Dẫn nhập
Bản thể là một định nghĩa rất lớn trong hành trình phát triển của triết học, do đó để có thể hiểu cách thống suốt về bản thể trong toàn bộ hành trình phát triển triết học là một công trình vô cùng lớn. Trong phạm vi đề ra: “định nghĩa bản thể theo Aristotle” bài viết chỉ tìm về với nguồn tham khảo ngang qua tác phẩm của Aristotle cũng như những tài liệu giúp hiểu hơn về định nghĩa bản thể. Qua các phần: bản thể trong Phạm Trù và bản thể trong Siêu Hình học; hy vọng sẽ làm lộ ra chân dung của bản thể.
I. Quy định sử dụng từ ngữ
Sau quá trình tìm hiểu tài liệu về việc sử dụng các thuật ngữ tiếng việt đặc biệt nơi một bài từ điển Anh – Việt, tôi nhận thấy rằng việc biên dịch các từ ngữ chưa được thống nhất (ví dụ: bản thể – substance cũng có thể dịch là being). Bởi thế, thiết tưởng rằng để thống nhất việc dùng các thuật ngữ trong bài viết thì cần phải quy định các từ ngữ được sử dụng trong bài nhằm tránh tình trạng mơ hồ về nghĩa từ được sử dụng:
- Substance: bản thể
- Being : hữu thể, thực thể hoặc hiện thể
- Matter: chất thể hoặc vật chất
- Form: hình thể hoặc hình thức
II. Khái quát về bản thể trước thời Aristotle
Trước khi có thể tìm hiểu về bản thể của Aristotle, thiết tưởng cần phải hiểu đôi chút về nền tảng đã được xây dựng trước đó, để có thể có cái nhìn rõ ràng hơn về cái bản thể mà Aristotle đã xây dựng.
Có thể nói, các nhà triết học thời tiền Socrate đã cố gắng đưa ra ý niệm về bản thể như là cái hữu thể của vũ trụ, bản thể đó hiện diện nơi vật liệu (stuff) cơ bản để cấu thành nên vũ trụ, nghĩa là họ cố gắng xác định bản thể của vũ trụ ngang qua việc xác định vật chất cơ bản tạo thành vũ trụ. Như với Thales, nước là nguyên lý của mọi thứ; Anaximenes cho rằng mọi thứ được hình thành là nhờ không khí; với Anaximander lại cho rằng chính từ nóng – lạnh đã sinh ra tất cả các vật liệu cơ bản (nước, đất, không khí và lửa) là nhân tố cơ bản của mọi thứ; còn các nhà nguyên tử (atomists) lại gọi các vật liệu cơ bản để hình thành nên bản chất vũ trụ là các nguyên tử (atoms).
Đối lại tất cả các nguyên lý xác định nên thế giới của các nhà tự nhiên và nguyên tử học, Plato giải thích cho chúng ta rằng: mọi thứ chúng ta có thể tri nhận được chỉ là một bản sao của một Hình Thể hoàn hảo (Form) mà thôi. Những Hình Thể không là những bản thể hiện hữu trong vật liệu cụ thể nhưng nó vượt ra ngoài tất cả những ý niệm về một hình thể cụ thể được cấu thành bằng vật liệu, tức là Hình Thể hoàn hảo bao quát tất cả những chất thể mà chúng ta thấy được ngang qua các hình thể cụ thể. Nói cách khác, Hình Thể hoàn hảo là nguyên lý hay mục đích tối thượng của tất cả các cấu trúc được tác thành nơi bản thể. Như thế, Hình Thể của Plato được coi là cái “Hoàn Hảo” mà nơi đó mọi thứ hiện hữu cụ thể chỉ diễn tả một phần nào đó cái nó thôi.
III. Theo Aristole, bản thể là gì?
Theo Aristotle, chúng ta có thể tìm thấy hai nguồn chính mà ông đề cập về bản thể: đó là nơi các Phạm trù (categories) và Siêu Hình học cuốn VII.
1. Bản thể trong các Phạm trù (Categories)
Trong các Phạm trù của Aristotle, bản thể có thể được diễn đạt dưới hai dạng sau: bản thể đệ nhất (primary substance) và bản thể đệ nhị (secondary substance).[1]
a. Bản thể đệ nhất (primary substance)[2]
Bản thể đệ nhất được tri nhận như là một đối thể riêng lẻ (individual object), nó khác biệt hoàn toàn với các đối thể khác ngay cả với bản thể thụ thuộc. Ví dụ: Nguyễn Anh Huy là một người vừa hát hay vừa to, cao, đẹp trai. Nguyễn Anh Huy là bản thể đệ nhất; “người” là bản thể đệ nhị; còn tất cả các thuộc tính có thể diễn tả về anh ta như to, cao, đẹp trai,… là những thuộc tính của anh ta nhưng chúng không phải là bản thể đệ nhị của anh ta. Ở đây, Aristotle phân biệt cho chúng ta hai loại thuộc tính: “của đối thể – of object” và “trong đối thể – in object”. Bản thể đệ nhị: người, động vật là “của đối thể” vì khi nói đến người hoặc động vật thì đã bao lấy toàn bộ anh ta (chúng ta sẽ bàn đến trong phần sau); còn khi nói đến thuộc tính: to, cao, đẹp trai là cách để diễn tả về cái “trong đối thể” tức là cái to, cao, đẹp trai,… đó chỉ là một vài thuộc tính được lấy ra từ cái tổng thể của anh ta mà thôi, tức là những thuộc tính này chỉ tồn tại khi được gắn với một đối thể cụ thể hay nói cách khác đối thể cụ thể này sở hữu những thuộc tính này. Những thuộc tính này tự nó có thể thay đổi nhưng không làm thay đổi chủ thể. Ví dụ ở phần trên cho ta thấy rằng, mặc dù bây giờ các thuộc tính to, cao, đẹp trai,… biến đổi thành gầy, xấu trai,… nhưng chung quy lại đó vẫn là Nguyễn Anh Huy dù có thay đổi về diện mạo thậm chí mất
đi một vài thuộc tính. Như thế, nếu chúng ta nhận biết được tất cả các thuộc tính bên trong bản thể thì chúng ta có thể đi đến điểm khởi nguồn của bản thể tức là cái làm cho bản thể hiện hữu hoặc không hiện hữu. Về điểm này có thể được Aristotle giải thích như sau: nếu bản thể đã không tồn tại trong chính nó thì nó cũng không thể tồn tại trong một bản thể khác; nghĩa là sẽ không có bản thể nếu không tồn tại bất kỳ một thuộc tính nào của nó.
Nói tóm lại, bản thể đệ nhất là bản thể cụ thể, nó được xác định nhờ vào chính sự tồn tại và hiện hữu của chính nó, nghĩa là khi đã xác định sự tồn tại (existence) của Nguyễn Anh Huy này thì bản thể Nguyễn Anh Huy đã hiện hữu (being).
b. Bản thể đệ nhị (secondary substance)
Như đã được khai mở ở phần bản thể đệ nhất, bản thể đệ nhị là tập hợp các bản thể đệ nhất hay nói cách khác, bản thể đệ nhị là những loài (species) chứa đựng các bản thể đệ nhất và còn thêm cả các loài khác vào nữa; tức là bản thể không còn ở trong phạm vi của một chủ thể cụ thể mà hiện hữu trong một chủ thể phổ quát tức là chủ thể có nhiều cá thể cùng có những thuộc tính giống nhau.[3] Ví dụ động vật gồm nhiều loài như người, chó, gà,…; trong loài chó có nhiều cá thể chó cụ thể. Nói đến đây, chúng ta dễ đi đến một thái độ nghi ngờ rằng: làm sao để hiểu bản thể đệ nhị còn được cho là bản thể khi mà đối với Aristotle, một bản thể phải mang trọn vẹn cả hình thể và chất thể. Ở điểm này Aristotle sẽ giải thích[4], chúng ta có một loài cụ thể tức là chúng ta có một bản thể cụ thể, nghĩa là một loài cụ thể thì sẽ có hình thể và chất thể của loài đó chỉ có điều là cái hình thể và chất thể này ở cấp độ lớn hơn và phổ quát hơn so với bản thể đơn lẻ. Ví dụ khi chúng ta nói đến bản thể động vật thì chắc hẳn là chúng sẽ khác với bản thể thực vật hoặc khoáng vật.
c. Tính duy nhất của bản thể[5]
Sau khi chúng ta làm một cuộc khám phá về bản thể đệ nhất và bản thể đệ nhị, chúng ta tuyệt đối không thể suy tưởng rằng trong một bản thể có hai loại bản thể trong một chủ thể. Bởi lẽ, chúng ta biết được rằng tính chất phổ quát của mọi bản thể thì không thể nào được trình bày bên trong một chủ thể, cũng như bản thể đệ nhất không thể diễn tả được chủ thể theo nghĩa bản thể đệ nhị nhưng chỉ diễn tả một phần của nó mà thôi. Như thế, một bản thể được trình bày trong một chủ thể mang toàn bộ chính tất cả các thuộc tính cũng như tính chất thuộc về nó, nghĩa là khi nói về một bản thể cụ thể thì tự nó không pha trộn với bất cứ bản thể nào khác. Như thế, chúng ta tri nhận một đối thể hiện diện cụ thể là bản thể thì điều quan trọng là xác định tính “này” của bản thể; chính trong tính “này” mà bản thể đó tồn tại cách duy nhất. Đặc tính “này” của bản thể thì rất đa dạng; ví dụ: Nguyễn Anh Huy là loài người; loài người là động vật; động vật là sinh vật có sinh khí; …. Thì ở đây, chúng ta có nhiều bản thể khác nhau: bản thể Nguyễn Anh Huy; bản thể loài người; bản thể động vật; ….
2. Bản thể trong Siêu Hình học (Metaphisics)
Trong phần này chúng ta sẽ làm rõ về tầm quan trọng của chất thể và hình thể trong việc hình thành nên bản thể theo lối nhìn của Aristotle, vì chúng giúp ta trả lời hai câu hỏi cơ bản liên quan đến hình thể và chất thể như: loại đối thể này là gì? cái này được làm bằng gì? Đồng thời, việc đối chiếu với Plato giúp ta có thể hiểu hơn về mối tương quan giữa hình thể và chất thể mà Aristotle đã phát triển trong bản thể.
Tương quan giữa hình thức và chất thể[6]
Với Aristotle trong thực tế, có lẽ chúng ta không bao giờ thấy tồn tại chất thể mà không có hình thể, hay hình thể mà không có chất thể; nghĩa là khi ta gặp thấy một sự vật thì phải qua cả hình thể và chất thể thì chúng ta mới có khả năng để tri nhận nó như nó là. Mọi sự vật tồn tại đều ngang qua một thể thống nhất của vật chất và hình thức mà chúng ta gọi là bản thể. Do đó, bản thể là một hỗn hợp của chất thể và hình thể.
Quay lại với Plato, tất cả các sự vật chúng ta có thể tri nhận được nơi chất thể chỉ là các biểu hiện hay các ánh xạ của cái Hình Thể hoàn hảo mà thôi. Tức là, có một cái gọi là Hình Thể hoàn hảo này tồn tại vĩnh cửu tách biệt khỏi thế giới vật chất; mà từ Hình Thể hoàn hảo đó mọi bản thể được tạo thành; hay nói cách khác, chất thể mà ta tri nhận được qua sự vật cụ thể chỉ tham dự vào cái Hình Thể hoàn hảo mà thôi.
Như thế, Aristotle bác bỏ khái niệm của Plato, khi mà hình thể của ông tồn tại biệt lập với chất thể. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy Aristotle có đồng thuận nhất định với Plato về khái niệm phổ quát vì nếu không sẽ không có cách nào để nói mọi cá thể (loài) của một loại sự vật đặc thù nào đó nơi chất thể. Điều làm cho nhận thức về loài được coi là thích hợp với bản thể. Do đó, những bản thể về loài này không chỉ là những suy tưởng của trí khôn, mà chúng có thực tại khách quan; nghĩa là bản thể về loài không nằm ở đâu khác nhưng mà tồn tại trong chính các chất thể đặc thù. Điều này không có nghĩa là Aristotle đồng ý hoàn toàn với cách mà Plato giải thích về hình thể phổ quát; vì Aristotle giả định rằng: nếu các hình thể phổ quát tồn tại riêng biệt thì mục đích của nó là gì? Thêm vào đó, nếu các hình thể theo Plato là bất di dịch, thì Aristotle cho rằng chúng không thể giúp chúng ta biết được về các sự vật như chúng ta biết trong thực tế. Khi mà chúng ta thấy được hình thể cụ thể trong thực tế luôn đầy chuyển động; ví dụ một cái ghế hôm qua chúng ta tri nhận nó với bốn chân nhưng bây giờ chúng ta lại tri nhận cái ghế này có ba chân. Bên cạnh đó, nếu hình thể chỉ là những ý niệm phi vật thể như giải thích của Plato, thì chúng ta không thể giải thích được các sự vật được chúng ta tri nhận qua các giác quan của chúng ta. Lại nữa, các hình thể phi vật chất thì làm sao có thể tương quan với một sự vật cụ thể? Như thế, giải thích về các sự vật tham dự vào các Hình thức hoàn hảo như thế là không thích đáng. Bởi thế, khi chúng ta dùng các từ chất thể và hình thể để diễn tả về một sự vật đặc thù, dường như chúng ta nghĩ đến sự phân biệt giữa cái cấu tạo nên sự vật và cái mà nhờ đó sự vật đó cấu tạo nên. Sự phân biệt này dẫn lý trí chúng ta đến giả thiết rằng cái cấu tạo nên chất thể là vật liệu, chất thể này tồn tại trong một tình trạng cơ bản không hình thù của vật liệu cho tới khi hình thể đi vào và cấu tạo nên một sự vật. Nhưng với Aristotle thì cách hiểu này là vô lý vì khi tách hình thể và chất thể ra riêng biệt như thế sự vật sẽ không tồn tại trong thế giới thực tại của chúng ta, hay nói cách khác thì sự tách biệt của hình thể và chất thể đối với một sự vật sẽ không nằm trong phạm vi nhận thức của chúng ta, chúng phải luôn kết hợp với nhau để cấu thành “hình thể vật chất” của một bản thể cụ thể[7] . Ví dụ[8] chúng ta có một cục đất sét, chúng ta muốn nặm nó thành một con trâu thì ngay trong chính cục đất sét đó, nó được chúng ta tri nhận là một con trâu theo cách thức của chúng ta; và chúng ta sẽ làm việc với cục đất sét để tạo ra hình thù được chúng ta tri nhận. Như thế, một con trâu bằng đất sét tồn tại với một hình thể được tri nhận trong chính chất thể đất sét đó rồi thì mới có con trâu bằng đất sét sau quá trình nhào lặn và nếu hình thể được tri nhận không hiện diện nơi cục đất thì cũng chẳng có con trâu đất sét. Điều này không có nghĩa là khi tách rời hình thể và chất thể ra thì con trâu không tồn tại theo nghĩa chất thể và vật thể lúc này ở trạng thái tách rời. Vì nếu chúng ta không có một ý muốn nhìn cục đất ở trong hình thể một con trâu thì cục đất vẫn tồn tại được chúng ta tri nhận về hình thể và chất thể như nó đang là; Nói đến đây, có thể sẽ dẫn đưa chúng ta đến câu hỏi: làm thế nào để một vật có thể trở thành một sự vật khác được, đâu là nguyên nhân của sự thay đổi đó; nhưng thiết tưởng không cần bàn thêm về vấn đề này mà chỉ cần làm rõ quan điểm của Aristotle về sự kết hợp của hình thể và chất thể này luôn có một ý muốn hay mục đích nội tại chuyển hóa vật chất từ tiềm thể sang hiện thể, ở đây không ý nói tiềm thể như là một dạng thức chỉ là chất thể hoặc hình thể tách biệt, mà tiềm thể tự thân đã bao gồm hình thể và chất thể rồi; nhưng khi ngang qua một ý muốn, mục đích khác chúng sẽ trở thành một hiện thể tồn tại (hay một tiềm thể khác với một chất thể và hình thể khác). Như thế, khi truy cho cùng của nguyên lý mục đích này Aristotle phải nhìn nhận rằng: ý muốn và mục đích chính yếu trong vạn vật đến từ Thượng Đế, thực tại tối thượng, thuần nhất (pure form) siêu hình, phi vật chất, viên mãn, vĩnh hằng và thuần nhất; Ngài là thực thể tuyệt đối độc lập và hoàn hỏa không cần đến quá trình quá trình tự nhận thức; nhưng chính Ngài lại là nguyên lý và động lực thúc đẩy cho quá trình tự nhận thức và hiện thực hóa trong sự vật.[9]
Như thế, chung cuộc thì bản thể của Aristotle có nhiều điểm tương đồng với Plato, khi mà Plato xây dựng về một cái Hình Thể hoàn hảo không biến đổi chia sẻ một phần của nó cho các sự vật cụ thể; thì Aristotle xây dựng về một Thượng Đế viên mãn thuần nhất tuyệt đối, chia sẻ nguyên lý của quá trình tự nhận thức và hiện thực hóa của bản thể. Quả thế, quá trình tự nhận thức và hiện thực hóa này của một sự vật luôn là một quá trình có sự song hành của chất thể và hình thể không thể tách rời nơi bản thể tồn tại; tức là khi một bản thể cụ thể tồn tại thì luôn có sự hiện diện của chất thể và hình thể.
Kết luận
Hai phần nghiên cứu trên đây giúp ta có một định nghĩa khái quát nhất về bản thể theo Aristotle: bản thể là một hữu thể độc lập và duy nhất luôn có sự hiện hữu của cả chất thể lẫn hình thể. Tuy nhiên, các loại bản thể rất đa dạng, chỉ cần khi tính “này” của một sự vật được tồn tại trong thế giới thực là khi đó bản thể cũng hiện hữu.
Hà Quốc Huy
Học viên Triết I
Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên
Tài liệu tham khảo
- McKeon, Richard, The basic Works of Aristotle. New York, Random House, 1941.
- Anagnostopoulos, Georgios, A Companion to Aristotle. UK.Wiley –Blackwell, 2009.
- Ross, Sir David, Aristotle, sixth edition. USA, Routledge, 1995.
- Sahakan, William, and Mabel L. Sahakan, Tư Tưởng của các Triết Gia Vĩ Đại, Lâm Thiện Thanh & Lâm Duy Chân. trans. Tp. HCM: Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001.
- Stumpf, Samuel Enoch, Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề, Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy.trans. Hà Nôi: NXB Lao Động, 2004.
- Wedin, Michael V., Aristotle’s Theory of Substance, USA: Oxfort University, 2000.
- Grondin, Jean, Introduction a la Metaphysisque, ? trans. ?: Universite de Montreal, 2004.
- Quân, Đặng Phùng, Triết Học Aristotle, Sài Gòn: Đêm Trắng, 1969.
[1] cf. Georgios Anagnostopoulos, A Companion to Aristotle, (wiley –Blackwell, 2009), pp. 197-212.
[2] cf. Sir David Ross, Aristotle, sixth edition, (USA, Routledge, 1995), pp.172 – 174
[3] cf. Georgios Anagnostopoulos, A Companion to Aristotle (UK: Wiley –Blackwell, 2009), pp. 199-200.
[4] cf. Richard McKeon, The basic Works of Aristotle (New York, Random House, 1941), Categoriaes, Book V, chapter 2b,10-15.
[5] ibid. Chapter 12.
[6] cf. Sir David Ross, Aristotle, sixth edition (USA: Routledge, 1995), pp.174 – 180.
[7] cf. William S.Sahakan, Mabel L. Sahakan, Tư Tưởng của các Triết Gia Vĩ Đại, Lâm Thiện Thanh & Lâm Duy Chân. Trans (Tp. HCM: Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001), p. 190.
[8] cf. Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề, Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy.trans (Hà Nội: NXB Lao Động, 2004), p. 79.
[9] cf. William S.Sahakan, Mabel L. Sahakan, Tư Tưởng của các Triết Gia Vĩ Đại, Lâm Thiện Thanh & Lâm Duy Chân. trans (Tp. HCM: Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001), pp. 191-192.
Bản Thể và chu kỳ sanh tiến hoá của Bản Thể…
Bản thể nào cũng có sự sanh hoá và tiến hoá của nó. Nói về Bản Thể một cách ngắn gọn mà hiểu đầy đủ, sâu rộng hơn như sau: Chu Kỳ Sanh Tiến Hoá của Bản Thể Nhân Loại, được gọi là: “Nhứt Bản Tán Vạn Thù, Vạn Thù Quy Nhứt Bản”. Đó là chu kỳ Dịch Lý đầu tiên là của Bản Thể Vũ Trụ, đã thành lập nên vũ trụ, và đã phổ biến lặp lại trong mỗi bản thể vạn hữu, và đã lặp lại trong bản thể nhân loại chúng ta hôm nay.
Khái niệm về chu kỳ của Bản Thể Nhân Loại, ở đây nói về phương diện Trí Giác, Tinh Thần. Nhứt Bản Tán Vạn Thù, nghĩa là Bản Thể Nhân Loại từ thuở sơ khai con người chưa hiểu biết gì về tự nhiên và xã hội, chưa làm ra được gì cho cá nhân và xã hội, và xã hội chưa có giai cấp, Bản Thể Nhân Loại lúc đó là một Chân Lý Đồng Nhứt, là Nhứt Bản chu kỳ từng bước sanh hoá ra các hệ phái tư tưởng khác nhau gồm cả Đời, là các trường phái xã hội, gồm cả Đạo là các tôn giáo, gọi chung là Vạn Thù (vạn hữu sai khác, bất đồng, tranh chấp) trong một bản thể. Đến khi kết thúc khu kỳ, theo định luật Vạn Thù Quy Nhứt Bản là vạn thù sai khác bất đồng phải quy về lại với Chân Lý Đồng Nhứt thuở sơ khai thì vạn thù bất đồng của thế giới nhân loại nầy sẽ được hoà bình, đồng nhứt.