- ĐỜI SỐNG THẦN BÍ
Qua các thư của thánh Phanxicô Xavier, chúng ta không chỉ nhận rõ một khuôn mặt tông đồ nhiệt thành, nhưng còn thấy được một điều gì ẩn hiện phía sau, đó là đời sống thân mật và thâm sâu của ngài với Thiên Chúa. Khống hiểu rõ điều này, có thể chúng ta chỉ mới biết được phần nổi của tảng băng sơn.
Trước hết, chúng ta thử nhìn vào đời sống cầu nguyện của ngài. Thực ra trong các bút tích, thánh Phanxicô Xavier hầu như không nói gì về đời sống cầu nguyện của mình, nhưng qua các nhân chứng, và dựa vào kết quả là chính cuộc sống của ngài, chúng ta hiểu rằng ngài đã có một đời sống cầu nguyện rất đặc biệt. Một chủng sinh người Ấn Độ đến giúp ngài tại Bờ Biển Parava thuật lại: một hôm anh đến để theo ngài vào làng làm thông ngôn để ngài dạy giáo lý như thường lệ. Giờ hẹn đã qua mà ngài vẫn cầu nguyện. Cuối cùng ngài nói với anh: “Hôm nay Chúa muốn tôi ở với Người. ” Ớ đây, chúng ta không chỉ để ý đến việc ngài cầu nguyện lâu giờ, nhưng còn đến việc ngài bỏ chương trình đã ấn định, mà là việc tông đồ ngài hết sức tha thiết, để sống với Thiên Chúa vì cảm thấy bị Thiên Chúa ‘giữ’. Chỉ một gặp gỡ thân mật và thâm sâu với Thiên Chúa mới đủ sức giữ chân một người không ngồi yên được như ngài. Cha X. Léon-Dufour viết: “Chỉ cầu nguyện mới làm cho hoạt động tổng đồ khỏi bị giản lược vào một hoạt động chỉ có tính cách nhân loại”. Hoạt động tông đồ của thánh Phanxicô Xavier có được kết quả siêu nhiên là nhờ ngài đã cầu nguyện. Nhưng không phải ngài đi cầu nguyện để tìm kết quả ấy, mà vì một đòi hỏi thâm sâu đến mức bí mật trong tâm hồn ngài: hoạt động tông đồ chỉ là hệ quả chứ không phải nguyên nhân. Antôn người Trung Hoa thuật lại những giờ phút cuối cùng của ngài: “Mắt ngước lên trời, khuôn mặt rất tươi, ngài đàm đạo với Chúa lâu dài và lớn tiếng, bằng những thứ tiếng ngài biết. Tôi nghe ngài lặp lại mấy lần những lời này: Lạy Chúa Giêsu là con vua Đavít, xin thương xót con… Rồi với tên Chúa Giêsu trên môi, ngài thư thái và bình thản để linh hồn về với Đấng Tạo Hoá và Chúa mình. ” Như vậy chúng ta phải nói cầu nguyện là cái gì thâm sâu nhất trong cuộc sống cũng như cái chết của ngài.
Trường dạy cầu nguyện của ngài là Linh Thao. Trong huấn thị cho tập sinh João Bravo, nội dung cũng như cách thức cầu nguyện đều rút ra từ Linh Thao. Điều này giúp chúng ta hiểu Linh Thao đã ảnh hưởng trên chính đời sống nội tâm ngài thế nào. Nằm ở trọng tâm Linh Thao là Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Vượt Qua. Điều này nổi lên rất rõ trong các bút tích của thánh Phanxicô Xavier. ‘Đấng Tạo Hoá và Chúa’ là diễn ngữ được lặp đi lặp lại trong Linh Thao cũng được lặp đi lặp lại trong các bút tích. Chắc chắn ngài thường xuyên đến với Chúa Giêsu như một thụ tạo đến với Đấng Tạo Hoá, và như một bề tôi hèn mọn đến với Chúa cao cả của mình. Ý thức về một Đức Kitô siêu việt chiếm hữu ngài. Cha X. Lẽon-Dufour nói: “Nếu ngài đã trồng được cây Thánh Giá ở những miền đất xa xôi, chính là vì câu Thánh Giá đã được trồng vào trái tim bằng thịt cho ngài trước”. Hay nói như Thánh Phaolô: “Tôi đã được Đức Giêsu Kitô chiếm đoạt rồi” (P1 3,12). Thái độ tôn kính dành cho Thiên Chúa trong Linh Thao thường làm cho ngài xót xa khi thấy những con người vì không biết nên thờ ơ với Chúa Giêsu. Có thể ngày nay chúng ta thấy là đến với Chúa Giêsu như một người bạn, một người môn đệ, thì thích hợp hơn, nhưng sống trong bầu khí thần học chủ siêu việt và duy siêu nhiên của thế kỷ XVI, thánh Phanxicô Xavier đã cảm nhận thần tính hơn là cảm nhận nhân tính của Ngôi Lời Nhập Thể. Đây cũng là một yếu tố thúc đẩy ngài dồn hết tâm trí và sức lực để truyền bá Đức Tin.
Một yếu tô” quan trọng khác của Linh Thao đã ảnh hưởng sâu đậm trên thánh Phanxicô Xavier là việc nhận định thần loại, mà mục đích là nhận ra thánh ý Thiên Chúa, phương pháp là cảm nhận thiêng liêng. Ngoài các Điều Răn Chúa và các chỉ đạo của Hội Thánh, làm thế nào để nhận ra thánh ý Thiên Chúa, thí dụ có nên đi Trung Hoa không? Thường người ta cầu nguyện, bàn hỏi và có khi biểu quyết. Trong Linh Thao, thánh I- nhã đề ra một số qui tắc để nhận định đâu là Thiên Chúa thúc đẩy, đâu là ma quỉ xúi giục. Điều này chỉ những người đã có kinh nghiệm thiêng liêng sâu xa và lâu dài và đời sống thiêng liêng, lại quen với Linh Thao, mới thực hiện được. Đặc biệt là ba thời để chọn lựa bậc sống cho đúng đắn và tốt đẹp (LT 175- 177). Thánh I-nhã cho biết thời III dựa chủ yếu trên lý trí được đức tin soi sáng; thời II dựa vào kinh nghiệm an ủi và sầu khổ khi cầu nguyện; thời I xảy ra khi Thiên Chúa đột nhập vào linh hồn, khiến đương sự hoàn toàn xác tín mãnh liệt là chính Thiên Chúa kêu gọi. Ba thời này cho thấy mức độ linh hồn sống thân thiết và thâm sâu với Thiên Chúa. Chắc chắn thánh Phanxicô Xavier đã thường xuyên sử dụng phương pháp này.
Chúng ta thử nhìn lại bốn chuyến đi lớn của thánh Phanxicô Xavier. Về việc đi Ấn Độ, có thể nói thánh Phanxicô Xavier không cần phải nhận định chi hết: Thiên Chúa nói qua Đức Thánh Cha, đại diện Đức Kitô ở trần gian. Về chuyến đi Maluku, ngài đã phải do dự rất nhiều. Ở Meliapur, ngài đã cầu nguyện và nhận định khá lâu. Có lẽ ngài đã cân nhắc các lý do theo thời III để đi đến quyết định. Về chuyến đi Nhật Bản, ngài cũng dành khá nhiều thời gian để suy nghĩ và cầu nguyện, nhưng hình như ngài thanh thản hơn, không khắc khoải như lần trước. Có lẽ ngài đã dựa trên các cảm nghiệm an ủi và sầu khổ theo thời II để quyết định nhanh chóng hơn và nhẹ nhàng hơn. Sau đó ngài thường diễn tả: tôi được an ủi mãnh liệt. Đến chuyến đi Trung Hoa, hình như ngài không còn phải cân nhắc gì nữa, ngài xác tín ngay từ đầu. Có lẽ ngài đã được Thiên Chúa cho một cảm nhận thiêng liêng hết sức đặc biệt, nên ngài nghe được tiếng gọi trực tiếp của Thiên Chúa, tức là theo thời 1. Sau đó, bất chấp bao bất trắc, bao trở ngại, bao nguy hiểm, và có thể nói là ai ai cũng can gián ngài, nhưng ngài nhất định ra đi. Cứ thường tình, người ta phải kết luận ngài là người bướng bỉnh và liều lĩnh. Nhưng chúng ta tin rằng con người thánh thiện ấy đã cảm nhận được một sứ mạng thần linh. Cha J. Brodrick viết: “Những con người như Phaolô hay Phanxicô Xavier là luật cho chính mình”. Đó là người như Thánh Phaolô nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (GI 2,20). Chính Chúa Giêsu cũng diễn ta điều tương tự, dù thâm sâu hơn, khi nói: “Tôi và Chúa Cha là một.” (Ga 10,30). ‘Cảm nhận’ đối với người ngoài cuộc có thể bị coi là cảm xúc tự nhiên chủ quan, nhưng nơi một con người đã hoàn toàn bị Thiên Chúa chiếm đoạt thì đó chính là cách Thiên Chúa dùng cái gì của con người để nói với con người. Các ngôn sứ xưa kia hẳn là cũng từng có những ‘cảm nhận’ như vậy. Thánh I-nhã, người đã dạy dỗ thánh Phanxicô Xavier về đời sống thiêng liêng, cũng từng có những ‘cảm nhận’ như vậy. Trở về với thánh Phanxicô Xavier, chúng ta thấy được là đời sống với Thiên Chúa của ngài ngày càng thân mật và thâm sâu hơn. Cùng với những bước tiến của ngài đến với anh em trên đường truyền giáo, Thiên Chúa dẫn ngài tiến bước vào trong cõi thâm sâu của ơn kết hợp.
Cuối cùng, một điều nổi bật qua các bút tích của thánh Phanxicô Xavier là lòng tin tưởng phó thác của ngài trong mọi thử thách và nguy hiểm. Một thí dụ là chuyến đi từ Malacca đến Nhật Bản mà ngài trình bày trong thư 90. Ngài đau lòng vì thấy người thuyền trưởng cúng bái và hỏi ý một bức tượng, chắc là tượng Thủy Tề như người Trung Hoa thường mang theo khi đi biển. Qua tất cả những nguy hiểm, ngài như nhận ra bàn tay của ma quỉ muôn làm nản lòng ngài để ngăn cản ngài đến Nhật Bản. Đối với ngài, ma quỉ không chỉ là một sức mạnh vô hình chỉ tác động trên tâm hồn con người, mà nó còn điều khiển cả các hiện tượng tự nhiên để cản trở hoạt động tông đồ nữa. Chẳng những vậy, ma quỉ còn biết SỢ nữa: nó rất sợ Dòng Tên vào được Trung Hoa! Dầu vậy, ma quỉ không phải là toàn năng và toàn quyền. Nó chỉ tác oai tác quái được trong giới hạn Thiên Chúa cho phép. Do đó, người tông đồ phải tin tưởng phó thác để thực hiện điều mình cảm nhận được là Thiên Chúa mời gọi mình. Với lòng tin tưởng phó thác ấy, ngài cảm nhận được niềm vui mãnh liệt ngay chính những lúc gặp nguy hiểm chết người. Thi hào Tagore của Ấn Độ nói: “Khi ngủ, tôi mơ thấy cuộc đời vui. Khi thức dậy, tôi thấy sống là phục vụ. Khi phục vụ, tôi thấy cuộc đời vui. ” Điều này chỉ là một hình ảnh mờ nhạt về những nguy hiểm và những an ủi thánh Phanxicô Xavier cảm nghiệm và chia sẻ. Nếu thi hào Tagore có đời sống thần bí là vì ông có đời sống nội tâm sâu xa của một nhà thở, thánh Phanxicô Xavier còn có đời sống thần bí sâu xa hơn nữa vì ngài có đức tin của một tông đồ. Nhìn bên ngoài, người ta có thể nghĩ ngài đâm đầu vào hết khốn khổ này đến khốn khổ khác, nhưng từ đáy lòng mình, ngài lại cảm nhận được niềm vui ngày càng sâu thẳm và mãnh liệt hơn. Cha X. Léon-Dufour viết: “Đối với thánh Phanxicô Xavier, người tông đồ cứ bình thường phải tìm được trong cầu nguyện sự cảm nếm và an ủi theo nghĩa thánh I-nhã dùng. Ngài nhận được ở đó các ân huệ của đời sống chiêm niệm, và cả ánh sáng giúp ngài đi đến các quyết định về hoạt động tông đồ. Thánh Phanxicô Xavier thường xuyên dựa vào kinh nghiệm an ủi và sầu khổ, theo Các Qui tắc về Nhận định thần loại đã học được trong Linh Thao. Ngài không chỉ bước theo lý trí, nhưng trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần”.
Chỉ dựa vào đời sống thần bí của ngài chúng ta mới hiểu được hai giai thoại các bạn của ngài kể. Ở Rôma, khi cầu nguyện và thấy những gian khổ phải chịu trong đời sống tông đồ, ngài đã kêu lên như mê sảng: “Lạy Chúa, nữa đi, nữa đi”. Trái lại, giữa đất truyền giáo, khi cảm nghiệm những an ủi thiêng liêng mãnh liệt, ngài lại kêu lên: “Lạy Chúa, ngưng lại, ngưng lại. ” Nơi ngài, cũng như nơi tất cả những người được mời gọi sống đời chiêm niệm trong hoạt động, như các Giêsu hữu cũng như những người theo linh đạo thánh I-nhã, tông đồ và thần bí chỉ là một, vì đó chính là sự thánh thiện.