Thánh Tôma Aquinô Với Vấn Nạn Về Sự Hiện Hữu của Thiên Chúa Trong Summa Theologia

I. Dẫn nhập

Khoa học mỗi ngày một tiến bộ và đã có thời người ta nghĩ rằng sẽ tới lúc mọi vấn đề đều được khoa học giải thích, khi ấy họ không còn cần phải tin có Thiên Chúa nữa. Đây là một trong những vấn nạn căn bản, vấn nạn về sự hiện hữu của Thiên Chúa, và dường như thời nào nó cũng được đặt ra với những sắc thái khác nhau. Chính vì thế, là những con người với lý trí của mình, và hơn nữa là những Kitô hữu với niềm tin của mình, chúng ta sẽ trả lời thế nào cho những vấn nạn ấy. Thế nhưng, dù không chắc rằng chúng ta có thể trả lời thỏa đáng vấn nạn này hay không, nhưng dường như để một câu trả lời có thể được xem là chấp nhận được thì chí ít nó phải là câu trả lời hợp lý, nghĩa là tuân theo những nguyên tắc lý luận của lý trí tự nhiên. Nói điều này có vẻ dư thừa đối với chúng ta nhưng xem ra nó lại là điều rất mới mẻ đối với thời thánh Tôma Aquinô. Trong bài viết này, qua việc khảo sát “Câu hỏi thứ hai” (Question 2) trong “Summa Theologica”[1] của thánh Tôma Aquinô, chúng ta sẽ tìm hiểu cách thức mà ngài đã dùng để trả lời cho vấn nạn về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Qua đó, chúng ta cũng xem lý trí tự nhiên được sử dụng thế nào để bàn về những vấn nạn đức tin. Cuối cùng, chúng ta sẽ nhìn nhận những bài học mà thời đại chúng ta có thể phải cần áp dụng. Bây giở, chúng ta sẽ cùng xem Thánh Tôma Aquinô đã trả lời cho vấn nạn này như thế nào trong Question 2 của “Summa Theologica”.

II. Thánh Tôma Aquinô và vấn nạn về sự hiện hữu của Thiên Chúa

1. Thánh Tôma Aquinô trả lời vấn nạn về sự hiện hữu của Thiên Chúa

Trong Question 2 của Summa Theologica, trước khi đưa ra ý kiến trực tiếp cho việc minh chứng sự tồn tại của Thiên Chúa (trong article 3), thánh Tôma đã đề cập đến hai vấn đề rằng liệu việc Thiên Chúa tồn tại có là hiển nhiên (self-evident) (trong article 1) và liệu có khả dĩ để ta có thể minh chứng được điều ấy (trong article 2).

Thứ nhất, đối nghịch với quan điểm cho rằng Thiên Chúa hiện hữu là hiển nhiên, thánh Tôma Aquinô đã đưa ra ý kiến của ngài rằng trước hết ta cần phải hiểu “Một điều gì đó là hiển nhiên một trong hai cách: hiển nhiên nơi chính nó và đối với chúng ta; hoặc là chỉ hiển nhiên nơi chính nó mà không hiển nhiên đối với chúng ta”. Từ đó, ngài nói rằng Thiên Chúa hiện hữu là hiển nhiên trong chính Người bởi “thuộc từ cũng chính là chủ từ”[2], nhưng lại không hiển nhiên đối với chúng ta vì “chúng ta không biết được bản chất (essence) của Thiên Chúa”. Và vì thế thánh Tôma cho rằng chúng ta cần minh chứng (demonstrate) cho sự tồn tại của Thiên Chúa.

Kế đến, trước khi trả lời cho các quan điểm cho rằng việc minh chứng cho sự tồn tại của Thiên Chúa là không thể, thánh Tôma đã một lần nữa dẫn ta đi từ chính từ ngữ ‘chứng minh’ (demonstration), khi nói rằng việc chứng minh có thể được thực hiển bởi hai cách: hoặc là xuất phát từ nguyên nhân (mà ngài gọi là “priori”), hoặc là xuất phát từ kết quả (điều được ngài gọi là “posteriori”). Như thế theo con đường thứ hai, việc biết về kết quả sẽ giúp ta tiến đến (proceed) được tới nguyên nhân và nếu “có kết quả, ắt phải có nguyên nhân” vì ngài khẳng định rằng “mọi kết quả đều phải tùy thuộc vào nguyên nhân của nó”. Bởi đó, thánh Tôma cho rằng việc chúng ta chứng minh Thiên Chúa hiện hữu là khả dĩ theo cách thức khởi từ kết quả này.

Cuối cùng, sau khi hai vấn nạn trên đã được giải đáp, thánh Tôma dẫn chúng ta tới việc minh chứng sự tồn tại của Thiên Chúa qua năm cách thức (five ways) trong phân đoạn 3 (article 3) . Trong đó, hai cách thức đầu được lý luận tương tự nhau đó là dựa trên sự “chuyển dịch” (motion) và “nguyên nhân tác thành” (efficient cause). Ngài nói rằng, “không có gì mà tự nó có thể chuyển dịch” nhưng nó cần thứ khác là “động cơ” (mover) cho sự chuyển dịch của nó, và vì thế khi truy ngược lại chuỗi chuyển dịch ấy ta sẽ nhận thấy “động cơ đệ nhất” là chính Thiên Chúa mà “mà mọi người hiểu”, bởi không thể có chuỗi vô hạn động cơ – chuyển dịch vì như thế sẽ chẳng có động cơ ban đầu và hệ quả là chẳng có gì chuyển dịch. Tương tự như vậy, vì mọi thứ đều cần có thứ khác là “nguyên nhân tác thành của nó” nên ta có thể truy nguyên để nhận ra “nguyên nhân đệ nhất” là chính Thiên Chúa, bởi lẽ, không thể có một chuỗi nguyên nhân vô hạn vì như thế sẽ không có nguyên nhân đệ nhất và hệ quả là không có các nguyên nhân tác thành trung gian và cũng chẳng có gì cả.

Cách thức thứ ba được thánh Tôma dùng dựa trên “hữu thể tất yếu”. Ngài nói, mọi sự có được sự tồn tại là nhờ được phát sinh (generated) vì thế có một lúc nào đó chúng là không tồn tại (non-exist). Như vậy, sự hiện hữu của chúng được trao ban từ một hữu thể khác (cái đã hiện hữu). Lập luận cũng khá tương tự hai trường hợp trên là sẽ không thể có một chuỗi trao ban hiện hữu vô hạn được vì như thế cũng sẽ chẳng có gì tồn tại bởi lẽ mọi hữu thể bất tất (có thể hiện hữu và có thể không hiện hữu) đã có lúc không hiện hữu và ta xét thời điểm khi mà không có gì đã hiện hữu thì sẽ chẳng có gì được trao ban sự hiện hữu. Như thế, phải có một “hữu thể tất yếu”, hữu thể tự hiện hữu mà không cần được trao ban sự hiện hữu, là chính Thiên Chúa để rồi từ Người mà mọi thứ được trao ban sự hiện hữu.

Kế đến, trong cách thức thứ tư, thánh Tôma đã chỉ ra rằng Thiên Chúa là “nguồn của mọi sự tốt lành thiện hảo”. Ngài nói, sở dĩ có hữu thể tốt, thiện, hay đúng… “hơn” hay “kém” là vì có hữu thể chân, thiện, mỹ “đệ nhất” và đó là “nguồn gốc của mọi sự”.

Cuối cùng, trong cách thức thứ năm, Thiên Chúa được thánh Tôma nhìn dưới chiều kích là “đấng quản trị vũ trụ”. Ngài nói rằng, vũ trụ (“hữu thể vô tri”) dường như luôn vận hành theo cùng một cách thế hướng đến mục đích tốt nhất (sự thường hằng của các chu trình trong vũ trụ). Từ đó ngài khẳng định rằng cần phải có một hữu thể khôn ngoan (intelligence) và có lý trí (knowledge) “dẫn dắt” chúng theo một hướng đi đến mục đích ấy, và đấng đó là Thiên Chúa. Bởi lẽ, ta không thể nói chúng đạt tới được mục đích ấy bởi “tự chúng” hay do “may mắn”, nhưng là vì chúng đã được “thiết kế” để có thể tiến tới mục đích của chúng.

Như vậy với 3 articles, cách riêng là article 3, thánh Tôma Auquinô đã phần nào chỉ ra những cách thức mà nhờ đó con người chúng ta có thể tìm để nhận biết Thiên Chúa. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm xem liệu rằng những tư tưởng này có là do ngài khởi xướng hay là được kế thừa từ các nhà tư tưởng khác, và cũng xem cách thức mà ngài đã sử dụng để trả lời cho các quan điểm khác biệt  hay trái ngược.

2. Những kế thừa và ảnh hưởng nơi những tư tưởng của thánh Tôma Aquinô

Chúng ta phải nói rằng việc đưa ra luận chứng bảo vệ sự hiện hữu của Thiên Chúa thì không phải do chính Tôma Aquinô khởi xướng, nhưng cách nào đó nó đã được bắt đầu nơi thánh Ansenmô. Tuy nhiên, điểm độc đáo nơi Tôma Aquinô một mặt được thể hiện nơi cách thức ngài “đối thoại” với các quan điểm khác và từ đó mở đường cho rất nhiều những luận chứng xoay quanh vấn nạn này, kể cả trong thời đại hôm nay của chúng ta; Mặt khác sự độc đáo đó được thấy nơi cách ngài quy chiếu đến các triết gia cùng sự ‘tôn trọng’ ngang tầm với các giáo phụ.

Trước hết, dù cho không phải mọi người đều đồng thuận về tính “luận chứng” của “luận chứng hữu thể luận” mà thánh Ansenmô đã phát biểu về sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng dầu sao những điều đó cũng vẫn nói cho chúng ta thấy một câu trả lời cho những người “khờ dại” với quan điểm cho rằng Thiên Chúa không hiện hữu. Tuy nhiên, từ luận chứng hữu thể luận này chúng ta chỉ đọc thấy một cuộc độc thoại, một nỗ lực để chống lại quan điểm trái ngược[3].

Tuy nhiên, điều mà thánh Tôma đã làm thì rất khác, điều mà chúng ta có thể thấy được trong chính cấu trúc của một article. Với mỗi article, thánh Tôma khởi đầu với việc nêu những quan điểm (thuận nghịch) của những người khác, kế đến là phần trình bày của ngài và cuối cùng là cách ngài ‘giải thích’ bằng những lý luận để chỉ ra điểm chưa đúng hay chưa hợp lý của các quan điểm khác đã nêu. Như vậy, có thể thấy ngài đã cố gắng để ‘hiểu’ người khác nghĩ gì và ‘trả lời’ cho chính điều họ thắc mắc hay nghi vấn. Chẳng hạn, trong article 3, có quan điểm cho rằng nếu Thiên Chúa hiện hữu thì sự dữ sẽ không hiện hữu, nhưng vì sự dữ đang hiện hữu nên Thiên Chúa không hiện hữu. Để trả lời cho quan điểm này, sau khi trình bày 5 con đường nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa, thánh Tôma đã dựa vào thánh Augustine để cho thấy rằng vì Thiên Chúa có thể rút ra được điều tốt lành từ chính sự dữ nên Người cho phép sự dữ tồn tại mà vẫn không làm ‘tổn hại’ đến sự “toàn thiện” của Người hay rõ hơn là việc sự dữ tồn tại không làm mâu thuẫn cho sự tồn tại của Thiên Chúa.

Kế đến, chúng ta có thể thấy rằng, trong khi trả lời cho các vấn nạn, thánh Tôma đã sử dụng những ý niệm hay tư tưởng của các triết gia (đặc biệt là của Aristotle) như một điểm quy chiếu ngang tầm với các giáo phụ khác. Chỉ trong một Question 2 này thôi, nhưng rất nhiều lần Aristotle hay những ý niệm của ông đã được Tôma quy chiếu tới, chẳng hạn ý niệm về “nguyên nhân tác thành”[4] (sufficient cause) trong con đường thứ hai đã trình bày ở trên, hay khi ngài đồng ý và thảo luận với quan điểm thứ hai của article 1 liên quan đến “nguyên lý đệ nhất” trong ý niệm của Aristotle. Tương tự như vậy, Boethius cũng được ngài quy chiếu như là điểm tựa cho câu trả lời về sự “hiển nhiên” của việc Thiên Chúa hiện hữu trong article 1. Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, đối với thánh Tôma, những ý niệm hay tư tưởng này cũng đáng tin cậy và có thể dùng làm điểm “gặp gỡ” trong “đối thoại” với các quan điểm khác.

Cuối cùng, chúng ta có thể nhận thấy rằng khởi từ Tôma Aquinô mà cách thức “đối thoại” đã được rất nhiều nhà tư tưởng sau này sử dụng. Cách riêng liên quan tới chính vấn nạn về sự hiện hữu của Thiên Chúa, rất nhiều tác giả sau này đã vào cuộc (hoặc là để phản bác, hoặc là để ủng hộ) mà chúng ta biết đến với các tên gọi: “luận chứng vũ trụ” (The Cosmoslogical Argument); “luận chứng luân lý” (The Moral Argument)[5]… và có thể nói gần đây nhất là tư tưởng của Taylor bàn về vũ trụ, tạo dựng và các luận chứng về Thiên Chúa.[6]

Như thế, có thể nói rằng, cách lý luận hợp lý dựa trên lý trí tự nhiên đã được thánh Tôma Aquinô sử dụng để trình bày và giải đáp những vấn nạn đức tin mà cho tới thời của ngài vẫn bị coi là thuộc về ‘độc quyền’ của mặc khải. Qua đó, ngài đã thổi một luồng gió mới vào trong cách thức đối lại với những quan điểm trái nghịch hay cách thức hòa hợp với những quan điểm khác biệt. Điều này, cách nào đó, vẫn đang là bài học cho tất cả chúng ta.

3. Những thúc đẩy từ thánh Tôma Auquinô

Qua cách thức ‘đối thoại’ của thánh Tôma Aquinô, chúng ta có thể đọc ra được lời mời gọi tìm thấy nơi ngài nguồn cảm hứng để đi vào chính những vấn đề mà thời đại chúng ta đang gặp phải trong công cuộc Tin Mừng hóa các nền văn hóa; đối thoại và hội nhập văn hóa hay đối thoại liên tôn; và cả trong những điều rất bình dị là cách ta ‘nói chuyện’ với người khác. Một mặt, phải nói rằng chu trình cho một đối thoại được gợi hứng từ thánh Tôma đang cần và được mời gọi đào sâu trong thời đại chúng ta, đó là cách thức khởi đi từ việc ‘hiểu’ người khác nói gì đến việc ‘nói lên’ quan điểm của mình và để rồi đi tới ‘đối thoại’ (giải thích giúp nhận ra những điểm tương đồng, dị biệt để dẫn tới hòa hợp hay cải biến…). Chúng ta sẽ phải làm gì để đem Tin Mừng đến với các dân tộc, các nền văn hóa nếu không phải là tìm để khám phá để hiểu chính họ với văn hóa của họ để rồi trình bày niềm tin của chúng ta trong sự hòa hợp những giá trị ‘tích cực’ của họ và soi rọi giá trị Tin Mừng như điểm tựa để cải biến những điều còn ‘chưa tốt’ trong họ và dĩ nhiên ta cũng phải thích ứng lối sống và lối diễn tả đức tin tương thích trong chính văn hóa của họ. Cũng tương tự như thế,  khi chúng ta đối thoại với các tôn giáo khác, hay cách riêng khi đối thoại với người khác. Làm sao để có thể đối thoại nếu trước hết không hiểu nhau và tìm thấy nơi nhau những điểm gặp gỡ chung và dĩ nhiên có thể nói rằng mỗi bên cần phải ‘biến đổi’ để có thể đi đến những giá trị chung. Mặt khác, một khía cạnh cũng cần phải được học hỏi nơi Tôma, dù đôi khi chúng ta thiếu để ý, đó là cách tìm về những nền tảng cả hai bên đối thoại đều chấp nhận chung với nhau chứ không phải mỗi bên cậy dựa riêng vào chính những giá trị hay những nền tảng của riêng mình. Chẳng hạn, cùng khởi đi từ lý trí tự nhiên với những ý niệm mà cả hai bên phải hiểu chung và chấp nhận ta mới có thể ‘nói’ với nhau. Cũng như chính thánh Tôma Aquinô đã nói trong Lời ngỏ cho tác phẩm “Summa Contra Gentiles” của ngài rằng, nếu nói với những người Do thái thì chúng ta có thể dựa vào Cựu Ước như điểm quy chiếu chung, hay khi nói với những người lạc giáo thì có thể cậy dựa vào Tân Ước, nhưng khi nói với người Hồi giáo, chúng ta không thể dựa vào Kinh Thánh vì họ không đồng ý với ta về thẩm quyền của Kinh Thánh.[7]

III. Kết luận

Như vậy, qua ba articles, thánh Tôma Aquinô đã đưa ra quan điểm của ngài rằng, việc Thiên Chúa hiện hữu thì không là ‘hiển nhiên’, tuy nhiên điều đó thì khả dĩ có thể được chứng minh và đối với ngài việc Thiên Chúa tồn tại có thể được nhận ra theo năm cách thức: Thiên Chúa được thấy như “Động cơ đệ nhất”; “Nguyên nhân đệ nhất”; “Hữu thể tất yếu”; “Giá trị đệ nhất”; “Nhà thiết kế vũ trụ”. Từ năm cách thức này, chúng ta có thể nhận thấy cách nào đó những đặc tính (thuộc từ) mà chúng ta vẫn đang dùng để nói về Thiên Chúa như “Đấng sáng tạo vạn vật” hay “Đấng toàn thiện, toàn mỹ”… Bên cạnh đó, ta cũng ghi nhận rằng mặc dù thánh Tôma đã áp dụng những điều mà các nhà tư tưởng đi trước đã khởi xướng và song song với các giáo phụ, ngài cũng xem các triết gia như điểm qui chiếu trong lý luận của mình.

Tuy nhiên, điều đáng để chúng ta học hỏi hơn cả và cũng là điều được xem như chính thánh Tôma Aquinô khởi sự  đó là cách thức ‘đối thoại’ với những người có quan điểm khác chúng ta về những vấn đề thuộc đức tin. Việc ngài nêu các quan điểm khác biệt ấy, sau đó đưa ra ý kiến riêng của mình và cuối cùng chỉ ra những mâu thuẫn hay điểm bất hợp lý của những quan điểm ấy làm nổi bật cách thức lý trí tự nhiên được dùng. Điều này làm cho chúng ta suy nghĩ về cách ta đối thoại với nhau và với những người không cùng tôn giáo với chúng ta trong cả các vấn nạn đức tin và việc hội nhập đức tin chúng ta đang gặp phải hiện nay mà trong số ấy vẫn còn đó vấn nạn về sự hiện hữu của Thiên Chúa.

 Học Viên Triết 2: Đaminh Đỗ Hùng Dinh S.J

 

———————————————————————

 

THƯ MỤC SÁCH THAM KHẢO

Joseph Godfrey. Philosophy of God. St. Joseph Scholasticate, 2011.

Thomas Aquinas. Summa Theologica. Chirstian Classics Ethereal Library.

Samuel Enouch Stumpf. Socrates to Satre – A History of Philosophy. Mc Graw-Hill, 1999.


[1] Các trích dẫn bản văn được chuyển dịch từ: Thomas Aquinas, Summa Theologica, (Chirstian Classics Ethereal Library), 22-29.

[2] Như Tôma đã định nghĩa: “Một mệnh đề là hiển nhiên nếu vị từ được chứa đựng trong bản chất của chủ từ”.

[3] Xem thêm: Bản tóm bài giảng về Triết học thời Trung cổ của Lm Đậu Văn Hồng từ giáo trình của Emmanuel Falquel, trang 31.

[4] Ý niệm được Aristotle dùng đầu tiên khi nói về 4 nguyên nhân. Xin xem thêm: Samuel Enouch Stumpf, Socrates to Satre – A History of Philosophy, (Mc Graw-Hill, 1999), 87.

[5] Xin xem thêm trong: Joseph Godfrey, Philosophy of God, (St. Joseph Scholasticate, 2011), 74-98.

[6] Xin xem: Joseph Godfrey, Sđd, 288-302.

[7] Xin xem thêm trong: Bản tóm bài giảng về Triết học thời Trung cổ của Lm Đậu Văn Hồng, trang 68.

Kiểm tra tương tự

Thánh Danh Chúa Giêsu: Trái Tim và Sứ Mạng của Dòng Tên

  Ngày 3 tháng 1, Dòng Tên hân hoan mừng lễ kính Thánh Danh Chúa …

Lý do Thánh Gioan Tông Đồ được mừng kính ngay sau lễ Giáng Sinh

  Lễ kính thánh Gioan Tông đồ được cử hành ngay sau lễ kính thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *