Trong tác phẩm Tháp Bayon bốn mặt, nhà thơ Chế Lan Viên có một cái nhìn thật độc đáo để diễn tả về chính mình. Góc nhìn này vừa thách đố lại vừa thú vị.
Anh là tháp Bayon bốn mặt
Giấu đi ba, còn lại đấy là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình
Đó cũng là nét huyền nhiệm của con người: tuy có một mặt thôi, nhưng lại có ba mặt ẩn dấu, và kì thực là có bốn mặt. Nơi con người, cái hiện, cái ẩn, cái toàn thể cứ hòa quyện vào nhau thật diệu kì và khó hiểu.
Cái hiện là tất cả liên hệ của con người với sự vật, với nhau trong cuộc sống. Gia đình, nhà trường, và xã hội là những môi trường để cho con người ngày càng hòa nhập sâu hơn vào những mối liên hệ này. Cái hiện cụ thể đấy nhưng ngày càng phức tạp. Ngày nay, phương tiện thông tin rất đa dạng, đa chiều. Chỉ cần một sự kiện quan trọng xảy ra, là đã có rất nhiềunhận định, tác động từ nhiều nguồn khác nhau, vấn đề biển Đông chẳng hạn: từ Việt Nam khác, từ Trung Quốc khác, từ Mỹ khác… và từ vô số cá nhân từ những mạng xã hội. Và ngay cả trong nội bộ một quốc gia, nhiều địa phương khác nhau có những bình luận khác nhau.Điều tương tự cũng xảy ra trong nhà trường, trong gia đình.Cùng một lúc, con người cảm thấy dường như hiểu nhau hơn, cộng tác với nhau tốt hơn, nhưng khoảng cách dường như lạitrở nên xa hơn, sâu hơn. Cái hiện ngày càng bị phân mảnh và xung đột.
Cái ẩn là mối liên hệ với chính bản thân mình, tôi với tôi.Qua tất cả những mối liên hệ bên ngoài của con người, còn lại gì trong nội tâm. Tôn giáo, triết học, các khoa học nhân văn, tâm lý học … ngày càng giúp con người nhận thấy rõ hơn chiều sâu của chính mình. Cái rõ hơn ấy lại mở ra khoảng tối dường như vô tận cần con người tiếp tục kiếm tìm. Như thế, nói cái ẩn là ba mặt trong khi cái hiện là một mặt quả là phải lẽ. Số ba không chỉ nghĩa là gấp ba lần, mà còn nghĩa là gấp rất nhiều lần đến nỗi không biết cụ thể là bao nhiêu.Tiếp cận với những nhân cách lớn, cái ẩn dường như dễ thấymà lại phức tạp; còn với những người chất phác, cái ẩn khó thấy nhưng lại đơn sơ. Sau từng hành vi, nếu mỗi người tự tra vấn chính mình cách chân thành và nghiêm túc, thì không dễ để trả lời câu hỏi: tại sao tôi làm, tôi làm để làm gì. Cho dù có khôn ngoan, thông thái, giàu kinh nghiệm tới mức nào, con người vẫn thường trả lời: tôi không biết hoặc tôi không chắc. Cái ẩn vẫn còn đó.
Đằng sau cái hiện, cái ẩn, con người không tránh được câu hỏi về cái toàn thể: con người là gì. Con người luôn khao khát nắm bắt nó, như hình ảnh tháp Bayon bốn mặt diễn tả. Trên tháp điêu khắc khuôn mặt của thần Lokesvara, tượng trưng cho sự quan sát của thần linh về bốn hướng, tức là sự thấu suốt tất cả. Các nhà tư tưởng lớn của nhân loại có nhiều cách khác nhau để định nghĩa về con người, mỗi định nghĩa xét được một nét nào đó: lý trí, ý chí, tự do; linh hồn, thân xác; lao động, sáng tạo. Trở lại với cuộc sống cụ thể của mỗi người, mối căng thẳng giữa cái hiện và cái ẩn vẫn còn đó, nhưng nỗi đau đáu hơn cả là nhận thức và kinh nghiệm về cái toàn thể: tôi là ai giữa mọi người, tôi nên trở thành ai. Một ý tưởng thường gặp trên báo chí là: tôi là tôi theo ý muốn của tôi; nhưng ý muốn của tôi thì thường thay đổi, có thể nói là thất thường, nhiều khi còn gây tổn thương cách bất công cho người khác nữa;vậy rút cục tôi là ai. Câu trả lời tiếp tục bỏ ngỏ.
Huyền nhiệm con người vẫn còn đó cho từng cá nhân cũng như cho loài người. Cái hiện, cái ẩn, cái toàn thể tiếp tục thách thức lòng người. Nếu như cái hiện là tác động của khách thể lên chủ thể thì cái ẩn là tác động ngược lại của chủ thể lên khách thể và lên chính bản thân, còn cái toàn thể đụng chạm thâm sâu tới cả chủ thể và khách thể. Dù muốn hay không, còn sống là con người còn cảm nhận, suy nghĩ, thực hành lựa chọn trên những khía cạnh này của cuộc sống. Nỗi khát mong thấu suốt cuộc đời như tháp Bayon bốn mặt cùng với thực tại nghìn trò cười khóc tạo nên sự phong phú lạ thường của phận người, cho dù con người có bị làm đau chăng nữa.
Vincent Vũ Tứ Quyết, S.J.