Thánh Lễ an táng cha Giuse Lê Thanh Quế, S.J.

P1150202

SJVN – Vào lúc 7 giờ 30 ngày 30/07/2013, trong tiết trời nắng ấm sau những ngày mưa do ảnh hưởng của áp thấp, toàn thể anh em Dòng Tên, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, linh tông, huyết tộc, và cộng đoàn dân Chúa đã tề tựu tại Nhà nguyện cộng đoàn Giuse Pignatelli, Dòng Tên để tham dự nghi thức động quan và rước linh cữu cha Giuse Lê Thanh Quế, S.J. sang nhà thờ Hiển Linh.

DSC_0016

Thiết nghĩ cũng nên nhắc lại đôi nét tiểu sử của cha Giuse. Năm 28 tuổi, cha Giuse Lê Thanh Quế được Chúa thôi thúc dấn thân bước theo Chúa trong linh đạo Dòng Tên. Trước đó, ngài học Triết học tại Chủng viện Bùi Chu. Sau hai năm Tập viện, ngài tuyên khấn năm 1963. Cha Giuse học Thần học tại Đại học Gregoriana, Rôma và chịu chức linh mục tại đây năm 1968. Sau đó, ngài về Việt Nam và chung tay cùng anh em Dòng Tên phục vụ trong các sứ vụ tông đồ.

cha QueCha Giuse Lê Thanh Quế, S.J. là người nhiệt tình. Khoảng thời gian từ 1969 đến 1975, ngài tham gia vào các hoạt động truyền thông của trung tâm truyền hình Đắc Lộ. Bên cạnh đó, với kiến thức và lòng mộ mến Triết Đông, cha Giuse đào sâu tìm hiểu Phật học rồi chia sẻ kiến thức của mình qua việc dạy học tại Đại học Minh Đức, Sài Gòn. Sau đó vì nhu cầu của Dòng, ngài được bề trên mời gọi lãnh trách nhiệm quản lý cộng đoàn thánh I-nhã, Sài Gòn từ 1975 đến 1980.

Biến cố vào cuối năm 1980 đã đưa ngài đến cao điểm của việc cùng chia sẻ thập giá với Đức Kitô. Sau 12 năm sống xa cộng đoàn ấy, ngài trở về và hăng hái chuẩn bị cho những sứ vụ. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi trở về, sức khỏe suy sụp đã không cho phép ngài hoạt động tông đồ như ngài mong ước. Thiên Chúa muốn cha Giuse tiếp tục bước đi theo Ngài trên một con đường khác. Cha Giuse sau đó chuyển về cộng đoàn Giuse Pignatelli. Từ lúc ấy cho đến khi về cùng Chúa ngày 27.07.2013, ngài làm tông đồ theo cách thức cầu nguyện cho Hội Thánh và cho Dòng. Trong thời gian này, thân xác ngài phải chịu nhiều đau đớn và hành hạ do bệnh tật gây ra, nhưng ngài vẫn luôn xác tín vào tình yêu Chúa và can đảm đón nhận những đau khổ để được kết hiệp với Chúa Giêsu khiêm nhường vác thập giá, nghèo khó, chịu xỉ nhục mà ngài đã đoan nguyện bước theo khi vào Dòng Tên. Giờ đây, với niềm tin vào Đấng Phục Sinh, chắc chắn ngài vẫn tiếp tục cầu nguyện cho mọi người.

DSC_0023

Thánh Lễ an táng sáng hôm nay do cha Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. giám tỉnh Dòng Tên cử hành cùng với 44 linh mục đồng tế, quý tu sĩ nam nữ, gia đình linh tông, huyết tộc và đông đảo anh chị em giáo dân.

P1150268Trong phần giảng lễ, cha Phêrô Nguyễn Đức Trí, S.J., Bề trên cộng đoàn Giuse Pignatelli, chia sẻ về ý nghĩa hành trình vác Thánh giá theo chân Chúa của cha cố Giuse trong tâm thế của một Giêsu hữu. Cha nói: “Cuộc đời cha cố thật đơn giản; đơn giản như chẳng có gì. Tuy nhiên, cái ngài có lại là thánh giá cuộc đời của mình để nên giống Đức Giêsu hơn.” Cha Đức Trí còn chia sẻ rằng nếu đặt những biến cố cuộc đời cha cố Giuse trong tương quan tình yêu với Chúa thì ai cũng có thể dễ dàng nhận ra là ngài đang có được ơn mà cha thanh I-nhã hằng nguyện ước. Có thể nói, 33 năm chia sẻ thập giá với Đức Giêsu Kitô là cơ hội để cho thấy một linh mục Giuse Lê Thanh Quế, S.J. phó thác, trung tín với Chúa, không bao giờ oán than về Thánh giá Thiên Chúa trao cho. Đó cũng là thời gian cha cố thể hiện lòng yêu mến, chia sẻ đời sống nghèo cả tinh thần lẫn vật chất với Đức Kitô nghèo khó. Hơn nữa, khoảng thời gian này cũng được coi như thời kỳ Nhà Tập năm ba của cha Giuse để trở nên người Giêsu hữu thực thụ, một người có sự kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu Kitô.

NGUYÊN VĂN BÀI GIẢNG CỦA CHA PHÊRÔ NGUYỄN ĐỨC TRÍ

THEO ĐỨC KITÔ VÁC THẬP GIÁ

OBACE thân mến,

IMG_4100Tuần vừa qua anh em Tỉnh Dòng Tên chúng tôi có mấy ngày gặp mặt và học hỏi với chủ đề là “phác hoạ chân dung người GSH thực thụ” trong bối cảnh ngày nay. Anh em đưa ra những đặc nét và những khả năng tuyệt đẹp của người GSH như : con người của chiều sâu nội tâm, con người suy tư phê phán, con người phân định, con người tông đồ, con người hội nhất tâm cảm… Tất cả những nét đặc trưng đó được hội tụ nơi một GSH thực thụ.

Với sự ra đi về với Chúa của cha Giuse ngay sau kỳ học hỏi, tôi liền đem những đường nét đặc biệt này để áp dụng xem coi cha Giuse LTQ đã đạt được như thế nào. Nhưng thật khó!? Cứ bình thường thì sau hơn nửa thế kỷ của đời dâng hiến trong Dòng Tên, tưởng rằng cha Giuse sẽ để lại những công trình tông đồ to lớn, những di sản vĩ đại nào đó, tưởng rằng sẽ có biết bao nhiêu người sẽ biết về cha. Thế nhưng, như quý OBACE nghe lời dẫn đầu lễ, không kể giai đoạn huấn luyện, cha Giuse thi hành tác vụ linh mục phục vụ tông đồ được 12 năm, thì 33 năm còn lại là cuộc đời cô đơn thầm lặng được gắn chặt vào mầu nhiệm thương khó của ĐKT trong chốn lao tù và bệnh tật đớn đau. Cuộc đời cha Giuse quá đơn giản như thể không có gì. Chẳng để lại một công trình gì nổi bật để người đời nhắc nhớ về cha! Chẳng mấy người biết đến cha!

Vậy chẳng lẽ cha Giuse không phải là GSH?

Con người GSH thực thụ

Tuy nhiên, đối với tôi lại nhìn thấy nơi cha một GSH thực thụ. Vượt trên tất cả như yếu tố đặc trưng trong bức chân dung của một GSH như nói ở trên, có một yếu tố chính yếu của bản chất ơn gọi của người GSH là bước theo sát Đức Giêsu, và trở nên giống như ĐKT – một ĐKT chịu đóng đinh. Chính thánh Inhaxiô Loyola đấng sáng lập Dòng Tên ngay từ đầu đã luôn nài xin ơn được theo ĐKT vác thập giá. Trong sách tự thuật và trong tập linh thao của mình, thánh Inhaxiô đã lập đi lập lại nhiều lần ơn xin được theo ĐKT khổ nạn, ước muốn và chọn sự nghèo khó với Chúa Kitô nghèo khó, chịu sỉ nhục với Chúa Kitô bị sỉ nhục, và ao ước được coi là vô tích sự và điên dại vì Chúa Kitô (Lt 147).

Một ơn xin thoạt nghe thấy thật phi lý, và như thể người xin ơn này có lẽ bị điên điên khùng khùng? Thế nhưng, thưa quý OBACE, điều này chỉ hiểu được trong tình yêu, bởi khi yêu người ta muốn trở nên đồng hình đồng dạng với người mình yêu.

3

Với 12 năm sống cảnh lao tù và 21 năm sống trong đau đớn bệnh tật, cha Giuse đã có 33 năm chia sẻ mầu nhiệm thập giá cách đặc biệt. Điều này được xem như một chia sẻ trọn vẹn 33 năm cuộc đời tự huỷ của ĐKT mà đỉnh điểm là cuộc khổ nạn và cái chết đau thương trên thập giá.

Như vậy, chúng ta có thể nói chính cha Giuse đã lãnh nhận được ơn cốt yếu của người GSH mà thánh Inhaxiô đã nài xin là được theo ĐKT vác thập giá : là sống nghèo khó, chịu sỉ nhục, bị coi là vô tích sự và điên dại vì ĐKT.

Cuộc đời người môn đệ luôn phải gắn chặt vào cuộc đời và thân phận của Thầy Giêsu. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác Thập Giá mình mà theo” (Mc 8, 34). Vâng, cha Giuse đã trở nên người GSH thực thụ và người môn đệ đích thực của ĐKT, vì cuộc đời cha đã được liên kết chặt chẽ với mầu nhiệm thập giá của Ngài.

IMG_4143

Con người phó thác

Trong đau khổ của thập giá mà cha Giuse mang vác, tưởng chừng vượt qua sức một người có thể chịu đựng, thì với những gì tôi biết được, cha chưa một lần thốt ra lời than trách và oán hận Chúa vì những đau khổ và thập giá mà cha đã mang vác. Trong thầm lặng, cô đơn và đau buồn, cha Giuse đã nhận lấy cho riêng mình.

Cha Giuse cũng không một lần nói lời oán hận ai đó vì những bất công, những oan ức và khổ đau mà cha đã gánh chịu.

Tôi trộm nghĩ, sức nặng của cây thập giá mà cha Giuse đã mang vác trong suốt hành trình đời mình, thì chúng ta nói chúng, và các anh em GSH chúng tôi nói riêng không dễ mang vác nổi. Phải chăng vì thế mà TC đã chọn để trao cho cha và cha đã vác thay cho chúng ta?!

Con người được chúc phúc

Một điểm khác tôi nhận thấy nơi cha Giuse là con người được chúc phúc.

Cuộc sống ngày nay ai mà lại thích nghèo khó, đau khổ, bị bách hại, bị sỉ vả và vu khống … Tự bản chất đau khổ hay thập giá không có ý nghĩa. Nhưng nhờ Đức Kitô Đấng đã chọn đi con đường khổ giá và đã biến sự đau khổ thập giá thành nguồn sống mới và ơn cứu độ. Chính qua mầu nhiệm thập giá, ĐKT đã đi đến vinh quang Phục Sinh. Thánh Phaolô nói “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người : đó là niềm tin của Chúng ta” (Rm 6, 8).

P1040501

Gần như toàn bộ cuộc đời của cha Giuse như đã nói, là một sự nghèo khó thực sự cả tinh thần lẫn vật chất, những năm tháng dài cô đơn sầu khổ, bị hiểu lầm, bị tù đầy, những đớn đau dai dẳng trên giường bệnh … Theo con mắt và sự xét đoán người đời thì cha Giuse là con người thật bất hạnh! Nhưng không phải vậy, thưa quý OBACE, cha Giuse là con người được chúc phúc. Chính ĐGS đã chúc phúc cho cha Giuse qua đoạn TM mà chúng ta vừa nghe:

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được TC ủi an.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. (Mt 5,1-12)

Con người phàm trần

Dù sao đi nữa cha Giuse vẫn là con người với những mỏng giòn và yếu đuối của thân phận làm người. Ngài cũng biết đói khi không được ăn, biết khát khi không được uống, biết đau khi bị thương tích, cũng tủi nhục khi bị khinh khi sỉ vả, cũng nóng giận khi không được toại ý, cũng hoảng loạn khi phía trước cuộc đời là một màu đen hãi hùng.

Chính Chúa Giêsu trong thân phận con người cũng cảm thấy sợ hãi và đau khổ tột cùng. Trong vườn Ghết-sê-ma-ni, các TM Nhất Lãm tường thuật cho chúng ta : “Đức Giêsu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Người nói với các ông: Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này” (x. Mt 26,37-39). “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Còn thánh Phaolô đã nói“Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết” (Dt 5,7).

4

Vâng, thưa quý OBACE, trong phận người, cha Giuse cũng không thoát khỏi sự yếu đuối và mỏng giòn, cũng có những khủng hoảng về niềm tin, những thất vọng và lầm lỗi. Nhưng tin tưởng vào Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4,16), Đấng luôn lòng yêu thương và khoan dung đối với những lầm lỗi của ta. Chúng ta trao phó cha Giuse cho lòng từ bi nhân hậu của Chúa. Thánh vịnh 102 đã diễn tả :

Chúa là Đấng từ bi nhân hậu

Người chậm giận và giầu tình thương.

Người không cứ tội ta mà xét xử

Không trả báo ta xứng với lỗi lầm.

(Tv 102, 8-10)

Kết: Hôm qua trong bài giảng lễ, sau khi nói đến cuộc đời như chẳng có gì nổi bật của cha Giuse, cha Antôn NC Siêu kết luận : bây giờ đến trước toà phán xét, Chúa hỏi cha Giuse “con có gì không?” và cha Giuse trả lời rằng con chẳng có gì. Chúa nói thôi con vào đi! 

Riêng tôi cũng tưởng tượng ngày hôm nay cha Giuse đứng trước toà phán xét, Chúa hỏi cha Giuse con có gì không? Con có bằng cấp gì, công trình tông đồ lớn lao nào? bao nhiêu khoá linh thao con giúp? Con có công trạng gì để được vào Nước Trời không? Cha Giuse chỉ cúi đầu im lặng. Vì cha nghĩ mình chẳng có gì, cả cuộc đời chẳng làm được gì cho Chúa và cho con người. Con chỉ là người đầy tớ bất tài vô dụng. Khi đó Chúa nhìn cha Giuse rồi nhắc cha rằng, con có một thứ rất to lớn và cao quý, đó là thập giá của đời con. Nói xong Chúa cầm tay và dẫn cha Giuse vào Thiên Đàng.

DSC_0028

Sau Thánh Lễ, linh cữu của cha Giuse được đưa về Đất thánh nằm trong khuôn viên Đan viện Biển Đức Thiên Bình, Long Thành, Đồng Nai trong sự thương tiếc của mọi người. Đất thánh này cũng là nơi an nghỉ của cha Rô-cô Đinh Văn Trung, S.J.; cha Gioan Trần Văn Nam, S.J.; cha Augustino Đoàn Cao Lý, S.J.; và cha Giuse Đỗ Quang Chính, S.J.

DSC_0060

Việc cha Giuse Lê Thanh Quế, S.J. về với Chúa hôm nay là một lời mời gọi mỗi người đang trong hành trình lữ hành dương thế ý thức hơn về thân phận giới hạn và mỏng giòn của kiếp người. Cái chết là một phần của cuộc sống mà không ai có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, mọi đau khổ của cuộc đời rồi sẽ được thăng hoa trong tình yêu ân sủng của Thiên Chúa. Để qua đó, cuộc sống của mỗi người thể hiện được sự xác tín có nền tảng nơi Đức Kitô, như lời thánh Phao lô nói: “Tôi biết tôi tin vào ai” (2Tm 1,12).

P1150355

Anh em Dòng Tên Việt  Nam bên mộ phần của cha cố Giuse

Chí Thành, S.J.

Kiểm tra tương tự

Tầm quan trọng của nền Giáo dục Công giáo trong thế giới hiện đại

Vai trò độc nhất  Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nền …

Đức Thánh Cha: Chúa Giêsu tự do với mọi sự

Trưa Chúa Nhật ngày 9/6, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *