu và các thánh là điều rất tốt, không có tội gì. Tại sao ngài thành công? Một phần có thể là vì dòng dõi và tên tuổi ngài từng được biết đến ở Tây Ban Nha, nhưng điều chính yếu chắc chắn là đời sống và định hướng của ngài khiến người ta khâm phục và quý mến.
Từ khi đi Flanders về lần đầu, kẻ ấy bắt đầu dành nhiều thời giờ hơn để nói chuyện về đời sống thiêng liêng. Kẻ ấy hướng dẫn Linh Thao gần như đồng thời cho ba người, đó là Peralta, Castro ở Sorbonne, và một người Basco tên là Amador đang học ở Sainte-Barbe. Cả ba thay đổi đời sống rất nhiều. Có gì họ cho người nghèo hết, kể cả sách, và bắt đầu đi xin ăn tại Paris[17].
Sau lần đi Bỉ năm 1528, thánh I-nhã rời nhà tế bần Saint-Jaques. Ngài ở đâu, chúng ta không biết rõ, nhưng có thể ngài trọ ở gần Montaigu. Tạm đủ sống, ngài bắt đầu làm việc tông đồ đôi chút.