Lm. F.X. Nguyễn Thanh Hoài, S.J. Ngày 27.09.1540, Đức Giáo Hoàng Phaolô III ban bố trọng sắc Regimini Militantis Ecclesiae thành lập Dòng Chúa Giêsu (Societas Jesu). Bấy giờ Dòng chỉ là một Đoàn nhỏ (Minima Societas) chỉ có 10 thành viên mà thôi. Một năm sau, ngày 08.04.1541, cha I-nhã (Inhaxiô, 1491-1556)) được tất cả anh em bầu làm Tổng Quản tiên khởi (1541-1556). Tại Việt Nam, vì tục kỵ tên và vì tránh gọi Tên cực trọng Chúa Giêsu, nên Dòng Chúa Giêsu được gọi là Dòng Tên. Mục đích của Dòng là hết lòng phụng sự Thiên Chúa, hết tình phục vụ các linh hồn, hết sức trung thành với Hội Thánh trong việc bảo vệ và truyền bá đức tin, và hết mình làm mọi sự theo tôn chỉ Cho Vinh Danh Thiên Chúa Hơn (Ad Majorem Dei Gloriam – A.M.D.G.) Ngay từ lúc Dòng mới được khai sinh, các Giêsu hữu (tu sĩ Dòng Tên) tiên khởi đã phải phân tán nhiều nơi để phục vụ Giáo Hội. Họ rất nhiệt thành trong việc bảo vệ và truyền bá đức tin, trong việc mục vụ và tông đồ như giáo dục, thuyết giảng, huấn giáo, giảng Linh Thao và truyền giáo. Dòng Tên phát triển rất nhanh. Trong vòng 16 năm, từ lúc thành lập cho tới năm cha I-nhã qua đời (1556), Dòng Tên đã có 1.000 Giêsu hữu[1]. Các Giêsu hữu hiện diện và phục vụ ở nhiều thành phố lớn ở Châu Âu cũng như tại các vùng đất truyền giáo. Họ đã có mặt tại Châu Á năm 1542[2], tại Châu Phi năm 1548, tại Nam Mỹ trước năm 1552. Riêng tại Việt Nam, các nhà thừa sai Dòng Tên đặt chân đến Đàng Trong và bắt đầu giới thiệu Tin Mừng tại đây năm 1615, đến Đàng Ngoài thăm dò tình hình năm 1626 và bắt đầu truyền giảng Tin Mừng tại đó năm 1627. Các Giêsu hữu nhiệt thành truyền giảng Tin Mừng tại Việt Nam cho đến năm 1773, (158 năm) và từ năm 1957 cho tới nay (52 năm)[3]. Như thế, Dòng Tên đã đặt chân đến Việt Nam cách đây 394 năm, hiện diện trong xã hội Việt Nam và phục vụ Giáo Hội Việt Nam cho đến thời điểm này của năm 2009 là 210 năm. Như tựa đề đã cho biết, bài viết này không nhắm đến việc trình bày lịch sử truyền giáo của Dòng Tên tại Việt Nam, nhưng chỉ muốn đưa ra một cái nhìn chung về những hoạt động và sứ vụ chính của Dòng Tên tại Việt Nam, từ khi đặt chân đến đất Việt cho tới nay, theo ba giai đoạn: – Giai đoạn 1615-1773: Mở đường và xây dựng Giáo Hội tại Việt Nam – Giai đoạn 1957-1975: Trở lại Việt Nam – Huấn luyện và đào tạo giới trí thức và giáo sĩ. – Giai đoạn 1975- Nay (2009) : Hoà mình với Giáo Hội trong hoàn cảnh xã hội mới.
Kiểm tra tương tự
Phỏng vấn linh mục Đỗ Quang Chính về cuốn sách Lịch sử chữ Quốc ngữ
Tính đến nay, chữ Quốc ngữ đã có một lịch sử hình thành và phát …