Philip Kosloski
Thánh Têrêsa thành Lisieux luôn mang trong mình tấm lòng truyền giáo, mặc dù đã vào dòng Cát Minh vốn là nơi các nữ tu hiếm khi ra khỏi bốn bức tường. Thánh nữ luôn cầu nguyện cho các linh mục truyền giáo cũng như những người mà họ phục vụ. Trái tim vị thánh này luôn tràn đầy tình yêu Chúa và muốn cả thế giới đều cảm nghiệm được.
Trong thời gian thánh Têrêsa ở Lisieux, Pháp đã mở rộng lãnh thổ của mình, bao gồm thuộc địa mà nay là Việt Nam. Sài Gòn rơi vào tay người Pháp năm 1859 và các nhà truyền giáo người Pháp bắt đầu di chuyển thường xuyên hơn đến khu vực này.
Các nữ tu dòng Cát Minh đã thành lập một tu viện ở Sài Gòn vào năm 1861. Một trong những nữ tu thành lập tu viện đã trở lại Lisieux và sống với thánh Têrêsa vài năm, trước khi trở lại Việt Nam vào năm 1895.
Dòng Cát Minh có nhu cầu tăng thêm chị em để giúp đỡ cộng đoàn nhỏ ở Sài Gòn và thánh Têrêsa là một trong những người đầu tiên tình nguyện. Ngài rất háo hức trở thành nhà truyền giáo và gần như sẽ được gửi đi. Thánh Têrêsa nói về điều đó trong một bức thư gửi cho một linh mục người Pháp.
“Điều này có lẽ sẽ làm cha ngạc nhiên; đó không phải là một giấc mơ mà một nữ tu Cát Minh nghĩ về việc đến Đàng Ngoài phải không ạ? Chà, không, đó không phải là một giấc mơ, và con có thể đảm bảo với cha rằng nếu Chúa Giêsu không sớm đến tìm gặp và đưa con về thiên đàng; thì một ngày nào đó con sẽ lên đường đi Hà Nội, vì bây giờ có một cộng đoàn Cát Minh ở đó rồi, dòng Cát Minh ở Sài Gòn đã lập ra cộng đoàn đó ạ.”
Tuy nhiên, sức khỏe của thánh Têrêsa không được tốt và ít có hy vọng vì ngài có thể phải trải qua một hành trình vất vả.
“Có lẽ cha muốn biết Mẹ Bề Trên nghĩ gì về ước muốn đi Đàng Ngoài của con phải không? Mẹ tin vào ơn gọi của con (vì thực sự phải là một ơn gọi đặc biệt mà mọi nữ tu Cát Minh không cảm thấy như là bị đi lưu đày), nhưng Mẹ không tin rằng ơn gọi của con có thể trở thành hiện thực. Vì điều này cũng cần thiết tựa như bao kiếm phải chắc chắn như thanh kiếm, và có lẽ Mẹ Bề Trên tin rằng bao kiếm sẽ bị ném xuống biển trước khi đến Đàng Ngoài. Thật là bất tiện như chúng ta được cấu tạo bởi linh hồn và thể xác vậy!”
Thậm chí sau này, như được ghi lại trong tự truyện, thánh Têrêsa còn cầu mong mình được chữa lành bệnh và tự do để đi Sài Gòn.
“Mẹ dấu yêu, để con kể cho Mẹ nghe, lý do tại sao con muốn đáp lại lời kêu gọi từ Mẹ Bề Trên ở Hà Nội, nếu Đức Mẹ chữa khỏi bệnh cho con. Có vẻ như để sống trong dòng Cát Minh ngoại quốc, cần phải có một ơn gọi rất đặc biệt, và nhiều linh hồn nghĩ rằng họ được gọi nhưng trong thực tế không phải vậy. Mẹ đã nói với con rằng con có ơn gọi này, chỉ là sức khỏe của con lại cản trở. Nhưng nếu một ngày nào đó con được chỉ định rời khỏi dòng Cát Minh này, thì con sẽ không khỏi đau lòng.”
Không phải ý Chúa muốn thánh Têrêsa sống ở Việt Nam, mà thay vào đó là ngài tuôn đổ xuống cho thế giới này muôn vàn đoá hồng từ Thiên đàng. Ngài đã qua đời không bao lâu sau đó và Giáo hội nhận ra tấm lòng truyền giáo của ngài, và đã tuyên bố ngài làm “Bổn mạng các xứ truyền giáo”.
Thánh Têrêsa luôn là mẫu gương cho tất cả chúng ta, đặc biệt khi Giáo hội ngày càng cố gắng để có một tấm lòng truyền giáo, tràn đầy niềm vui Tin Mừng, sẵn sàng rao truyền tình yêu của Chúa Kitô đến mọi nơi trên thế giới.
Nguồn: https://aleteia.org/2019/10/22/how-st-therese-of-lisieux-was-nearly-sent-to-vietnam
Chuyển ngữ: Phê-rô Đại Yên
Hiệu đính: Thiên Kính, S.J.