Lời giới thiệu
Đại dịch Covid-19 đã và đang bùng phát trên toàn Thế giới, tính đến ngày 30/08/2020 đã có 216 nước có người bị nhiễm bệnh, đây “là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2, đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Khởi nguồn vào cuối tháng 12 năm 2019 với tâm dịch đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán thuộc miền Trung Trung Quốc, bắt nguồn từ một nhóm người mắc viêm phổi không rõ nguyên nhân”. Với sự lây lan nhanh chóng và tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người, kinh tế và xã hội, ngày 11/ 3/2020, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra tuyên bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Hiện nay, người dân trên toàn Thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều thách đố và gánh chịu những hậu quả nặng nề do đại dịch Covid-19 ở nhiều phương diện: Y tế, kinh tế, giao thương, đời sống và xã hội. Trong bối cảnh đầy thách đố này, một câu hỏi lớn được đặt ra ở đây là: Cuộc sống hiện tại và tương lai của con người sẽ như thế nào trước cơn đại dịch Covid-19? Quả thật là không dễ để có thể tìm ra một câu trả lời dứt khoát và cụ thể cho vấn nạn này. Ở đây, người viết sẽ trình bày một số khía cạnh có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp xoay quanh cơn đại dịch dưới lăng kính Học thuyết xã hội Công giáo, hi vọng sẽ đưa ra một vài lời giải hữu ích. Theo đó, bài viết sẽ khai triển ba điểm chính yếu sau đây: (1) Thế giới trước những thách đố trong cơn đại dịch Covid-19; (2) Những tia sáng hi vọng hướng về tương lai tốt đẹp; (3) Những bài học rút ra từ biến cố đại dịch Covid-19.
Phần I: Thế giới trước những thách đố trong cơn đại dịch Covid-19
1. Những Thách Đố Hiện Tại Trong Cơn Đại Dịch
Thách đố về mặt y tế
Hiện nay, tính đến 09h31, 24/8/2020, toàn thế giới có tổng cộng 24,111,616 ca nhiễm Covid-19, trong số này có 16,650,927 người khỏi bệnh và 824,702 người tử vong[1]. Con số này càng khủng khiếp hơn nếu so sánh với hơn 4 tháng về trước: “Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới hiện ghi nhận 1.342.372 ca nhiễm và 74.558 ca tử vong do nCoV tại 209 quốc gia và vùng lãnh thổ”.[2] Trước hết, đây là những con số cho thấy mức độ thiệt hại và thách đố khủng khiếp đối với y tế mà con người trên toàn thế giới đang phải đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu suy giảm. Thế nên, những thách đố về mặt y tế là rất lớn, nhất là đội ngũ y bác sĩ, các nhân viên phục vụ trong ngành y tế, trang thiết bị – đặc biệt là máy trợ thở cho các bệnh nhân nặng… Một ví dụ cụ thể để thấy được tính nguy hiểm và cấp bách về mặt y tế như: Ở Việt nam, số máy thở phục vụ các bệnh nhân nặng khoảng 4000 máy[3], rất may mắn là hiện tại số ca nhiễm bệnh đang là 1034[4] – trong tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, việc xét nghiệm để tầm soát vi rút cũng đặt ra không ít khó khăn như cơ sở vật chất và dụng cụ xét nghiệm, vì không phải cơ sở y tế nào cũng đáp ứng đủ điều kiện để xét nghiệm Covid-19. Chính vì thế, y tế đã và đang là một trong những thách đố lớn đối với các nước trong bối cảnh đại dịch đang tiếp tục bùng phát hiện nay.
Thách đố về kinh tế và xã hội
Trước hết về mặt kinh tế, đại dịch Covid-19 đang gây ra những hậu hết sức nặng nề và rất đáng lo ngại: Việc các doanh nghiệp phải dừng hoặc giảm sản xuất đã dẫn đến thiếu việc làm, thu nhập giảm sút và gây ra tình trạng thất nghiệp, riêng ở Việt nam: “Theo thống kê sơ bộ đã có gần 31 triệu người mất việc, giảm thu nhập vì Covid-19.[5] Đây thực sự là thách đố lớn cho việc đảm bảo nhu cầu thiết yếu của đời sống. Bên cạnh đó, về mặt xã hội, việc thất nghiệp trầm trọng hay phải hạn chế làm việc để tránh sự lây lan của dịch bệnh đang đặt ra rất nhiều thách đố cho xã hội: Giáo dục – trẻ em không thể đến trường, tội phạm gia tăng, sinh hoạt thường nhật bị xáo trộn… sẽ để lại những hậu quả nặng nề cho toàn xã hội.
Những thách về thể lý và tâm lý
Có thể nói, thể lý và tâm lý là hai khía cạnh của một vấn đề, như hai mặt của một bàn tay, điều này có nghĩa là cả hai có mối tương quan hỗ tương với nhau. Vì thế, nếu một trong 2 có vấn đề không ổn, sẽ ảnh hưởng lên phần còn lại. Trong tình cảnh đại dịch hiện nay, xét về mặt thể lý thì bất kỳ ai cũng có thể đứng trước nguy cơ bị đe dọa về sức khỏe, trong khi điều kiện chăm sóc ý tế có nguy cơ thiếu hụt nếu số lượng người bệnh tăng nhiều. Chính vì thế, những bất ổn và lo lắng về thể lý, sẽ kéo theo những vấn đề về tâm lý, cả với người bệnh và thân nhân đều rơi vào tình trạng khủng hoảng khi nhiễm bệnh, đau lòng hơn nữa là khi phải chứng kiến cảnh người thân qua đời mà không thể lo hậu sự một cách tốt đẹp như bình thường. Do vậy, có thể nói, những vết thương tâm lý này sẽ là một thách đố rất lớn, bởi nó không dễ xóa nhòa trong tâm trí của những người trong cuộc.
2. Những Thách Đố Hậu Đại Dịch
Mặc dù trong tình cảnh hiện nay, vẫn còn rất nhiều nơi đang phải nỗ lực để chống dịch. Tuy nhiên, các hoạt động tái thiết kinh và xã hội đang được tái khởi động để khắc phục hậu quả nặng nề vì đại dịch. Ở đây, người viết xin nêu lên một vài thách đố mà con người khắp nơi có thể sẽ phải đối mặt trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19.
Ổn định trật tự xã hội và đưa cuộc sống trở lại bình thường
Thực sự có thể nói, đây sẽ là một trong những thách đố rất lớn, bởi vì nó không đơn giản là bắt tay khắc phục các hậu quả của Thiên tai như lũ lụt hay động đất. Trái lại, chính quyền và những người có trách nhiệm luôn phải hết sức cảnh giác, cũng như thận trọng trong việc ổn định trật tự xã hội và đưa cuộc sống trở lại bình thường, cả ở bình diện đối nội cũng như đối ngoại. Bởi vì song song với việc ổn định cuộc sống, ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo sự an toàn về mặt dịch bệnh, vì chỉ cần thiếu thận trọng một chút, đại dịch có thể bùng phát lại bất cứ lúc nào. Về điều này, có thể thấy diễn biến dịch bệnh ở Việt nam là một ví dụ, tính đến ngày 24/07/2020 – sau 99 ngày không có ca nhiễm mới[6] và các sinh hoạt dường như trở lại bình thường, thì dịch bệnh bất ngờ quay lại và mạnh hơn cả lúc ban đầu đại dịch. Nếu trong đợt dịch lần thứ nhất, Nước ta đã khống chế rất tốt nên số người nhiễm bệnh ít và không có người tử vong, thì trong lần thứ hai này, sau hơn 1 tháng dịch bệnh bùng phát, tính đến ngày 30/08/2020, đã có 32 người tử vong.[7] Chính vì thế, kể cả khi được gọi là ‘hậu’ đại dịch thì cũng phải hết sức cẩn trọng và dè chừng, đây sẽ thực sự là một thách đố cho những người có trách nhiệm trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Khôi phục lại nền kinh tế – vốn đã bị thiệt hại nề vì đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại khủng khiếp tới mọi hoạt động kinh tế: Công nghiệp, thương mại, hàng không, du lịch… thậm chí cả những người bán hàng rong cũng rơi vào cảnh tối tăm. Chẳng hạn như với ngành du lịch, theo thống kê Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc – UNWTO: “Cập nhật đến ngày 19.07.2020, chỉ riêng giai đoạn từ tháng 1-5.2019, ngành du lịch thế giới đã thiệt hại 320 tỷ USD – nhiều hơn gấp ba lần tổn thất trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009”.[8] Cùng với đó, như đã nói, đại dịch đã làm cho tình trạng thất nghiệp gia tăng đột biến, tài chính khủng hoảng, việc làm và các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, nghèo đói gia tăng… đây sẽ là những thách đố rất lớn đối với vấn đề phúc lợi xã hội, đặc biệt đối với những nước nghèo và kém phát triển. Chính vì thế, phục hồi lại nền kinh tế sẽ là một bài toán rất khó đối với các quốc gia, nhất là trong tình cảnh đại dịch luôn đe dọa quay trở lại và chưa có vắcxin để ngăn ngừa một cách hiệu quả.
Chữa lành những tổn thương về tâm lý
Có thể nói, một trong những vấn đề mà con người phải đối diện là chữa lành những tổn thương về mặt tâm lý sau đại dịch. Nói về điều này xem ra có vẻ khá xa lạ, nhất là với những nước có nền kinh tế và điều kiện an sinh xã hội còn chưa phát triển. Tuy nhiên, đây có thể cũng sẽ là một trong những thách đố lớn mà con người phải đối mặt trong tương lai. Chẳng hạn như đã nói ở phần trên, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tổn thương rất lớn về tâm lý đối với những người bị nhiễm bệnh và người thân của họ, nên việc chữa lành những tổn thương ấy sẽ là điều không hề đơn giản.
Paul Khuê,S.J.
…………..
[1] X. Bộ Y Tế, “Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19,” Bộ Y Tế (21h53 ngày 26.08.2020), link https://ncov.moh.gov.vn/
[2] X. Vũ Anh, “Hơn 74.000 người chết vì nCoV toàn cầu,” Vnexpress, (07/04/2020), link https://vnexpress.net/hon-74-000-nguoi-chet-vi-ncov-toan-cau-4080631.html
[3] X. N.Huyền, “Phòng dịch Covid-19: Việt Nam hiện có bao nhiêu máy thở?,” Tintuc.vn (26/03/2020), link https://tintuc.vn/phong-dich-covid-19-viet-nam-hien-co-bao-nhieu-may-tho-post1461992,
[4] X. Bộ Y Tế, “Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19,” Bộ Y Tế (21h53 ngày 26.08.2020), link https://ncov.moh.gov.vn/
[5] X. Minh Sơn, “Gần 31 triệu người mất việc, giảm thu nhập vì Covid-19,” Vnexpress, (10/7/2020), link https://vnexpress.net/gan-31-trieu-nguoi-mat-viec-giam-thu-nhap-vi-covid-19-4128450.html
[6] X. Bích Liên, “99 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng,” Báo mới (24/07/2020), link https://baomoi.com/99-ngay-viet-nam-khong-co-ca-lay-nhiem-trong-cong-dong/c/35789239.epi
[7] X. Bộ Y Tế, “Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19,” Bộ Y Tế (22h00 ngày 30.08.2020), link https://ncov.moh.gov.vn/
[8] X. Trang Linh (theo UNWTO, AFP), “Thiệt hại gấp hơn ba lần khủng hoảng 2009, du lịch Thế giới phục hồi cầm chừng,” Nhân Dân (03-08-2020), link https://nhandan.com.vn/tin-tuc-du-lich/thiet-hai-gap-hon-ba-lan-khung-hoang-2009-du-lich-the-gioi-phuc-hoi-cam-chung-611257/
Bài viết của Paul Khuê rất đáng để mỗi chúng ta nói riêng và cả loài người suy gẫm!Mới chỉ hơn 9 tháng thôi mà đã vậy,huống chi như tổ chức Y tế Thế giới WHO mới đưa tin rằng: đại dịch này phải gần 2 năm nữa mới hết! nó sẽ giống như đại dịch Cúm Tây ban Nha năm 1918.