Thánh Stanislaô Kostka (Lễ nhớ: ngày 13.11- Bổn mạng Tập sinh Dòng Tên)

“Tôi được sinh ra để sống cho những gì cao quý hơn” – Đó là niềm xác tín của thánh Kostka

Gm. Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J.

Mới sáng sớm, nghe kêu cửa, một tu huynh ra gặp khách. Thầy ngạc nhiên thấy khách là một thiếu niên chừng 17 tuổi, dáng nhỏ bé, mặc quần áo dân quê, vẻ mệt mỏi, và người đầy cát bụi, hình như từ xa mới đến.

–     Xin thầy cho con gặp cha Kanis[1]. Con có thư cho ngài.
–     Thư của ai vậy?
–     Thưa thầy, thư của cha Antonio ở Wien[2].

Thầy mời anh vào phòng khách. Vài phút sau, cha quản lý ra cho biết cha giám tỉnh[3] Kanis không có nhà.

–   Thưa cha, ngài đi đâu ạ?
–   Xa lắm, mãi Dillingen cơ.
–  Thưa cha, Dillingen ở đâu ạ?
–  Cách đây 40 cây số.
–  Thưa cha, con xin phép đi Dillingen.

Cha quản lý rất ngạc nhiên, không hiểu thư gì mà cần đến thế, phải đi bộ ngay lập tức mấy chục cây số để đưa tận tay. Nhưng đối với thiếu niên này, điều ấy quá dễ hiểu: anh đã đi bộ suốt 12 ngày, vượt qua 650 cây số mới đến thành phố Augsburg[4] này tối hôm qua. Sợ đêm hôm làm phiền nhà dòng, anh đã phải chờ đợi thêm suốt cả một đêm, sáng nay mới dám đến kêu cửa. Đối với anh, chờ đợi như vậy là lâu quá rồi. Anh không muốn phải chờ thêm vài ngày nữa mới được nói lên ước nguyện cả đời mà anh hằng ấp ủ bấy lâu nay. Vì thế, bây giờ chỉ còn 40 cây số nữa có là bao! Và anh vui vẻ lên đường.

1
Thiên thần của dòng họ Kostka

Công tước Gioan Kostka là một nghị sĩ và cố vấn triều đình Ba Lan. Vào thế kỷ XVI, ở Ba Lan nói riêng cũng như ở Châu Âu nói chung, hễ có dòng máu quý tộc là có quyền và có tiền. Toàn thể đất nước Ba Lan do hàng quý tộc thiểu số cai trị. Đa số nông dân còn lại là nông nô sống đời cơ cực lầm than. Năm 1548, công tước Gioan Kostka lập gia đình. Năm sau ông có người con nối nghiệp là công tử Phaolô; và năm sau nữa ông được người con trai thứ hai là công tử Stanislaô. Chính người con thứ này sẽ làm cho dòng họ Kostka được lưu danh muôn thuở.

Từ nhỏ, công tử Stanislaô Kostka vẫn là một thiếu niên như bao thiếu niên khác. Người ta có thể tìm thấy vô số người bề ngoài tương tự như anh. Sinh ra và lớn lên trong lâu đài Roskov của gia đình, cách kinh thành Vácxava chừng 60 cây số về phía bắc, anh có đủ mọi thứ tiện nghi và thú vui dành cho các bậc công tử. Có một trò tiêu khiển quý phái mà anh rất thích là phóng ngựa như bay để nghe tiếng gió vù vù bên tai. Nhưng giữa cảnh nhung lụa, hình như anh không phải là con người tầm thường. Thật vậy, dù rất đơn sơ, luôn vui vẻ và tươi cười với mọi người, anh vẫn được cả nhà kính nể, vì lúc nào anh cũng tỏ ra là một thiếu niên đứng đắn và rất đạo hạnh.

Sống trong một gia đình quyền quý thời Phục Hưng[5] ở Châu Âu, điều đó có nghĩa là anh gặp đủ thứ quyến rũ và cám dỗ theo tinh thần thế tục. Tuy nhiên, anh vẫn giữ được một tấm lòng trong trắng như một thiên thần. Chính cha mẹ anh vẫn gọi anh là thiên thần. Trong bầu khí phóng túng của những bữa tiệc thường xuyên, nhiều khi người ta quên giữ gìn trong lời ăn tiếng nói. Đó là chuyện thường tình. Nhưng phải nghe những câu chuyện thiếu đứng đắn, đã mấy lần anh đỏ bừng mặt lên, hai mắt ướt đẫm, và bất ngờ lăn đùng xuống đất nằm bất tỉnh. Ai nấy đều hốt hoảng, và vì thế không ai dám nói những lời sỗ sàng trước mặt anh nữa. Chính anh vẫn thường tự nhủ: “Tôi sinh ra để sống cho những gì cao quý hơn”[6]. Sau này, khi người ta nhắc đến dòng máu công tử của anh, anh cũng cho biết cảm tưởng: “Trong thế gian này mọi sự đều nhỏ bé cả. Vì thế, dù có là gì chăng nữa, cũng chẳng có chi đáng kể. Chỉ có một điều đáng kể là ân sủng của Đức Kitô. Nhờ Người chúng ta được làm con Thiên Chúa và thừa tự Nước Trời.”

Như vậy, có thể nói ngay từ thuở nhỏ, thánh Stanislaô Kostka đã nhận biết giá trị thật của cuộc sống. Ngay từ thuở nhỏ, anh đã sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Có thể nói anh đã được Chúa chọn và yêu thương đặc biệt ngay từ trong lòng mẹ. Đó là tất cả sự cao quý nơi anh.

2
Trọ học

Vào năm 1564, công tước Gioan Kostka gửi hai anh em công tử Phaolô và công tử Stanislaô đi du học tại thành phố Wien, thủ đô nước Áo ngày nay. Cùng đi với hai công tử có viên giám hộ trẻ tuổi là tiến sĩ Bilinski và một số gia nhân hầu cận. Từ năm 1551, theo yêu cầu của hoàng đế Ferdinand, Dòng Tên đã mở một trường nội trú ở Wien để giáo dục con cái hàng quý tộc là thành phần lãnh đạo xã hội thời ấy. Vì thế đến học tập ở Wien, công tử Stanislaô như cá gặp nước: vừa có dịp trau dồi học vấn vừa có dịp rèn luyện đức hạnh.

Cuộc sống êm đềm ở nội trú kéo dài được 8 tháng. Khi hoàng đế Maximilinô lên nối nghiệp cha, ông đã thu hồi khu lưu xá của nhà trường. Từ đó, muốn theo học ở đây chỉ còn một chế độ ngoại trú. Cùng với giám hộ Bilinski, hai anh em công tử nhà Kostka đến trọ tại nhà một viên nghị sĩ người Tin Lành tên là Kimberker. Tại đây họ cùng sống với một số bạn đồng hương. Trong hơn hai năm sống ở ngôi nhà này, Stanislaô đã trải qua nhiều thử thách.

Thói đời gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Hoàn cảnh đổi thay cũng làm thay đổi lòng người. Công tử Phaolô khi còn sống dưới mái ấm gia đình cũng như trong nhà nội trú vẫn là một học sinh cần mẫn chuyên chăm; nhưng ở nhà trọ, thoát vòng cương tỏa của cha mẹ và nhà trường, chàng bắt đầu lơ là các việc đạo đức và bê trễ cả việc học hành. Kinh nguyện và sách đèn chàng xem nhẹ; trái lại chàng năng lui tới các rạp hát, các quán rượu, hay lê la tụm năm tụm ba với bạn bè để đánh bài, ca hát, khiêu vũ, tiệc tùng… Buổi sáng, chàng không dậy sớm nữa, vì thế ít khi chàng cầu nguyện hay dự lễ. Thỉnh thoảng chàng lại kêu nhức đầu, và lấy cớ ấy để xin nghỉ học khá thường xuyên. Đua đòi chúng bạn, chàng công tử tiêu tiền như nước, sống buông thả theo những thú vui trong tầm tay.

Cuộc sống nhiều thú vui tiêu khiển thật quyến rũ, nhưng công tử Stanislaô không phải là người dễ khuất phục. Anh một mực từ chối nếp sống phóng túng của Phaolô. Anh vẫn cứ giữ nguyên các thói quen đạo đức xưa nay: cầu nguyện và dự lễ hằng ngày, rước lễ mỗi Chúa Nhật và lễ trọng[7]. Hôm trước ngày rước lễ, anh còn nhịn ăn để dọn lòng cho sốt sắng nữa. Anh tự tay mang sách vở đến trường, thay vì có một người hầu mang hộ khi đi cũng như lúc về, theo thói quen đài các. Trong nhà trọ, chỉ còn một mình anh sống như vậy. Anh cũng tập khiêu vũ như các công tử khác, nhưng không bao giờ ham mê đến quên bổn phận hằng ngày. Dần dần anh trở nên lạc lõng trong nhà trọ. Tuy nhiên, anh vẫn luôn giữ được nụ cười tươi trên môi.

Dầu sao, nếp sống của anh đã trở thành cái gai trước mắt Phaolô và các bạn. Tuy anh không lên tiếng, nhưng nguyên đời sống của anh đã là lời kết án lối sống bê tha của họ rồi. Hình như không ai thấy điều này rõ hơn Phaolô. Và khi ai làm điều gì bất chính thì cũng muốn người nhận ra điều đó trở thành đồng lõa với mình, để đánh lừa lương tâm phần nào. Phaolô cố gắng thuyết phục em sống ‘xứng danh một công tử dòng họ Kostka’. Tất nhiên xứng danh ở đây có nghĩa là hào hoa, phóng túng, như địa vị quý phái và xã hội phong kiến cho phép. Nhưng Stanislaô vẫn cương quyết: “Em sinh ra để sống cho những gì cao quý hơn”.

Mãi rồi Phaolô không chịu nổi thái độ “ương ngạnh” của Stanislaô nữa. Cùng với bạn bè, chàng chê cười, chọc ghẹo, mỉa mai em. Ở bàn ăn, hình như họ luôn luôn về một phe và đem anh ra làm trò cười. Học bài, đọc kinh, đi lễ, làm gì anh cũng bị họ nhạo cười. Không lay chuyển nổi ý chí sắt đá của anh, họ càng làm dữ hơn. Anh đang đi, họ ngáng chân cho ngã. Anh đọc kinh, họ ngồi nhái lại. Thỉnh thoảng anh còn bị Phaolô đánh đập nữa.

Chúng ta tự hỏi viên giám hộ đâu. Tiến sĩ Bilinski bị đặt vào thế tiến thoái lưỡng nan. Một đàng ông thấy Stanislaô có lý, đàng khác ông lại thích sống phóng túng như Phaolô. Và không phải ai cũng có thể luôn luôn sống theo điều mình thấy là phải: cũng có yếu đuối chứ. Đây là trường hợp của giám hộ Bilinski. Để làm dịu bớt tình hình, và có lẽ cũng để trấn an lương tâm, ông ngăn cản Phaolô hành hạ em, nhưng cũng khuyên Stanislaô biết “xã giao” hơn. Dù sao, thái độ thiếu dứt khoát ấy chẳng giải quyết được gì cả. Ông bà công tước Kostka ở cách xa đến 700 cây số[8], kể như không biết gì về tình trạng căng thẳng giữa hai quý tử.

Vì ban ngày thường bị Phaolô và các bạn chọc phá, nên Stanislaô hay thức khuya dậy sớm để đọc kinh cầu nguyện. Có lần anh cầu nguyện ban đêm, và vì mệt quá nên ngủ thiếp đi. Anh chỉ bừng tỉnh khi nghe tiếng kêu la thất thanh của người bên cạnh, vì giường nệm anh đã bắt lửa. Lần ấy anh thoát chết cháy cũng là may. Nhưng Phaolô và các bạn lại được thêm một dịp để nhạo cười anh.

Vốn người mảnh khảnh lại ít ngủ, thêm vào đó thỉnh thoảng lại bị Phaolô đánh đập, nên Stanislaô ngã bệnh nặng vào giữa tháng Chạp năm 1566. Thấy em bị bệnh tưởng sắp chết, Phaolô thất kinh. Chàng đổi hẳn thái độ. Chính Stanislaô cũng tưởng mình sắp chết nên xin gặp linh mục để được xưng tội rước lễ. Nhưng thời ấy người Tin Lành và người Công Giáo còn rất nghi kỵ nhau: ông nghị sĩ Tin Lành nhất quyết không cho phép một linh mục bước chân vào nhà mình. Stanislaô chẳng còn biết làm gì hơn là cầu nguyện, và Chúa đã nhận lời anh. Một đêm kia, anh thấy một thiên thần hiện đến trao Mình Thánh Chúa cho anh. Ai kể hết được sự vui mừng của anh! Riêng Phaolô và các bạn thắc mắc không hiểu tại sao anh không đòi rước lễ nữa mà suốt ngày cứ say sưa cầu nguyện.

Một đêm khác anh còn đang chăm chú cầu nguyện thì bỗng phòng anh sáng rực lên một thứ ánh sáng kỳ diệu. Anh ngỡ ngàng, vì chính mắt anh nhìn thấy tỏ tường ngay bên cạnh giường anh Đức Mẹ bồng Chúa Hài Nhi trên tay. Và anh sửng sốt hơn nữa khi Đức Mẹ cúi xuống đặt Chúa Hài Nhi bên cạnh anh. Chúa Giêsu nhỏ bé vòng tay ôm cổ anh, và anh bế Chúa trên tay, sung sướng ngây ngất. Sau giờ phút kỳ ngộ ấy, anh ngủ thật say. Sáng hôm sau khi thức dậy, anh thấy mình hoàn toàn khỏe mạnh.

Phaolô và các bạn chẳng hiểu tại sao Stanislaô lại khỏi bệnh bất ngờ như vậy. Chúng ta tưởng thế nào họ cũng thắc mắc và kính trọng. Nhưng sự thật không phải như vậy. Thấy anh bình phục, họ hết sợ. Thế là tấn tuồng cũ được tái diễn. Có khi họ còn tàn tệ hơn trước nữa. Một đêm tưởng mọi người đã ngủ, Stanislaô nằm phủ phục trên sàn nhà để cầu nguyện. Một người bạn của Phaolô giả vờ không thấy đường, lẳng lặng dẫm lên người anh, rồi ngã xuống. Chàng ta nổi giận đùng đùng và hành hung anh. Lần này cũng như bao lần khác, anh vẫn ngậm tăm trước cách đối xử tàn ác của Phaolô và các bạn. Anh nghĩ đó là lời phản kháng mạnh mẽ nhất đánh thẳng vào thái độ thế tục đến phi nhân của họ.

3
Ra đi

Nhưng một lần kia, anh cự lại. Bị Phaolô đánh, anh nhìn thẳng vào mặt và nói bằng một giọng dịu dàng nhưng đanh thép:

– Anh xử tệ với em, em sẽ đi cho anh biết. Em đã đi thì đừng mong em trở lại. Rồi anh ráng mà thưa với cha mẹ.

Trước phản ứng của Stanislaô, Phaolô hơi lúng túng một chút vì bất ngờ. Nhưng chàng đâu dễ chịu thua chú em trở chứng:

Cút đâu thì cút cho rảnh mắt tao!

Thế là sáng hôm sau, Stanislaô lặng lẽ bỏ thành phố Wien ra đi. Có thể chúng ta tưởng đó là chuyện bồng bột của tuổi trẻ nông nổi. Không! Stanislaô đã dự định và tính toán đâu vào đó hết. Ngay từ hồi đầu còn sống trong ký túc xá, anh đã ước mong được chia sẻ nếp sống của cộng đoàn Dòng Tên, và anh đã cầu nguyện nhiều để được biết ý Chúa rõ hơn. Rồi vào đêm Đức Mẹ hiện ra với anh và chữa anh khỏi bệnh, Mẹ đã bảo anh “xin vào dòng mang tên Con của Mẹ”[9]. Điều đó anh hiểu ngay. Anh đến gặp cha giám tỉnh Dòng Tên ở Wien để trình bày ý định, và được biết vì còn ở tuổi vị thành niên[10], anh phải có phép của gia đình. Anh thừa biết chẳng đời nào cha anh lại cho phép anh từ bỏ nếp sống công tử để đổi lấy nếp sống nghèo hèn của một tu sĩ. Nhưng nhà dòng không dám nhận anh nếu không có phép của gia đình Kostka đầy thế lực, vì cũng sợ những chuyện rắc rối không ai lường trước được. Nghĩ rằng Đức Hồng Y Sứ Thần Tòa Thánh ở Wien có thể buộc nhà dòng nhận, anh đích thân đến trình bày trực tiếp với ngài. Tuy nhiên, vị sứ thần không dám ép nhà dòng làm một việc có thể đưa đến nhiều hậu quả tai hại. Có lẽ như vậy ở thành phố Wien này hết hy vọng, anh nảy ra ý định đi thật xa, nơi nào nhà dòng có thể nhận anh mà không sợ những chuyện lôi thôi với gia đình anh. Ý đã quyết, anh trình bày với cha linh hướng là anh sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào trên mặt đất, miễn là được nhận vào Dòng Tên.

Dò hỏi thêm mãi, cuối cùng anh được cha Antonio cho biết ở Đức hay ở Ý, vì quá xa Ba Lan, chắc gia đình anh không can thiệp được, và hy vọng ở đó nhà dòng có thể nhận anh. Và dù chưa biết nước Đức hay nước Ý ở đâu, anh đã nuôi trong lòng ý định một ngày kía sẽ ra đi. Anh chỉ chờ cơ hội thuận tiện. Sau khi đã được chỉ dẫn tường tận về đường đi, và đã có thư giới thiệu trong tay, anh sẵn sàng lên đường. Đúng vào hôm ấy, ngày 16.8.1567, Phaolô lại tức giận đuổi anh đi. Anh nắm lấy cơ hội, và sáng sớm hôm sau anh đi dự lễ như thường lệ, rồi thay vì vào lớp học, anh theo con đường dẫn đến thành phố Augsburg ở miền nam nước Đức.

Ở nhà trọ, chờ đến tối không thấy em về, Phaolô hốt hoảng đi tìm. Hôm sau, mới sáng sớm, vừa giận vừa lo, chàng phóng ngựa như bay theo vết chân em. Chàng phi ngựa vượt lên trước mặt em mà không nhận ra, vì Stanislaô đã đổi bộ quần áo công tử hằng ngày lấy bộ quần áo dân quê để mặc[11]. Cả nghị sĩ Kemberker cũng cảm thấy có trách nhiệm với cậu khách trọ. Ông dùng một cỗ xe song mã nhất quyết túm cổ chú bé ương ngạnh về. Khi thấy xe của ông đang xăm xăm tiến tới, Stanislaô thật sự lúng túng. Anh loay hoay tìm cách lánh mặt. Bỗng hai con ngựa như trở chứng: chúng ngừng lại và không làm sao bắt chúng chạy tiếp được. Người đánh xe đành phải quay trở về, và chúng lại chạy như bị ma đuổi. Thoát nạn, Stanislaô không ngớt cảm tạ Chúa. Các bạn anh ở Wien thì tin rằng chính Chúa đã can thiệp để anh thoát khỏi Ai Cập mà về Đất Hứa.

Xác tín mình sinh ra để sống cho những gì cao quí hơn, quãng đường 650 cây số ngăn cách Wien với Augsburg không làm Stanislaô nản chí. Trái lại, anh đi thật hăng hái, tính bình quân mỗi ngày 50 cây số. Thật ít ai chịu khó đi bộ nhiều và nhanh đến thế. Mà anh là một công tử chỉ quen lên xe xuống ngựa. Riêng Stanislaô, dù đi một mình, anh không buồn cũng không cô đơn vì có Chúa, có Đức Mẹ và các thiên thần cùng đi với anh. Anh tin thế. Phải qua sa mạc mới đến được Đất Hứa. Và Đất Hứa sẽ là nơi chảy sữa và mật.

4
Nhà Chúa

Khi đến Augsburg, Stanislaô được tin cha giám tỉnh đang ở Dillingen, anh đã vội vã đi nốt quãng đường 40 cây số, với hy vọng được nhận vào Dòng Tên ngay lập tức. Cha giám tỉnh Phêrô Kanis, sau khi khảo sát cặn kẽ, cho biết sẵn lòng nhận anh vào dòng, Tuy nhiên, trước đó ngài cho anh sống thử trong nhà trường và giúp việc nhà bếp. Khi các học sinh dùng bữa, anh giữ chân giúp bàn. Anh làm mọi sự cách vui vẻ, dù có hơi vụng về vì chưa bao giờ thử. Sau này công tước Gioan Kostka được tin ấy đã lồng lộn tố cáo Dòng Tên bắt cóc con ông, và làm nhục dòng họ Kostka vì để anh phải ăn xin dọc đường từ Wien đến Augsburg, rồi lại bắt anh làm công việc phục dịch của người tôi tớ trong nhà trường. Hơn nữa ông còn tích cực vận động để Dòng Tên bị trục xuất khỏi Ba Lan. Chỉ sau khi Stanislaô đã qua đời, để lại hương thơm thánh thiện trong cả Hội Thánh, ông mới dịu bớt cơn giận dữ.

Trong khi ấy, Stanislaô hầu như quên hẳn mình là một công tử, hoặc anh không còn đếm xỉa gì đến vinh dự thế gian ấy nữa. Anh vui vẻ đi lại con đường của Đức Kitô nghèo khó và khiêm tốn. Anh thản nhiên bỏ lại sau lưng tất cả danh vọng, của cải và tương lai tươi sáng của một công tử dòng họ Kostka. Anh bắt đầu cuộc sống của một người môn đệ.

Tuy nhiên, cha giám tỉnh cũng như chính Stanislaô đều thấy rằng nếu anh ở Augsburg, công tước Kostka vẫn có thể gây khó dễ cho nhà dòng. Vì thế anh được gửi đi Rôma. Vậy là anh lại lên đường, đi bộ hơn 1200 cây số nữa, để được tự do sống cho những gì cao quý hơn. Lần này anh không còn đơn độc trên đường dài, vì có hai thầy học viên Dòng Tên[12] cùng đi với anh. Anh cũng mang theo lá thư giới thiệu của cha giám tỉnh Kanis gửi cha Bề Trên Cả Phanxicô Borja[13]. Thật là một chuyện hy hữu: một vị thánh giới thiệu một vị thánh với một vị thánh! Trong thư, cha Kanis viết: “Con hy vọng rất nhiều nơi em ấy.”

Ngày 28.10.1567, Stanislaô bắt đầu kỳ tập[14] tại nhà thệ sĩ Dòng Tên ở Rôma[15], sau đó chuyển sang học viện Rôma, và cuối cùng đến nhà tập Thánh Anrê ở Rôma. Nhà tập này lúc ấy có chừng 100 tập sinh thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Vì người đông như thế mà nhà lại chật hẹp, nên một số tập sinh phải đến ở một số nhà khác của Dòng.

Cuộc đời tập sinh của Stanislaô kéo dài được 9 thang rưỡi. Trong thời gian ấy, anh sống bình thường và âm thầm như mọi tập sinh khác, với những công việc nhỏ nhặt hằng ngày như dự lễ, suy niệm, học về đời tu, tập sống cộng đoàn, tập làm những công việc phục vụ như nấu ăn, rửa chén bát, vệ sinh nhà cửa… Toàn là những việc không tên, nhưng đó là một bước quan trọng trong tiến trình đào tạo một người môn đệ thành tông đồ. Chúng ta hãy nghe lời chứng của cha Giuliô Fazio là tập sư[16] của anh: “Ngay từ ngày đầu tiên em Stanislaô đến sống với các tập sinh khác, thật không biết phải lấy lời nào để khen ngợi em cho đủ. Em làm gương sáng cho mọi người về tất cả mọi đức hạnh. Dù còn trẻ lại mới đến, em đã làm gương cho những anh em cũ và lớn tuổi hơn về lòng khiết tịnh, sự tiết độ, đức thanh bần và tinh thần tuân phục. Em tuân giữ mọi luật lệ nhà dòng một cách chu đáo. Mọi việc em làm đều chứng tỏ em biết phán đoán và suy nghĩ chín chắn. Nhận được lệnh làm bất cứ việc gì, em cũng thi hành mau mắn, ngay cả những việc khó khăn và nhàm chán.

Trong tương quan với người khác, em hòa nhã và khiêm tốn lạ thường. Không bao giờ nghe em nói một lời cọc cằn. Lời nói của em rất đắn đo và luôn suy nghĩ chín chắn. Em có vẻ dễ mến đặc biệt, vừa hiền từ vừa nghiêm trang. Em luôn tươi cười, vui vẻ và thùy mị. Em tiến mau trên con đường thánh thiện. Em thích làm việc hãm mình đền tội. Em luôn thực tập bỏ mình. em rất thích chịu đau khổ hay làm việc khó nhọc thay cho người khác. Em ước ao được chịu đau khổ và chịu chết vì Đức Kitô như các vị tử đạo.

Khi chuyện trò với người khác, em nói như được Thánh Linh Tình Yêu linh hứng, với một lòng nhiệt thành hiếm có, khiến ai nghe cũng cảm thấy rung động sâu xa, những tâm tình đạo đức như được khơi dậy và bay bổng. Em có biệt tài chuyển những chuyện thế tục sang những đề tài về Đức Mẹ làm phép lạ hoặc những hành động anh hùng của các thánh. Tóm lại, lòng em cháy lửa yêu mến Chúa và làm cho lòng người khác cũng nóng bừng lên. Em rất quý mến các tập sinh khác và cũng được các tập sinh khác hết sức quý mến.”

Ngoài lời chứng của vị tập sư trên đây, chúng ta còn vô số các lời chứng khác nữa. Một người cùng ở nhà tập với anh tên là Clauđiô Acquaviva sau này là cha Bề Trên Cả Dòng Tên kể lại chuyện sau đây. Một hôm hai anh em được thầy phụ trách nhà bếp sai đi khuân củi. Trong khi Stanislaô chỉ vác một bó nhỏ thì tập sinh kia, người cao lớn và khỏe mạnh hơn nhiều, vác một bó lớn gấp hai. Stanislaô nói với người kia: Thầy bảo chỉ vác một bó bé thế này thôi! Có thể nói khi qua đời, anh để lại trong lòng mọi người niềm cảm mến sâu xa. Ai cũng giữ trong lòng ít nhiều kỷ niệm đẹp về anh. Anh cầu nguyện như một nhà thần nhiệm. Anh tươi cười như một người hạnh phúc nhất trên đời. Anh khiêm tốn phục vụ như một người tôi tớ trung thành. Anh dễ thương như một người bạn chí tình. Anh tuân phục như một người con thảo. Anh quên mình như một người yêu. Anh thuộc về Chúa như một vị thánh.

Vào nhà tập được ít lâu, anh nhận được thư của gia đình. Công tước Gioan Kostka quở trách anh đã bỏ đi như thế làm nhục cả dòng họ. Ông cho biết nếu anh không tự giác trở về với gia đình, ông sẽ cho người đến lôi cổ anh về. Hơn nữa, khi bắt được, ông sẽ cho khóa tay, cùm chân và giam trong ngục tối suốt đời! Chúng ta có thể tưởng anh sẽ nao núng đôi chút. Nhưng không, anh khảng khái trả lời: “Dù phải đau khổ đến đâu hay phải chết, con cương quyết không bỏ đời sống con đã chọn.” Nếu Chúa không vội vã gọi anh về với Người, chúng ta thật không biết số phận anh sẽ ra sao. Nhưng anh là đứa con cưng của Chúa, và Chúa đã ra tay trước.

5
Quê trời

Vào cuối tháng 7 năm 1568, cha Kanis có dịp đến Rôma và được mời nói chuyện với các tập sinh. Tháng 8 ở Rôma thời tiết thường rất khó chịu, và nhiều thứ bệnh tật phát sinh, có khi làm chết khá đông người. Vì thế người Rôma có thói quen tổ chức vui chơi vào ngày đầu tháng 8 để quên đi cái tháng hắc ám này. Người ta thường nói đùa với nhau là phải vui chơi cho thỏa thích để rồi chuẩn bị chết! Trong câu chuyện, cha Kanis khuyên các tập sinh chẳng những nên chuẩn bị bước vào tháng 8 thôi, nhưng mỗi tháng đều nên chuẩn bị như vậy để khỏi bị bất ngờ khi Chúa gọi. Mấy lời nói của vị linh mục thông thái và thánh thiện ăn sâu vào lòng trí Stanislaô.

Anh không sợ chết. Trái lại anh mong được thở hơi cuối cùng vào lễ Đức Mẹ Lên Trời ngày 15 thang 8 sắp tới. Suốt đời anh vẫn đặc biệt sùng kính Đức Mẹ, nhưng trong những ngày này, lòng sùng kính còn được biểu lộ mạnh mẽ hơn nữa. Anh luôn luôn nghĩ về Đức Mẹ, và hễ mở miệng ra là anh nói về Đức Mẹ. Anh chợt nhớ lại trước khi từ biệt gia đình đi học ở Wien, mẹ anh đã âu yếm nhắc nhở: “Hễ có dịp là con phải viết thư cho mẹ ngay, nghe chưa?” Chắc là bà mẹ nào cũng mong đọc thư của con, anh nghĩ thế. Và anh lấy giấy bút viết thư cho Mẹ Maria của anh ở trên trời: “Mẹ ơi, lúc này con buồn quá. Chưa bao giờ con thấy cô đơn như vậy. Mẹ đến đón con về nhà được không?”

Mấy hôm sau, vào buổi tối ngày 10 tháng 8, anh bắt đầu thấy trong người khó chịu. Cha tập sư hỏi anh: “Sao vậy, Stanislaô?” Anh điềm tĩnh trả lời: “Thưa cha giáo, con bệnh lần cuối.” Nhưng mãi đến ngày 14, bệnh tình anh không tỏ ra có dấu hiệu gì đáng lo ngại. Thầy y tá hôm ấy đã nói: “Để cho Stanislaô chết thì cần phải có một phép lạ lớn hơn là để cho em ấy sống.” Nhưng không ngờ chiều hôm ấy anh bất tỉnh. Phải công phu lắm mới làm cho anh tỉnh lại được. Vì anh đã nói anh sẽ mừng lễ Đức Mẹ ở trên trời, nên cha tập sư bảo: “Stanislaô ơi, em yếu đức tin quá! Bệnh chút xíu như vậy đâu đến nỗi nào mà em thiếu can đảm thế!” Anh trả lời: “Thưa cha giáo, con thật yếu đức tin, nhưng bệnh của con không phải chuyện đùa đâu. Con sẽ chết vì cơn bệnh này.” Rồi anh xin xưng tội và rước lễ.

Đến khuya, người ta thấy Stanislaô nằm bất động. Anh em trong nhà đến vây quanh giường. Đã gần nửa đêm. Bất thình lình nét mặt anh tươi hẳn lên, toàn thân như bừng dậy trong niềm vui. Anh đảo mắt nhìn quanh phòng. Một cha cúi xuống hỏi nhỏ: “Có gì vậy, Stanislaô?”  Anh trả lời nhẹ như hơi thở: “Đức Mẹ đến đón con về”. Ai nấy đều thấy rộn ràng lây vì niềm vui thiên đàng trên gương mặt anh. Dịu dàng nhắm mắt, anh tắt thở một cách hết sức êm ái, không một chút vật vã, không một tiêng thở dài.

Stanislaô ra đi nhẹ nhàng đến nỗi anh em chung quanh một lát sau mới biết. Một người nói: “Stanislaô đi rồi!” Người khác trả lời: “Không đâu, em ấy còn mỉm cười kia mà!”  Để cho chắc, người ta không cần phải xem mạch hay đặt tay lên ngực anh xem tim còn đập không. Một người đem tấm ảnh Đức Mẹ giơ ra trước mặt anh. Không có phản ứng: anh đã ra đi thực sự. Quãng đường có lẽ ngắn hơn từ Wien đến Rôma, và ở quê mới chẳng ai có thể ngăn cản anh sống cho những gì cao quý hơn. Một ngày mới đã bắt đầu. Hôm nay là lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Chưa đầy 18 tuổi xuân, chưa xong năm thứ nhất kỳ tập, chưa làm tháng Linh Thao[17], anh Stanislaô đã được Chúa gọi về với Người. Chúng ta có cảm tưởng anh chỉ bước một bước thật dài, và nhẹ nhàng tới thiên đàng. Cuộc sống anh thật giản dị, như một buổi sáng và một buổi chiều, thế là một ngày đã qua đi, một ngày đã đi vào lịch sử. Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, anh chưa lập được công trạng to lớn nào. Anh chưa hề đặt chân đến miền đất xa xôi, vượt qua bao gian khổ để truyền giáo cho dân ngoại. Anh chưa hề xông pha vào những nơi đức tin Công Giáo bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, để sẵn sàng chịu tử vì đạo. Cả đến những ngày tháng dài như vô tận của tuổi sinh viên anh cũng chưa hề biết đến. Đã hẳn anh chưa có khả năng để giảng dạy hay viết sách báo. Có lẽ cuộc đời ngắn ngủi của anh không có gì đáng kể ngoài ý thức về ý nghĩa cao quý của con người, ngoài ý chí phấn đấu để sống trung thực với lòng mình, ngoài lòng gắn bó keo sơn với Chúa là Đấng đã đặt nơi anh cả ý thức và ý chí ấy. nhưng đó chính là điểm cần thiết nhất nơi bất cứ vị thánh nào, cũng như nơi bất cứ con người nào. Trước mắt anh không có gì là đáng kể ngoại trừ tình yêu Thiên Chúa. Từ quê nhà đến Wien, từ Wien đến Augsburg, từ Augsburg đến Rôma, rồi từ Rôma đến quê trời, chân anh quýnh lên vì niềm vui rạo rực trong lòng.

Chắc trong đời, nhiều lần anh da đọc và suy niệm lời này của thánh Gioan: “Tôi viết cho anh em, những người trẻ, anh em là những người mạnh mẽ, và Lời Thiên Chúa ở lại trong anh em, và anh em đã thắng ác thần. Anh em đừng yêu mến thế gian và các điều thuộc về thế gian. Nếu ai yêu mến thế gian, thì lòng mến của Cha sẽ không có trong kẻ ấy. Thế gian đang qua đi cùng với các đam mê của nó, còn ai làm theo thánh ý Thiên Chúa thì lưu tồn vạn đại” (1 Ga 2,14-17). Nắm được sự khôn ngoan này, Stanislaô đã sống và đã chết. Tin mình được sinh ra để sống cho những gì cao quý hơn tất cả mọi thứ hữu hạn trên đời, anh Stanislaô đã sống đầy đủ cuộc đời của mình với ý nghĩa trọn vẹn nhất trong thời gian kỷ lục. Tuổi thơ ấu ở gia đình, anh là một thiên thần. Hai năm ở Wien, anh là một ngôn sứ. Và cuối cùng tại Rôma, anh là một môn đệ. Trong mọi ngày tháng của cuộc đời ngắn ngủi ấy, chúng ta thấy bàn tay Chúa mãnh liệt dẫn đưa anh vượt lên chính mình để trung thành với lý tưởng làm người của Đức Kitô.

Gm. Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J.



[1] Thánh Phêrô Kanis (Canisio), lúc ấy là cha giám tỉnh Dòng Tên ở Đức.

[2] Thủ đô nước Áo (đọc là Vin).

[3] Một dòng có nhiều tu sĩ thường được chia thành nhiều “tỉnh”, mỗi “tỉnh” có thể là một nước. Vị bề trên một tỉnh được gọi là giám tỉnh.

[4] Thành phố ở miền nam nước Đức.

[5] Thế kỷ XV-XVI.

[6] Nguyên văn bằng tiếng Latinh: Ad majorem natus sum.

[7] Thời ấy hầu hết các giáo dân chỉ rước lễ mỗi năm một lần; những người ngoan đạo nhất rước lễ các Chúa nhật và lễ trọng; Hội Thánh chưa cho phép rước lễ hằng ngày.

[8] Thời ấy chưa có điện thoại hay internet.

[9] Dòng Tên có danh hiệu chính thức là Đoàn Giêsu. Ở Việt Nam vì tôn kính nên không nói tên Chúa, do đó được gọi là Dòng Tên. Dòng Tên do thánh Inhaxiô Loyola, cũng gọi là thánh Inhã, cùng với các bạn là sinh viên ở đại học Paris sáng lập và được Tòa Thánh phê chuẩn năm 1540.

[10] Chưa đủ 18 tuổi.

[11] Sau khi thánh Stanislaô Kostka qua đời, Phaolô hối cải, xin vào tu trong Dòng Tên. Hiện nay lễ thánh Stanislaô Kostka vào ngày 13 tháng 11 chính là ngày qua đời của Phaolô.

[12] Các thầy đã khấn và đang học để chuẩn bị làm linh mục.

[13] Thánh Phêrô Kanis sinh năm 1521 tại Hà Lan, qua đời năm 1597 tại Thụy Sĩ, được tuyên thánh cùng với danh hiệu tiến sĩ Hội Thánh năm 1925, lễ nhớ ngày 21.12. Thánh Phanxicô Borja (đọc là Boóc-kha) sinh năm 1510 tại Tây Ban Nha, qua đời năm 1572 tại Rôma, được tuyên thánh năm 1671.

[14] Kỳ tập: giai đoạn đầu tiên khi chính thức bước vào đời tu. Trong Dòng Tên, kỳ tập kéo dài 2 năm. Bình thường sau kỳ tập thì khấn lần đầu.

[15] Nhà thệ sĩ: nhà các cha Dòng Tên đã khấn trọng. Nhà thệ sĩ ấy hiện nay ở cạnh nhà thờ Chúa Giêsu tại tủng tâm thành phố Rôma.

[16] Tập sư: người đứng đầu và chịu trách nhiệm chính trong nhà tập.

[17] Theo luật Dòng Tên, các tập sinh phải tập Linh Thao trong 30 ngày.

Kiểm tra tương tự

3 lý do chúng ta rất cần Đức Maria là Mẹ chúng ta

  Sự sống mà chúng ta đang sống là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng là …

5 cách để mừng lễ Thánh Gia Thất

  Lấy cảm hứng từ các sách Phúc âm, chúng tôi chia sẻ năm cách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *