“Non coerceri a maximo, contineri tamen a minimo, divinum est” (không bị giới hạn bởi cái lớn nhất, nhưng được chứa đựng trong cái nhỏ nhất, đó là thực tại thần linh).
Câu phương châm trên của một tác giả vô danh, được viết ra như một văn bia nhằm tôn vinh Thánh Inhaxiô, trong một tác phẩm đồ sộ (nghìn trang): Imago primi soeculi Societatis Jesu (hình ảnh thế kỷ đầu tiên của Dòng Chúa Giêsu), để kỷ niệm 100 năm sáng lập Dòng (1640). Trong một câu súc tích, những nét căn bản về con người và công việc của Thánh Inhaxiô được gợi lên. Câu phương châm vắn gọn đã trở nên đề tài suy tư cho nhiều thế hệ. Nhà thơ Hölderlin (1770-1843) đặc biệt yêu thích câu này nên đã ghi lại trên trang đầu như phương châm gợi hứng cho tác phẩm Hyperion của ông.
Thực ra có nhiều cách chú giải câu này. Nhưng ý tưởng nổi bật là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời Thánh Inhaxiô. Hoặc viễn tượng của Thánh Inhaxiô về Thiên Chúa và thế giới. Thiên Chúa muôn trùng cao cả, nhưng nghiêng mình xuống những gì là bé nhỏ. Nơi Thiên Chúa cái lớn nhất hòa hợp với cái nhỏ nhất, không tách rời, không phân chia. Nhà thần nhiệm Bayazid Bastami viết: “Dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa là ban cho người Chúa yêu ba đặc tính: Một lòng quảng đại như đại dương, một sự tốt lành như mặt trời, và một sự khiêm tốn như mặt đất.” Trong đời sống của Inhaxiô, ba nét đặc trưng này thật sáng tỏ.
Thánh Inhaxiô đề nghị người đi Linh Thao có “lòng quảng đại và hào hiệp” (Linh Thao 5). Đó là tinh thần Magis (hơn nữa) trong tình yêu của Inhaxiô đối với Thiên Chúa và sự cứu rỗi các linh hồn. Ước ao được phụng sự Thiên Chúa với mức độ cao nhất trong hiểu biết của mình. Tình yêu ngày càng gia tăng thúc giục ngài xả thân để làm vinh danh Thiên Chúa hơn nữa. Tuy nhiên, đây không phải tình yêu mù quáng của những kẻ cuồng tín, nhưng là một tình yêu biết phân định (caritas discreta): chọn lựa yêu thương theo cách của Thiên Chúa, tức theo ý muốn Thiên Chúa. Tình yêu đòi hỏi magis tự nó không có giới hạn, nhưng bị giới hạn trong thực tế bởi việc phục vụ trong Hội thánh hữu hình, trong những hoàn cảnh văn hóa-xã hội của loài người. Tìm thấy Chúa trong cái lớn nhất cũng như cái nhỏ nhất. Yêu mến trời và đất, linh hồn cũng như cũng như thể xác. Theo tinh thần của việc phân định thần loại, khát vọng lớn lao làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ mọi người luôn vô hạn, nhưng thực hiện trong những công việc rất nhỏ trong lòng Giáo Hội, trong đời sống thường nhật. Vắn tắt, nơi Inhaxiô tình yêu vô biên đã nhập thể trong việc phục vụ khiêm tốn.
Inhaxiô là một vị đại thánh cho Giáo Hội và một nhân cách lớn cho xã hội. Hay đúng hơn, một thiên tài trong lịch sử loài người. Nơi ngài, ân sủng và tự nhiên hòa hợp cách mỹ mãn để biến đổi một hiệp sĩ đầy tham vọng thế tục thành một vị thánh lớn để bước theo Chúa Kitô xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa và phục vụ mọi người.
Thật khó mà mô tả đầy đủ những đức tính phong phú và có phần đối nghịch của Inhaxiô : hăng hái nhưng biết kềm chế; dũng cảm, quyết tâm, nhưng đơn sơ, cẩn trọng; mạnh mẽ, cương nghị nhưng dịu dàng, yêu thương. Một con người của những khát vọng lớn lao. Cả những tham vọng, đam mê thế tục. Trước khi hoán cải, phục vụ vua chúa trần gian, tim kiếm danh vọng cho bản thân. Sau khi hoán cải, cũng với khát vọng và hoài bảo lớn lao cố hữu, nhưng được thanh luyện, để không còn tìm kiếm chính mình mà tìm vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn.
Con út trong một gia đình quý tộc có 13 anh em. Lớn lên trong cung điện vua chúa, ngài phục vụ Công tước Najera, tiểu vương Navarre. Thich vui chơi, tìm kiếm danh dự, vinh quang trong binh nghiệp, như một hiệp sĩ. Muốn lôi kéo sự chú ý của các bà, nhất là một tiểu thư đài các.
Cho đến 30 tuổi, Inhaxiô được ơn hoán cải. Chúa đến với ngài, qua một biến cố bất ngờ.
Năm 1521, trong trận chiến chống quân Pháp, ở Pamplona, ngài bị thương nặng ở chân. Sau giải phẩu, ngài phải nghỉ dưỡng lâu ngày ở Loyola. Để giết thời giờ, ngài muốn đọc sách giải khuây, nhưng nơi ngài dưỡng bệnh, không có gì khác hơn là sách cuộc đời Chúa Cứu Thế và sách gương các thánh. Tuy thuộc gia đình đạo đức, nhưng Inhaxiô không phải là người mộ đạo. Bỏi đó khi đọc về cuộc đời Chúa Giêsu và gương các thánh, tâm hồn ngài được mở ra cho một thế giới mới. Thế giới của ân sủng. Trong lúc suy niệm và cầu nguyện về những điều đã đọc, ngài được ơn hoán cải. Hoán cải toàn diện, nghĩa là không chỉ thay đổi nếp sống bên ngoài mà còn thay đổi chính con tim sâu thẳm bên trong. Và ngài bắt đầu một cuộc hành hương tìm Chúa. Hành hương trong không gian địa lý, nhưng thực ra đó là một cuộc hành hương vào nơi sâu thẳm của tâm hồn. Để gặp Chúa nơi đó. Và một khi có Chúa trong tâm hồn, ngài có thể gặp Chúa khắp mọi nơi.
- KHÁCH HÀNH HƯƠNG.
Tìm Kiếm Thiên Chúa. Tìm Kiếm Ý Muốn Thiên Chúa.
Trong sách Tự Thuật, Inhaxiô dùng thuật ngữ “khách hành hương” để nói về mình. Thuật ngữ này bao hàm nhiều yếu tố liên quan đến tiến trình hoán cải của Inhaxiô. Trước tiên, vào thế kỷ XVI, hành hương là một hình thức đền tội: đi đến nơi thánh, như một hành khất, xin ăn dọc đường, sống nhờ của bố thí của người khác và chấp nhận rủi ro của một cuộc sống bấp bênh không nơi nương tựa. Kế đến, hành hương còn là một cuộc hành trình đức tin. Như Abraham, Inhaxiô ra đi theo tiếng gọi của Chúa. Theo sự thúc giục của ân sủng, ngài ra đi để tìm Chúa. Hay chính xác hơn, để tìm kiếm ý muốn Thiên Chúa. Ra đi mà không biết mình đi đâu. Ra đi với một lời nguyện, luôn lặp lại: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Cuộc hành trình dài thăm thẳm để tìm Chúa chỉ dừng lại khi ngài được Chúa Cha đặt làm kẻ phụng sự Chúa Con, Ngôi Lời Nhập Thể.
Hiệp sĩ của Đức Trinh Nữ để phụng sự Thiên Chúa.
Năm 1522, sau thời gian dưỡng bệnh, ngài đến đan viện Montserrat. Sau ba ngày chuẩn bị, ngài xưng tội chung cả đời mình. Vào áp lễ Truyền Tin (24.3. 1522), ngài canh thức suốt đêm trước tượng Đức Mẹ và treo kiếm trong nhà nguyện, như dấu chỉ của sự dâng hiến trọn đời phụng sự Thiên Chúa. Sáng hôm sau, ngài đổi y phục triều đình cho một người hành khất và mặc quần áo thô của người ấy. Ngài đến Manresa, cư ngụ trong một cái hang, ăn chay hãm mình. Sống khổ hạnh, bắt chước các thánh, nhất là các ẩn sĩ. Nơi đó, ngài được ơn thần nhiệm. Được Chúa huấn luyện, dạy dỗ. Ngài học cách nhận định thiêng liêng để tìm kiếm ý muốn Thiên Chúa. Ngài có thói quen ghi lại kinh nghiệm thiêng liêng trong một sổ tay. Những ghi chú này, vốn là nội dung cơ bản của Linh Thao, sẽ giúp các linh hồn tìm Chúa và gặp Chua. Những công việc vĩ đại trong lịch sử Giáo Hội luôn bắt nguồn từ nơi sâu thẳm thầm lặng của một trái tim. Sau chín tháng ẩn dật, theo hướng dẫn của vị linh hướng, ngài chấm dứt giai đoạn ẩn dật, ra đi để phụng sự Chúa và trợ giúp các linh hồn.
Để tìm Chúa, ngài bắt đầu cuộc hành hương đến Đất Thánh và muốn ở lại Giêrusalem để trợ giúp các linh hồn, nhưng ngài bị giới hữu trách bắt buộc phải rời đất thánh. Ngài trở về Tây ban nha, tự hỏi: “quid agendum? “(phải làm gì?) (Tự thuật, 50).
Đến trường học vào lúc 33 tuổi
Với ý hướng giúp đỡ các linh hồn, ngài bắt đầu cho Linh Thao. Nhưng ngài gặp rắc rối với giáo quyền. Có lúc bị Pháp Đình (Inquisition) giam giữ, vì không học thần học mà dám dạy kẻ khác những giáo lý quan trọng, như phân biệt tội trọng tội nhẹ. Vì thế, để giúp các linh hồn, ngài trở lại trường học, trước là ở Barcelona, rồi đến Alcala, Salamanca. Sau đó đến Paris, để hoàn tất chương trình Thần học khoa bảng.
Tại Paris, ngài quy tụ một số bạn hữu đồng chí hướng: phụng sự Chúa và giúp các linh hồn.
Ngày 15.8.1534, tại một nhà nguyện nhỏ ở Montmartre (ngoại ô Paris), nhóm bảy người cùng với Inhaxiô khấn nghèo khó và khiết tịnh để phụng sự TC. Thoạt đầu, các bạn hữu muốn đi Đất Thánh để phụng sự Thiên Chúa, nhưng gặp trở ngại vì thời cuộc bất an. Cả nhóm quyết định đến Roma, xin Đức Giáo hoàng cho biết phải làm gì. Đức Giáo Hoàng đề nghị nhóm hoạt động tại Roma thay vì đi Đất Thánh.
Năm 1540, Đức Giáo Hoàng Phaolô III ban hành sắc chỉ Regimini Militantis Ecclesiae, công nhận Dòng Chúa Giêsu.
Khi Inhaxiô qua đời, vào năm 1556, Dòng Chúa Giêsu đã hiện diện mười sáu năm trong lòng Giáo Hội, với 1000 thành viên (35 thệ sĩ), 100 nhà, 10 tỉnh (Sacchini). (còn tiếp)
(Lm. Antôn Ngô Văn Vững, SJ)