- Đức Kitô đã hát Thánh Vịnh bằng chính giọng hát của Ngài (x. Mc 14, 26).
- Ngài đã hát Thánh Vịnh bằng cuộc đời của Ngài(x. Lc 24, 44).
- Và Ngài vẫn còn hát Thánh Vịnh ngang qua «Thân Thể của Ngài», nghĩa là ngang qua Giáo Hội và một cách cụ thể, ngang qua chính «giọng hát» hàng ngày của chúng ta. Và như Đức Kitô, chúng ta được mời gọi hát Thánh Vịnh bằng chính cuộc đời của mình.
c. Kinh nghiệm con tim bừng cháy. Trên đường Em-mau, hai môn đệ trách Đức Kit-tô là không biết (c. 18); và sau khi nghe họ kể chuyện xong, Ngài trách họ là không hiểu: “Các anh chẳng hiểu gì cả… Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?(c. 25-26). Sau đó, “bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.” Và sau khi họ nhận ra Ngài, lúc Ngài bẻ bánh, họ nói với nhau: “Dọc đường, khi người nói chuyện và cởi mở Kinh Thánh cho chúng ta, con tim chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao. Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem?” (c. 32-33).
Như thế, lời giải thích của Đức Ki-tô phục sinh về sự tương hợp giữa mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài và Sách Thánh, trong đó sách Thánh Vịnh là một trong ba yếu tố nền tảng (x. Lc 24, 44)[1] không chỉ đem lại cho hai môn đệ một sự hiểu biết, nhưng, qua đó, còn tạo ra nơi tâm hồn các ông một kinh nghiệm, kinh nghiệm “con tim bừng cháy.” Như thế, việc hiểu Sách Thánh được hoàn tất nơi Đức Giêsu đã phải đi ngang qua chốn sâu thẳm của tâm hồn, và làm cho sinh động mọi gốc rễ của tâm hồn, để có thể làm cho “con tim bừng cháy.” Vậy thì tại sao người nghe, là hai môn đệ và hôm nay đến lượt chúng ta, lại thấy mình có liên quan, thấy mình được đánh động bởi sự kiện Đức Ki-tô hoàn tất Sách Thánh cổ xưa?
Gương vâng phục của Đức Giêsu đối với Cha của Ngài có lẽ chưa đủ, vì chúng ta vẫn còn ở bên ngoài. Chúng ta thấy mình có liên quan, bởi vì sự vâng phục của Đức Giêsu đối với Chúa Cha được bày tỏ ra cho Ngài ngang qua con người. Kế hoạch của Chúa Cha được ghi khắc ở đâu, nếu không phải là trên con người, trên toàn thể một dân tộc có trước Ngài? Hẳn là kế hoạch này được viết trong một cuốn sách; nhưng nếu các trang sách biết nói, đó là bởi vì chúng qui về những cuộc đời cụ thể, giống như cuộc đời cụ thể của chúng ta, và Thiên Chúa đã dùng những cuộc đời cụ thể này để ghi khắc trên đó kế hoạch Ngài thiết lập cho Đức Kitô của Ngài. Và, vì dân tộc này giống như chúng ta, con tim chúng ta có thể “bừng cháy” khi chúng ta nhận ra nơi con người và cuộc đời của mình hành trình Vượt Qua của Đức Ki-tô.
2. Cầu nguyện với Thánh Vịnh
Vậy, chúng ta sẽ làm gì khi cầm trong tay sách Thánh Vịnh? Chúng ta sẽ đọc. Nhưng, trả lời như thế vẫn chưa hoàn toàn đúng với thực tế; bởi lẽ, chúng ta đã không đọc các Thánh Vịnh như các bản văn Kinh Thánh khác. Thực vậy, hằng ngày, chúng ta còn hát hay đọc cao giọng các Thánh Vịnh như một lời nguyện ngỏ với Thiên Chúa; và đó chính là đặc điểm đầu tiên của các Thánh Vịnh. Lề Luật và các ngôn sứ nói “ngươi”; còn lời nguyện Thánh Vịnh nói “con” hay “tôi”. Như thế, lời nguyện Thánh Vịnh chỉ ra vị trí, vai trò, và thậm chỉ cả một con đường, mà chúng ta được mời gọi đặt mình vào.
Hơn thế nữa, theo sự sắp xếp của sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, chúng ta còn đọc đi đọc lại theo một chu kỳ nhất định, đến độ thuộc lòng một cách tự nhiên. «Đọc thuộc lòng», chúng ta hãy tạm bỏ qua ý nghĩa không hay của hành vi này, diễn tả điều tôi đang đọc không thuộc về tôi, nhưng tôi yêu thích, tôi muốn nhận làm của mình, và hơn nữa, tôi muốn trở nên một với điều tôi đọc. «Đọc» Thánh Vịnh được hiểu như trên, có nghĩa là chúng ta làm cho lời nguyện Thánh Vịnh được ứng nghiệm, được thực hiện nơi tâm hồn và trong đời sống của chúng ta. Lời nguyện Thánh Vịnh là lời nguyện của con người ngỏ với Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là Lời Chúa. Vì thế, không lời nào làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn là dùng chính Lời của Chúa để nói với Chúa. Do đó, vị trí, vai trò và con đường mà lời nguyện Thánh Vịnh mời gọi chúng ta đặt mình vào, không có nguồn gốc từ con người, nhưng từ chính Thiên Chúa.
Chính Đức Giêsu cũng đã cầu nguyện với Thánh Vịnh: “Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát” (Lc 4, 16). Những chỉ dẫn như thế này có khá nhiều trong các Tin Mừng và làm cho chúng ta hiểu rằng, nếu Đức Giêsu thuần thục với những thực hành tôn giáo của dân tộc Ngài, thì lời nguyện Thánh Vịnh phải là lời nguyện của Ngài. Thật vậy, trong bữa tiệc ly, “Hát Thánh Vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu” (Mt 26, 30); trên thập giá, Đức Giêsu kêu lên: “Eli, Eli, lemâh sabachthani” (Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con, tại sao Ngài đã bỏ rơi con?), và đó là câu đầu tiên của Tv 22 (Mc 15, 34). Như chúng ta trình bày ở phần trên, các Thánh Vịnh là lời nguyện của con người ngỏ với Thiên Chúa, nhưng cũng là Lời Chúa ban cho con người nữa. Vì thế, chúng ta xác tín rằng, trong lời nguyện Thánh Vịnh có Lời Thiên Chúa, nghĩa là có Đức Ki-tô, với tư cách là Ngôi Lời Thiên Chúa.
* * *
Thánh Phaolô nói: “Anh em hãy mặc lấy Đức Chúa Giêsu-Kitô”(Rm 13, 14), như mặc lấy chiếc áo. “Chiếc Áo Giê-su” vốn không phải là chính chúng ta, nhưng là quà tặng tuyệt vời mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Như khi chúng ta nhận được chiếc áo mơ ước (chẳng hạn áo dòng), chúng ta mặc vào, chiếc áo đã không phải là của chúng ta, nhưng nay là thành phần làm nên chúng ta, là một với chúng ta suốt đời. Cũng vậy, đối với những lời nguyện của các Thánh Vịnh, một khi chúng ta đặt mình vào chủ thể của lời nguyện Thánh Vịnh, chúng ta như mặc lấy “Chiếc Áo Thánh Vịnh”. Thế mà, Đức Ki-tô đã trở nên một với lời nguyện Thánh Vịnh. Vì thế, khi chúng ta “mặc lấy” lời nguyện Thánh Vịnh, chúng ta sẽ “mặc lấy” chính Đức Ki-tô.
3. Bản văn Thánh Vịnh
a. Bản văn trong dòng lịch sử
Sách Thánh Vịnh là tập sách gồm 150 Thánh Vịnh, được biên soạn bằng tiếng Do thái và làm thành một trong các sách quan trọng của phần Cựu Ước. Ai là tác giả của các Thánh Vịnh? Xưa kia người ta có thể trả lời: «đó là Đavít » bởi vì dân tộc Israel, kể cả những người của Tân Ước đã gán các Thánh Vịnh cho Đavít. Tuy nhiên, khoa chú giải Kinh Thánh hiện đại cho chúng ta biết rằng việc gán tên này chỉ có gía trị biểu tượng: danh xưng «Đavít» là dấu chỉ mà ở đó cả Israel đã nhận ra mình, nó tập hợp tất các thi nhân vô danh đã viết các Thánh Vịnh[2].
Trên bình diện lịch sử biên soạn, các nhà chuyên môn nhìn nhận có một “hạt nhân” cổ xưa từ thời vua Đavít (từ năm 1000), sau đó các Thánh Vịnh khác được biên soạn từ từ dọc theo suốt dòng lịch sử Israel cho đến tận thế kỷ II trước công nguyên.[3] Điều này làm cho hình ảnh của sách Thánh Vịnh thêm đẹp hơn, vì giống với các thánh đường cổ xưa, vốn mang dấu vết của nhiều giai đoạn lịch sử, đến độ có thể thâu tóm cả chiều dài lịch sử.
Đa số các Thánh Vịnh đều có một “Suscription” (tiếng Anh, superscription), đó là những chỉ dẫn viết bằng văn xuôi đặt ở đầu các Thánh Vịnh. Chúng được biên soạn sau này và theo truyền thống, đó là những phần không được linh hứng. Vì thế, chúng bị loại bỏ trong các bản dịch Thánh Vịnh dành cho phụng vụ[4].
b. Cách đánh số các Thánh Vịnh
Các Thánh Vịnh được dịch ra tiếng Hy lạp trước Đức Kitô bởi người Do thái, trong bản LXX, nghĩa là bản Bảy Mươi ; bản dịch này được thực hiện bởi nhiều tác giả vào khoảng 250-150 trước công nguyên[5]. Sau này, dựa trên bản Bảy Mươi, thánh Giêrônimô (342-420) chuyển dịch các Thánh Vịnh sang tiếng Latinh trong bản Vulgata, nghĩa là bản Phổ Thông. Cách đánh số của bản văn Do Thái mà chúng ta thấy trong hầu hết các bản dịch Kinh Thánh hiện nay, hơi khác với cách đánh số của bản dịch La tinh và Hy lạp. Dưới đây là bảng so sánh giữa hai cách đánh số các Thánh Vịnh:
Đánh số theo bản văn tiếng Do thái (Các bản dịch Kinh Thánh đương thời) | Đánh số theo bản dịch Hy lạp và La tinh (Các sách bài đọc và phụng vụ Các Giờ Kinh) |
Tv 1 – 8 | Tv 1 – 8 |
9 | 9, 1-21 |
10 | 9, 22-39 |
11 – 113 | 10 – 112 |
114 | 113, 1-8 |
115 | 113, 9-26 |
116, 1-9 | 114 |
116, 10-19 | 115 |
117 – 146 | 116 – 145 |
147, 1-11 | 146 |
147, 12-20 | 147 |
148 – 150 | 148 – 150 |
II. Mở sách Thánh Vịnh
Khi mở sách Thánh Vịnh, chúng ta có thể cảm thấy lo lắng, vì nghĩ rằng, mình phải học biết nhiều điều trước đã, trước khi đọc Kinh Thánh và nhất là đọc các Thánh Vịnh. Đúng là phải học một số điều, nhưng tốt hơn là học trong khi đọc, nhất là khi có các câu hỏi mà việc đọc Kinh Thánh gợi ra. Vậy, chúng ta hãy mở sách Thánh Vịnh và tìm Thánh Vịnh 77[6], là Thánh Vịnh nằm ở giữa sách, ít nhất là theo số thứ tự ; chúng ta cùng đọc câu 11, vốn cũng là câu trung tâm của Thánh Vịnh:
Tôi tự bảo: điều làm tôi đau đớn,
Là Đấng Tối Cao chẳng còn ra tay nữa[7].
Lời nguyện này muốn nói rằng cánh tay của Thiên Chúa « không còn như xưa nữa ». Khi tác giả Kinh Thánh nói về những hành động ngoại thường, những thời điểm lớn lao, những can thiệp đảo lộn ở giữa lòng lịch sử, tác giả thường nói ở thì quá khứ; và ở thời gian hiện tại, tác giả không còn thấy những điều đó nữa, nhưng nhiều khi còn thấy những điều ngược lại: những chiến thắng, không còn của Thiên Chúa nữa, nhưng là của những kẻ từ chối Ngài; còn những người tin vào Ngài thì lâm cảnh gian truân khốn khó. Và, như tác giả Thánh Vịnh nói, «điều đó gây đau đớn». Như thế, chúng ta không thể trách tác giả Thánh Vịnh nói một thứ ngôn ngữ khó hiểu!
1. Người kêu cầu là ai ?
Vậy thì tác giả Thánh Vịnh là ai ? Ai đã lên tiếng ? Ai tự bảo : «tay hữu Đấng Tối Cao đã đổi thay?» Xưa kia, người ta có thể trả lời: «Đó là vua Đavít», bởi vì dân tộc Israel, kể cả những người của Tân Ước đã gán các Thánh Vịnh cho vua Đavít. Nhưng việc gán tên này chỉ mang một gía trị biểu tượng, nghĩa là tên riêng «Đavít» là dấu chỉ mà ở đó cả dân tộc Israel đã nhận ra mình, và tên gọi này cũng tập hợp tất cả các thi nhân vô danh đã viết nên các Thánh Vịnh.
Dân tộc Israel đã có nhiều cơ hội để nói rằng họ không còn thấy cánh tay của Thiên Chúa hành động nữa và Kinh Thánh kể lại cho chúng ta chính những cơ hội này; bởi vì Kinh Thánh không chỉ kể những điều kỳ diệu, nhưng cả những điều ngược lại nữa. Hôm nay, khi chúng ta hát lên câu Thánh Vịnh trích ở trên, đồng thời đặt «tôi» vào trong câu «tôi tự bảo» của Thánh Vịnh, chúng ta đón nhận cả một kinh nghiệm lịch sử dài đầy những tai họa, chúng ta được tháp nhập vào một dân tộc. Một trong những hiệu quả của lời nguyện đến từ các Thánh Vịnh, đó là tiếng kêu cô đơn sẽ không còn cô đơn nữa, bởi vì có rất nhiều tiếng kêu cùng hòa vào chỉ một tiếng kêu không ngừng vang lên. Thốt lên tiếng kêu của riêng mình trong sự lẻ loi hoặc thốt lên cùng với người bạn đồng hành là tác giả Thánh Vịnh, đó không phải là cùng một điều như nhau!
Nhưng tại sao tôi lại phải mượn những lời nguyện Thánh Vịnh, được chuyển dịch từ tiếng Do Thái, hơn là dùng những lời nguyện khác? Có một lý do cho điều đó. Thật vậy, khi Thiên Chúa nói với Abraham lần đầu tiên, Ngài hứa với ông rằng: «Mọi dân tộc trên mặt đất» sẽ nhận được lời chúc phúc của Thiên Chúa ngang qua tương quan mà họ có đối với ông :
Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi ;
Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa.
Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc(St 12, 3)
Lời hứa này đang được thực hiện, bởi sự kiện đơn giản là lời chúc phúc dành cho chúng ta và cả sự thử thách của chúng ta nữa, được ban cho ngang qua những lời đến từ một người con vô danh của Abraham[8]. Vì Abraham và tất cả con cái của ông đã chỉ được Thiên Chúa chọn vì tất cả chúng ta. Chúng ta hướng về «Đavít», người con của Abraham, bởi vì ông đã hướng về chúng ta. Chúng ta tin ông hướng về chúng ta bởi vì ông đã hướng về Đức Giêsu-Kitô. Cầu nguyện nhờ những lời của tác giả Thánh Vịnh là một cách cầu nguyện «nhờ Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta», như Giáo Hội vẫn làm.
Tôi cất lời kêu lên cùng Chúa !
Lời tôi kêu Chúa, xin Người lắng nghe! (Tv 77, 2)
Những câu tiếp theo (c. 3-5) tiếp tục theo cùng một cung điệu. Vì nói ở ngôi thứ nhất số ít, Thánh Vịnh này được các nhà chú giải xếp vào nhóm «những lời kêu cầu cá nhân». Nhưng đọc Thánh Vịnh, chúng ta cần phải đi xuống phía dưới bề mặt. Trong lời nguyện này, điều không xuất hiện ra bên ngoài, đó là người kêu cầu bị dày vò bởi một nỗi bất hạnh vượt ra khỏi trường hợp cá nhân của mình. Chân trời của lời nguyện rộng hơn, và người ta chỉ hiểu được khi so sánh lời nguyện này với những bản văn Kinh Thánh khác. Khi người kêu cầu nhắc tới «Tay hữu Đấng Tối Cao», chính là để nhắc nhớ những thời điểm lớn lao của Lịch Sử Thánh, vốn được trẻ em thời đó đọc thuộc lòng như là những bài học «giáo lý ». Và đúng như thế : Thánh Vịnh này, ở các câu 12-21, ám chỉ một cách rõ ràng tới biến cố thoát khỏi Ai-Cập. Người kêu cầu muốn nói thế này: «Vào thời của chúng tôi, chúng tôi không còn thấy biến cố thoát khỏi Ai-Cập nữa, nhưng thấy toàn là cảnh nô lệ, áp bức và thất bại». Tác giả Thánh Vịnh kêu cầu vì sự «đổi thay» ở tầm mức lịch sử, hơn là vì trường hợp đặc biệt của mình :
Lạy CHÚA, con tưởng nhớ bao việc Ngài làm,
tưởng nhớ những kỳ công thuở trước.
Mọi hành động của Ngài, con nhẩm đi nhắc lại,
sự nghiệp Ngài, con sẽ gẫm suy.
Lạy Thiên Chúa, đường lối Ngài quả là thánh thiện,
có thần nào cao cả như Thiên Chúa?
Chính Ngài là vị Thần thực hiện những kỳ công,
biểu dương sức mạnh giữa muôn vàn dân nước.
Tay Chúa đã cứu chuộc dân Ngài
là giống nòi Gia-cóp và Giu-se. (Tv 77, 12-16)
2. Tính thời sự của lời nguyện Thánh Vịnh
Chúng ta đôi khi tự hỏi bản văn này hay bản văn kia có tính thời sự hay không. Đứng trước bản văn này, chúng ta phải nói rằng nó chỉ chứa đựng thời sự. Thời sự là chủ đề duy nhất của nó. Và thời sự thực sự, vì đó là khủng khoảng. Đó là điều xẩy ra bất chợt, bởi vì có một sự khác biệt đến phá vỡ sự liên tục. Thánh Vịnh này nói về cái gì ? Về sự đổi thay!
Nếu đúng như thế, phải chăng chúng ta cần thay đổi cái nhìn của chúng ta về Kinh Thánh? Nếu được hỏi về nội dung của Kinh Thánh, có lẽ chúng ta sẽ trả lời rằng Kinh Thánh là Lịch Sử Thánh, và trong trí chúng ta nghĩ tới một chuỗi, rất được biết đến, những hành động vang dội do Thiên Chúa thực hiện. Biết Kinh Thánh với những nội dung như thế, chúng ta không thể không nghĩ rằng những gì mà Kinh Thánh kể lại thì đã xa rồi. Xa khỏi chúng ta, lời mời gọi Abraham, tiến trình mặc khải cho Môsê, biến cố Vượt Qua của cuộc Xuất Hành. Như thế, trong trí tưởng tượng của chúng ta, Kinh Thánh như bị giản lược vào một cuốn sách kể lại những kỳ công xa xưa. Trong thực tế, Kinh Thánh quả có chứa đựng những trình thuật như thế, nhưng cũng nhiều điều khác nữa. Ngoài những kỳ công, Kinh Thánh còn kể lại kinh nghiệm của ngày mai và của ngày mốt đối với những kỳ công. Đó là kinh nghiệm về những kỳ công nay đã xa rồi. Và đó thực sự là một kinh nghiệm, vì nó đay nghiến thân xác và làm thân xác mỏi mòn :
Ngày khốn quẫn, tôi tìm kiếm Chúa,
tay vươn lên không biết mỏi lúc đêm trường,
hồn tôi nào có thiết lời an ủi!
Tưởng nhớ Chúa, tôi thở vắn than dài,
suy gẫm hoài nên khí lực tiêu hao.
Lạy Chúa, Ngài không để con khép mi chợp mắt,
Lòng xao xuyến con chẳng nói lên lời. (Tv 77, 3-5)
Những người đã sống điều kỳ diệu thì xa chúng ta. Nhưng những người sống sự thiếu vắng điều kỳ diệu, sự biến mất của điều kỳ diệu, nghĩa là sống kinh nghiệm bóng tối thay vì hào quang, thì lại gần gũi với chúng ta. Ngày hôm nay của họ là ngày hôm nay của chúng ta. Ngày “hôm nay” này đã lên tiếng thường xuyên trong Kinh Thánh, và mỗi lần đều tha thiết, đặc biệt là ở trong các Thánh Vịnh mà người ta gọi là các “Thánh Vịnh kêu cầu”. Ở đây còn hơn cả sự gần gũi, vì chúng ta như có thể đụng chạm đến họ. Đối với những người này, những kỳ công của Chúa là một truyền thống, một trình thuật được truyền lại:
Điều chúng tôi đã từng nghe biết
do cha ông kể lại cho mình,
chúng tôi chẳng dấu gì con cháu cả,
sẽ tường thuật cho thế hệ mai sau:
sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của Chúa,
với những kỳ công Chúa đã làm. (Tv 78, 3-4)
Thánh Vịnh 78 nói như thế. Những câu như :“Đã từng nghe biết” do cha ông kể lại, “tường thuật” cho thế hệ mai sau, là một mô tả rất rõ về truyền thống. Tiếng nói mà Kinh Thánh làm cho chúng ta nghe được, từ trang này đến trang khác, thường là tiếng nói của những người nắm giữ những từ ngữ, chứ không phải những sự kiện. Trong mức độ chúng ta cũng chẳng nắm giữ được những sự kiện, chúng ta có thể dùng chính những từ ngữ ấy.
Những gì vừa nói ở trên, phải chăng là nghịch lý và quá đáng? Không, đó đúng hơn là thực tế, bởi vì thực tế cuộc sống thường nghịch lý và quá đáng. Một thế hệ sống biến cố Xuất Hành, nhưng hàng trăm thế hệ sau đó chỉ biết đến trình thuật Xuất Hành, nghĩa là chỉ những từ ngữ mà thôi. Người ta có thể nghĩ rằng khi nói ra từ ngữ, người ta có được sự vật, hoặc có thể chiêm ngắm hình ảnh của chính mình trong các từ ngữ như trong chiếc gương. Nhưng người ta không còn có thể làm được như vậy nữa khi trong tai họa, tất cả mọi ảo tưởng đều biến mất. Đó là những tai họa ít nhiều tận căn: một ngày kia, Hòm Bia Giao Ước bị quân Philisting tịch thu (1Sm 4, 1-11); một ngày kia, các con của vua Đavít phản loạn chống lại ông, khiến ông phải chạy trốn; một ngày kia, ngày này ruốt cuộc đã trở thành một giai đoạn dài, khởi từ thế kỷ thứ VIII trước công nguyên, thế giới được lèo lái bởi những dân tộc mà Chúa của họ không phải là Chúa của Israel, và có thể nói chính những dân tộc này đã thực hiện những “kỳ công”[9]. Trong giai đoạn này, biến cố lưu đày được cảm nhận như ngày của cơn thịnh nộ (x. Rm 1-2), có lẽ vì Dân Chúa đã không luôn trung tín làm chứng cho Chúa của mình, nhưng ngược lại, rất thường phản ánh nơi chính mình tình trạng của thế giới chung quanh. Chính biến cố lưu đày đã làm lên những đổi thay của tay hữu Đấng Tối Cao (xem Tv 77, 11 đã được trích ở trên) và là dấu ấn bề ngoài của điều không thể đảo lộn được nữa :
Hồi tưởng lại bao ngày xa cũ,
tâm hồn ấp ủ những năm xưa;
suốt canh khuya, trong dạ nhủ thầm,
và suy gẫm, trí lòng con tự hỏi:
Phải chăng Chúa ruồng bỏ đến muôn đời,
chẳng bao giờ còn dủ lòng thương đoái ?
Tình yêu Chúa phải chăng nay cạn hẳn ?
Và Thánh Ngôn chấm dứt đời đời ?
Hay Thiên Chúa đã quên thương xót,
vì giận hờn mà khép kín từ tâm ? (Tv 77, 6-10)
Lời của Cha Ông trong Lề Luật, được nói lại vẫn chưa đủ. Các ngôn sứ và các Thánh Vịnh phải thêm vào đó tiếng kêu của mình, tiếng kêu của con cháu, như trường hợp Tv 77 và các Thánh Vịnh kêu cầu khác. Thực tế cuộc sống đã đi ngang qua lời kêu cầu của những thế hệ kế tiếp nhau, sau thời gian của những kỳ công.
3. Con đường của Chúa
Trong các Thánh Vịnh, lời kêu cầu thì mỗi lần mỗi khác và lời đáp nhận được cũng vậy. Ở đây, chúng ta có thể nói rằng tác giả Thánh Vịnh, người đã nói: “Thâu đêm tôi tưởng nhớ điệp khúc của tôi” (Tv 77, 7[10]), đã tìm thấy lời đáp ngay bên trong điệp khúc của mình. Tác giả đã ngân nga trình thuật về những kỳ công đã qua; và với hiệu quả của lời kêu cầu, tác giả đã tìm ra một làn điệu mới cho trình thuật này:
Đường của Chúa băng qua biển rộng,
lối của Ngài rẽ nước mênh mông,
mà chẳng ai nhận thấy vết chân Ngài. (Tv 77, 20)
Những câu này của Tv 77 đưa ra một cách đọc độc đáo về biến cố Xuất Hành. Trong ngày đáng ghi nhớ ấy, Chúa đã mở ra cho dân của Ngài một con đường ngay trong lòng biển cả và tác giả Thánh Vịnh đã khám phá ra trong lòng biển nơi chốn của điều không thể biết, và đồng thời cũng khám ra ở đó nơi chốn của hiện tại: Thiên Chúa thực hiện những kỳ công, nhưng Ngài xóa đi những dấu vết !
Ai sẽ tìm lại được con đường của Israel, cũng là con đường của Chúa, một khi sóng nước đã khép lại? Chính với cảm nghiệm này mà tác giả Thánh Vịnh kết thúc dòng suy niệm của mình, và khám phá ra ánh sáng soi dẫn mình, nhưng ánh sáng ở đây là đêm tối, và đêm tối là ánh sáng. Không hề có được khám phá khảo cổ về biến cố Xuất Hành, cũng như về bất cứ kỳ công nào đã qua của Đức Chúa. Biến cố Xuất Hành thuộc về hôm qua. Biển cả thuộc về hôm qua lẫn hôm nay, và biển cả xưa và nay vẫn như vậy. Và biển cả nguy hiểm của hôm nay cũng chính là con đường của mọi thời đối với Thiên Chúa của Israel:
Mà chẳng ai nhận thấy vết chân Ngài.
Chúa dùng bàn tay của Môise và Aharon
mà lãnh đạo dân riêng của Chúa,
như dẫn đắt đoàn chiên. (Tv 77, 20b-21)
Người ta không thể “biết” biến cố Xuất Hành, nhưng chỉ biết rằng Dân của Chúa hôm nay đang ở bên bờ của cùng một cái chết và Chúa dẫn đưa họ. Phải chăng chúng ta cũng có thể nói như thế về con đường mà Thiên Chúa đã dẫn đưa Đức Kitô, Con của Ngài đi, và Ngài vạch ra cho Giáo Hội của Ngài và cho mỗi người chúng ta hôm nay cũng cùng một con đường, một con đường lạ lùng, vì
Chẳng ai nhận thấy vết chân Ngài?
III. Thánh Vịnh: lời cầu nguyện của mọi người nơi một người
Các Thánh Vịnh, chẳng hạn Tv 77 mà chúng ta đã tìm hiểu ở phần trên, rất thường xuyên nhường lời cho những người, cũng giống như chúng ta, sống những ngày tiếp sau những kỳ công, nghĩa là thời điểm mà những kỳ công đã cách xa trong trong quá khứ và trong lịch sử. Nhưng nếu những kỳ công đã xa rồi, hay chỉ hiện diện dưới hình thức những trình thuật thật đẹp, thì nguy hiểm lại gần ngay bên:
Lạy CHÚA, thù địch con đông vô kể,
người nổi dậy chống con thật quá nhiều!
Quá nhiều kẻ đang nói về con : «Chúa Trời đâu cứu hắn!» (Tv 3, 2-3)
Rất nhiều lần người nói trong các Thánh Vịnh bị rơi vào những tình huống hiểm nguy như thế. Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu chiều kích này của lời nguyện Thánh Vịnh.
1. Hoàn cảnh tận căn
“Chúa Trời đâu cứu hắn !”, hoặc theo bản dịch Bible de Jérusalem “Không hề có ơn độ cho hắn nơi Thiên Chúa của hắn”; nói theo ngôn ngữ thông thường, điều này có nghĩa là: “nó tiêu rồi!” và Thiên Chúa không thể làm gì được hay Ngài chẳng quan tâm đến. Chân trời của Thánh Vịnh này và của nhiều Thánh Vịnh khác là cái chết. Bởi đâu mà nhiều tác giả Thánh Vịnh lại rơi vào những tình cảnh như thế?
Nếu các tác giả Thánh Vịnh nói và họ có điều gì để nói, chính là vì có chuyện gì đó đã xẩy ra cho họ. Như chúng ta đều có kinh nghiệm, cả khi đó là niềm hạnh phúc, thì điều này cũng rất ít khi không đi kèm với những thử thách và hiểm nguy, không trước đó thì cũng đồng thời hoặc sau đó. Có lẽ chúng ta sẽ không có các Thánh Vịnh, nếu các tác giả đã không trải qua những nguy hiểm đe dọa sự sống, đe dọa cả các lý do để sống, nghĩa là nếu họ đã không ở trong tình huống cận kề cái chết. Điều kỳ lạ là chính khi trải qua những kinh nghiệm thật cá biệt và thật triệt để như thế, người ta có thể đi đến điểm mà từ đó có thể nói với mọi người.
Chúng ta hãy mở sách Thánh Vịnh và lật lướt qua, gần như ở mỗi trang chúng ta đều tìm thấy có người đang sầu khổ (Tv 69), vì trở thành mồi cho những kẻ tìm giết mình (Tv 38; 56; 70; …). Nạn nhân nghe người khác nói: «Chứng nan y thâm nhập nó rồi, đã liệt giường là không dậy nổi đâu!» (41, 9); người ta đã đào hố để chôn sẵn rồi: «Trước mặt con, chúng đào hầm đào hố»(Tv 57, 7); người ta chia nhau đồ đạc của nạn nhân: «Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn» (Tv 22, 19); và những tình huống chết người khác: «Ngang lưng đầy lửa bỏng, da thịt con không chỗ nào lành» (Tv 38, 8); «Nghe trong mình tim đau thắt lại, bóng tử thần khủng khiếp chụp xuống con» (Tv 55, 5).
Chúng ta có thể dễ dàng tự mình tìm thêm những câu tương tự như thế, bằng cách lướt qua các trang của sách Thánh Vịnh. Ở đây, mọi sự đều thật tận căn, vì thế, chúng ta có thể cảm thấy xa cách với lời nguyện Thánh Vịnh, chúng ta có thể không muốn dùng lời nguyện Thánh Vịnh trong những ngày và trong những tình huống không đến nỗi nghiêm trọng, vì những nỗi khốn khó của chúng ta không đạt tới mức độ như thế.
2. Lương thực hằng ngày
Tuy nhiên, những lời nguyện Thánh Vịnh như thế lại là lương thực hằng ngày đối với chúng ta. Vì nếu nỗi bất hạnh đã xẩy ra cho chúng ta một lần nào đó trong đời, ngày bất hạnh đó sẽ hiện diện đối với chúng ta mãi mãi, nó ghi dấu mãi mãi trên cuộc đời chúng ta. Vì thế, trong thực tế, chúng ta thường sống nhiều ngày cùng một lúc trong một ngày :
Từ lúc tôi còn trẻ, chúng hà hiếp tôi nhiều,
nhưng đã không hề thắng được tôi.
Trên lưng này, chúng cày ngang cày dọc,
đào xới lên những luống thật dài. (Tv 129, 2-3)
Ngoài ra, chúng ta còn bị chi phối trước bởi cái chết. Cái chết đã tác động trên chúng ta và theo một cách nào đó không thể giải thích được, nó đang chi phối hữu thể của chúng ta ở chiều sâu. Như thế, giống như thử thách đã qua, cái chết, mặc dầu là tương lai, cũng hiện diện mọi ngày và đó là một tình huống ở mức tận căn. Các Thánh Vịnh nói rằng cái chết ghi dấu mọi “con cái của Adam”:
Xin nhớ rằng: đời con là một kiếp phù du,
loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi! (Tv 89, 48)
Từ đó, chúng ta có thể kết luận rằng tính tận căn của các Thánh Vịnh được kinh nghiệm ở mức độ thực sự phù hợp với đời sống hằng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là chính tính triệt để này đã mặc khải cho chúng ta khuôn mặt thực của cuộc sống, đó là thực tại tạm bợ và bị đe đọa từng ngày của đời sống này. Đôi khi những vẻ bề ngoài che dấu khuôn mặt thực này của cuộc sống.
Hằng ngày, trong thế giới chúng ta đang sống, vẫn có những người mà lời của các Thánh Vịnh dường như ứng nghiệm đến từng chữ :
Lạy CHÚA là Thiên Chúa của con, con ẩn náu bên Ngài.
Xin cứu vớt và giải thoát con
khỏi tay mọi người đang đuổi bắt,
kẻo họ vồ lấy con, xé nát như sư tử,
mà không người giải thoát. (Tv 7, 2-3)
Vì con những kêu gào rên rẩm
mà thân thể chỉ còn da bọc xương. (Tv 102, 6)
Bị chèn ép bởi bất công, bị đói khát, bệnh tật, lo âu sợ hãi: những người như thế luôn có nhiều, mặc dù họ cảm thấy cô đơn. Khi nói về họ, các Thánh Vịnh không hề phóng đại, và cũng không bi kịch hóa. Đó là lịch sử của nhân loại, hôm qua cũng như hôm nay[11]. Đó là thực tại của thế giới. Làm sao chúng ta lại có thể không đón nhận các Thánh Vịnh vốn đưa lời nguyện của chúng ta lên tầm mức toàn nhân loại ?
Cầu nguyện cho những người đang chịu thử thách khắp năm châu ngày nay đã trở thành thói quen và đôi khi hơi máy móc trong các buổi cử hành phụng vụ. Thánh Vịnh mang lại một thay đổi cho thói quen này: thay vì tôi cầu nguyện cho người khác, chúng ta nói TÔI như để đặt mình vào chỗ của họ. Mỗi khi tôi cầu nguyện với những lời của Thánh Vịnh, thì chính tôi là người bị chèn ép bởi bất công, người bị đói khát, người bị bệnh tật, người đang rơi vào tình trạng lo âu sợ hãi. Như thể chính Thiên Chúa, trong lời nguyện của chúng ta, không để ý đến trường hợp đặc biệt của riêng chúng ta, nhưng để ý đến nỗi khốn cùng của toàn nhân loại hôm nay. Vì thế, trong Giáo Hội, cầu nguyện với các Thánh Vịnh trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ là một sứ mạng.
Đối với mỗi người, khoảng khắc bất hạnh thường vượt qua chính giới hạn của một khoảng khắc, vì nó ghi dấu cả một đời người. Trong khoảng không gian mà loài người chúng ta đang sống, những người đang là nạn nhân của bất công, của cái chết hiện diện trong một mặt bằng rộng lớn hơn chính nơi ở của họ trong nhà tù hay trong bệnh viện. Nếu chúng ta đón nhận cách cầu nguyện của các Thánh Vịnh, tiếng kêu của những người bị áp bức, bị đe dọa sẽ đến xâm nhập không gian sống riêng của chúng ta, chi phối lời cầu nguyện của chúng ta và có thể đi đến chỗ hòa tan nỗi khốn khó của chúng ta trong nỗi khốn khó của họ. Ở mức độ này, chúng ta đã vượt qua việc nhớ đến và dành cho những người bất hạnh một lời nguyện, bởi vì chính họ biến đổi chúng ta qua tiếng kêu của họ. Như thế, lời nguyện Thánh Vịnh một khi đi vào con tim nhỏ bé và riêng tư của chúng ta, sẽ nới rộng nó ra.
Nếu chúng ta cảm nhận được điều vừa được trình bày, lời nguyện Thánh Vịnh cũng sẽ đặt chính chúng ta thành vấn đề; thật vậy, lời nguyện Thánh Vịnh sẽ chất vấn chúng ta, nếu chúng ta bước đi với cái đầu ngẩng quá cao, nếu chúng ta đã xoay sở đủ kiểu để cho không có gì trong cuộc sống làm phiền mình. Nếu không, sẽ chỉ là giả tạo khi chúng ta cầu nguyện với tiếng kêu của những người khác:
Phần con đây, thật khốn cùng đau khổ,
lạy Chúa Trời, xin cứu vớt đỡ nâng. (Tv 69, 30)
Đúng là những lời này thường vượt qúa những gì chúng ta đích thân trải nghiệm, và có lẽ sẽ luôn luôn là như thế. Lời nguyện Thánh Vịnh giống một thứ rượu thuốc thật mạnh; và thật đáng tiếc nếu chúng ta cố tránh “ép-phê” lạ lùng của lời nguyện này bằng thái độ hời hợt. Thật vậy, khi cầu nguyên và nói TÔI ở vị trí của những người bị thách đố hơn chúng ta, chúng ta được mời gọi đi đến với họ và lời mời gọi này chắc chắn sẽ có những hiệu quả cụ thể trong đời sống của chúng ta. Chúng ta sẽ được thúc đẩy đáp lại lời mời gọi này, nếu chúng ta hiểu được nó đến từ đâu.
3. Chủ thể của lời nguyện Thánh Vịnh
Nếu có ai đang gặp khó khăn về niềm hi vọng và tìm thấy nơi các Thánh Vịnh lời nguyện riêng của mình, thì đó là một lí do đủ để biện minh cho các Thánh Vịnh. Nhưng dù sao cũng thật đáng kinh ngạc, khi mà có những lời nguyện có thể gặp gỡ bất cứ ai từ rất xa như vậy. Thế thì bởi đâu mà những tiếng kêu như thế được góp nhặt lại ? Bởi chất kết dính nào mà biết bao người khốn khổ thuộc các thời đại khác nhau, lại có thể giữ vững được lòng ước ao của mình với cùng một lời nguyện ?
Trong dân tộc Israel, đó chính là sự liên đới trong cùng một lời hứa, và lời hứa này không xa lạ với toàn nhân loại, bởi vì lời hứa dành cho một người, một dân tộc, nhưng là để mở rộng cho mọi người cho tất cả các dân tộc (x. St 12, 3). Đối diện với niềm hy vọng hay với điều ngược lại là nỗi tuyệt vọng, người Kitô hữu chúng ta có được chứng từ về lời đáp của Thiên Chúa, chứng từ này được ban cho chúng ta cách nhưng không, nghĩa là không phải vì chúng ta xứng đáng hơn những người khác. Chứng từ được ban cho chúng ta, đó là: Thiên Chúa nhìn toàn nhân loại như là một thân thể duy nhất, Ngài nghe tiếng kêu của nhân loại như là một tiếng kêu duy nhất mà Ngài nghe được ngang qua tiếng kêu của Đức Giêsu nộp mình cho bất công và cho cái chết. Trước khi trả lời tiếng kêu của người đau khổ, Thiên Chúa nhận lấy tiếng kêu ấy làm tiếng kêu của mình. Như thế, Đức Giêsu đã đóng ấn sự hiệp nhất của tất cả mọi nỗi khổ đau trong nỗi khổ đau của mình. Ngài đã xác chuẩn lời nguyện cầu của các Thánh Vịnh như lời cầu nguyện tiềm năng dành cho tất cả mọi người, và Ngài ban cho chúng ta quyền nói TÔI (hay CON) thay cho những người chịu sỉ nhục, và học ở nơi họ điều mà chính Ngài đã mang lấy.
Chủ thể TÔI của người bị sỉ nhục, bị áp bức, đang hấp hối là chủ thể TÔI của chính Đức Giêsu-Kitô. Vì thế, không lạ gì khi lời nguyện Thánh Vịnh vừa đi ngang qua chúng ta và vừa vượt quá chúng ta. Ai nói với tôi rằng tôi có thể thốt lên lời cầu nguyện của Thánh Vịnh nhân danh mọi người? Đức tin nói với tôi điều đó, khi làm cho tôi tin rằng cái chết của Đức Kitô, vốn đảm nhận cái chết của mọi người, được ghi khắc nơi tôi qua phép rửa. Chủ thể TÔI của Thánh Vịnh là chủ thể của Đức Kitô, nhưng Ngài không loại trừ bất cứ một ai ra khỏi vị trí chủ thể này, bởi lẽ dấu chỉ của Ngài là tự xóa mình đi (x. Pl 2, 5-11). Nơi các Thánh Vịnh, Ngài lôi kéo, Ngài mở lối. Hiểu như thế, những lời nguyện Thánh Vịnh trở nên sống động ; các ngôn từ của các Thánh Vịnh như là bánh của phép lạ «bánh hóa nhiều» : bánh được chứa trong một cái thúng và chúng được ban cho muôn người. Tin, chính là tin rằng những «tấm bánh» này được thực sự ban cho mình. Như vậy, việc chia sẻ «bánh Thánh Vịnh» diễn ra trong một khoảng cách rất lớn cả trong thời gian lẫn không gian, và đức tin của chúng ta nhận ra đó chính là công trình của Thánh Linh: Thánh Linh làm sinh động, ban hơi thở và nối kết lại.
Bởi đâu mà tất cả những nỗi thống khổ chết chóc lại có thể được nối kết với nhau, nếu không phải là bởi điều ngược lại với sự chết, nghĩa là bởi sự sống? Những người đã trải qua kinh nghiệm này xác tín rằng những lời của Kinh Thánh đã được linh ứng. Được linh ứng, điều này không chỉ muốn nói rằng lời Kinh Thánh có thẩm quyền, nhưng còn muốn nói rằng hơi thở của Thánh Linh mang lấy lời Kinh Thánh.
Thập giá của Đức Kitô là một dấu hiệu ghi trên toàn thể nhân loại, và qua dấu hiệu này, Thánh Linh sự sống và hy vọng đi qua, Ngài nối kết tất cả, như ngôn sứ Êzêchiel nói, từ những cơn gió của bốn phương trời (Ed 37, 9). Nếu đúng là như thế, chúng ta cũng sẽ gặp được dấu hiệu này khi đọc các Thánh Vịnh. Vì thế, ngay bây giờ, chúng ta đã gặp được điều cho phép chúng ta tiếp nhận nơi các Thánh Vịnh những từ ngữ dành cho lời cầu nguyện của toàn nhân loại. Trong lời cầu nguyện qui tụ tất cả những người ở xa, còn sống hay đã chết, chúng ta đã nhận ra lối đi mà truyền thống gọi là «lối đi của Thánh Linh». Bởi lẽ Thánh Linh đã hiện diện lúc những từ ngữ của Thánh Vịnh được viết ra và được đọc lên, những từ ngữ vốn nối kết những đau khổ vẫn tiếp diễn sau đó và vượt ra khỏi chính chúng; như thế, thật không lạ gì khi Thánh Linh tỏ hiện ra rất bất ngờ, xuất phát từ giữa lòng lời kêu cầu, trong mỗi Thánh Vịnh.
Giấc ngủ và ban đêm chiếm một chỗ lớn trong các Thánh Vịnh. Ban đêm là thời gian quyết định của cầu nguyện, nhưng cũng là thời gian Thiên Chúa đáp lời. Giống như một khúc quanh, con người không thể thực hiện được một mình, ở đó con người mỗi ngày khụy xuống vì những thử thách và gánh nặng vượt qua chính mình, nhưng ban đêm lại chuẩn bị một bước chuyển tiếp hướng về niềm hy vọng:
Tôi nằm xuống và tôi thiếp ngủ,
Rồi thức dậy vì Chúa đỡ nâng tôi. (Tv 3, 6)
IV. Các chiều kích của lời nguyện Thánh Vịnh
Trong sách Thánh Vịnh, có tất cả 150 Thánh Vịnh, và có thể được coi như một lời nguyện lớn. Lời nguyện lớn này được cấu tạo bởi năm chiều kích nền tảng: chiều kích Ki-tô, và bốn chiều kích khác, là kêu cầu, ca tụng, lời đáp (đã hay sẽ ban) và sáng tạo. Bốn chiều kích sau hướng về chiều kích Ki-tô, và chiều kích Ki-tô chứa đựng và làm cho viên mãn bốn chiều kích còn lại. Vì thế, năm chiều kích này liên kết với nhau theo một qui tắc mà chúng ta có thể gọi là cấu trúc của lời nguyện Thánh Vịnh. Dựa vào cấu trúc này của lời nguyện Thánh Vịnh, chúng ta có thể đọc và cầu nguyện với từng Thánh Vịnh.
Ngang qua các chiều kích này, các Thánh Vịnh sẽ dẫn chúng ta trở về với kinh nghiệm sống đức tin thường ngày, với những tình cảnh triệt để mà loài người chúng ta đã, đang và sẽ còn phải trải qua. Như thế, tương tự như lời nguyện Thánh Vịnh, cuộc đời của chúng ta cũng hướng tới Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô cũng hoàn tất của đời của chúng ta.
Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ
—————————-
[1] Lời nguyện Thánh Vịnh đến từ kinh nghiệm sống, đầy thăng trầm của Dân Chúa trong suốt dòng lịch sử cứu độ. Vì thế, có thể nói, sách Thánh Vịnh là bản tóm của Sách Thánh.
[2] Dĩ nhiên người ra cũng có thể nhận dạng được tác giả Thánh Vịnh căn cứ vào điều vị này nói, nhưng rất khó và hiếm.
[3] M. Mannati, Pour prier avec les Psaumes, « Cahier Evangile », n. 13, Paris, Cerf, 1975, tr. 9.
[4] Ibid., tr. 8-9.
[5] Etienne Charpentier, How to Read the Old Testament, QuezionCity (Philippines), Claretien Publications, 1997, tr. 93.
[6] Thánh Vịnh 77 (76) được đọc trong giờ kinh sáng, Tuần II, thứ tư.
[7] Hoặc “là tay hữu Đấng Tối Cao đã đổi thay”, theo bản dịch Bible de Jérusalem, Paris, Cerf, 1998.
[8] Vì thế chúng ta được mời gọi nghiệm được lời chúc phúc này khi đọc hay hát Thánh Vịnh.
[9]Khi vua Salômon chết, năm 930, vương quốc bị phân chia ra làm hai : phía nam, vương quốc Juda, thủ đô là Giêrusalem; phía bắc là vương quốc Israel, thủ đô là Tirsa, sau đó là Samaria. Vào năm 722, người Assyria thôn tính vương quốc Israel. Năm 587, Giêrusalem bị phá hủy và người Juda bị đưa đi lưu đày ở Babylon. Năm 539, vua Perse, là Cyrus chinh phục Babylon. Người Do Thái dần dần được trở về lập cư quanh Giêrusalem, nhưng sống dưới sự thống trị của người Perse. Từ năm 333, Alexandre chinh phục vùng Cận Đông và áp đặt nền văn hóa và ngôn ngữ Hy Lạp. Từ năm 63, người Roma chiếm cứ vùng Cận Đông và vua Hêrôđê cai trị từ năm 40 đến 4, trước công nguyên (xem Étienne Charpentier, Pour lire l’Ancien Testament, Paris, Editions du Cerf, 1994, trang 22-23).
[10] Dịch theo TOB, Paris, Cerf, 1980. Câu này được dịch là “Suốt canh khua, trong dạ nhủ thầm”, trong bản dịch CGKPV.
[11] Chúng ta thường xem thấy ở trong một vở kịch hay một bộ phim những tình cảnh thử thách (tai họa, bệnh tật, bách hại…) tận căn hơn những gì chính chúng ta đã kinh nghiệm, và chúng ta có lý khi thú nhận mình bị cuốn hút.
Con xin cha giai đáp cho con:Ngang qua sư đơn điệu của thánh́ vịnh moi ngày ,con phải làm gì để dù mệt mỏi thể xác,vẫn giữ được tinh thần cao đê xứng đáng với việc ca tụng Chúa