Thiên Chúa là Chúa, và là…

                                                                            Hoành sơn

Thiên Chúa là siêu việt, không thể hiểu, nên cũng không hiểu nổi tâm tình của Ngài đối với loài người chúng ta. Có điều chúng ta vẫn muốn hiểu Ngài, và chính Ngài cũng muốn  chúng ta hiểu bằng cách khải thị[i] về tư thế của Ngài trong quan hệ với Israel trước đây và với Giáo hội hiện nay. Bởi thế, chúng ta có thể xuyên qua những khải thị ấy mà hiểu cách nào đó về tâm tình của Ngài, để đáp lại cách tương xứng, cũng một cách nào đó, bằng tâm tình hiếu kính của chúng ta.

Rà soát trong Cựu Ước và Tân Ước, chúng ta thấy Ngài vừa tỏ ra là Chúa (kurios, Seigneur), là Cha, là Mục tử, và –lạ lùng hơn hết- là Người tình.

Thiên Chúa là Chúa

Bắt đầu hiện ra với Abraham, Thiên Chúa xưng mình là Êl-Shaddai (St.17.1), với ý nghĩa Thiên Chúa-toàn năng. ‘Êl là một khái niệm nói lên tư thế cao cả, quyền năng, thần thánh. Trong CƯ, ‘Êl ở số nhiều là ‘Elim hay ‘Elohim với bề thế uy nghiêm, cao cả của Đức Yahweh Thiên Chúa. Thiên Chúa ấy cũng được gọi là Thiên Chúa hằng sống : ‘El-Hai, Thiên Chúa Đấng tối cao : ‘El-Olam…. Là Đấng toàn năng, tối cao, nên Ngài cũng là Chúa tể : ‘Adonai.

Để nói lên sức mạnh vô biên của Ngài đứng trước mọi thụ tạo, ngôn sứ Isaia hay gọi Ngài là Yahweh Sabaoth, Chúa các đạo binh. Đạo binh này là các tinh tú và hết thảy những gì hiện hữu trên trời dưới đất, bởi hết thảy đều do Ngài tạo thành, như Thánh vịnh khẳng định (tv. 33.6-9; tv. 103.19, 22; tv. 104,v.v…). Ngài mạnh mẽ một cách rất đáng sợ, như Is.64.2 cho thấy, khiến núi non rung chuyển trước thánh nhan Ngài.

Riêng để diễn tả tính siêu việt của Chúa, Isaia còn gọi Ngài là Đấng Thánh của Israen (1.4; 10.20…), thậm chí Đấng ấy được các Sêraphim tung hô Ba lần THÁNH, thật vô ngần đáng tôn đáng kính :

-“Thánh! Thánh! Chí Thánh!

Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh!

Cả trái đất rạng ngời vinh quang Chúa!”

                                             Isaia 6.3

Đấng Thánh nói đây không chỉ là Đấng Thánh của Israen, mà còn là Chúa tể của toàn thế giới (Is.26.9), thế giới ấy được đại diện bởi hai nước “dân ngoại” là Ai cập và Asua (Is.19.25).

Thiên Chúa là Cha

Thiên Chúa không chỉ có dáng vẻ đáng kính sợ của một Đấng cao cả, quyền năng, mà Ngài còn có khuôn mặt hiền từ của một Người Cha, rất dễ xót thương để dang tay cứu vớt :

-“Ngài quả là Cha chúng con!

Chúng con không được Abraham biết đến,

Không được ông Israen (Giacop) nhìn nhận,

Nhưng lạy Chúa, chỉ Ngài mới đúng là Cha,

Là Đấng cứu vớt chúng con.

CHA, đó là danh Ngài từ muôn thuở.”

                                              Is.63.16

 Thiên Chúa coi Dân như con ngay từ trong sách Xuất hành (4.22) và Nhị luật (8.5; 32.6vt.), là Cha của hậu duệ vua Đavit trong sách 2Samuen (7.14).

Tuy đã gọi Thiên Chúa là Cha để nói lên sự gần gũi của Ngài đối với Dân, nhưng như vậy xem ra vẫn chưa diễn tả hết được sự dịu hiền của Ngài, nên ở một chỗ khác trong Nhị-Isaia[ii], Thiên Chúa lại đứng ở tư thế một bà Mẹ cưng nựng đứa con thơ của mình:

-“Nay Ta đổ xuống Thành đô sự an bình như sông cả,

Và Ta khiến của cải chư dân như nước lũ tràn về:

Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ,

Được bồng bế bên hông, được nưng niu trên đầu gối.

Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta an ủi các ngươi như vậy.

                                                             Is.66.12-13

Chính Thiên Chúa cũng căn dặn Maisen “hãy bồng nó (Israen) vào lòng như vú nuôi bồng trẻ thơ” (Ds.11.12).

Vâng, Thiên Chúa cưng yêu Dân như một người Cha, thậm chí như một Mẹ hiền. Nhưng thế vẫn chưa đủ diễn tả hết độ sâu vô độ của tình thương ấy. Cho nên ngay từ trong CƯ, Thánh kinh đã dùng thêm những hình ảnh như Mục tử đối với bầy cừu đáng yêu.

Thiên Chúa là Mục tử

Nếu Chúa Giêsu tự xưng mình là Mục tử nhân lành (Gio.10.11), thì ngay từ trong CƯ, Thiên Chúa cũng được coi là Mục tử của Israen. Để hiểu điều này có ý nghĩa thế nào, phải nhớ rằng Do Thái xuất thân là dân du mục, trong khi chiên cừu là loài rất nhu hiền và sán chủ, nên người chủ cũng rất mực cưng yêu chúng.

Chính vì thế, ông Giacop (Israen} rất sung sướng được Thiên Chúa là Mục tử chăn dắt ông suốt từ khi ông chào đời cho đến nay (St.48.15). Còn trong ngôn sứ Êdêkien, dân Israen là bầy cừu được Thiên Chúa làm Mục tử tận tình chăm sóc (Êd.34.11-16). Chính Thiên Chúa cũng đặt những mục tử thay Ngài mà dẫn dắt Israel, và bắt buộc những mục tử phàm nhân này phải hết lòng lo cho chiên, chứ không phải lo cho mình (Êd.34.8vt.}.

Nhị-Isaia 40.11 càng cho thấy Thiên Chúa thương yêu chiên cừu biết bao nhiêu:

-“Như Mục tử, Chúa chăn giữ chiên cừu của Chúa,

Tập trung cả bầy dưới cánh tay.

Lũ chiên con, Ngài ấp ủ vào lòng,

Đám chiên Mẹ cũng được tận tình dẫn dắt.”

Thánh vịnh 23 cũng nói y như vậy:

-“Chúa là Mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

Trong đồng cỏ xanh tươi, Ngài cho tôi nằm nghỉ.

……………………………………………………………………………

Lòng nhân hậu và tình thương Chúa

Ấp ủ tôi suốt cuộc đời….”.

Để cảm thấy thấm thía hơn nữa tình thân ái giữa chủ với chiên, hãy nghe câu truyện giả tưởng  do ngôn sứ Nathan kể cho vua Đavít nghe. Đó là câu truyện về ông lão nghèo với con chiên cái duy nhất của ông, mà ông coi nó như đứa con gái nhỏ, cho ăn chung bánh, uống chung chén và ngủ trong lòng ông. Lại có ông nhà giầu ở kế bên, để làm tiệc đãi khách, đã cướp con chiên ấy về làm thịt (2Sam.12.1-4). Thật ra, Nathan đã so sánh con chiên nhỏ của ông lão nghèo ấy với người vợ của Urigia mà Đavit mưu sát để đoạt vợ.

Thiên Chúa tự coi mình là Cha, là Mẹ, là Mục tử của Dân, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Thiiên Chúa còn dùng đến cái hình ảnh thật bất ngờ là Người tình.

Thiên Chúa dưới hình ảnh Người tình

Chúng ta hãy cùng đọc Nhị-Isaia:

-“Chẳng ai còn réo tên ngươi là “ Đồ bị ruồng bỏ”,

Xứ sở ngươi hết bị tiếng là “Phận bạc duyên đơn”.

Nhưng ngươi được gọi “Hỡi ái khanh của Trẫm”,

Xứ sở ngươi được “duyên thắm, chĩ hồng”.

Vì ngươi sẽ được Chúa đem lòng sủng ái,

Và Chúa lập hôn ước với xứ sở ngươi.

Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ,

Đấng tạo nên ngươi sẽ cưới ngươi về.

Như cô dâu là niềm vui của chàng rể,

Ngươi sẽ là niềm vui của Chúa ngươi thờ”.

                                                  Is.62.4-5

Đó là khi Dân biết đáp lại bằng trung tín. Chứ nếu họ quay sang thờ ngẫu tượng, không giữ luật Chúa, họ sẽ bị coi là ngoại tình, và Chúa nổi cơn ghen. Như trong bản Thập luật sau đây :

-“Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó (ngẫu tượng) mà thờ, vì Ta…là Đấng ghen tương…”

                                                                  Xh.20.5

  Hay như sau đây trong Giêrêmia và Êdêkien:

-“Hết thảy họ (Dân) là quân ngoại tình, đồ phản phúc.”

                                                        Giêr.9.1

-“Ta sẽ trút cơn thịnh nộ để trừng phạt chúng…trong khi nổi cơn ghen…”

                                                          Êd.5.13

Để thấu triệt nỗi hận của Thiên Chúa trước tội ngoại tình nói trên, phải tìm đọc tác phẩm chuyên đề về mặt ấy : ngôn sứ Hôsê.

Hôsê được Chúa sai đi cưới một cô gái điếm để bị cô ta cho “mọc sừng” hầu trải nghiệm ở chính bản thân sự ghen tức của Chúa khi Dân lỗi Giao Ước. Và đây lệnh của chính Đấng Tối cao:

-“Hãy đi cưới một phụ nữ làm điếm, để nó sinh ra những đứa con điếm đàng, vì cả xứ đều bỏ Chúa mà đi làm điếm!” (Hs.1.2)

Kế đó, với những đứa con -tiếng là của Hôsê- nói trên, Chúa sai đặt tên: đứa này là “Không-được-thương”, đứa kia là “Không-phải-Dân Ta”, đứa khác nữa là “Chúa-phân-tán”.

Thế rồi, như một người  chồng bị phản bội, Đức Chúa đòi mang Dân ra xét xử:

-“Hãy đưa mẹ các ngươi ra tòa, đưa nó ra tòa đi. Vì nó không phải là vợ Ta, và Ta không phải là chồng nó. Mẹ chúng quả thật đã làm điếm, kẻ mang thai chúng thất tiết rồi….Ta sẽ tính sổ cho nó về những ngày Baal, những ngày nó đốt hương thờ (thần) Baal…, chạy theo các tình nhân của nó….” (2.4vt.)

Tiếp đó :

-“Ta phải làm gì cho ngươi đây, hỡi Êphraim? Ta phải làm gì cho ngươi đây, hỡi Giuđa? Tình yêu của các ngươi khác nào mây buổi sáng, mau tan tựa sương mai…. Ta muốn tình yêu, chứ không muốn của lễ….” (6.4-6)

Tình yêu trai gái mà đưa vô tâm hồn Thiên Chúa ư? Lại còn ghen tương và đánh ghen nữa chứ! Thật khó hiểu! Nhưng có thế mới nói lên được khía cạnh bền chặt keo sơn của Giao ước Chúa ký với Dân. Keo sơn và sắt đá chẳng khác một hôn ước vậy! Sách Diễm tình ca[iii] đã chẳng nói rằng “tình yêu mạnh như sự chết, đam mê dữ dội như địa ngục” (8.6) đó sao?

Và sau đây, trong Giao Ước mới

Trong TƯ, chẳng những Thiên Chúa Cha là Chúa toàn năng, mà cả Đức Giêsu Con Chúa thành người cũng tỏ rõ là toàn năng khi ra lệnh cho kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người chết sống lại. Ngài cũng truyền cho quỷ xuất khỏi nhiều người, truyền cho sóng bão phải im ngay trên mặt biển nữa.

Nhưng tư cách Cha của Thiên Chúa mới nổi hiện rõ nhất trong TƯ khi con của Ngài trở thành người giữa chúng ta, thành anh em của chúng ta, nhất là khi, một cách chính thức, Thánh Thần khí được sai vô lòng ta để kêu lên “Abba, Cha” (Rom.8.15). Tuy thánh Phaolô nói tư cách con này chỉ là tư cách nghĩa tử, nhưng theo 2Phêrô 1.4 cho biết, chúng ta đã được “tác biến (efficiamini) để dự phần bản tính Thiên Chúa (divinae consortes naturae}”. Cho nên từ đây, chúng ta có thể chính thức hướng về Trời mà xướng kinh “Lạy Cha chúng con ở trên Trời…” như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta.

Trong TƯ, chẳng những Thiên Chúa là Cha, mà cũng là Mẹ chúng ta luôn, khi mà Thánh Thần khí sinh ta ra trong đời sống siêu nhiên, và trào lưu Thần học nữ quyền đã có lý khi nhìn Thánh Thần như một Người Mẹ, mà quả thật Thánh Thần khí, hay Hơi thở của Thiên Chúa được gọi trong ngôn ngữ Hy bá lai là Ruah Yahweh, với Ruah giống cái, và Ruah là nguồn phát sinh sự sống, như Thánh vịnh nói : Nếu Chúa lấy hơi thở đi thì sự sống cũng hết (tv.104.29-30}.

Cũng trong TƯ, hình ảnh Mục tử được sử dụng rộng rãi. Chính Chúa Kytô tự xưng mình là “Chủ chăn nhân lành” (Gio.10.11) : Chúa biết mỗi con chiên (cừu), và gọi tên từng con để chúng vui sướng được Chúa dẫn tới những đồng cỏ xanh tươi, được Ngài liều chết bảo vệ khỏi sói dữ. Và khi một con lỡ lạc đàn, Chúa sẽ bỏ đi tìm cho bằng được, và tìm thấy rồi, Ngài âu yếm vác lên vai mang về mở tiệc ăn mừng (Luc.15.4-6}.

                                           *

Riêng hình ảnh Người tình, không thấy TƯ sử dụng. Phải chăng vì Con Thiên Chúa đã sinh làm người nam, nên phải tránh ngộ nhận? Có điều, chỉ ái tình mới “mạnh như sự chết”, thế mà Chúa Giêsu đã chết bằng cái chết thảm khốc nhất để cứu chuộc chúng ta! Thử hỏi ở đời này, có người tình nào hy sinh được đến thế hay không?

Chính vì vậy, Tân Ước không cần đến hình ảnh Người tình nữa. Dẫu sao, TƯ vẫn không ngại dùng ngôn ngữ ấy, một cách xa xôi thôi, để bàn về những gì xoay quanh Nước Trời chẳng hạn.

Và đây là Gioan Tiền hô khi nói về Đấng phải đến trong tương quan với Dân mới :

-“Ai cưới cô dâu, thì người ấy là chàng rể. Người bạn của chàng rể (ám chỉ Gioan Tiền hô) đứng nghe…, vui mừng được nghe tiếng nói của chàng (rể)…” (Gio.3.29)

Riêng Chúa Giêsu nhìn Nước Trời như một tiệc cưới (Mt.25.1-13), và coi mình là chàng rể lúc tranh luận về ăn chay : Khi chàng rể còn đó thì ai lại ăn chay; chỉ khi chàng rể (Tân A- đam) bị đem đi {chịu chết) rồi, thì đệ tử (cũng là Giáo hội Tân- Eva sau này) mới ăn chay chứ (Mt.9.15; Mc.2.19; Lc.5.34-35).

Đến lượt thánh Gioan trong sách Khải huyền cũng coi Chúa là Tân lang, mà cô dâu là Hội thánh được trang điểm xinh đẹp để đón Ngài (21.2, 9; 19.8).

Cuối cùng, thánh Phaolô cũng so sánh quan hệ chồng-vợ với quan hệ Chúa Kytô-Giáo hội trong Col.1.18 và Eph.5-23-25.

Tổng kết

Nói tóm lại, tình yêu thương của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta quả thật bao la và thâm sâu không hiểu nổi. Phải, ai có thể ngờ Đấng Tối cao và toàn năng lại đi yêu đến thế mấy thụ tạo nhỏ nhoi, mà Ngài muốn tạo ra bao nhiêu chẳng được! Tình yêu ấy quá siêu việt, đến nỗi dùng mọi hình ảnh quen thuộc đối với loài người, như Cha, Mẹ, Người tình,v.v… cũng không diễn tả hết được những chiều kích và độ cao sâu vô độ của mối tình ấy.

Suy niệm về mối tình nói trên, thánh Gioan đã phải ngỡ ngàng với phát hiện :”Thiên Chúa là Tình yêu!” (1Gio.4.8). Vâng, không phải Thiên Chúa yêu, mà Ngài là chính Tình yêu viết hoa! Có điều về Tình yêu ấy, Gioan chỉ dám dùng từ Agapê (Charité, Bác ái), chứ không Erôs (Tình ái). Phải chăng vì Ái tình gợi lên khía cạnh chiếm hữu và gợi cám dỗ xác thịt? Có điều chỉ Ái tình mới nói lên tính đam mê và “mạnh như sự chết” được. Bởi thế, giới nữ lưu trong đời sống nên thánh, tu trì khoái Erôs hơn.

Và đây là Mẹ (và thánh) Têrêsa Calcutta khi khuyên các đệ tử dòng Thừa sai Bác ái phải sống khiết tịnh triệt để, vì “Đức Lang quân của chúng ta là Đấng hay ghen, muốn trái tim chúng ta thuộc hẳn về Ngài”[iv]. Riêng Chúa đôi khi cũng tỏ ra thân mật đến nỗi trao đổi trái tim với nữ thánh Margarita Maria Alacoque chẳng hạn.

Các nữ đan sỹ càng thích ngôn ngữ Erôs hơn nữa. Do đó, theo sự khẩn nài của một số người, thánh Gioan Thánh giá đã sáng tác cho các nữ đan sỹ Carmel canh tân (O.C.D.) một bản thi ca gọi là Bài ca thiêng liêng (Cantique spirituel) dài 40 tiết, mà chúng tôi xin trích dịch ba tiết (strophe) đầu:

-“Chàng ẩn ở đâu, hỡi Người tình,

Để em lại trong chuỗi dài than thở?

Như con hươu Chàng trốn biệt đâu mất,

Khiến lòng em u sầu,

Ra đi kêu réo, bởi không thấy chàng đâu!

Hỡi anh du mục đi về chốn xa xôi,

Trên núi đồi theo bầy chiên hiền dịu,

Nếu có gặp người tôi yêu dấu,

Hãy nói cùng Chàng : Tôi đang khổ sở, héo mòn.

Để tìm lại mối tình nồng cháy,

Em lang thang hết núi lại dòng sông:

Em chẳng buồn hái hoa,

Cũng chẳng sợ thú dữ,

Khi vượt đồn binh và những giải biên thùy.”

                                 *

Nói tóm lại, tình Chúa yêu ta thật “cao như núi Thái sơn, rộng như biển Thái bình”, mà cũng sâu không thấy đáy.

Vâng, Chúa có tất cả sự hiền từ của người cha, sự dịu dàng của người mẹ, sự cưng chiều của mục tử đối với chiên cừu. Chưa hết, còn phải thêm vô sự đằm thắm, gắn bó như keo sơn và “mạnh như sụ chết” của ái tình nữa.

Thế nhưng ái tình nó có tính độc chiếm mà? Độc chiếm ư? Thì chúng ta chẳng phải “yêu Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực”, và chỉ được yêu tha nhân trong (nơi) Chúa và vì Chúa đó sao?

Có điều, tất cả những hình ảnh Cha, Mẹ, Người tình, v.v… quen thuộc của loài người chúng ta cũng không nói hết được mọi góc cạnh của tình Chúa đối với chúng ta, nhất là với chiều kích cao sâu siêu việt của Tình ấy  nơi một Thiên Chúa siêu việt! Vâng, với mối tình không hiểu nổi ấy, Con Thiên Chúa đã có thể thành thụ tạo, làm người và anh em chúng ta, để rồi chịu chết thê thảm cũng vì những kẻ vừa thấp bé, vừa tội lỗi là chúng ta!

Riêng về phía chúng ta, để đáp lại mối Tình sâu thẳm và khó hiểu ấy, chúng ta không thể không hết lòng yêu Chúa như Cha, như Mẹ, như Người tình…, cũng như yêu người khác vì Chúa. Và tình yêu ấy phải siêu nhiên và thiêng liêng, không mang những khuyết điểm của tự nhiên và xác thịt. Chỉ có thể yêu như thế, và yêu bằng tình yêu xứng đáng với đối tượng là Thiên Chúa, khi ta yêu bằng Đức Ái mà Chúa phú vào tâm hồn ta, Đức Ái ấy cũng là Ân sủng (Chúa Yêu ta và biến ta thành Đáng yêu và Đang yêu, theo K. Rahner) mà Chúa đặt vô trong ta từ vô thức.

[i] Apo-kaluptô, re-vel(um)are = vén (khải) màn (mạc), nên phải dịch là khải mạc, chứ không phải mạc khải. Có thể dịch theo Công giáo Trung quốc là Khải thị (mở cho nhìn thấy).

[ii] Isaia sống vào thế kỷ -VIII, nhưng từ chương 40 trở đi, xét theo văn thể và những ám chỉ lịch sử, thì tác giả của đoạn này phải là một người khác thuộc thế kỷ -IV hay –V.

[iii] Chính Diễm tình ca cũng được người Do Thái coi là bản tình ca giữa Giavê với Dân Ngài.

[iv] Mother Teresa, J.L.Gonzales-Balado biên soạn, Trần công Thuận chuyển ngữ, Tâm hồn tràn ngập niềm vui (Heart of joy),  Nhà xuất bản tôn giáo 2013, tr.176.

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Tìm lại ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng

  Đôi khi, chúng ta nỗ lực hoàn thành danh sách những việc phải làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *