Theo bước Chúa trên đường khổ nạn theo tin mừng Mác-cô (2)

4. Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua (câu 12-16)

12 Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu? “13 Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó.14 Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?15 Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta.”16 Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.

Phần thứ hai này, cả ba thánh sử của Tin Mừng Nhất Lãm đều nhắc đến (x.Mt 26,17-19 và Lc 22,7-13). Chủ đề là chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua.

Đi vào bài Tin Mừng, chúng ta thấy sau khi diễn tả về mưu toan của Giu-đa muốn nộp Chúa Giê-su, thánh sử Mác-cô đưa chúng ta bước vào khung cảnh thời gian mới. Đó là ngày thứ nhất trong tuần bánh không men. Theo các nhà chú giải, thật ra Lễ Bánh Không Men bắt đầu sau lễ Vượt Qua; nhưng các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm dùng tên này để gọi trọn lễ mừng bắt đầu với lễ Vượt Qua. Tiếp đến, Mác-cô kể tiếp: “Các môn đệ thưa với Đức Giê-su: Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”. Chúng ta để ý xem Chúa Giê-su trả lời như thế nào? “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó”. Các môn đệ ra đi và sẽ gặp một người, mà danh tính của người này không được thánh sử chú ý tới. Các ông sẽ nói với người này lời của Chúa nhắn gởi: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?15 Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta”.  

Như thế, Chúa đã chuẩn bị sắp xếp mọi thứ cho bữa tiệc cuối cùng với các môn đệ. Một sự chu đáo của Đấng yêu thương. Chúa nói tới căn phòng rộng rãi ở trên lầu, nơi bàn tiệc cần được các môn đệ dọn ra. Để hiểu được nơi chốn này, chúng ta đọc lời giải thích của Barclay: “Các căn nhà lớn của dân Do Thái có những phòng cao, các căn nhà ấy trồng như có một chiếc hộp nhỏ xếp chồng trên một chiếc hộp lớn vậy. Chiếc hộp nhỏ hơn đó là phòng cao, có cầu thang ở bên ngoài để đi lên, nên người ta không cần phải đi qua phòng lớn bên trong nhà. Phòng cao có nhiều công dụng. Nó có thể dùng làm phòng kho, hoặc dùng làm nơi suy gẫm, làm chỗ nghỉ khi nhà có khách. Nhưng đặc biệt nhất đó là nơi để một Rabbi dạy dỗ các môn đệ thân tín. Chúa Giêsu đã làm theo thói quen các Rabi Do Thái vẫn thường làm”.

Vâng lời Chúa dạy, hai môn đệ trong số các ông đã lên đường vào thành. Hai ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua. Chúng ta thấy tinh thần vâng lời của môn đệ tương hợp với tinh thần vâng lời của Chúa Giê-su thi hành ý muốn của Cha trên trời. Qua đó hai môn đệ trở nên người thân của Chúa Giê-su trong gia đình. Thánh sử Mác-cô diễn lời của Chúa: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,34-35).

Ngoài ra, ở đây có một sự khác biệt giữa Mác-cô và Mát-thêu. Trong khi Mác-cô chỉ nhắc đến hai môn đệ vâng lời Chúa thi hành việc này, thì Mát-thêu lại nhắc đến tất cả các môn đệ đều vâng lời Chúa và thực hiện việc chuẩn bị lễ Vượt Qua: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy” (Mt 26,18).

 

5. Đức Giê-su báo Giu-đa sẽ phản bội (câu 17-21).

17 Chiều đến, Đức Giê-su và Nhóm Mười Hai cùng tới.18 Đang khi dùng bữa, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, có người trong anh em sẽ nộp Thầy, mà lại là người đang cùng ăn với Thầy.”19Các môn đệ đâm ra buồn rầu, và lần lượt hỏi Người: “Chẳng lẽ con sao? “20 Người đáp: “Chính là một trong Nhóm Mười Hai đây, mà là người chấm chung một đĩa với Thầy.21 Đã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn! ”

Giống như Mát-thêu, Mác-cô nhắc đến yếu tố thời gian “chiều đến”. Barclay đã giải thích yếu tố thời gian này như sau: “Chúng ta phải nhớ một điểm về cách ghi nhận ngày của dân Do Thái. Theo người Do Thái, thì một ngày mới bắt đầu từ 6 giờ chiều, trước 6 giờ chiều là ngày 13 tháng Nisan, là ngày sửa soạn cho Lễ Vượt Qua. Nhưng ngày 14 tháng Nisan là ngày Lễ Vượt Qua thì bắt đầu từ 6 giờ chiều. Theo cách tính của chúng ta thì ngày thứ sáu của người Do Thái bắt đầu từ 6 giờ chiều ngày thứ năm”.

Như thế, vào chiều ngày trước lễ Vượt Qua, hay nếu tính theo cách giải thích trên, là lúc 6 giờ chiều thì bắt đầu bước vào ngày mừng Lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su và Nhóm Mười Hai cùng tới nơi đã được chuẩn bị để ăn chung bữa tiệc. “Trong văn hóa Sêmitích, cũng như trong nhiều nền văn hóa khác, bữa ăn là thời khắc thánh thiêng, thời khắc trong đó, sợi dây chung của sự sống và tình bạn cần được cử hành. Trong bối cảnh này, Chúa Giêsu tiên đoán rằng có một người trong nhóm mười hai sẽ cắt đứt sợi dây liên kết giữa trò và thầy”.[1]

 

Chúa Giêsu ngồi vào bàn ăn với mười hai tông đồ. Theo Barclay, sau nhiều thế kỷ kể từ ngày ăn Lễ Vượt Qua đầu tiên tại Ai-cập, phần nghi lễ xưa chỉ có một thay đổi mà thôi. Trong Lễ Vượt Qua đầu tiên tại Ai-cập người ta phải đứng mà ăn (x.Xh 12,11). Đó vốn là dấu hiệu sự hối hả, vội vàng, một dấu hiệu cho thấy họ là những nô lệ đang tìm cách thoát thân. Vào thời của Chúa Giêsu thì quy tắc là phải nằm dựa tay mà ăn, vì đó là dấu hiệu của người tự do, có nhà riêng, ở trong xứ sở mình.

 

Chúng ta chiêm ngắm bàn tiệc và những gì xảy ra: Trong lúc ăn tiệc, Chúa Giê-su lên tiếng nói với các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em, có người trong anh em sẽ nộp Thầy, mà lại là người đang cùng ăn với Thầy”.

Câu này mang hương vị của Thánh Vịnh 41:

“Cả người bạn thân con hằng tin cậy,
đã cùng con chia cơm sẻ bánh,
mà nay cũng giơ gót đạp con!”
(Tv 41,10).

 

Bàn tiệc đang được mừng vui, thì một tin không ai chờ đợi lại đến trong căn phòng. Tin này lại hướng về chính Chúa, Đấng bị nộp, và hướng về một người trong nhóm mười hai, kẻ sẽ phản bội và nộp Chúa. Bạn thử mường tượng khung cảnh lúc đó thế nào? Nếu bạn có mặt trong khung cảnh đó, dù chỉ là một đầy tớ phục vụ bàn ăn mà nghe được lời đó, thì bạn sẽ phản ứng ra sao?

Hơn nữa, đối với người sống trong thời cổ đại, cộng đoàn ngồi chung tại bàn tiệc là biểu tượng cho tình bạn và hoà bình, là dấu hiệu của sự tin tưởng lẫn nhau. Khách ngồi trong bàn ăn chính là người bạn thân thiết. Các môn đệ đang ngồi quây quần xung quanh Chúa Giê-su tại bàn tiệc của cộng đoàn. Nhưng một điều thật đau xót và nặng nề đang chiếm ngự, là một người trong cộng đoàn, trong nhóm môn đệ đầy tin tưởng này, sẽ bội phản Thầy mình.

Cả căn phòng choáng ngợp một sự nặng nề của sự buồn rầu thảm não. Thánh sử Mác-cô diễn tả rằng: Các môn đệ đâm ra buồn rầu”. Sự buồn rầu của một điều không thể tưởng tượng mà lại có thể xảy ra. Sự buồn rầu của chính nội bộ có kẻ bội phản mà chưa “ló dạng”. Vì thế, các ông lần lượt hỏi Người: “chẳng lẽ con sao- mêti egô eimi?”. Hầu hết các ông không biết tới hành động trong tương lai của mình. Các ông hỏi Chúa với một niềm hy vọng là Chúa sẽ trả lời: “không phải anh đâu”. Nếu đọc câu truyện đến đây, hôm nay chúng ta cũng được mời gọi suy nghĩ về chính chúng ta. Chúng ta có thuộc về nhóm người có kẻ phản bội Chúa không? Chúng ta sẽ hỏi Chúa như các môn đệ Chúa hỏi ngày xưa? Có lẽ như các môn đệ ngày xưa, chúng ta bất an và chẳng biết ai trong nhóm là người phản bội Chúa.

Trước bầu khí nặng nề đó, Chúa Giê-su đã lên tiếng tiếp và mở ra một dấu hiệu, để kẻ phản bội “ló dạng”: “Chính là một trong Nhóm Mười Hai đây, mà là người chấm chung một đĩa với Thầy. Đã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!”.

Trong câu nói của Chúa, chúng ta thấy có Chúa chỉ ra hành động sẽ làm ló dạng người phản bội: người chấm chung một đĩa với Thầy. Chính người đó là kẻ bội phản và nộp Chúa. Chung diễn tả sự tin tưởng, nhưng thật tiếc sự tin tưởng đã bị phá vỡ bởi cái riêng tư của một con người. Người đó chính là kẻ nộp Chúa, mà thánh Augustino gọi là “kẻ trộm ăn cắp Chúa”.

Tiếp đến Chúa nói thêm một lời thật nặng: Đã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!”. Đọc câu này và suy đi gẫm lại chúng ta thấy thật là đau xót. Một đàng, việc Chúa – Con Người ra đi theo như lời chép về Người, nghĩa là đúng theo chương trình và thánh ý của Thiên Chúa, nhưng đàng khác trong trường hợp của Giu-đa, thì đau xót biết bao, khi ông đã có phần trong chuyện này với một ý nghĩa quá tiêu cực, đến nỗi phải nhận câu nói: “khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn”.

Tuy vậy, nếu suy tư trong chiều hướng tích cực, chúng ta thấy Chúa nói lời đó mạnh mẽ, nhưng cũng mang tính cách răn đe, để Giu-đa có thể “tỉnh người”, sám hối và dừng bước. Nhưng thực ra thì Giu-đa đã không cảnh tỉnh gì cả. Đó là một thái độ theo kiểu “phóng lao rồi thì phải theo lao”, một thái độ ngu xuẩn và mù tối của kẻ đã bị thần dữ chế ngự.

Barclay suy tư về tâm tình này như sau: “Lời cảnh cáo cuối cùng, Ngài đã báo trước cho ông về các hậu quả của việc mà ông đang định làm. Chúng ta cần lưu ý điều này, đây là phương pháp mà Chúa dùng để đối xử với chúng ta, không có cưỡng bách. Chúa Giêsu có thể bắt buộc Giuđa ngừng tay. Ngài chỉ cần nói ra một tiếng về những gì Giuđa đang suy nghĩ, mưu tính, chắc chắn mười một môn đệ kia sẽ không để Giuđa đang suy nghĩ, mưu tính, chắc chắn mười một môn đệ kia sẽ không để Giuđa ra khỏi căn phòng ấy mà còn sống. Đây chính là tình trạng của mọi người. Chúa ban cho chúng ta ý chí tự do. Tinh yêu Ngài kêu gọi chúng ta, chân lý của Ngài cảnh cáo chúng ta. Nhưng không hề có chuyện cưỡng bách. Trách nhiệm khủng khiếp của một người, là người đó có thể bỏ ra ngoài tai tiếng gọi tình yêu của Chúa, có thể xem thường lời cảnh cáo của Ngài. Cuối cùng, chỉ riêng ta phải chịu trách nhiệm về tội lỗi ta mà thôi”.

Khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn”. Nếu chúng ta đọc trình thuật này trong Tin Mừng Mát-thêu và Luca, thì hai thánh sử này cũng dùng từ ngữ “khốn thay” như Mác-cô. Trong câu nói của Chúa về Giu-đa, có một điều tế nhị diễn tả số phận của Giu-đa. Ngày xưa, trong xứ đạo ở quê hương, trong dịp tuần Thánh các ông trùm bà quản đôi khi nói với bọn con nít chúng tôi: “Thằng Giu-đa bán Chúa 30 đồng chắc chắn là xuống hoả ngục. Coi gương xấu mà học để tránh đấy!”

Vậy chúng ta nên hiểu thế nào? Các nhà chú giải đã cố gắng giải thích là câu nói của Chúa Giê-su không nhắm đến một sự nguyền rủa cá nhân Giu-đa, mà câu nói ấy muốn diễn tả mức độ tệ hại của hành động phản bội, nhất là phản bội sự tốt lành của Thiên Chúa. Đó là một điều xấu xa thật lớn; cho nên thay vì thực hiện việc xấu xa ấy, thì thà đừng hiện hữu thì hơn. Nói cách khác, thà chết còn hơn là phạm tội và thất trung với Chúa.

Ngoài ra, Cantalamessa suy tư về điều này như sau: “Đúng là khi nói chuyện với Chúa Cha về các môn đệ của Ngài, Chúa Giêsu đã nói về Giuđa, “không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng” (Ga 17,12).

Nhưng ở đây, như trong rất nhiều trường hợp khác, Ngài đang nói từ quan điểm của thời gian và không phải vĩnh hằng. Tầm cỡ của sự phản bội này tự mình đã đủ, không cần phải tính đến sự thất bại đó là vĩnh cửu để giải thích một bản án đáng sợ khác nói về Giuđa: ‘Ðã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!’ (Mc 14 ,21). Số phận đời đời của một con người là một bí mật bất khả xâm phạm được gìn giữ bởi Thiên Chúa. Giáo Hội bảo đảm với chúng ta rằng một người nam hay một người nữ được công bố là một vị thánh đang được nếm hưởng niềm hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng Giáo Hội không biết chắc chắn rằng một người cụ thể nào đó đã phải sa hoả ngục hay không”.[2]

Sự bội phản và bán đứng Chúa trở thành câu truyện xấu thuộc về bóng đêm được truyền từ thế thệ này sang thế hệ khác. Biết bao bình luận, biết bao cảnh tỉnh từ biến cố đó. Một hiền sĩ đã nói về sự kiện Giu-đa bán chúa: “Bởi lẽ Giuđa rao bán Chúa, chúng ta hãy mua bằng giá trái tim mình”.

Đến đây, Mác-cô tiếp tục đưa người đọc chiêm ngắm khung cảnh tiếp theo. Đó là việc Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể.

 

6. Đức Giê-su lập bí tích Thánh Thể (câu 22-25)

22 Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.”23 Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này.24 Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.25 Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.”

Phần này kể về việc Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể. Biến cố trọng đại này, cũng được thánh Mát-thêu, thánh Luca cùng thánh Phao-lô nhắc đến (x. Mt 26,26-29; Lc 22,19 -20; 1Co 11,23 -25).

Khung cảnh của câu chuyện là: “đang bữa ăn” và bữa ăn này nằm trong bầu khí của lễ Vượt Qua. Như thế, khung cảnh tiệc Vượt Qua với chiên bị giết có ý hướng về chính Chúa Giêsu – con chiên hiền lành bị giết và hiến tế.

Trước khi suy niệm bài Tin Mừng, chúng ta đọc lời suy tư của Vũ Văn An: “Các lời tiên đoán phản bội và sai phạm trên tạo nên cái khung nhức nhối quanh thời khắc chủ chốt của bữa ăn Vượt Qua. Sử dụng các biểu tượng sống động, không thể nào xóa nhòa, Chúa Giêsu cho các môn đệ hay ý nghĩa cái chết của Người. Bánh bẻ ra là thân xác Người được trao ban cho họ; chén đổ ra là máu của Người, “máu giao ước” cung hiến ơn tha thứ và tình yêu không bao giờ cạn dành cho tất cả. Trọn thừa tác vụ của Chúa Giêsu, mọi lời của sự thật giải thoát, mọi đụng chạm chữa lành, mọi đối kháng bất công, đều được tinh chế ở đây trong bánh và chén rượu, trong thân xác và máu huyết Chúa Giêsu trao ban trọn vẹn cho thế giới”.[3]

Đi vào đoạn văn, chúng ta thấy trong phần đầu về bánh là một chuỗi hành động của Chúa:

– Cầm lấy bánh.

– Dâng lời chúc tụng.

– Bẻ ra.

– Trao cho các môn đệ.

– Nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”.

 

Phần thứ hai về chén, cũng có một chuỗi hành động tương tự:

– Cầm chén rượu.

– Dâng lời tạ ơn.

– Trao cho các môn đệ.

– Bảo các môn đệ: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”.

 

Trong cả hai phần đều có lời chúc tụng hay lời tạ ơn. Điều đó diễn tả tâm tình cầu nguyện của Chúa Giê-su. Cả hai đều do Chúa Giê-su thực hiện. Ngài chính là trung tâm của bữa tiệc. Ngài là chủ bữa tiệc và Ngài chủ động việc bẻ bánh và trao ban (người chủ nhà thường làm trong lễ Vượt Qua). Cũng vậy, là chủ bữa tiệc Chúa Giê-su chủ động rót đầy chén rượu, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và trao cho các người hiện diện trong bàn tiệc.

Như thế, hai việc “bẻ và trao bánh” cùng “rót rượu và trao rượu” diễn tả tinh thần hy tế của Chúa Giê-su. Ngài làm hai hành động này để diễn tả tinh thần của Con Chiên Hiền Lành, của người Tôi Tớ khiêm tốn của Thiên Chúa. Đó là tinh thần “hiến mình cho người mình yêu”.

Đọc lời của Chúa Giê-su, chúng ta thấy bữa tiệc Vượt Qua đã thực sự đi vào ý nghĩa trọn vẹn. Thay cho chiên Vượt Qua là chính Xác Thịt của Chúa Giê-su, thay cho chén rượu bình thường là chính Máu của Ngài. Lời tạ ơn đã được Chúa cất lên để làm cho bữa tiệc được sống động và mang ý nghĩa sâu xa nhất của bí tích Thánh Thể: Huyền nhiệm tạ ơn. Thật vậy, “Tạ Ơn” đã thành tựa đề chính của bữa tiệc cuối cùng. Giáo Hội đã đón nhận bữa tiệc này, và với Chúa Ki-tô, mỗi ngày ở khắp mọi nơi trên hoàn cầu, Giáo Hội tiếp tục cử hành bữa tiệc Tạ Ơn này. Trong bữa tiệc Vượt Qua mới – bữa tiệc Tạ Ơn, Chúa Giê-su là trung tâm điểm. Từ nơi Ngài đã vang lên lời tạ ơn, từ nơi Ngài các cử điệu đã diễn ra với một nghi thức thật ý nghĩa.

 

Của lễ mà Chúa Giê-su trao ban chính là Xác Thịt và Máu của Ngài. Xác Thịt này là Xác Thịt sống động của Chúa, là chính Chúa. Máu kia chính là Máu của cuộc sống, cuộc sống của Ngài, là chính Chúa. Xác Thịt và Máu của Chúa hướng đến cái chết của Chúa. Ngoài ra, Chúa cũng nói với các môn đệ hãy rao giảng cái chết của Chúa, mỗi lần cử hành bữa tiệc Tạ Ơn: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1Cr 11,26).

 

Lời của Chúa nói trong bữa tiệc cuối cùng đã làm cho buổi tối hôm đó tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn ở chính nơi cái chết của Chúa. Của lễ Chúa trao ban chính là Xác Thịt của Chúa, Xác Thịt hiến dâng và Máu đổ ra trong cái chết. Cái chết này Chúa sẵn sàng đón nhận vì chính các môn đệ, những người mà Chúa ban cho hai của lễ kia. Xác Thịt Chúa được bẻ ra và được hiến dâng vì anh em. Máu được đổ ra vì anh em. Cái chết của Chúa Giê-su thật là tốt cho các môn đệ. Cái chết của Chúa là cái chết đem lại ơn cứu rỗi.

 

Cha Michelini suy tư như sau: “Trong bữa tiệc ly của Chúa Giêsu nổi bật yếu tố này: Giuđa trao nộp Chúa. Nhưng Chúa Giêsu, trong đêm bị phản bội, đã không thu hồi món quà của Ngài, đã ban tất cả những gì Ngài có thể trao: thân mình Ngài và máu Ngài (1Cor 11). Ngôi Lời, Chúa Con, đã dâng hiến ngôi vị thần linh của mình, dù là Thiên Chúa nhưng Ngài đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa (Pl 2,6). Giờ đây Ngài trao ban chính bản tính nhân loại, là thân xác Ngài, bởi vì trong thân xác này mà Ngôi Lời đã làm người. Bằng cách thức này, Chúa Giêsu trao ban tất cả chính mình, không giữ lại điều gì”[4].

 

Đi sâu hơn, chúng ta dừng lại ở cụm từ “Giao Ước”. Barclay đã giải thích như sau:

Từ giao ước là một chữ rất thông thường trong tôn giáo Do Thái. Nền tảng của Do Thái giáo là Thiên Chúa đã lập một giao ước với dân Israel. Từ này có nghĩa là một sự dàn xếp, trả giá, một hợp đồng hai chiều. Việc thừa nhận giao ước cũ được nói rõ trong Xuất hành 24,3-8. Theo đoạn sách đó chúng ta thấy giao ước hoàn toàn tùy thuộc việc dân Israel tuân giữ luật. Nếu luật bị vi phạm thì giao ước cũng bị vi phạm, và mốì liên hệ giữa Thiên Chúa với dân Israel sẽ tan rã. Đây là một mối giao hảo hoàn toàn tùy thuộc luật và việc tuân giữ luật ấy. Thiên Chúa là vị thẩm phán. Vì không hề có ai giữ trọn luật nên phần khiếm khuyết luôn luôn ở về phía dân chúng. Nhưng Chúa Giêsu phán “Ta phê chuẩn và ban hành một giao ước mới, một mối liên hệ, một hợp đồng mới giữa Thiên Chúa với loài người. Nhưng giao ước này không lệ thuộc vào luật mà tùy thuộc tình yêu. Nói khác đi, Chúa Giêsu muốn bảo rằng “Việc ta đang làm đây để chứng minh cho các ngươi thấy Thiên Chúa yêu thương các ngươi như thế nào”. Loài người không chỉ đơn giản ở dưới luật của Thiên Chúa. Vì điều Chúa Giêsu đã thực hiện, họ mãi mãi ở trong tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là yếu tính của những gì Tiệc Thánh nói lên với chúng ta”[5].

Ngoài ra, chúng ta chú ý đến cụm từ “vì anh em, vì muôn người” được nhắc tới trong lời Chúa nói. Thánh sử Luca viết: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20). Mác-cô thì dùng cụm từ vì muôn người: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24). Thánh sử Mát-thêu thì dùng cụm từ cho muôn người được tha tội: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội”. Còn thánh Phao-lo thì viết: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11,24).

 

Như thế, trong bữa tiệc Thánh Thể này, Chúa Giê-su hướng về các môn đệ và hướng về muôn người, những kẻ Ngài yêu thương và Chúa trao ban Xác Thịt và Máu của Ngài như là của lễ tình yêu cao quý.

 

“Vì anh em” và “máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội”. Những lời này của Chúa đưa chúng ta đến với hình ảnh của người Tôi Tớ của Thiên Chúa:

 

“Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,
còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,
bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.

Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;
người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,
đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành…

 

Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu,
lang thang mỗi người một ngả.
Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người
tội lỗi của tất cả chúng ta.

Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca;
như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông,
người chẳng hề mở miệng…

 

ĐỨC CHÚA đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ.
Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội,
người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn,
và nhờ người, ý muốn của ĐỨC CHÚA sẽ thành tựu.
Nhờ nỗi thống khổ của mình,
người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện.
Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta,
sẽ làm cho muôn người nên công chính
và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.

Vì thế, Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản,
và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt,
nó sẽ được chia chiến lợi phẩm,
bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân;
nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn người
và can thiệp cho những kẻ tội lỗi”
(Is 53,4-5. 6-7. 10-12).

 

Cái chết của Chúa, Xác Thịt hiến dâng và Máu đổ ra của Chúa, trở thành của lễ đền tội nhân loại. Chúa “vì chúng ta”, nên Ngài đã lập giao ước mới để làm trọn vẹn giao ước cũ trên núi Xi-nai mà ngày xưa Mô-sê đã đón nhận từ Thiên Chúa. Giao ước mới này chứa đựng Máu của Đấng chịu đóng đinh đổ ra vì muôn người.  “Đức Ki-tô chịu chết vừa là hy tế Vượt Qua hoàn tất việc cứu độ chung cuộc loài người (x.1Cr 5,7; Ga 8,34-36), vì “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29) (x.1Pr 1,19), vừa là hy tế của Giao Ước Mới (x.1Cr 11,25) cho con người hiệp thông lại với Thiên Chúa ( x.Xh 24,8), bằng cách giao hòa con người với Thiên Chúa nhờ “máu được đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28) (x.Lv 16,15-16)” (Sách GLHTCG số 613).

 

Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương và luôn thành tín, đã tha thứ cho dân Ngài và đã đem lại trật tự mới với giao ước mới: 31 Này sẽ đến những ngày – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA – Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới,32 không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.33 Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta.34 Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: “Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. Ít-ra-en sẽ tồn tại mãi” (Gr 31,31-34).

 

Với Máu và Thân Xác của mình, Chúa Giê-su tặng ban những điều tốt đẹp nhất cho chương trình mới, giao ước mới của Thiên Chúa đối với nhân loại, và chuẩn bị cho ơn cứu rỗi của ngày cuối cùng: Nhân loại được đón nhận ơn tha thứ của Chúa, hoà giải với Chúa và được hiệp nhất với Ngài trong một cộng đoàn.

 

Chúa Giê-su, qua chén chúc phúc Ngài trao ban, trở nên Người Trung Gian của Giao Ước Mới. Qua Chúa, Tôi Tớ của Thiên Chúa, Đấng đã chịu tội thay cho nhân loại và hiến dâng chính mình, mà một trật tự mới của Thiên Chúa đã được hình thành:

 

“Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã gọi ngươi,
vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta.
Ta đã nắm tay ngươi,
đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân,
làm ánh sáng chiếu soi muôn nước,

để mở mắt cho những ai mù loà,
đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ,
dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm”
(Is 42,6-7).

 

“ĐỨC CHÚA phán thế này:
Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân,
phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ.
Ta đã gìn giữ ngươi, đặt ngươi làm giao ước giữa Ta với dân,
để phục hồi xứ sở, để chia lại những gia sản đã bị tàn phá,
để nói với người tù: “Hãy đi ra”,
với những kẻ ngồi trong bóng tối: “Hãy ra ngoài.”
Như bầy chiên, chúng sẽ được nuôi ăn trên các nẻo đường,
sẽ gặp được đồng cỏ trên mọi đồi hoang.

Chúng sẽ không phải đói phải khát,
không bị khí nóng và mặt trời hành hạ,
vì Đấng thương xót chúng sẽ hướng dẫn
và đưa chúng đến những suối nước tuôn trào.

Mọi núi non của Ta, Ta sẽ biến thành đường sá,
những con lộ của Ta, Ta sẽ đắp cao. Kìa chúng đang từ xa đến,
người từ phía bắc, phía tây, kẻ từ miền đất Xi-nim.

Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy múa,
núi non hãy bật tiếng hò reo,
vì ĐỨC CHÚA ủi an dân Người đã chọn
và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người”
(Is 49,8-13).

 

Chúa Giê-su không chỉ nói lên sức mạnh cứu rỗi, mà Ngài còn ban tặng sức mạnh cứu rỗi này trong chính Xác Thịt và Máu của Ngài như là lương thực: “Chúa đã bẻ tấm bánh và trao cho họ”, cũng thế Chúa đã trao ban chén rượu. Hoa quả của ơn cứu rỗi không chỉ tương hợp với niềm tin vào Chúa, mà còn được diễn tả qua việc đón nhận Mình và Máu Thánh của Ngài.

 

Khi Chúa bẻ bánh và trao bánh là chính Xác Thịt Ngài, Chúa nói: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”. Lời này cũng được dùng cho chén rượu là chính Máu Ngài: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11,25). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo viết rằng: “Bí tích Thánh Thể Chúa Giê-su thiết lập sẽ là ‘lễ tưởng niệm’ (1Cr 11,25) hy tế của Người. Người hội nhập các tông đồ vào lễ hiến dâng của Người và yêu cầu họ lưu truyền hy lễ này mãi mãi (x.Lc 22,19). Như thế, Đức Giê-su đặt các tông đồ làm tư tế Giao Ước mới: ‘Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để trong chân lý, họ cũng được thánh hiến’ (Ga 17,19) (x.Cđ.Trente: DS 1752;1764) ” (số 610).

 

Trong Giáo Hội tiên khởi, việc cử hành bí tích Thánh Thể đã được sống động. Sách Công Vụ đã ghi lại: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng…Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2,42.46).

 

Ngoài ra, các tài liệu thời đầu tiên của Giáo Hội Tiên Khởi nhắc đến việc cử hành bí tích Thánh Thể. Qua đó, giúp chúng ta có cái nhìn lịch sử và nhận ra được tinh thần sống động Mầu Nhiệm Thánh Thể và Vượt Qua của Chúa Giê-su ngay từ những ngày đầu tiên. Chúng ta đọc lại một số tài liệu.

Sách Didachè hay “giáo lý của 12 tông đồ” là một cuốn sưu tập nhỏ của “giáo lý Do thái – Kitô giáo” gồm 16 chương. Có nguồn gốc từ các cộng đoàn tại Antiokia Syria, được viết cho các Kitô hữu gốc dân ngoại vào cuối thế kỷ I hay đầu thế kỷ II. Tác phẩm này được khám phá vào năm 1873 tại Constantinople. Didachè để lại cho chúng ta chứng từ đầu tiên liên quan đến những kinh để “tạ ơn” (eucharistia) trong hai chương 9 và 10. Còn chương 14, 1 thì cho chúng ta chứng từ về ngày Chúa nhật, ngày Hội Thánh quy tụ lại để bẻ bánh và tạ ơn.

 

  • Didachè 9,1-5:

“Về vấn đề Lễ tạ ơn (eucharistia),

hãy tạ ơn như thế này :

Trước hết vì ly rượu :

lạy Cha, chúng con tạ ơn Cha

vì cội nho thánh thiện của Đavít, tôi tớ Cha

mà Cha đã mạc khải cho chúng con,

nhờ Đức Giêsu, tôi tớ Cha !

Chúc tụng Cha vinh hiển đến muôn đời ! Amen !

Rồi vì tấm bánh đã được bẻ ra:

Lạy Cha, chúng con tạ ơn Cha,

vì sự sống và sự hiểu biết

mà Cha đã mạc khải cho chúng con,

nhờ Đức Giêsu, tôi tớ Cha!

Chúc tụng Cha vinh hiển đến muôn đời ! Amen !

Cũng như tấm bánh được bẻ ra đây,

Trước tiên được gieo vãi trên khắp ruộng đồng,

giờ được thu lượm và trở thành một tấm bánh

thì xin cho Hội thánh Cha từ muôn phương

được tụ họp về trong nước Cha,

Chúc tụng Cha vinh hiển

và uy quyền đến muôn đời ! Amen !

Bởi vì vinh quang và quyền năng thuộc về Chúa.

Những ai chưa được rửa tội trong Danh Chúa,

thì không được ăn

và uống trong bữa tiệc tạ ơn của anh em.

Đây là điều mà Chúa đã phán :

“Không được đưa của thánh cho chó” (Mt 7,6).

Trong chương 9 này, sách Didachè nhắc tới bữa tiệc tạ ơn chỉ dành cho những người đã chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Giêsu. Tiệc tạ ơn này là “sự thánh”, do đó chỉ dành cho những “người thánh” (Sancta sanctis). Sự hiệp nhất trong đức tin Phép Rửa là điều kiện cần thiết để “ăn và uống trong bữa tiệc tạ ơn”. Tấm bánh được bẻ ra trong bữa tiệc tạ ơn là dấu chỉ sự hiệp nhất của Hội Thánh.

  • Didachè 10,1-7:

“Sau khi ăn uống xong, hãy tạ ơn như sau:

Lạy Cha chí thánh, chúng con tạ ơn Cha,

vì Danh thánh Cha đã ghi vào lòng chúng con

và tạ ơn Cha vì sự hiểu biết, niềm tin và ơn bất tử

mà Cha đã mạc khải cho chúng con,

nhờ Đức Giêsu, tôi tớ Cha !

Chúc tụng Cha vinh hiển đến muôn đời ! Amen !

Kính lạy Cha là Chúa cả toàn năng,

Cha đã tạo thành vũ trụ, vì Danh thánh Cha

Chính Cha đã ban cho con cái loài người

của ăn thức uống để họ tạ ơn Cha

Nhưng với chúng con,

Cha đã ưu đãi bằng của ăn thức uống thần linh

của sự sống đời dời, nhờ Đức Giêsu, tôi tớ của Cha !

Chúng con tạ ơn Cha,

vì quyền năng Cha trổi vượt trên tất cả,

Chúc tụng Cha vinh hiển đến muôn đời! Amen !

Lạy Cha, xin nhớ đến Hội Thánh Chúa

Xin giải thoát Hội Thánh khỏi mọi sự dữ,

và kiện toàn trong tình thương của Chúa.

xin quy tụ Hội Thánh từ bốn phương trời

vào trong Nước Chúa

mà Chúa đã chuẩn bị sẵn cho,

Vì Chúa là uy quyền và vinh hiển đến muôn đời ! Amen !

Ước gì ân sủng của Chúa mau đến

và trần gian này qua đi ! Amen !

Hosanna, con nhà Đavít !

Xin Đấng Thánh mau đến !

Ai chưa nên thánh, hãy sám hối !

Maranantha ! Amen !

Hãy để các ngôn sứ tuỳ nghi đọc lời chúc lành”.

Trong chương 10 này, chúng ta thấy niềm tin của tác giả sách Didachè vào Thánh Thể: Thánh Thể thực sự là của ăn của uống thần linh, đem lại sự sống vĩnh cửu cho những ai lãnh nhận. Ngoài ra, chúng ta thấy cấu trúc căn bản của lời kinh tạ ơn trong Didachè như sau: chúc tụng, tạ ơn và cầu xin. Cấu trúc này rất gần với lời chúc tụng sau bữa ăn của người Do thái được gọi là Birkat ha- Mazon.

  • Didachè 14,1:

Ngày của Chúa, anh em hãy tụ họp lại để bẻ bánh và để tạ ơn”.

Trong câu này, chúng ta có được chứng từ về ngày Chúa nhật. Ngày Chúa nhật là ngày Giáo Hội tụ họp lại để cử hành bẻ bánh và tạ ơn, tên gọi của Thánh Thể.

 

Thánh Justinô là người Palestine, quê ở Flavia Neapolis. Được hấp thụ nền văn hoá Hy lạp, nhưng nguồn gốc Palestine của ngài có lẽ phần nào đã đóng góp vào kiến thức về các truyền thống chú giải Do thái – Kitô giáo của ngài. Vào khoảng năm 132-135, ngài trở thành Kitô hữu. Việc trở lại Kitô giáo là thành quả của cả một hành trình tri thức và thiêng liêng được mô tả ở đầu cuốn “Đối thoại với Tryphon”. Sau năm 150, ngài viết cuốn Hộ giáo thứ nhất (1 Apologie) gửi hoàng đế Antonin nhằm bảo vệ Kitô giáo và các Kitô hữu. Tiếp đến là cuốn “đối thoại với Tryphon” (dialogue avec Tryphon), một người Do thái mà chắc hẳn ngài đã gặp ở Ephêsô (k. 130) vào lúc có cuộc nổi dậy thứ hai của người Do thái. Trên thực tế, cuốn này được viết vào cuối đời của ngài (k. 155-160). Cuộc tranh luận giữa Kitô hữu và người Do thái là một cuộc tranh luận sẽ còn kéo dài rất lâu nơi các giáo phụ. Sau đó, khoảng trước năm 165, ngài xuất bản cuốn Hộ giáo thứ II, bổ xung cuốn thứ I, đệ lên hoàng đế Marc-Aurèle, vào dịp ba Kitô hữu bị hành quyết tại Rôma.

Thánh Justinô cuối cùng đã định cư tại Rôma, Trong môi trường sôi động của các bậc thầy về triết học và của các nhà thuyết giảng sự khôn ngoan, ngài phải đương đầu với sự thù nghịch của một triết gia ngoại đạo, tên là Crescens (x. Hộ giáo II). Sự thù nghịch này, có lẽ đã đưa ngài đến cái chết tử đạo, khoảng năm 165 cùng với sáu môn sinh.

 

  • Diễn tiến cử hành Thánh Thể ngày Chúa Nhật:

Với thánh Justinô, trong tác phẩm 1 Hộ giáo (1 Apologie), chương 67,3-7, viết vào khoảng năm 155 tại Rôma mà ngài gửi cho hoàng đế Antoniô le Pieux (138-161), lần đầu tiên, chúng ta có được chứng từ về diễn tiến của việc tập họp ngày chúa nhật của các Kitô hữu:

  1. “Trong ngày mà người ta gọi là ngày của Mặt Trời, những người thuộc nhóm chúng tôi,

dù ở thành thị hay thôn quê,

đều hội họp lại ở một nơi.

Người ta đọc lại hồi ký của các tông đồ

và sách các ngôn sứ,

tùy theo thời giờ cho phép.

  1. Đọc sách xong,

vị chủ sự lên tiếng nhắn nhủ và khuyến khích

những người hiện diện sống theo các giáo huấn

và gương lành tốt đẹp này.

  1. Sau đó chúng tôi đứng lên,

dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa

cho chính chúng tôi

và cho mọi người khắp trên thế giới,

để xứng đáng trở thành những người công chính

và trung thành tuân giữ lề luật ngay trong cuộc sống hầu đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu.

Sau lời nguyện,

chúng tôi hôn và chúc bình an cho nhau

Rồi như chúng tôi đã nói,

khi đã cầu nguyện xong,

một tín hữu mang bánh và một chén rượu

có pha nước cho vị chủ sự.

Vị chủ sự cầm lấy bánh ruợu,

nhân danh Chúa Con và Thánh Thần,

dâng lời chúc tụng và tôn vinh Chúa Cha

là Chúa tể càn khôn.

Ông đọc một lời tạ ơn dài

về việc Thiên Chúa cho chúng ta

xứng đáng lãnh nhận các hồng ân.

Khi vị chủ sự kết thúc lời nguyện và kinh tạ ơn,

mọi người hiện diện đều đồng thanh đáp : Amen

Sau khi vị chủ sự hoàn tất nghi thức tạ ơn

và toàn dân thưa Amen,

các vị mà chúng tôi gọi là phó tế

phân phát bánh và ruợu có pha nước

đã “trở thành Thánh Thể” (La distribution des choses eucharistiés)

cho mọi người hiện diện hưởng dùng

và đem về cho những người vắng mặt.

  1. Những người dư giả sẽ ban phát

cho kẻ khác tùy nhu cầu.

Tất cả những gì được thu nhận

đều được đem đến cho vị chủ tọa ;

ngài sẽ cứu giúp các trẻ mồ côi,

các bà goá bụa

và những ai cần thiết

như đang bệnh hoạn hay vì nhiều lý do khác ;

tắt một lời, ngài giúp đỡ cho những ai cần thiết.

  1. Chúng tôi họp nhau vào mỗi ngày Mặt trời,

bởi vì đó là ngày thứ nhất,

Thiên Chúa rút chất liệu từ bóng tối sáng tạo vũ trụ và cũng là ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi, đã sống lại từ cõi chết”

(1 Hộ giáo 67, 3-7)

Thánh Justinô đã mô tả lại diễn tiến việc cử hành Thánh Thể vào ngày Chúa nhật và nói lên lý do cử hành trong ngày này, vì ngày Chúa nhật là ngày của sáng tạo và ngày Chúa sống lại. Ngài cũng nhắc đến việc đọc “hồi ký của các tông đồ” (Mémoires des apôtres) có nghĩa là các “Phúc âm” (x. 1 Hộ giáo 66, 3) và sách các ngôn sứ (Ecrits des prophètes) có nghĩa là Cựu ước. Qua việc đọc Cựu ước, Giáo Hội thuở ban đầu muốn loan báo “ngày hôm nay” của việc hoàn tất lời hứa nhờ Đức Kitô, trong Mầu nhiệm Vượt qua của Ngài.

Buổi hội họp mà Justinô vừa mô tả vẫn là cấu trúc cơ bản của việc cử hành Thánh Lễ cho tới ngày nay. Thánh Lễ chia làm hai phần, nhưng là một toàn thể thống nhất:

– Tập họp, phụng vụ Lời Chúa với các bài ọc, bài giảng và lời nguyện chung.

– Phụng vụ Thánh Thể với việc hiến dâng bánh rượu, truyền phép với lời kinh tạ ơn và hiệp lễ.[6]

Ngoài ra, việc Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể cũng được nhìn trong tinh thần sống yêu thương và xót thương người khác. Tinh thần tình yêu và đức ái của Thánh Thể được các giáo phụ trong Giáo Hội tiên khởi chú ý tới. Thánh Gioan Kim Khẩu, sinh tại Antiokia vào khoảng năm 349 và ngài được chọn làm giám mục Constantinople năm 397. Trong một bài giảng nổi tiếng, thánh Gioan-Kim khẩu đã làm nổi bật mối liên hệ giữa việc Chúa Giêsu hiện diện trên bàn thờ và hiện diện nơi người nghèo khó. Đây chính là linh đạo thánh thể của thánh nhân. Thánh Thể là trường học dạy về tình bác ái. Chúng ta cùng đọc lại bài giảng của ngài:

“Đức Ki-tô đã cho phép chúng ta được no thoả với chính Mình Thánh của Ngài. Chúa đã tự hiến dâng là của lễ. Làm sao chúng ta có thể tự biện minh cho mình, khi chúng ta lại tiếp tục phạm những tội trọng, sau khi chúng ta đã đón nhận của ăn cao quý này? Làm sao chúng ta có thể trở thành sói dữ, sau khi chúng ta đã ăn Chiên Thiên Chúa? Làm sao chúng ta có thể tự nuôi mình với Chiên Thiên Chúa mà kế bên đó chúng ta bắt đầu đi cướp như những con sư tử? Mầu Nhiệm này đòi hỏi chúng ta, không chỉ tránh đi sự cướp bóc mà còn đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện và xa tránh mọi hận thù. Mầu nhiệm này thực sự là mầu nhiệm của bình an. Vì thế, không thể chấp nhận, nếu sau đó chúng ta vẫn theo đuổi sự giàu có. Nếu Chúa Ki-tô không chăm sóc đến chúng ta, thì chúng ta sẽ kiếm được gì, khi chúng ta chỉ chú ý đến tiền bạc của chúng ta, mà lãng quên việc chăm sóc linh hồn của mình… Người Do-thái đã có những ngày lễ để tưởng nhớ đến Thiên Chúa và những điều tốt lành Ngài đã làm cho họ, còn Chúa Ki-tô thì truyền cho bạn cử hành Mầu nhiệm này mỗi ngày. Đừng thắc mắc về Thánh Giá. Thánh Giá chính là vinh dự của chúng ta! Món quà này chính là vẻ đẹp của chúng ta…

Chúng ta đừng chạy chốn và đừng tin rằng, chỉ cần dâng lên trên bàn thờ một chén vàng và đầy đá quý, thì chúng ta sẽ đạt được ơn cứu rỗi của chúng ta, sau khi chúng ta đã đi ăn cướp các goá phụ và các trẻ mồi côi. Nếu con muốn dâng của lễ cách vinh danh, thì  hãy dâng của lễ là chính tâm hồn con, của lễ đó sẽ được hiến tế vì chính tâm hồn con. Tâm hồn con cần phải được làm từ vàng ròng. Nếu ngược lại, thì tâm hồn con sẽ không có giá trị gì cả, mà nó như là một bình rỗng không và như thế thì con có lợi gì từ của lễ đó? Chúng ta luôn chú ý rằng, chúng ta không chỉ dâng lên những chén vàng, mà chúng ta cần dâng chén đó cộng với những gì thật chân thật mà chúng ta đã làm ra và đã sống. Điều đó sẽ giá trị hơn vàng bạc và không có điều gì xấu xa ẩn chứa ở đó cả. Đền thờ không phải là một nơi chỉ được trạm vàng và bạc mà đền thờ là nói các thiên thần tôn vinh Thiên Chúa. Điều đó tương hợp với tâm hồn của chúng ta, vì chỉ với tâm hồn chân thật tràn đầy trong của lễ mới được Thiên Chúa đón nhận. Bàn tiệc ngày xưa cũng không có những chén vàng chén bạc, mà bàn tiệc chỉ có một chén đơn sơ được Chúa sử dụng để trao ban Máu Thánh của chính Ngài cho các môn đệ. Thật vậy, chén này cao quý biết bao nhiêu, vì chén đó đầy tràn Thánh Thần Chúa.

“Con có ước muốn tôn vinh Mình Thánh Chúa Ki-tô không ? Vậy thì con đừng rước Mình Thánh Chúa Kitô để rồi lại khinh dể Ngài trong các chi thể của chính Ngài, tức trong những người nghèo khó, những người không có gì che thân mà con thấy ngoài đường.

Con đừng tôn vinh Ngài trong đền thờ với những lụa là, rồi sau đó lại bỏ mặc Ngài ở ngoài đường đang lúc cóng buốt và trần trụi. Đức Kitô được lợi lộc gì từ bàn thờ đầy dẫy những chén vàng giữa lúc Ngài đang chết vì đói khát nơi những người nghèo khó ? Trước hết, con hãy cho những người đói khó được ăn no đủ, rồi sau đó còn lại gì hãy trang hoàng bàn thờ. Con sẵn lòng dâng cho Ngài chén thánh bằng vàng, rồi lại từ chối không chịu cho Ngài một ly nước lã hay sao ? Bàn thờ Chúa cần gì phải trang hoàng bằng vàng, trong lúc con không chịu dâng cho Ngài một ít vải cần thiết ? Vì thế, trong khi con trang hoàng nơi phượng tự, thì cũng đừng đóng chặt cửa lòng trước người anh em đang đau khổ của con. Họ là đền thờ còn sống động và quý giá hơn nơi phượng tự của con. Thiên Chúa không cần đến chén bằng vàng, nhưng cần đến tâm hồn bằng vàng” (Kommentar zum Evangelium des Hl. Matthaeus, Bài giảng 50,3-4)[7].

 

Trở về với bài Tin Mừng, chúng ta thấy sau khi Chúa Giê-su lập phép Thánh Thể, thì Ngài tiên báo việc thánh Phê-rô sẽ chối Chúa.

 

7. Đức Giê-su tiên báo ông Phê-rô sẽ chối Người (câu 26-31)

26 Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu.27 Đức Giê-su nói với các ông: “Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác.28 Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em.”29 Ông Phê-rô liền thưa: “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không.”30 Đức Giê-su nói với ông: “Thầy bảo thật anh: hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần.”31 Nhưng ông Phê-rô lại nói quả quyết hơn: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.

Biến cố chối Chúa của Phê-rô đều được cả 04 Tin Mừng ghi lại (xem thêm ở Mt 26,30 -35; Lc 22,31 -34; Ga 13,36 -38). Qua đó, chúng ta thấy Giáo Hội không giấu giếm các kinh nghiệm tiêu cực mà chính vị tông đồ trưởng đã mắc phải.

Đi vào câu đầu của phần này (câu 26), thánh sử Mác-cô thay đổi khung cảnh của câu truyện từ bữa tiệc vượt qua đến núi Ô-liu: Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu.

 

Như thế, bữa tiêc vượt qua được kết thúc với việc hát thánh vịnh. Theo Jakob Kremer[8], thì Chúa và các môn đệ hát các thánh vịnh 117 và 118 là phần thứ hai của loạt thánh vịnh Hallel – ca tụng Chúa. Có thể Chúa Giê-su hát xướng và các môn đệ hát lời đáp (antiphon) với lời Halleluja. Trong các thánh vịnh ca tụng có các lời:

 

“Muôn nước hỡi, nào ca ngợi CHÚA,

ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!” (Tv 117,1).

 

“Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1).

 

Trong thời của Chúa Giê-su, các lời ca tụng này được hiểu trong ý nghĩa chỉ về Đấng Me-sia và trong ý nghĩa cánh chung. Trong bối cảnh của các bài tường thuật về cuộc khổ nạn, các lời ca thánh vịnh được Chúa Giê-su hát còn mang một ý nghĩa đặc biệt: Chúa Giê-su hát lời thánh vịnh ngay trước cái chết của Ngài với niềm hy vọng về sự chiến thắng của Thiên Chúa trước sự chết.

 

Sau khi bữa tiệc Vượt Qua kết thúc với các lời hát thánh vịnh, thì trời bắt đầu bước vào nửa đêm. Chúa Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu trong đêm trăng tròn.

 

Núi Ô-liu là địa danh được nhắc đến nhiều lần trong Tin Mừng Mác-cô và cả Cựu Ước cũng nhắc tới. Chúng ta đọc lời giải thích của cha Nguyễn Công Đoan: “Núi Ô-liu đã được nhắc đến trong chuyện vua Đavit: khi hoàng tử Ap-sa-lom làm phản, vua Đavit ra lệnh cho triều đình và quân đội rút khỏi Giê-ru-sa-lem, “Vua Đa-vit lên dốc núi Ô-liu, vừa đi vừa khóc” (2S 15, 30). Hôm trước khi Chúa vào Giê-ru-sa-lem, tới triền núi Ô-liu thì Chúa cỡi lừa con, dân chúng cầm ngành lá ra đón, tung hô Chúa:”Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavit, tổ phụ chúng ta” (Mc 11,10). Sau đó, một hôm từ Đền Thờ đi ra, Chúa Giê-su loan báo Đền Thờ sẽ bị phá hủy, rồi “lúc Chúa Giê-su ngồi trên Núi Ô-liu, đối diện với Đền Thờ, các  ông Phê-rô, Gia-cô-bê, Gioan và An-rê hỏi riêng Người: Xin Thầy nói cho chúng con biết: bao giờ các sự việc đó xảy ra…” (Mc 13,1-4). Chúa bắt đầu nói với các  ông về số phận của Giê-ru-sa-lem và cả về ngày Chúa đến phán xét. Cảnh này lại gợi tới sách E-de-kiên, chương  11 kể thị kiến Vinh Quang Thiên Chúa cất lên khỏi thềm Đền Thờ, phán xét Giê-ru-sa-lem rồi “lên khỏi thành và dừng lại trên núi ở phía Đông của thành” (tức là núi Ô-Liu). Như vậy ở chương 11 dân chúng đón rước ở núi Ô-liu và tung hô Chúa Giê-su là triều đại vua Đavit, ở chương 13 thì Chúa Giê-su ngồi trên núi Ô-Liu phán xét Giê-ru-sa-lem, còn ở chương 14 thì Chúa Giê-su lại như vua Đavit bị mưu phản đi lên núi Ô-liu”[9].

 

Tại núi Ô-liu và trong lúc nửa đêm, Chúa Giê-su trải lòng với các môn đệ. Ngài nói: “Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em”. So với bản văn của Mát-thêu chúng ta còn thấy Chúa nói rõ thời gian các môn đệ sẽ vấp ngã: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy(Mt 26,31). Như thế, Chúa muốn báo trước một biến cố đau thương và dễ sợ đang ở trước mặt, và biến cố đó sẽ diễn ra trong đêm nay.

 

Lời Chúa Giê-su tiên báo về việc vấp ngã của tất cả các môn đệ, chứ không phải chỉ có cá nhân nào, khi các ông theo bước Chúa trên đường Chúa bị bắt, chịu khổ nạn và phải vác thập giá. Các môn đệ sẽ đụng phải một chướng ngại vật được đặt ở trên đường và các ông sẽ vấp ngã. Đó cũng là ý nghĩa của từ ngữ vấp ngã trong tiếng Hy-lạp skandalon. Các môn đệ vì thế sẽ trở nên hỗn loạn và bối rối hoàn toàn, khi chứng kiến Chúa Giê-su chịu như vậy, và họ sẽ vấp ngã. Đó là sự vấp ngã của thập giá. Ngay lần đầu tiên Chúa loan báo về cuộc khổ nạn và phục sinh, các môn đệ cũng đã chẳng hiểu gì và ông Phê-rô còn phản ứng theo kiểu không chấp nhận con đường khổ nạn mà Chúa tiên báo: “Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,31-33). Lời của Chúa nói đưa chúng ta trở về với lời của tiên tri I-sai-a:

“Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,
và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta.
Trời cao hơn đất chừng nào
thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi,
và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy”
(Is 55,8-9).

 

Sự vấp ngã vì thập giá, trong thời của Mác-cô, không chỉ “hiện diện” nơi những người chống đối Chúa Giê-su, mà còn “hiện diện” ở giữa những người tin và theo Chúa. Ki-tô hữu luôn ở trong tình trạng nguy hiểm, có thể vấp ngã vì thập giá bất cứ lúc nào. Ở đây, chúng ta nhớ lại lời giải thích của Chúa Giê-su về dụ ngôn hạt giống. Đối với hạt giống rơi vào sỏi đá, Chúa nói: “Còn những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận, nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì lời, họ vấp ngã ngay” (Mc 4,16-17).

Chính các môn đệ, tất cả các ông, đã vấp ngã thực sự và họ đã chạy trốn hết, khi Chúa bị bắt: “Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết” (Mc 14,50).

“Bỏ Chúa” là một trải nghiệm rất đau thương. Nhưng các môn đệ “bỏ Chúa”, Chúa có cô đơn không? “Này đến giờ -và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (Ga 16,32). Chúa Giê-su vẫn sống trong tình yêu gần gũi với Cha trên trời.

 

Vì thế, đối với con người chúng ta thật là một mối phúc, khi chúng ta không “bỏ Chúa” và không vấp ngã vì: “phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11,6).

 

Vì thế, kinh nghiệm “bỏ Chúa” của tất cả các môn đệ chính là một bài học rất sống động đối với Giáo Hội tiên khởi và Giáo Hội hiện nay. Thật vậy, là người tín hữu, là người theo bước Chúa, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể vấp ngã, nếu chúng ta không khiêm tốn, nếu chúng ta không cẩn trọng.

 

Nhưng việc vấp ngã và bỏ trốn không mang ý nghĩa là chống lại Chúa Giê-su, Đấng Mê-sia, mà mang ý nghĩa là giống như Chúa Giê-su người môn đệ và các tín hữu bị bách hại. Điều này tương hợp với lời của tiên tri Da-ca-ria, mà Chúa đã trích dẫn:

“Này gươm, hãy đứng dậy mà đánh mục tử của Ta,
đánh đồng bào của Ta.
Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA các đạo binh.
Hãy đánh mục tử, thì đàn chiên sẽ tan tác.
Cả những con bé nhỏ, Ta cũng trở tay đánh phạt”
(Dcr 13,7)[10].

 

Sau khi tiên báo báo về sự vấp ngã của các môn đệ và trích dẫn lời của tiên tri Da-ca-ria, Chúa Giê-su thêm một câu: “Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em”. Thầy của các môn đệ, vị Mục Tử nhân lành sẽ bị nộp, bị kết án và giết chết, nhưng sau ba ngày sẽ sống lại và đến Ga-li-lê trước các ông. Như thế, Chúa Giê-su đã mở ra cho các môn đệ viễn cảnh chiến thắng sự chết của Chúa. Sự vấp ngã và trốn chạy của các môn đệ và lìa bỏ Thầy mình cùng cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá không phải là điểm cuối cùng của con đường Chúa đi, mà điểm cuối là Ga-li-lê, nơi Chúa Giê-su sống lại sẽ tập họp lại các môn đệ, nơi đó Chúa sẽ gom góp các môn đệ lại một nơi. Các ông, những người vấp ngã và chạy trốn về nhiều hướng, sẽ được gặp lại Chúa ở tại Ga-li-lê. Nơi đó, cộng đoàn của Chúa Giê-su Phục Sinh và các môn đệ sẽ được tái lập.

 

Như thế, trong câu nói của Chúa Giê-su với địa danh Ga-li-lê đã báo trước sự Phục Sinh của Ngài. Đối với Mác-cô, địa danh Ga-li-lê mang một ý nghĩa sâu xa, nên chúng ta tìm hiểu thêm về địa danh này trong Tin Mừng thứ hai.

 

Địa danh Ga-li-lê Chúa Giê-su nhắc ở đây đưa chúng ta về với thời điểm Chúa khởi sự sứ mạng của Ngài: Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,14). Theo Gnilka, “Ga-li-lê” được làm nổi bật trong Tin Mừng Mác-cô. Đây là quê hương của Chúa Giê-su: Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan” (Mc 1,9). Là miền đất của Tin Mừng, quê hương của Tin Mừng: Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa” (Mc 1,14) và “rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ” (Mc 1,39). Ga-li-lê cũng là nơi mà danh tiếng của Chúa Giê-su được nhanh chóng lan rộng: “Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê” (Mc 1,28). Cũng ở tại Ga-li-lê, Chúa Giê-su kêu gọi các môn đệ (x.Mc 1,16). Từ Ga-li-lê và các vùng phụ cận, dân chúng tuôn đến với Chúa (x.Mc 3,7-8). Chúa Giê-su cũng khởi hành từ Ga-li-lê để lên Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn (x.Mc 7,31; 9,30; 15,41). Đấng Phục Sinh cũng đi đến Ga-li-lê trước các môn đệ và Ngài hẹn gặp các ông ở đó: “Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em” (Mc 14,28) và “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông” (Mc 16,7).

 

Về ý nghĩa thần học của địa danh Ga-li-lê trong Tin Mừng Mác-cô, các nhà chú giải có nhiều sự giải thích khác nhau. Riêng đối với Gnilka, nếu chúng ta đồng ý tư tưởng nối kết “tác giả Mác-cô với địa danh Ga-li-lê”, thì có thể nhận ra hai hướng đi mà Mác-cô đã vạch ra. Con đường thứ nhất mang tính cách lịch sử, con đường này cũng ảnh hưởng đến hoạt động của Chúa Giê-su. Đó là con đường dẫn từ Ga-li-lê đến Giê-ru-sa-lem. Con đường thứ hai được nối kết nhiều hơn với các môn đệ. Đó là con đường ngược lại, từ Giê-ru-sa-lem đến Ga-li-lê để gặp Đấng Phục Sinh. Ở tại Ga-li-lê, trung tâm hoạt động của Chúa Giê-su và trong cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh các môn đệ mới thấu hiểu được ý nghĩa của cuộc đời cùng sứ mạng của Chúa Giê-su. Cuộc đời và sứ mạng của Ngài đi đôi với con đường đau khổ, với Thánh Giá và Phục Sinh. Ngoài ra, con đường từ Giê-ru-sa-lem đến Ga-li-lê cũng mang ý nghĩa là con đường hướng về dân ngoại và mọi dân tộc khác, để Tin Mừng có thể được loan truyền tới đó, như Mác-cô đã viết: “Tin Mừng phải được rao giảng cho mọi dân tộc” (Mc 13,10).

 

Sau khi được Chúa tiên báo về sự vấp ngã của chính các môn đệ, các ông phản ứng thế nào? Mác-cô viết: “Ông Phê-rô liền thưa: “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không”. Lời của Phê-rô diễn tả tâm tình của ông dành cho Chúa. Đó là tình yêu và sự trung thành. Lời nói là như vậy, dù cho lời nói lúc đó có phát xuất từ trái tim, nhưng thực tế thì thế nào, khi “trái tim” bị đe doạ, bị rơi vào trong sự hiểm nguy? “Nhất định là không”. Một lời quả quyết mạnh mẽ của một con người đầy yếu đuối. “Nhất định là không” cũng mang sự kiêu hãnh. Sự kiêu hãnh này còn được “tô đẹp” hơn, qua sự so sánh với anh em khác trong câu nói của Phê-rô: “ Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không”. Khi so sánh với người khác là đã có dấu hiệu tiêu cực. Sự so sánh sẽ tiêu cực hơn, khi tự đưa mình lên cao và nhìn người khác với một “ánh mắt thấp bé hơn”. Con người thực tế là vậy, luôn mang một tự kiêu cao ngạo nhất định và luôn tìm cách để “tự đẩy” mình lớn hơn người khác, dù là trong suy nghĩ, lời nói và hành động.

 

Trước thái độ này của Phê-rô, Chúa Giê-su đã lên tiếng và lần này Chúa nói trực tiếp với Phê-rô: Thầy bảo thật anh: hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần. Lời tiên báo lúc đầu dành cho tất cả các môn đệ, nhưng lần này vì sự tuyên bố mạnh bạo của Phê-rô, Chúa đã trực tiếp nhắc đến trường hợp của ông, sẽ chối Chúa ba lần, khi gà chưa kịp gáy hai lần. Gà gáy là thời điểm sau nửa đêm. Như vậy, thì còn một thời gian dài trước khi ngày mới bắt đầu. Sau bữa tiệc vượt qua là đã gần đến nửa đêm rồi. Như thế, khoảng từ hai đến ba tiếng sau, thì Phê-rô chối Chúa.

 

Phê-rô nghe lời Chúa nói về mình, ông ta nghĩ sao? Mác-cô viết rằng: “Nhưng ông Phê-rô lại nói quả quyết hơn: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”. Lời này mạnh mẽ hơn lời trước đây. Lời này còn mang tính cách thề hứa. Phê-rô lấy mạng sống của mình ra để hứa với Chúa, để tuyên bố với Chúa: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”. Nếu là Chúa Giê-su, bạn nghe lời này bạn có cảm thấy vui lòng không? Một môn đệ thề hứa trung thành, không chối bỏ sư phụ. Hơn nữa, sẵn sàng chết chứ không bao giờ bỏ rơi hay phản bội sư phụ. Lời của Phê-rô còn diễn tả niềm tin của ông vào Chúa Giê-su và những điều Chúa tiên báo đối với Phê-rô không tương hợp với sự trung thành của ông trên đường theo Chúa. Nhưng chính sự phản đối của Phê-rô đối với lời tiên báo của Chúa đã tố cáo một sự tự tin rất nguy hiểm và mù quáng.

 

Đến đây, nhớ lại lời của thánh nữ Tê-rê-sa Avila nhắn nhủ với các chị em của ngài trong tác phẩm Đường Hoàn Thiện:“Ma quỉ xúi chúng ta tin tưởng chắc chắn chúng ta sẽ không sa ngã vào các tội cũ xưa và những sự vui thú trần gian nữa; chúng ta đã biết thế gian như thế nào và biết mọi sự sẽ qua đi, chỉ có làm tôi Chúa là vui thỏa…

Bởi vì quá tin tưởng như vậy nên linh hồn không đề phòng dịp tội nữa và nhắm mắt bước vào…

Vì thế, dầu Chúa ban cho chị em được hưởng những sự ngọt ngào và bảo đảm tình yêu như thế nào chăng nữa, chị em đừng bao giờ quá tin tưởng vững chắc đến độ không sợ tái phạm và hãy đề phòng những dịp hiểm nghèo” (Đường Hoàn Thiện chương 39,4).

 

Trở về với lời phản đối của Phê-rô, chúng ta thấy Phê-rô trở nên mù quáng với lời của ông, dù cho lời đó có một sức mạnh thu hút. Thật vậy tất cả các bạn của ông trong đều lên tiếng thề hứa với Chúa như Phê-rô, người đại diện: “Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy”.

 

Về hình ảnh của Phê-rô ở đây, Barclay đã suy tư như sau: “Lúc Chúa Giêsu báo trước sự thất bại thảm hại của lòng trung thành đó, Phêrô không thể tin nổi sự việc như thế sẽ xảy ra. Trong những ngày nổi loạn của Stewart, chúng bắt được lãnh tụ của đạo quân phía Bắc là công tước Huntley, chúng chỉ vào một khúc gỗ và chiếc rìu để sẵn và nói với ông rằng nếu ông không chịu từ bỏ lòng trung thành với nhà vua thì sẽ bị chặt đầu tại chỗ tức khắc. Ông đã trả lời “Các ông có thể khiến đầu thôi lìa khỏi cổ nhưng không bao giờ cắt được trái tim tôi rời khỏi vua tôi”. Đó chính là điều Phêrô đã nói trong đêm ấy. Tại đây chúng ta có được một bài học trong từ “vấp ngã”, mà Chúa Giêsu đã dùng. Trong Hy văn đó là động từ skandalizein do chữ skandalon hay skandalethron mà ra, có nghĩa là miếng mồi trong chiếc bẫy dùng để nhử cho con thú đến và khi con thú bước lên thì khiến chiếc bẫy sập. Vậy chữ skandalizein có nghĩa là gài bẫy, bị gạt gẫm có âm mưu. Phêrô đã quá tự tin, ông quên mất những cạm bẫy mà cuộc đời có thể giăng ra đốì với những con người tốt nhất. Ông quên rằng ngay cả những người tốt nhất vẫn có thể bước trên chỗ trơn trợt và ngã lăn ra. Ông đã quên con người vốn yếu đuối, còn những cám dỗ của ma quỉ thì có sức mạnh phi thường. Nhưng có một điều chúng ta cần nhớ về Phêrô, tấm lòng của ông đang nằm đúng vị trí. Thà làm một Phêrô với một quả tim nóng bỏng tình thương, dù trong khoảnh khắc trái tim ấy gặp thất bại nhục nhã, còn hơn là làm một Giuđa với một trái tim thù hận lạnh lùng. Hãy để cho người nào chẳng hề thất hứa, chẳng hề bất trung trong đời sống, cả trong tư tưởng lẫn hành động, kết án Phêrô. Ông đã yêu mến Chúa Giêsu, nhưng khi tình yêu gặp thất bại, nó lại đứng dậy”.

Như thế, chúng ta đã thấy được tinh thần của Phê-rô dành cho Chúa. Giờ đây chúng ta cùng tiếp tục bước theo Chúa Giê-su. Cùng với các môn đệ Ngài đến vườn Ghết-sê-ma-ni.

 

8. Tại vườn Ghết-sê-ma-ni (câu 32-42).

32 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các ông: “Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện.”33 Rồi Người đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến.34 Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức.”35 Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được.36 Người nói: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.”37 Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phê-rô: “Si-mon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao?38 Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối.”39 Người lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trước.40 Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Các ông chẳng biết trả lời làm sao với Người.41 Lần thứ ba, Người trở lại và bảo các ông: “Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi.42 Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới! ”

Câu chuyện Chúa Giê-su cầu nguyện ở trong vườn cây dầu được các Tin Mừng nhất lãm thuật lại (x. Mt 26,36-46; Mc 14,32-42; Lc 22,39-46). Ngoài ra, Gioan gián tiếp nhắc đến biến cố này, nhưng rất ngắn gọn: Ở đó, có một thửa vườn, Người cùng với các môn đệ đi vào” (x.Ga 18,1b) và Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18,11).

Khung cảnh của câu chuyện là núi Ô-liu quen thuộc với Chúa và các môn đệ. Nhân vật trong câu chuyện có Chúa Giê-su cùng các môn đệ. Mác-cô viết như sau: “Đức Giê-su và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni”. Như thế Chúa Giê-su đến một ngôi vườn nằm dưới chân núi Ô-liu. Vườn này được gọi là Ghết-sê-ma-ni, từ này có nghĩa là “máy ép dầu”. Có thể ngày xưa ở vườn này có một máy ép dầu, để dân chúng trong vùng sử dụng. Về ngôi vườn Ghết-sê-ma-ni, theo Ratzinger đã trích dẫn, Gerhard Kroll nhận xét như sau: “Vào thời Đức Giê-su, trong khoảng đất nằm trên sườn núi Cây Dầu này có một nông trại với một máy ép nho…Nông trại này được đặt tên là Ghết-sê-ma-ni…Gần đó có một hang động lớn; tuy không phải là một chỗ ở thoải mái, nhưng Đức Giê-su và các môn đệ có thể qua đêm một cách an toàn trong đó”[11].

Theo cha Hồ Bặc Xái, “ngày nay tại nơi này vẫn còn 8 cây Ô-liu cổ thụ. Người ta nói rằng chúng đã có diễm phúc chứng kiến cảnh Chúa Giê-su cầu nguyện và hấp hối. Chắc không phải vậy, bởi vì cho dù loại cây này có thể sống hơn 1000 năm, nhưng vùng này là nơi diễn ra những trận đánh nhau ác liệt giữa quân Do-thái và quân đội Rô-ma của tướng Titus, khi đó tất cả những cây cối đều bị cháy rụi cả”[12].

Sertillanges cũng diễn tả khung cảnh núi Ô-liu như sau: “Cùng với Đức Giêsu, nhìn về phía núi Ô-liu, chúng ta phải lưu ý đến ba điểm: Chân núi, vườn Giết-sê-ma-ni, triền núi, không xa ngọn quay về Giê-ru-sa-lem, nơi Đức Giêsu thường dừng chân lại trên đường đi Bê-ta-nia với các môn đệ, chỗ hãy còn vang vọng diễn từ cao siêu và cuối cùng, đỉnh núi, địa điểm lên trời.

Giết-sê-ma-ni có nghĩa gần như là “vựa ép dầu”. Nó là phần vây kín của đồn điền Ô-liu rộng lớn. Đồn điền này bao phủ toàn bộ ngọn núi và như mọi đồn điền trồng nho khác, ở đây người ta thiết lập khu ép dầu, để ép các quả Ô-liu thu lượm được. Bóng mát trong đồn điền thật ê hề. Cũng ở đây dưới bóng cây Ô-liu, cành lá xum xuê màu bạc, người ta có thể nghỉ ngơi hoặc tìm kiếm chút cô tịch. Nếu thời tiết đẹp còn có thể qua đêm dưới bầu trời.

Địa điểm này có vẻ âm u, vì nằm ở dưới chân núi, như thánh Giêrônimô nói, nó chỉ cao hơn thung lũng Cedron chút ít, và bị các tường lũy Moria (Sion) trên cao ăn hiếp. Ngọn tháp của đền thờ. Đồn Antonia coi đe dọa từ đàng xa, phía bên trái là cánh đồng Giosaphat đầy mồ mả. Khi cần nghỉ ngơi Đức Giêsu thường vào đồn điền Giết-sê-ma-ni. Quang cảnh âm u chung quanh làm Ngài thư giãn tinh thần, thể xác. Ngài cũng có thói quen cầu nguyện tại đây, xa lánh hẳn những quấy rầy. Vây quanh Ngài chỉ là số ít bạn hữu thân thiết và nếu muốn Ngài vẫn có thể giữ một khoảng cách với họ. Như vậy nhân tính Ngài được cơ hội ẩn náu trong thiên nhiên, cô tịch, bóng rợp âm u và nhất là trong Đức Chúa Cha.

Đôi lúc Ngài cũng quyết định ở lại qua đêm trong vườn. Thí dụ trường hợp rời thành phố muộn, khi cầu nguyện lâu giờ. Lúc ấy đồn điền cây dầu trở thành phòng ngủ cho Đấng Toàn Năng. Các môn đệ cũng được đặc ân hiện diện trước màu nhiệm Đức Giêsu rơi vào giấc điệp mê man, mặc dù tinh thần Ngài vẫn ở trong cõi đời đời. Thiên Chúa hạ mình nằm dựa trên một thân cây, lấy tay gối đầu, các môn đệ nằm ngủ rải rác chung quanh. Họ, những xác phàm hay chết chìm sâu vào cõi hư vô, trong lúc Thày vẫn còn canh thức siêu nhiên. Chắc chắn tông đồ trẻ tuổi nhất, Gioan, nằm sát bên Thày, má gối lên áo Thày. Nhưng rồi sẽ đến ngày Đức Giêsu tỉnh giấc một mình, tâm can bồn chồn không thể chợp mắt vì linh hồn của nhóm Mười Hai”[13].

Ngoài ra, tại nơi Chúa Giê-su cầu nguyện trong vườn cây dầu, vào thế kỷ thứ 4 có một nguyện đường rất đẹp đã được dựng nên, nhưng vì thời gian và chiến tranh nguyện đường bị mai một đi. Vào thế kỷ thứ 20, năm 1924 một nguyện đường mới được dựng nên bao trùm nơi tục truyền cho rằng Chúa quỳ cầu nguyện. Đó là nguyện đường agony (đau buồn hấp hối), diễn tả biến cố Chúa Giê-su đau buồn. Trong nguyện đường này, có một tảng đá nằm ở trước bàn thờ và theo tục truyền Chúa Giê-su đã quỳ cầu nguyện trên tảng đá này.

 

Đó là địa danh. Còn thời gian, thì chúng ta biết đó là vào ban đêm (x.Mt 26,31). Yếu tố thời gian ban đêm, theo Ratzinger có liên hệ đến Cựu Ước, hình ảnh đêm làm liên tưởng tới đêm mà các con trai đầu lòng của người Ai-cập bị giết và Ít-ra-en được cứu thoát nhờ máu chiên (x.Xh 12) – trong đêm nay Người sẽ phải nhận lấy số phận của con chiên…Cũng là yếu tố thời gian cộng với yếu tố không gian, Ratzinger chia sẻ thêm cách sâu sắc, mấy đêm hôm trước, Đức Giê-su ở Bê-ta-ni-a. Trong đêm hôm nay, đêm Vượt Qua của Người, Người muốn tuân theo luật Do-thái: không rời vùng đất Giê-ru-sa-lem. Sở dĩ chu vi của Giê-ru-sa-lem trong đêm nay được nới rộng ra, là để mọi khách hành hương có cơ hội giữ trọn luật: không ra khỏi thành. Đức Giê-su tuân giữ lề luật, và như vậy, Người bước vào giờ khổ nạn của Người một cách đầy ý thức[14].

Đi tiếp câu chuyện, chúng ta thấy Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ cầu nguyện với Ngài. Điều này đều được ba thánh sử của Tin Mừng nhất lãm nhắc đến: “Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện”. Theo Ratzinger, Chúa Giê-su đã dùng các Thánh Vịnh Ít-ra-en để cùng với các môn đệ cầu nguyện: Sự kiện căn bản này một mặt giúp ta nhận ra được hình tượng của Đức Giê-su, mặt khác cũng giúp ta hiểu được chính các Thánh Vịnh. Qua Đức Giê-su, các Thánh Vịnh, trên một phương diện nào đó, đã có một chủ thể mới, có được một thứ hiện tại mới và đồng thời phải trở thành một lời kinh cho cả hoàn vũ, chứ không còn đóng khung trong Ít-ra-en nữa.

 

Ngoài ra, tinh thần cầu nguyện trở nên nền tảng cho đời sống của người môn đệ theo bước Chúa. Nói khác đi, “Thầy thế nào, thì môn đệ cần bắt chước Thầy tập sống như vậy”. Theo ý tưởng của Kierkegaard, chúng ta được mời gọi: là người môn đệ Chúa thì thán phục Chúa chưa đủ, mà cần phải bắt chước Chúa để tập sống giống như Ngài.

Sau khi mời gọi các môn đệ đi vào cầu nguyện, Chúa Giê-su đưa ba môn đệ  Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo. Ba môn đệ này cũng đã chứng kiến biến cố Chúa biến hình trên núi. Trong biến cố đó, có hai nhân vật là Mô-sê và Ê-lia xuất hiện và đàm đạo với Chúa về về cuộc xuất hành Chúa sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem (Lc 9,31). Nghĩa là ba ông đã được Chúa từ từ mở ra cho các ông biết về con đường Chúa khổ nạn Chúa phải đi. Các ông có hiểu được điều Chúa mạc khải không, đó là chuyện khác.

 

Giờ đây, cũng là ba môn đệ đó. Với họ Chúa bắt đầu bộc lộ ra cảm xúc của Chúa, khi đứng trước con đường khổ nạn: “Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức”. Thánh sử Luca còn đưa một hình ảnh khác vào: “Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44). Trong câu trên có một lời Chúa nói có liên hệ đến các Thánh Vịnh. Đó là câu “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được”.  Đó là một lời từ Thánh Vịnh 43,5 và một vài Thánh Vịnh khác cũng mang âm hưởng đó.

 

Kremer đã diễn tả tâm trạng của Chúa Giê-su lúc đó như sau: “Trong sự hiện diện các môn đệ, những người trước đó đã thề hứa cách quả quyết là sẽ ‘cùng chết với Người’, Chúa Giê-su rơi vào tình trạng sợ hãi tột cùng, sự sợ hãi trước những đe doạ quá lớn lao vượt sức con người và trước sự sợ hãi này, mọi sự giúp đỡ đều vô nghĩa. Đó là sự sợ hãi làm cho cái chết ra khó khăn hơn”[15].

 

Đọc lại lời của Chúa nói trong cảm xúc hãi hùng xao xuyến, chúng ta có thể nhận ra tâm tình buồn rầu, lo sợ, khắc khoải của Chúa. Hơn nữa, sự can đảm, cương quyết của Ngài trên hành trình lên Giê-ru-sa-lem như đã tan biến hết. Chúa xao xuyến hoang mang và Ngài cần có người bên cạnh để tâm sự, để trải lòng. Đó là lý do tại sao Chúa đưa ba môn đệ thân tín theo Ngài trong giây phút này.

 

Trong cái nhìn về sự đau khổ Chúa chịu, như là kinh nghiệm nhân loại của Chúa Giê-su, nhà thần học Gerard H. Luttenberger đã suy tư như sau: “Những lời được thánh sử (Mác-cô) ghi lại này cho thấy Chúa Giê-su đang kinh nghiệm được một nỗi buồn day dứt, một nỗi buồn hầu như đang đè bẹp Người, một nỗi hãi hùng sâu thẳm, một sự bấn loạn trong tận cõi lòng”. Khi ấy vì nhận rõ những gì đang ập xuống trên mình, Chúa Giê-su khuyên các môn đệ: ‘Hãy cầu nguyện để khỏi bị khuất phục trước thử thách’ (Mc 14,38). Động cơ của việc cảnh báo này, như đã nói, cho thấy Người thấy trước rằng Người sắp phải đương đầu không với cái gì khác, mà là sức mạnh trọn vẹn của sự ác và ở một mức độ nào đó, sự ác ấy cũng thách thức các môn đệ Người”[16].

 

Nỗi đau của Chúa Giê-su ở vườn Cây Dầu là một trải nghiệm sâu sắc và để lại cho nhân loại một bài học thật lớn. Về nỗi đau của Chúa, Ratzinger suy tư như sau: “Núi Cây Dầu vẫn như xưa. Những ai tới đây, đều đối diện với cái bí ẩn tột đỉnh bi thương của Vị Cứu Tinh của chúng ta: Nơi đây, Đức Giê-su đã trải qua kinh nghiệm cô đơn tận cùng, khốn khó tận cùng của kiếp người. Nơi đây, đáy vực tội lỗi và hố thẳm sự dữ đã thấm vào tận cùng tâm hồn Người. Nơi đây, Người đã đụng chạm tới sự chết. Nơi đây, kẻ phản bội đã hôn Người, các môn đệ đã bỏ rơi Người. Nơi đây, Người cũng đã phải chiến đấu để cứu vớt chính tôi”[17]

 

Như thế, chúng ta nhận ra được nỗi đau của Chúa được Mác-cô cũng như các Thánh Sử hướng về nỗi đau tinh thần. Trước nỗi đau này, Chúa mời gọi các môn đệ: “Anh em ở lại đây mà canh thức!” Lúc này là lúc Chúa cần các môn đệ hơn hết. Một nỗi sợ hãi quá lớn trong tinh thần khao khát sự hiện diện của anh em, của người thân. Một nỗi buồn cho đến chết được rất cần hình bóng của người thân ở bên cạnh. Dù rằng, không ai biết mình sẽ chết thế nào và trong tình trạng nào, nhưng có lẽ ai ai cũng ao ước được chết trong bầu khí yêu thương của người thân đang hiện diện ở bên. “Hãy canh thức!” Một lời mời gọi tha thiết của Chúa Giê-su. Nhưng kế bên đó lời mời gọi của Chúa cũng là lời nhắc nhớ cho các môn đệ về chính thân phận của các ông cũng sẽ phải đương đầu với những thử thách rất lớn. Chỉ có canh thức, cầu nguyện và bám chặt vào Chúa trong tinh thần khiêm tốn, phó thác và đơn sơ mới có thể vượt qua được.

 

Sau khi nói lời mời gọi đó, Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được. Người nói: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.” Trong Tin Mừng Mát-thêu thì viết: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Ở Luca, chúng ta đọc được: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22,42). Thánh Phao-lô cũng nhắc đến cách gián tiếp: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính.8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục;9 và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người,10 vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” (Dt 5,7-10).

 

Chúng ta thấy điểm tương đồng là cả ba thánh sử của Tin Mừng Nhất Lãm đều diễn tả sự lo sợ và chiến đấu của Chúa Giê-su. Theo Ratzinger, đó là kinh nghiệm sâu xa về nỗi lo sợ, nỗi rung động trước quyền lực sự chết; nỗi khiếp hãi trước vực thẳm hư vô, khiến cho Người đến nỗi phải đổ mồ hôi máu (x.Lc 22,44). Chính vì là người Con, nên Chúa nhìn ra rất rõ toàn bộ cơn sóng sự dữ, toàn bộ quyền lực của dối trá và cao ngạo, toàn bộ nét tinh tế và kinh hoàng của sự dữ, sự dữ đeo mặt nạ sự sống, nhưng kỳ thực nó luôn phá hoại nhân cách, chỉ biết nhục mạ và huỷ hoại sự sống. Chính vì là người Con, nên Đức Giê-su cảm nhận được rất rõ bản chất dơ xám xịt và xấu xa trong “chén” mà Người sẽ phải uống: toàn bộ quyền lực của tội lỗi và sự chết. Người sẽ phải nhận tất cả những thứ đó vào trong mình, sẽ tước hết mọi quyền lực của chúng và chế ngự chúng.

 

Nỗi lo sợ của Đức Giê-su là một cái gì đó triệt để hơn sự sợ hãi của con người trước cái chết: Đó là sự va nhau giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sự sống và cái chết – đó là cái quyết định bi thảm nhất của lịch sử con người. Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể cùng với Pascal phóng chiếu sự kiện ở núi Cây Dầu vào trên chính mình: Cả tội lỗi của tôi cũng hiện hình trong chén khủng khiếp kia. Pascal nghe như Chúa nói với ông, khi Người đang phải chiến đấu trong vườn Cây Dầu: “Mỗi giọt máu Ta đổ ra là vì ngươi”.

 

Để tìm hiểu chút về hiện tượng “đổ mồ hôi máu” trong câu “Và mồ hôi Ngài như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44), chúng ta đọc lời giải thích của cha Hồ Bặc Xái: “Chi tiết ‘đổ mô hôi’ có hai lối giải thích.

(1) Những giọt mồ hôi của Đức Giê-su cũng là những giọt mồ hôi thường, nhưng đổ ra nhiều và hình dáng giống như những giọt máu. Việc Đức Giê-su đổ mồ hôi nhiều như thế biểu lộ tâm trạng của Ngài lúc đó rất buồn rầu nếu dùng từ của Mát-thêu, hoặc rất hãi hùng nếu dùng từ của Mác-cô.

(2) Vì Luca là y sĩ, cho nên có người cho rằng Luca muốn nói tới những giọt mồ hôi đặc biệt, không còn là mồ hôi nữa mà là máu, hay ít ra có xen lẫn mấu (các sách xưa gọi là mồ hôi máu). Theo bệnh học, thì hiện tượng này (từ chuyên môn tiếng Pháp là hématidrose) có thể xảy ra trong trường hợp người ta sợ hãi quá sức; cũng như có người sau một đêm quá sợ hãi, thì tóc bạc trắng ra hết. Không biết sự thật lúc đó Chúa Giê-su đổ mồ hôi hay đổ máu. Nhưng chắc chắn tâm trạng Ngài là rất sợ, như những từ mà Mát-thêu và Mác-cô dùng (buồn rầu xao xuyếnhãi hùng xao xuyến). Ai mà không sợ khi trực diện với cái chết! Người già biết mình sắp chết, thì sợ nhưng đành chịu vậy, còn người trẻ thì khó mà chịu được. Đức Giê-su khi đó chỉ mới khoảng 30 tuổi, độ tuổi đang tràn đầy sinh lực. Thế mà Ngài biết mình sắp chết”[18].

 

Trở về với lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, chúng ta thấy và cả ba thánh sử đều diễn tả một sự giằng co trong Chúa, là sự giằng co giữa ý Cha và ý muốn tự nhiên ở nơi Ngài. Tâm trạng sợ hãi và rung động của Chúa Giê-su thúc đẩy Ngài xin được khỏi uống chén. Nhưng Ngài vẫn ý thức sứ mạng xuống thế của Ngài, nên trong hoàn cảnh hãi sợ này, Chúa vẫn hướng về danh Cha trên trời, về thánh ý của Cha.

 

“Không phải ý con, mà là ý cha’ (Mt 26,39; Mc 14,36; Lc 22,42) thật sự là lời cầu của Chúa Giê-su, Người Con yêu dấu của Cha trên trời. Trong lời cầu nguyện đó chất chứa ý chí của Chúa Giê-su và Ngài đã tự nguyện trao phó toàn bộ con người của Ngài với ý chí, ý muốn và tình cảm vào Cha trên trời. Với nhân tính Chúa Giê-su mang sự yếu đuối và mỏng dòn và trong sự hiến dâng và trao phó cho Cha toàn bộ, Chúa Giê-su đã chuyển hoá tất cả mọi yếu đuối của bản tínhcon người mà Ngài mang vác. Nhờ đó, mà qua sự trao phó trong tình yêu và lời xin vâng của Chúa Giê-su, chúng ta, những thụ tạo tội lỗi, mỏng dòn và đầy giới hạn nhận được diễm phúc lớn lao, là được cứu độ và được trở nên con cái của Thiên Chúa. Ôi phúc lành từ Thánh Giá của Chúa Giê-su tốt đẹp biết bao cho nhân loại chúng con.

 

Luttenberger cũng suy tư về lời cầu nguyện của Chúa: “Khi ấy ta mới hiểu hết được lời khẩn xin sau của Chúa Giê-su: ‘Abba, Lạy Cha, mọi sự đều có thể đối với Cha. Xin cất chén này khỏi con’ (Mc 14,36). Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã hiểu cách thấu đáo ý nghĩa của cái chết của Người, những xác tín đầy đức tin của Người vẫn không xua đi được ước muốn tẩu thoát khỏi bị khổ đau, sự ô nhục và tăm tối mà cuộc thử thách và việc bị đóng đinh sẽ ập xuống trên Người. Như tác giả thư Do-thái khẳng định: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15).

 

Nhưng, cũng đúng là giữa những nỗi e sợ, hãi hùng và căng thẳng về mặt tình cảm ấy, Chúa Giê-su vẫn duy trì được lòng tin tưởng vào sự khôn ngoan và sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa. Người cầu nguyện tiếp: “Nhưng, xin đừng theo ý con mà xin theo ý Cha” (Mc 14,36). Tuy Đức Tin không thể đánh bại được sự hãi hùng của Người, nhưng nỗi e sợ hãi hùng ấy cũng không đè bẹp được sự tin tưởng của Chúa Giê-su vào Abba. Cả nỗi hãi hùng lẫn tin tưởng, cả nỗi sợ hãi sâu thẳm lẫn đức tin sâu sắc, đều đụng đến cõi thẳm sâu của Chúa Giê-su trong giờ phút cuối cùng này của cuộc hành trình nơi dương thế của Chúa Giê-su”[19].

 

Ngoài ra, về sự đau khổ của Chúa Giê-su trong vườn Cây Dầu, trên con đường khổ nạn, Ron Rolheiser đã diễn tả thật sâu sắc qua bài viết Vườn Cây Dầu. Bài được chuyển ngữ qua tiếng Việt và được đưa trên trang web của tác giả (7.4.2014). Dưới đây xin trích lại toàn bộ bài viết này, để giúp chúng ta tìm hiểu và suy niệm sâu hơn.

 

“Cách đây vài năm, diễn viên Mel Gibson đạo diễn và sản xuất một bộ phim được công chúng đặc biệt hưởng ứng. Với tựa đề, Cuộc Thương khó của Chúa Kitô, bộ phim khắc họa lại cuộc vượt qua của Chúa Giêsu, từ vườn Cây Dầu cho đến cái chết trên Núi Sọ, tác giả nhấn mạnh đến các đau đớn thể xác của Ngài. Bộ phim thể hiện sống động từng chi tiết các đau đớn mà một người bị đóng đinh thập giá phải chịu, khi bị đánh, bị tra tấn, và bị sỉ nhục.

Trong khi hầu hết các phái trong Giáo hội tán thưởng bộ phim, cho rằng cuối cùng thì cũng có người làm một bộ phim khắc họa thật về những đau đớn của Chúa Giêsu, thì nhiều học giả Kinh thánh và nhiều ngòi bút thiêng liêng khác lại lên tiếng chỉ trích. Tại sao lại thế? Có gì sai khi chiếu một bộ phim dài với chi tiết sống động, những máu me của việc đóng đinh thập giá, vốn thực sự rất hãi hùng?

Có gì sai (hay nhẹ hơn là không hợp) khi đây chính là những gì mà Kinh thánh đã không ghi lại về cái chết của Chúa Giêsu. Tất cả bốn Tin mừng đều cố gắng không tập trung vào đau đớn thể xác của Chúa Giêsu. Các mô tả trong Tin Mừng về những đau đớn thể xác của Ngài đều hết sức ngắn gọn: “Họ treo ngài giữa hai phạm nhân”. Philatô cho “đánh đòn Đức Giêsu rồi giao ngài cho người ta đem đi đóng đinh”. Tại sao lại rút gọn như thế? Tại sao không mô tả chi tiết?

Lý do mà các tác giả tin mừng không tập trung vào những đau đớn thể xác của Chúa Giêsu là họ muốn chúng ta tập trung vào một điều khác, cụ thể là những đau đớn trong cảm xúc và tinh thần của Ngài. Cuộc thương khó của Chúa Giêsu, xét theo chiều sâu thực sự, là một tấn kịch tinh thần, chứ không phải tấn kịch thể lý, là đau khổ của một người đang yêu, chứ không phải đau đớn của một vận động viên.

Do đó, chúng ta thấy khi Chúa Giêsu tiên liệu cuộc khổ nạn của mình, những gì Ngài lo lắng không phải là đòn roi hay mũi đinh đóng vào tay mình. Mà Ngài đau đớn và lo lắng cho sự cô độc mình sẽ phải đối diện, cho kết cuộc bị những người đã nói yêu mến Ngài phản bội và bỏ rơi, và cho tình cảnh, theo cách diễn đạt của Gil Bailie là, “bị tất cả loại bỏ”.

Như thế cuộc thương khó của Chúa Giêsu rõ ràng là một tấn kịch tình yêu. Nó bắt đầu với mồ hôi máu đổ ra trong vườn Cây Dầu, và kết thúc với việc mai táng Ngài trong vườn. Chúa Giêsu đang đổ mồ hôi máu trong vườn, chứ không phải trên đấu trường. Vậy, việc ở trong vườn, có gì đặc biệt?

Về mặt tượng hình, vườn không phải là nơi trồng rau và dĩ nhiên cũng không phải là nơi trồng hoa. Vườn là nơi của những người yêu nhau, là nơi cảm nhận hạnh phúc, nơi uống rượu, nơi Adong và Evà đã trần truồng mà chẳng biết, nơi người ta yêu nhau.

Và các tác giả Phúc Âm đặt khởi đầu và kết thúc cuộc thương khó của Chúa Giêsu trong vườn để nhấn mạnh rằng, Chúa Giêsu, một người đang yêu (chứ không phải Chúa Giêsu Vua, Pháp sư, hay Ngôn sứ), đang trải qua tấn kịch này. Và chính xác tấn kịch này là gì? Khi Chúa Giêsu đổ mồ hôi máu trong vườn và van xin Chúa Cha đừng bắt Ngài “uống chén này”, thì lựa chọn thực sự của Ngài không phải là: Ta sẽ để mình phải chết hay sẽ dùng đến sức mạnh thần thiêng để cứu mạng mình? Nhưng đúng hơn, lựa chọn của Ngài là: “Ta sẽ chết cách nào? Ta sẽ chết trong giận dữ, cay đắng, và không tha thứ, hay Ta sẽ chết với một tấm lòng nồng ấm thứ tha?”

Tất nhiên, chúng ta biết Chúa Giêsu đã đi qua tấn kịch này như thế nào, Ngài đã chọn lấy lòng bao dung và tha thứ cho những người hành hình mình, và trong toàn bộ những u ám đó, Ngài vẫn giữ vững những gì Ngài đã giảng dạy trong suốt đời rao giảng, chính là tình yêu, tình thương, và tha thứ sẽ tuyết đối chiến thắng.

Hơn nữa, những gì Chúa Giêsu đã làm trong tấn kịch tâm hồn này là những gì chúng ta phải noi theo hơn là đơn thuần ngưỡng mộ, vì tấn kịch này cũng hoàn toàn là tấn kịch tình thương trong đời chúng ta với vô vàn cách thể hiện khác nhau. Cụ thể là:

Đến cuối đời, chúng ta sẽ chết thế nào đây? Lòng chúng ta sẽ giận dữ, bám víu, bất dung, và cay đắng vì sự bất công của cuộc đời? Hay, lòng chúng ta sẽ khoan dung, biết ơn, cảm thông, nồng ấm, như tấm lòng Chúa Giêsu khi Ngài thưa với Chúa Cha là xin theo ý Cha đừng theo ý Con?

Hơn nữa, đây không phải là chọn lựa cốt yếu và duy nhất mà chúng ta phải đối diện trong giờ chết, nhưng là chọn lựa chúng ta phải đối diện hằng ngày, nhiều lần mỗi ngày. Biết bao lần khi va chạm hàng ngày với người khác, với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, và cả xã hội nói chung, chúng ta đã phải chịu những lạnh lùng, hiểu lầm, bất công, và cả bạo hành chủ ý nữa. Từ sự lãnh đạm của một thành viên trong gia đình trước lòng tốt của chúng ta, cho đến một lời bình luận ác ý chủ tâm làm tổn thương chúng ta, đến một sự bất công hết sức ở nơi làm việc, đến việc bị thành kiến và xúc phạm, và bàn ăn, nơi làm việc, phòng họp, và cả trên đường, tất cả đều là những nơi chúng ta cảm nghiệm hàng ngày, ít hay nhiều, những gì Chúa Giêsu đã trải qua trong vườn Cây Dầu, cảm giác, bị tất cả loại trừ. Trong bóng đêm đó chúng ta có đi theo ánh sáng của mình? Đối diện với những thù ghét đó, chúng ta có theo tiếng gọi của tình yêu hay không?

Đó đích thực là tấn kịch trong Cuộc Thương khó của Chúa Kitô, và ở đó những đòn roi, đinh nhọn không phải là tâm điểm”.

 

Trở về với đoạn Tin Mừng, chúng ta còn nhận ra được một nét của ba môn đệ. Đó là say ngủ. Tất cả ba lần Chúa chứng kiến các ông say ngủ, trong khi Chúa đang chìm trong cầu nguyện để chiến đấu với nỗi đau thật lớn mà Chúa đang mang. Không biết vì sao các ông lại say ngủ đến vậy? Phải chăng các ông quá mệt và đã đuối sức? Hơn nữa, các ông có nghe tiếng cầu nguyện và rên rỉ với nỗi buồn sâu thẳm của Chúa không? Khoảng cách giữa Chúa và các ông là chừng 4 mét, nghĩa là khoảng cách ném một viên đá. Với khoảng cách ngắn ngủi đó, chắc chắn các ông phải nghe được tiếng nói của Chúa khi Ngài cầu nguyện với Cha trên trời.

 

Chúa mời gọi “canh thức” với Chúa, các môn đệ đáp lời với “say ngủ”. Về điều này, Pascal nhận xét: “Chỉ một lần trong đời Đức Giêsu yêu cầu trợ giúp và Ngài chẳng nhận được” (Le mystère de Jesus). Ba linh hồn Chúa liên kết mật thiết trong mọi bước quan trọng của quảng đời công khai, biến họ thành kẻ chia sẻ các bí mật, chứng kiến con gái ông Giarô sống lại, tham dự vào buổi biến hình trên núi, và lúc này cho họ được thâm tín bằng chứng cụ thể về sự đuối nhân tính, thì lại lãng quên bỏ mặc Ngài.

Chẳng những họ không chia sẻ những khắc khoải cuả Thày Chí Thánh mà ngay cả chẳng hiểu biết chi. Toàn bộ tấn kịch đau thương được diễn ra đơn độc giữa Đức Giêsu và thiên giới mà thôi. Thực vậy ở giai đoạn khởi đầu, thế giới siêu nhiên đã bỏ mặc Ngài đối với chính mình, chịu đựng những dằn vặt: Xấp mình xuống đất, đứng dậy khẩn cầu trợ giúp, lại phủ phục dưới đất, nhưng vô ích. Ngài chẳng tìm được nghỉ ngơi ở đâu cả, dù là ít ỏi nhất trong con cái loài người”[20].

Ba lần yếu đuối chìm sâu trong giấc ngủ tương hợp với ba lần chối Chúa của Phê-rô và cũng tương hợp với ba lần Chúa ngã quỵ trên đường Thánh Giá. “Si-mon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao?38 Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối”. Chúa Giê-su mời gọi đích danh Si-mon, Phê-rô. Đây là điều chỉ có Mác-cô nhắc đến. Serlillanges nhận định như sau: “Trong Phúc âm Marcô người ta đọc thấy Chúa trách móc thẳng Simon Phêrô: “Simon anh ngủ à? Anh không thức với Thày một giờ sao?” (Mc 14,37). Chúa gọi Simon bằng tên cũ, lúc ông chưa được Chúa chọn, tức ông chưa là Tông đồ, chưa phải “Đá Tảng”. Viên đá đáng thương. Simon khốn khổ luôn tự phụ và yếu đuối.

Một mình Marcô ghi lại chi tiết này. Các Phúc âm khác không gọi rõ rệt tên Phêrô, để làm đối tượng trực tiếp cho lời khiển trách. Liệu Marcô có dụng ý? Đúng thế, Phêrô khiêm tốn gọi tên mình qua người thư ký. Marcô không thương xót Phêrô, vì Phêrô đã không buông tha cho chính mình. (Cha J.Lagrance: L ‘évangile de saint Marc)”[21].

Chúa Giê-su mời gọi Phê-rô và các môn đệ hãy tỉnh thức, hãy canh thức và cầu nguyện. Chúa Giê-su nhắc đi nhắc lại lời mời gọi này, không chỉ dành cho các môn đệ mà cho tất cả những ai tin tưởng và theo bước Chúa. Có thể nói, tỉnh thức không say ngủ thuộc về đời sống người Ki-tô hữu, là một thái độ sống trên hành trình Đức Tin, vì Chúa Giê-su hiểu được thân phận yếu đuối của con người, cũng như hiểu được sự ranh ma của kẻ dữ luôn cám dỗ con người chúng ta.

 

Ở đây, Ratzinger suy tư, qua các thế kỷ, sự ngái ngủ của các môn đệ là cơ hội cho quyền lực sự dữ. Ngái ngủ cũng đồng nghĩa với sự chai đá tâm hồn, một tâm hồn không còn nhạy bén trong phản ứng chống lại quyền lực sự dữ trên thế giới, chống lại mọi bất công và khổ đau tàn phá địa cầu.

 

“Các môn đệ vẫn ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Các ông chẳng biết trả lời làm sao với Người”. Cái trĩu nặng của yếu đuối nằm trong phận người. Phê-rô và các môn đệ vẫn chưa thể biết Chúa cho hết để theo Chúa cho trọn. Vì thế, các ông một cách nào đó đã làm cho Chúa đã cô đơn, giờ đây còn cô đơn hơn nữa.

 

“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện với Thầy,

Đau buồn đang tràn ngập tâm hồn Thầy,

Đau buồn đang như muốn đẩy Thầy tới cái chết.

 

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện với Thầy,

Đôi mắt của các con nặng trĩu với các giấc ngủ,

Các con không thể thức nổi một giờ với Thầy sao?

Thầy chuẩn bị đi đây!

 

Thầy ban tặng cho các con món quà cuối cùng,

Nhưng các con vẫn ngủ mê say.

Lẻ loi một mình Thầy đứng đó,

Đứng giữa những kẻ đang ngủ mê say.

Cô đơn lẻ loi một mình

Thầy đi xuyên suốt qua giờ cuối cùng khó khăn nhất.

 

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện với Thầy,

Các con không thể thức nổi một giờ với Thầy sao?

Tất cả các con ở bên trong Thầy,

Nhưng Thầy có thể ở lại bên trong ai đây?

 

Các con biết gì

về tình yêu thầy ban tặng?

Các con biết gì

Về nỗi đau Thầy đang mang trong lòng?

 

Ôi cô đơn lẻ loi!

Thầy chết cho các con,

Nhưng các con vẫn ngủ,

Các con đang ngủ”[22].

 

Sau khi cầu nguyện xong, Chúa đến với các môn đệ, và vẫn thấy các ông say ngủ, Chúa lên tiếng mạnh mẽ với các ông: “Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi.42 Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới!” Lời này của Chúa Giê-su đã bộc lộ được chính quyền năng của Chúa. Chúa Giê-su thông biết mọi sự, kể cả việc Ngài sắp bị phản bội và bị bắt: “Này, đến giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi”. Chúa chính là chủ mọi sự chuẩn bị xảy ra cho Ngài. Vì thế, Chúa đã nói với các môn đệ: “Đứng dậy ta đi nào!” Các môn đệ, những người đang mê ngủ, cần phải tỉnh lại và sẵn sàng để đón nhận việc Chúa Giê-su bị bắt.

 

Như thế, chúng ta đã cùng theo bước Chúa trên hành trình trước khi Chúa bị bắt. Hành trình vừa qua chúng ta nhận ra được tinh thần chủ động (activ) của Chúa. Ngài tự hiến dâng với ý chỉ và tâm hồn, dù cho Ngài đã trải nghiệm qua những yếu đuối mà chính con người ai cũng có.

 

Hành trình kế tiếp với biến cố Chúa bị bắt, chúng ta sẽ thấy một tâm tình khác nơi Chúa. Đó là sự bị động đến nỗi không bào chữa bất cứ điều gì, dù cho án phạt và án tử thật bất công và bất nhân đối với Ngài.

 

[1] Vũ Văn An, Thần Học về cuộc khổ nạn của Đức Giê-su.

[2] Lm Raniero Cantalamessa, Câu chuyện của Giuđa Iscariot.

 

[3] Vũ Văn An, Thần Học về cuộc khổ nạn của Đức Giê-su.

 

[4] Cha Giulio Michelini, bài suy niệm thứ 3 trong tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha là “Bánh và thân thể, rượu và máu”. Hồng Thuỷ chuyển ngữ.

[5] Barclay W., Chú giải Tin Mừng Mác-cô, chương 14, câu 22-25.

[6] Phần nói về việc cử hành Thánh Thể của sách Didache và của thánh Justino được tham khảo từ biên khảo “Tư tưởng các Giáo Phụ về mầu nhiệm Thánh Thể” của Lm. Antôn Nguyễn Đức Khiết

http://www.simonhoadalat.com

 

[7] Johannes, Chrysostomus (+407), Kommentar zum Evangelium des Hl. Matthaeus, Generiert von der elektronischen BKV von Gregor Emmenegger.

[8] Kremer J., Das Aergenis des Kreuzes, KBW. Verlag, Stuttgart 1969, S.13.

[9] Nguyễn Công Đoan SJ., Trình thuật cuộc thương khó theo thánh Mác-cô. Giê-ru-sa-lem, mùa Chay 2015.

[10] Kremer J., Das Aergenis des Kreuzes, S.32.

[11] Ratzginger J., Đức Giê-su thành Nazareth, Phần II. Từ lúc vào Giê-ru-sa-lem cho đến Phục Sinh, bản dịch của Phạm Hồng Lam. NXB. Tôn Giáo 2011, t.185.

[12] Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Từng Bước theo Ngài, NXB. Phương Đông, Gò Vấp 2012, t.42.

 

[13] SERTILLANGES A.D. OP., What Jesus saw from the cross – Từ trên thập tự, Fr. Thomas Tuý chuyển ngữ. Chương 5: Núi Ô-liu.

[14] Ratzginger J., Đức Giê-su thành Nazareth, Phần II, t.181 tt.

[15] Kremer J., Das Aergenis des Kreuzes, S.37.

[16] Gerard H. Luttenberger, Dẫn vào Ki-tô học, linh mục Đaminh Nguyễn Đức Thông chuyển ngữ, NXB. Tôn Giáo 2011, t.319.

[17] Ratzginger J., Đức Giê-su thành Nazareth, Phần II, t.186.

[18] Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Từng Bước theo Ngài,t.42.

[19] Gerard H. Luttenberger, Dẫn vào Ki-tô học, linh mục Đaminh Nguyễn Đức Thông chuyển ngữ, NXB. Tôn Giáo 2011, t.319-321.

[20] SERTILLANGES A.D. OP., What Jesus saw from the cross – Từ trên thập tự, Fr. Thomas Tuý chuyển ngữ. Chương 5: Núi Ô-liu.

 

[21] SERTILLANGES A.D. OP., What Jesus saw from the cross – Từ trên thập tự, Fr. Thomas Tuý chuyển ngữ. Chương 5: Núi Ô-liu.

 

[22] Christian Morgenstern, Der einsame Christus, trong Sie zogen hinauf nach Jerusalem, Hermine Koenig (Hrgs.), Koesel Verlag, Muenchen 1984, S.161.

Kiểm tra tương tự

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *