Những người bạn trong Chúa
Có lẽ qua việc quy tụ một số sinh viên mà ngài gọi là “những người bạn trong Chúa”, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn sức và cách thu hút của ngài.
Lúc mới hoán cải, thánh I-nhã chỉ nghĩ đến vào dòng Chartreux hay sống một mình phần nào như ẩn sĩ để được tự do hãm nhận đền tội. Khi ngài bắt đầu đi học tại Barcelona, có ba thanh niên muốn chia sẻ cách sống của ngài, mặc dầu hình như ngài không có ý chiêu dụ. Đến Alcalá thêm người thứ tư, và thế là một nhóm các bạn cùng chí hướng thực sự thành hình. Qua cuộc khủng hoảng Salamanca, nhóm đứng vững. Nhưng khi ngài đi Paris, nhóm ấy tan rã nhanh chóng.
Như họ đã thỏa thuận trước, từ Paris, kẻ hành hương thường xuyên viết thư cho họ về việc khó đem họ đến Paris học được. Kẻ ấy có viết thư cho Dona Leonor Mascarenhas, xin bà viết thư cho triều đình vua Bồ Đào Nha để xin một suất học bổng tại Paris do nhà vua ban. Bà có gởi thư cho Calixto, tặng một con la để đi đường và tiền để chi tiêu. Calixto đến triều đình Bồ Đào Nha, nhưng cuối cùng không đi Paris. Anh ấy về lại Tây Ban Nha rồi đến Ấn Độ của hoàng đế[83] cùng với một phụ nữ đạo đức. Sau đó, anh về lại Tây Ban Nha, rồi đi Ấn độ nữa. Cuối cùng, anh ấy quay về Tây Ban Nha, lần này đã giàu có, làm cho mọi người từng quen biết anh ấy ở Salamanca trước kia đều ngạc nhiên. Caceres về quê ở Segovia sống như thể đã quên mất ý định ban đầu. Arteaga được phong làm nghĩa sĩ[84]. Sau đó, khi Dòng Tên đã được thành lập ở Rôma, anh ấy được đề cử làm giám mục ở Ấn Độ[85]. Anh ấy viết thư cho kẻ hành hương để nhường chức vụ ấy cho một anh em trong Dòng. Khi kẻ ấy từ chối, anh ấy thụ phong giám mục, rồi sang Ấn Độ của hoàng đế, nhưng chết trong hoàn cảnh khá lạ thường. Lúc bị bệnh, anh ấy có hai chai để đựng nước giải khát, một chai nước do thầy thuốc chỉ định, chai kia đựng nước có chất độc. Người ta cho anh ấy uống lộn chai có chất độc, thế là anh ấy chết[86].
Khi đi Paris, chẳng những ngài mong muốn duy trì nhóm bạn cũ mà còn muốn mở rộng thêm nữa. Có thể 3 người trẻ tập Linh Thao năm 1529 là một cố gắng của ngài trong chiều hướng ấy. Tuy nhiên, nhóm sau còn tan rã may hơn nhóm trước nữa. Phải làm gì? Chắc chắn ngài tự hỏi như vậy. Có lẽ ban đầu ngài nghĩ mọi sự đều đơn giản và dễ dàng. Nhóm thứ nhất gồm 4 thanh niên vừa ít tuổi vừa ít học, chưa chín chắn về ơn gọi. Nhóm thứ hai gồm 3 người lớn tuổi hơn và có học hơn, nhưng vội vàng quá. Họ nhiệt thành, nhưng khá bồng bột. Rút kinh nghiệm, ngài thấy phải kiên nhẫn hơn: cần tuyển chọn kỹ lưỡng hơn và huấn luyện đầy đủ hơn.
Hai người bạn đầu tiên trong nhóm bạn Paris chính là hai sinh viên ở chung phòng với ngài tại học viện Sainte-Barbe: Pierre Favre và Francisco Javier.
“Tạ ơn Chúa Quan Phòng đến muôn đời vì Người an bài để tôi gặp con người thánh thiện ấy[87] vì ích lợi và phần rỗi của tôi: chính Người đã sắp xếp để ban đầu tôi dạy ngài, qua đó chúng tôi thiết lập mối liên hệ khởi sự chỉ là bên ngoài, dần dần nội tâm hơn, sau đó hai người trở nên thân thiết: ở cùng phòng, ăn cùng bàn, tiêu cùng quỹ. Cuối cùng ngài trở thành thầy dạy tôi về đời sống thiêng liêng. Ngài dạy tôi quy tắc và phương pháp để nhận biết thánh ý Thiên Chúa. Chúng tôi từ hai đã trở thành một trong ước nguyện và ý chí, với quyết tâm chọn cách sống hiện nay của chúng tôi, tức là của tất cả các thành viên hiện tại và tương lai của Dòng mà tôi thấy mình không xứng đáng làm thành viên.”[88]
Trên đây là lời của chân phước Phêrô Favre, như chúng ta quen gọi ngày nay. Ngài sinh năm 1506 tại xứ Savoie, miền đông nam nước Pháp hiện nay, và đến Paris học từ năm 1525. Năm 1529, khi thánh I-nhã đến Sainte-Barbe để bắt đầu học triết, chân phước Favre bước vào năm học cuối của giai đoạn triết. Phụ khảo Pena nhờ ngài giúp thánh I-nhã đọc các bản văn Hilạp. Cha mẹ ngài là nông dân nghèo. Tâm hồn trong trắng như một thiên thần và rất ngoan đạo, nhưng ngài hay bối rối cả về một vài tội lỗi lúc còn nhỏ cũng như về cuộc sống tương lai. Chừng cuối năm 1531, ngài quyết định theo cách sống của thánh I-nhã. Ngài là người đầu tiên trong nhóm những người bạn trong Chúa của thánh I-nhã. Đầu năm 1534, ngài tập Linh Thao 30 ngày do thánh I-nhã hướng dẫn. Kế đến, ngài thụ phong linh mục vào tháng 7.
Trường hợp của thánh Phanxicô Xavier khó hơn. Cũng như chân phước Phêrô Favre, ngài sinh năm 1506 và đến Paris học tại Sainte-Barbe từ năm 1525. Tuy nhiên, hai người khác nhau rất nhiều. Thánh Phanxicô Xavier thuộc dòng dõi quý tộc Navarra; cha ngài từng là chủ tịch Hội Đồng Hoàng Triều của vương quốc. Khi vua Fernando Công Giáo xâm lăng rồi sát nhập Navarra vào Tây Ban Nha, cha ngài chạy theo vua sang Pháp rồi chẳng bao lâu sau qua đời. Khi quân đội Pháp công hãm Pamplona năm 1521, thánh I-nhã ở trong pháo đài, còn hai anh của thánh Phanxicô Xavier chiến đấu bên cạnh quân Pháp ở bên ngoài. Khi quân Tây Ban Nha tái chiếm Pamplona, lâu đài Javier của gia đình ngài bị phá huỷ gần hết. Đặc biệt ngài đến Paris học với ước mong sau này hưởng vinh hoa phú quý. Tại Sainte-Barbe, ngài và chân phước Phêrô Favre ở chung một phòng, học chung một thầy, nên hai người mau chóng trở thành bạn. Nhưng khi thánh I-nhã đến ở chung phòng, hẳn là thánh Phanxicô Xavier không dễ dàng và mau chóng trở thành bạn được. Thực ra hai người chỉ ở chung phòng trong năm học 1529-1530, vì từ tháng 10.1530, thánh Phanxicô Xavier làm phụ khảo tại học viện Beauvais, nên phải đến ở đó.
Thánh I-nhã đã chinh phục thánh Phanxicô Xavier thế nào? Chúng ta thường nghĩ thánh I-nhã chỉ cần nhắc đi nhắc lại với thánh Phanxicô Xavier một lời nói của Chúa Giêsu, “Được cả thế gian mà mất sự sống mình thì được ích gì?” Thực ra đó là cách giải thích của Oratio Torselini, người đầu tiên viết tiểu sử thánh Phanxicô Xavier[89]. Nói cho đúng thì chúng ta không có một chứng từ nào của thánh I-nhã, của thánh Phanxicô Xavier hay các chứng nhân trực tiếp. Torselini cũng không nên lên một chứng từ nào. Tác giả này viết tiểu sử theo quan điểm của thời ấy: nhiều điều chỉ do suy đoán. Sau này, từ Châu Á viết thư về Châu Âu, nhiều lần thánh Phanxicô Xavier trích câu nói của Chúa Giêsu: “Được cả thế gian mà mất sự sống mình thì được ích gì.” Có lẽ vì thế Torselini nghĩ rằng lời ấy đã do thánh I-nhã nói với ngài trước. Nhưng chắc sự thật không đơn giản như vậy.
Năm 1531, thánh Phanxicô Xavier viết thư về gia đình xin giấy chứng nhận thuộc dòng dõi quý tộc. Lúc ấy ngài ở học viện Beauvais và chắc thánh I-nhã chưa chinh phục được ngài. Theo Georg Schurhammer, diễn tiến khá phức tạp và lâu dài[90]. Thánh Phanxicô Xavier lúc ấy túng thiếu, phải sống nhờ đóng góp của sinh viên và cả trợ cấp của gia đình. Muốn sống như một nhà quý tộc, ngài còn thuê một sinh viên giúp việc, nên phải nuôi ăn và trả lương. Ngoài ra hình như vì nghi ngờ ngài theo nhóm rối đạo, anh ngài cắt trợ cấp. Do đó, ngài “lúc nào cũng thiếu trước hụt sau”[91], “thiếu thốn và khổ cực”, “cùng cực và khốn khổ”[92]. Thánh I-nhã làm gì? Chắc chắn trong thời gian sống cùng phòng, hai người thường xuyên gặp nhau và chắc thánh I-nhã có dịp nói chuyện về đời sống thiêng liêng và tông đồ với ngài. Tuy nhiên, ngài “liên tiếp cự lại lời kêu gọi của thánh I-nhã và từ chối suy xét về những điều thánh I-nhã gợi lên”[93]. Chính thánh Phanxicô Xavier cho biết thánh I-nhã đã giúp đỡ ngài thế nào: “Chúa đã ban ân huệ lớn lao khi cho em được biết ngài Inigo. Qua thư này, em muốn nhìn nhận là bao lâu còn sống, không bao giờ em trả được món nợ cho ngài, chẳng những vì ngài đã thường xuyên giúp em về tiền bạc hay qua bạn bè, khi em thiếu thốn, mà còn đã là động cơ thúc đẩy em bỏ một số bạn xấu mà do thiếu kinh nghiệm, lúc ấy em chưa nhận ra. Hiện nay, các lạc giáo đã tràn ngập Paris, nhưng cho dù được cả thế giới này em cũng không thèm theo họ. Riêng về điểm này thôi, em chưa biết chừng nào mới trả ơn cho ngài Inigo được, chính ngài đã giúp em không chuyện trò hoặc liên lạc gì với những người bề ngoài xem ra tốt lành, nhưng bên trong đầy lầm lạc, như công việc của họ cho thấy.[94]” Như vậy, thánh I-nhã giúp cả về vật chất khi ngài thiếu thốn, và đặc biệt giúp ngài tránh được những người rối đạo. Theo Polanco, thánh I-nhã cũng giúp ngài bằng cách giới thiệu với các sinh viên để học với ngài[95]. Theo Schurhammer, ngài quyết định theo thánh I-nhã khoảng giữa tháng 12.1532 và tháng 6.1533. Theo Edmond Auger, Polanco cho biết ngài là nắm bột thô nhất thánh I-nhã phải nhào nắn[96]. Sau khi quyết tâm theo thánh I-nhã, ngài không cần đến giấy chứng nhận quý tộc nữa, cũng không cần đến sinh viên giúp việc nữa. Sinh viên này tên là Miguel Landivar, một phần vì mất nơi nương tựa, một phần vì cho là chủ mình bị thánh I-nhã mê hoặc, nên một hôm định ám sát thánh I-nhã, nhưng anh bị ngài thuyết phục, ít là trong một thời gian[97].
Qua hai thí dụ tiêu biểu trên đây, chúng ta có thể rút ra một số kết luận về sức và cách thu hút của thánh I-nhã. Trước hết phải kể đến đời sống thánh thiện của ngài. Chân phước Phêrô Favre gọi ngài là con người thánh thiện. Thánh Phanxicô Xavier gọi ngài là “con người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, đời sống không có gì chê trách được”[98]. Đó là sức mạnh chính yếu của ngài, trong khi thường đó là điểm yếu của các giáo sĩ, các tu sĩ và các giáo sư đương thời. Sau này, Simon Rodriges, Alfonso Salmeron và Bobadilla cũng cho biết như vậy. Thứ đến, ngài là một thiên tài về nhận định, nhờ kinh nghiệm thiêng liêng và có lẽ phải nói đến một ân sủng đặc biệt. Ngài giúp chân phước Phêrô Favre thoát khỏi bối rối cũng như nhận ra ý Chúa về bậc sống. Ngài giúp thánh Phanxicô Xavier tránh các bạn xấu, tức là nhóm lạc giáo. Lòng nhiệt thành tông đồ của ngài chắc chắn cũng đã thu hút những trái tim quảng đại: trong khi người ta thường học hành để tìm vinh hoa phú quý, ngài học để giúp đỡ các linh hồn. Trung thành với Hội Thánh, nhưng ngài có cái nhìn cởi mở và tích cực chứ không như một kẻ nô lệ mù quáng: có lẽ đó cũng là điều thu hút những thanh niên ngoan đạo và có học. Đối với mỗi trường hợp cụ thể, ngài theo một cách tiếp cận riêng, thích ứng với từng người: với chân phước Phêrô Favre khác, với thánh Phanxicô Xavier khác. Chắc chắn phải kể đến vai trò cốt lõi của Linh Thao: mỗi người được ngài dẫn đến gặp gỡ trực tiếp Chúa Giêsu để trở nên bạn và cộng tác viên của Đấng Cứu Thế. Cuối cùng hình như ngài đề nghị với họ cùng nhau đi tìm ý Chúa, trong một cái nhìn thật rộng và thật xa, chứ không chỉ dán mắt vào những vấn đề trước mắt. Dầu vậy, ngài rất thực tế chứ không viển vông: giúp người khác cả về vật chất lẫn tinh thần. Có lẽ ngài sống âm thầm và khiêm tốn, ít ai biết đến, nhưng ai tiếp xúc thân mật với ngài, nhất là tiếp xúc nhiều, sẽ bị ngài thu hút, khó lòng cưỡng lại mãi được.
Sau chân phước Phêrô Favre và thánh Phanxicô Xavier đến lượt 4 sinh viên khác.
Simão Rodrigues sinh năm 1509 tại Vouzela, miền bắc Bồ Đào Nha, trong một gia đình quí phái và giàu có. Ngài lớn lên tại kinh thành Lisbõa dưới sự coi sóc của vị niên trưởng tuyên uý hoàng gia. Ngài đến Paris học năm 1527, có lẽ được hưởng một trong 50 suất học bổng vua João III cấp. Ngài chia sẻ: “Tôi được từ trên cao thúc giục chuyển cách sống trước đây của tôi thành một của lễ hoàn hảo dâng lên Thiên Chúa. Chưa bao giờ tôi trao đổi với cha I-nhã trước, nhưng cha rất nổi tiếng là thánh thiện, nên khi được biết, tôi bày tỏ với cha các tâm tư thầm kín. Trước đó, tôi không hề biết dự định của ba bạn kia sẽ đi Giêrusalem và dâng hiến đời mình để cứu giúp các linh hồn.[99]” Như vậy, chính ngài đã có sáng kiến đến với thánh I-nhã, chứ không phải do thánh I-nhã tìm cách chinh phục.Trong cuốn Dòng Tên Khai Sinh và Phát Triển, cha Rodrigues kể tên các bạn theo thứ tự vào nhóm, và đặt tên mình ngay sau thánh Phanxicô Xavier. Trong cuốn Hạnh Thánh I-nhã, cha Polanco lại đặt ngài ở vị trí cuối. Có lẽ vì sau này ngài gây nhiều rắc rối trong Dòng nên bị cha Polanco coi như người chót hết. Khi ngài nói ‘ba bạn kia’, có lẽ chỉ thánh I-nhã, chân phước Phêrô Favre và thánh Phanxicô Xavier. Sau này, về cuối đời, ngài sẽ gây không ít khó khăn cho thánh I-nhã.
Diego Lainez và Alfonso Salmeron. Hai người gặp nhau năm 1526 tại đại học Alcalá, miền trung Tây Ban Nha, lúc thánh I-nhã cũng học tại đó, và trở thành một ‘cặp bài trùng’. Diego Lainez sinh năm 1512 tại Almazan, miền trung Tây Ban Nha. Gia đình ngài thuộc hàng danh giá và khá giả gốc Do Thái. Ngài có dáng dấp nhỏ bé và yếu ớt, nhưng rất thông minh, nhạy bén, cần cù, lịch thiệp và dễ mến. Alfonso Salmeron sinh năm 1515 tại Toledo, miền trung Tây Ban Nha, trong một gia đình nghèo nhưng hiếu học. Ngài là thành viên trẻ nhất trong nhóm, có dáng dấp vừa phải, rất khỏe mạnh và rất vui tính. Có người cho rằng cả hai đi Paris để gặp lại thánh I-nhã, vì lúc còn ở Alcalá, ngài đã nổi tiếng là thánh thiện. Ngược lại, cũng có người cho rằng hai người đi Paris để đào sâu triết học và thần học, rồi bất ngờ may mắn gặp lại thánh I-nhã ngay trong ngày đầu tiên. Dầu sao, chắc chắn cả hai đã gặp thánh I-nhã ngay trong những ngày đầu tiên ở Paris, năm 1533, sau đó được ngài hướng dẫn và giúp đỡ ‘cả về vật chất’. Chúng ta không biết quyết định theo thánh I-nhã là quyết định riêng mỗi người hay cả hai đã bàn bạc rồi đi đến quyết định chung. Sau này, cha Laínez sẽ là nhà thần học nổi bật tại Công đồng Trento và Bề Trên Cả thứ hai của Dòng Tên, còn cha Salmeron sẽ là một tông đồ xuất sắc trong nhiều lãnh vực.
Nicolas Babadilla sinh năm 1509 tại Bobadilla, miền bắc Tây Ban Nha. Chúng ta không biết tên thật của ngài là gì, vì ngài luôn luôn được người khác lấy sinh quán làm tên để gọi. Là con gia đình nghèo, ngài đã cố gắng học hết đại học tại Alcalá, rồi đi dạy học. Vì muốn học thêm tiếng Latinh, tiếng Hilạp và tiếng Hipri, ngài đến Paris trễ nhất là mùa thu năm 1533. Ngài gặp thánh I-nhã và nhóm bạn khoảng đầu năm 1534, và theo lời khuyên của thánh I-nhã thay vì đi học ngôn ngữ thì học thần học. Sau này, ngài là một thành viên phản kháng nổi tiếng trong Dòng Tên, nhưng là một tông đồ nhiệt thành không biết mệt mỏi. Ngài cũng sẽ là người cuối cùng trong nhóm qua đời (năm 1590).
Cũng phải kể đến trường hợp ngài tạm thời thất bại với Jerónimo Nadal. Nadal sinh năm 1507 tại Palma trên đảo Mallorca, đã học ở Alcalá và biết thánh I-nhã ở đó. Sau đó đến Paris học thần học. Một ngày đầu năm 1535, thánh I-nhã gặp Nadal ở xóm Saint-Jacques, ngoại ô Paris thời ấy. Hai người hỏi thăm nhau. Nadal cho biết vừa mới bệnh nặng, tưởng chết, nên sợ. Thánh I-nhã:
– Tội nghiệp! Sao lại sợ?
– Chẳng lẽ anh không sợ chết sao? Chúa Giêsu cũng sợ mà!
– Từ 15 năm rồi, tôi không sợ chết nữa.
Sau đó, Laínez rồi Favre đến gặp Nadal, hình như theo ý thánh I-nhã, có ý mời gia nhập nhóm. Cả cha Miona, linh hướng của thánh I-nhã đồng thời là linh hướng của Nadal, cũng khuyên Nadal theo thánh I-nhã, nhưng Nadal hỏi ngược lại: “Cha không theo, tại sao lại muốn con theo?”[100] Một hôm thánh I-nhã dẫn Nadal đến một nhà nguyện nhỏ trước cửa tu viện dòng Đaminh. Đến gần giếng rửa tội, ngài đọc cho Nadal nghe thư ngài viết cho một người cháu về “đời sống hoàn thiện và xa lánh thế gian”. Ra đến cửa nhà nguyện, Nadal giơ cuốn Tân Ước cầm trong tay và nói với thánh I-nhã: “ Sách mà tôi muốn theo là cuốn này; còn các anh, tôi không biết sẽ đi đến đâu. Đừng nói với tôi thêm về những điều ấy nữa. Để mặc cho tôi yên.”[101]
Chúng ta thấy rõ là thánh I-nhã tìm đủ mọi cách để chinh phục Nadal, nhưng lúc ấy chưa thành công ngay. Một điểm nữa chúng ta cũng thấy được là vai trò của những người bạn: một khi trở nên bạn của thánh I-nhã, họ muốn người khác cũng trở thành bạn của ngài. Có thể chân phước Phêrô Favre đã đóng một vai trò khá quan trọng đối với trường hợp thánh Phanxicô Xavier, và nhất là 3 trường hợp sau khi thánh I-nhã rời Paris.
Thánh I-nhã không hề kêu gọi lập một nhóm, rồi mời người này người kia gia nhập. Ngài thu phục từng người riêng rẽ và tiếp tục đều đặn gặp gỡ riêng từng người. Mỗi sáng Chúa Nhật, ngài và các bạn đến đan viện Vauvert để xưng tội và dự lễ. Sau đó, họ gặp gỡ và trao đổi. Dần dần, có người bỏ, có người giữ, đặc biệt 6 người trên đây gắn bó với ngài. Khoảng Mùa Chay năm 1534, ngài và 6 người bạn cùng chí hướng liên kết với nhau thành một nhóm. Lần lượt từng người tập Linh Thao một tháng do thánh I-nhã hướng dẫn, khởi đầu là chân phước Phêrô Favre vào tháng 1 và kết thúc với thánh Phanxicô Xavier vào tháng 9. Kết quả tất cả đều muốn theo Đức Kitô trong thanh bần và tận hiến để phục vụ Thiên Chúa. Chắc chắn liên tục trong mấy tháng, đặc biệt những ngày mùa hè được nghỉ học, họ trao đổi với nhau về Hội Thánh, về tương lai…[102]. Dần dần một dự tính chung thành hình: tất cả sẽ làm linh mục[103] và đi hành hương Giêrusalem. Quyết tâm và dự tính ấy được diễn tả qua lời khấn tại Montmartre ngày 15.8.1534.