SJVN – Sáng nay ngày 04.12.2012, vào lúc 9 giờ, tại nhà thờ giáo xứ Chu Hải, giáo hạt Long Hương, giáo phận Bà Rịa đã diễn ra thánh lễ tạ ơn của tân linh mục Barnaba Vũ Minh Trí, SJ. Hiện diện trong Thánh lễ có cha xứ Chu Hải Giuse Trần Minh Sơn, cha cựu chính xứ Antôn Trần Minh Hiển, cha Giám tỉnh Dòng Tên, quý cha quản hạt, quý cha đồng tế, quý tu sĩ nam nữ, quý huyết tộc, linh tông và quý khách mời.
Tân linh mục Barnaba Vũ Minh Trí, SJ sinh ngày 20.01.1970. Gia đình của ngài là bổn đạo của giáo xứ Chủ Hải, thuộc giáo phận Bà Rịa. Cha Trí được nhận vào Nhà Tập Dòng Tên ngày 01.01.1999. Hai năm sau, ngài tuyên khấn lần đầu, chính thức trở thành học viên Dòng Tên. Sau hơn 10 năm được huấn luyện và sống ơn gọi dâng hiến trong Dòng Tên, ngày 03.12.2012 vừa qua, ngài đã được Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn phong chức linh mục tại nhà thờ Hiển Linh, Dòng Tên.
Trước khi bắt đầu Thánh lễ, cha chính xứ Chu Hải thay mặt giáo xứ gửi lời chào mừng, cha cố Antôn, quý cha quản hạt, cha Giám tỉnh Dòng Tên Việt Nam, quý cha đồng tế và cộng đoàn phụng vụ đã đến chia sẻ niềm vui với giáo xứ. Đặc biệt, ngài gửi lời chúc mừng đến tân linh mục Barnaba, một người con của giáo xứ vừa được Thiên Chúa tuyển chọn lên chức linh mục để phục vụ Hội Thánh. Sau đó, đại diện Hội đồng mục vụ giáo xứ có đôi lời phát biểu chào mừng và tặng quà cha ba tân chức linh mục. Sau phần chào mừng, vị tân linh mục bắt đầu cử hành Thánh lễ mở tay của mình tại vùng đất mẹ thân thương.
Trong phần chia sẻ Lời Chúa, dưới ánh sáng của ba bài đọc, cha Vinh Sơn Phạm Văn Mầm, SJ, Viện trưởng Học viện Dòng Tên mời gọi cộng đoàn cùng nhìn về nguồn gốc và mục đích siêu nhiên của ơn thiên triệu, cũng như về sự bất xứng và bất tài của người được gọi đối với ơn gọi và sứ mạng Chúa trao qua ơn gọi của tiên tri Giêrêmia, thánh Phaolô và bốn môn đệ đầu tiên để từ đó, xin mọi người cùng cầu nguyện và nâng đỡ vị tân linh mục của Chúa.
Dưới đây là nguyên văn bài giảng của cha Vinh Sơn:
TA ĐÃ THÁNH HÓA NGƯƠI
Gr 1: 4-9, 2Cor 4: 1-2. 5-7, Mc 1: 14-20
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta vui mừng qui tụ nơi đây trước hết là để hiệp ý tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân linh mục mà Chúa ban cho vị tân linh mục, cha Barnaba Vũ Minh Trí, người đang ở trước quý ông bà anh chị em đây; thứ đến là để chung chia niềm vui lớn lao này với bà cố và gia đình, với giáo xứ Chu Hải và bạn bè thân thương… vì một người con thân yêu đã được gọi và quảng đại đáp lời Thiên Chúa dấn thân phục vụ dân Chúa với tư cách là một linh mục.
Tôi nghĩ rằng sẽ điều tốt đẹp và ý nghĩa hơn nếu chúng ta để cho Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe soi sáng và hướng dẫn tâm tình tạ ơn và niềm vui của cộng đoàn chúng ta.
Điều trước tiên chúng ta nhận ra là trong ba bài đọc của Thánh lễ tạ ơn hôm nay, thì có hai bài đọc trực tiếp đề cập đến nguồn gốc siêu nhiên của ơn gọi. Bài đọc I tường thuật lại ơn gọi của Giêrêmia: ông được Giavê chọn làm ngôn sứ ngay khi hình thai trong lòng mẹ “Trước khi ngươi thành hình trong lòng dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi” (Gr 1: 5). Còn bài Tin Mừng theo thánh Máccô thì kể lại cho chúng ta việc Chúa Giê-su kêu gọi hai cặp môn đệ đầu tiên: cặp thứ nhất là ông Simon và Anrê đang đánh cá và cặp thứ hai là ông Giacôbê và Gioan đang vá lưới trong thuyền (Mc 1: 16 & 19). Cả 4 người này đều đang ở trên thuyền và trên biển. Tất cả họ cùng làm một nghề, nghề đánh cá giống như đa số người dân Chu Hải trước kia… Như vậy, điều đầu tiên mà Lời Chúa soi sáng cho chúng ta biết rằng đặc nét của ơn thiên triệu đến từ sáng kiến riêng của Thiên Chúa và Ngài chỉ chọn những kẻ mà Ngài muốn. Không một lý do nhân loại nào có thể lý giải được hành động này của Thiên Chúa. Chính trong ánh sáng này mà chúng ta hướng lời tạ ơn của chúng ta lên Thiên Chúa vì tình thương nhưng không mà Chúa đã ban cho cha mới của chúng ta.
Thứ đến, cả ba bài đọc hôm nay đều nói đến mục đích siêu nhiên của ơn gọi, nghĩa là sứ mạng của những người được gọi đến từ chính ý muốn của Thiên Chúa. Giavê gọi Giêrêmia là vì Ngài muốn đặt ông làm ngôn sứ cho dân Israel: “Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho dân” (Gr 1: 5b). Các môn đệ được gọi để hành nghề “chài lưới người” nếu nói theo ngôn ngữ của Tin mừng nhất lãm: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1: 17; Mt 4: 19; Lc 5: 10). Kiểu nói bóng bảy này ám chỉ đến mục đích của sứ mạng của các môn đệ là cộng tác vào sứ mạng của chính Chúa Giê-su, một sứ mạng đã được Ngài khởi sự với lời loan báo “thời kỳ đã mãn và triều đại Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1: 15). Mục đích siêu nhiên của ơn gọi còn được Đức Giê-su làm rõ hơn sau khi Người sống lại từ cõi chết: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 15:15; Mt 28: 19 & 20b). Ơn gọi muộn của thánh Phaolô cũng được xác định trong mối tương quan với sứ mạng của Chúa Giê-su: “Chúng tôi không rao giảng chính mình mà chỉ rao Đức Kito Giê-su là Chúa” (2 Cr 4: 5). Phaolo được chọn để phục vụ sứ mạng cứu độ của chính Chúa Giê-su. Như vậy, ơn gọi linh mục được trao ban gắn liền với sứ mang cứu độ của Chúa Giê-su, vì phần rỗi của anh chị em mình. Một nhiệm vụ vừa cao cả nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề phải thực hiện. Lời tạ ơn của chúng ta vì thế luôn kèm theo hành động xin ơn.
Bây giờ chúng ta suy nghĩ về tâm trạng của người được gọi. Có thể nói rằng ý thức về sự bất xứng và bất tài của mình đối với ơn gọi và sứ mạng là cảm nhận chung của tất cả những ai lãnh sứ mạng thiêng liêng này. Ngôn sứ Giêrêmia thưa với Giavê “Ôi lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói” (Gr 1: 6). “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi” là lời lẽ mà Phêrô đã thưa với Chúa sau mẻ cá lạ và trước khi bỏ mọi sự đi theo Chúa (Lc 5: 8). Còn vị tông đồ dân ngoại thì ví mình mong manh dễ vỡ như chiếc bình sành (2 Cr 4: 7b), làm sao có thể đảm đương được trọng trách thiêng liêng và cao cả dường ấy! Những cảm nhận ấy là đúng bởi con người thì yếu đuối, tội lỗi, nhỏ bé và giới hạn trước Đấng toàn năng, toàn thiện và vô hạn. Đó là lý do mà Cựu ước ghi lại sự run rẩy và khiếp sợ của con người mỗi khi đối diện với sự thánh thiêng của Thiên Chúa.
Đó cũng chính là tâm tình và thái độ mà vị tân linh mục khi cử hành Thánh lễ đầu tiên của mình. Ngoài tâm tình tạ ơn và cầu nguyện cho chính mình, ngài cũng xin chúng ta cầu nguyện cho ngài để có thể trung thành với ơn gọi và sứ mạng Chúa trao với tính cách là linh mục. Ngài ý thức rõ ràng thiên chức linh mục như là “điều cao trọng” bây giờ đã được chứa đựng trong thân phận mỏng dòn của mình, dễ vỡ như chiếc bình sành mà thánh Phaolô nói tới trong bài đọc II. Ngài đã từng rơi vào đêm tối đức tin trong hành trình ơn gọi: có lúc bế tắc với con đường đi theo ơn gọi, khi đối diện với nhiều hoàn cảnh khó khăn của gia đình và xã hội… Tôi vẫn còn nhớ rất rõ một trong những giây phút ấy: cách đây khoảng 15 năm, trước khi lên đường đi Đà Lạt tĩnh tâm tìm ánh sáng và quyết định cho hành trình ơn gọi của mình, tôi đã bắt tay và đưa cho ngài cuốn “Trên Đường Tìm Chúa” của thánh Inhã cùng với lời hứa cầu nguyện cho ngài và mong ngài sẽ được Chúa dẫn đưa như Chúa đã dẫn đưa thánh Inhã… Và vào những giờ phút trước khi lên đường tĩnh tâm chuẩn bị lãnh chức linh mục, ngài còn đến nói với tôi rằng tâm trạng của em lúc này sao sao ấy, hồi hộp, vui vui và lo sợ… Cái “sao sao, hồi hộp, vui vui và lo sợ” ấy cũng đã từng là tâm trạng của Giêrêmia, của các tông đồ, của Phaolô… khi đối diện với sứ vụ thánh thiêng và cao cả được Thiên Chúa mời gọi và ủy thác, một sứ vụ không thể chu toàn bằng sức lực riêng của con người, mà phải dựa vào ơn Chúa. Đó là điều Chúa đã hứa. Giavê khích lệ Giêrêmia bằng cách che chở ông “Đừng sợ…, vì Ta ở với người để giải thoát ngươi” (Gr 1: 8); cũng bằng lời nâng đỡ như thế, Chúa Giê-su đã nói với Phê-rô “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5: 10b). Chính Chúa sẽ giúp các sứ giả của Chúa đủ sức chu toàn sứ mạng Ngài trao. Các ngôn sứ và vị tân linh mục của chúng ta dám tiến bước là dựa vào lời hứa này của Thiên Chúa. Và đó cũng là ý nghĩa thứ hai của Thánh lễ hôm nay: chúng ta cầu nguyện cho vị tân linh mục.
Thánh Gioan Kim Khẩu, người đã phác họa rất khéo léo chân dung người linh mục như sau:
“Hỡi linh mục, ngài là ai?
Ngài không phải bởi ngài, vì ngài bởi hư vô,
Ngài không phải cho ngài, vì ngài là trung gian dẫn tới Thiên Chúa,
Ngài không thuộc về ngài, vì ngài phải sống cho một mình Thiên Chúa,
Ngài không phải là của ngài, vì ngài là tôi tớ của mọi người,
Ngài không phải là ngài, vì ngài là một Kitô khác.
Thế thì ngài là gì vậy? Chẳng là gì cả, nhưng lại là tất cả!”
Linh mục sẽ chẳng là gì nếu dựa vào chính mình và tha nhân mà ngài phục vụ sẽ chắng lợi gì nếu quy về chính mình; ngài sẽ là dụng cụ hữu hiệu của Chúa để sinh ích cho dân Chúa, nếu dựa vào chính Chúa. Chính trong ý nghĩa và tâm tình này mà chúng ta hiệp ý tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho cha Trí thân yêu của chúng ta trong sứ vụ linh mục. Amen
Cuối Thánh lễ, cha Trí đã dành ít phút để nói lên tâm tình tri ân hai đấng sinh thành yêu quí. Ngài đã dâng lên mẫu thân yêu quí những bông hoa biểu trưng cho lòng hiếu kính của mình đối với người mẹ đã tần tảo, vất vả dưỡng dục ngài nên người trong khi phụ thân đã sớm qua đời. Vị tân linh mục cũng không quên tri ân cha cố Antôn, người đã thương yêu, nâng đỡ và dìu dắt ngài bước đi trên con đường tìm hiểu ơn gọi. Chính cha cố Antôn là người đã yêu thương, động viên và đồng hành với ngài rất nhiều trong những lúc ngài gặp những khó khăn và khủng hoảng trong việc tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa.
Sau đó, cha Trí ngỏ lời tri ân nhà Dòng đã đón nhận và huấn luyện ngài sống linh đạo thánh I-nhã và Dòng Tên. Ngài cũng gửi lời cám ơn đến cha chính xứ, quý cha quản hạt, quý cha đồng tế, quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân, thân nhân và quý khách đã đến hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho ngài. Cách riêng vị tân linh mục ngỏ lời cám ơn các vị khách đến từ Đài Loan bằng tiếng Trung Hoa rất lưu loát.
Thánh lễ mở tay khép lại với bài ca diễn tả tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Ngài đã thương ban cho dân Ngài.
XIN MỜI BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM THÊM HÌNH ẢNH
Bản tin: Chỉnh Trần, SJ
Hình ảnh, Thiên Kính, SJ