Thông cáo báo chí của Dòng Tên Vùng Châu Phi và Madagascar về vụ sát hại Cha Odhiambo, SJ

Nairobi, Thứ Hai, ngày 19 tháng 11 năm 2018 

Thông cáo báo chí: 

Dòng Chúa Giê-su (Dòng Tên) Châu Phi và Madagascar lên án vụ sát hại tàn bạo cha Victor-Luke Odhiambo, SJ, linh mục Dòng Tên tại Cueibeit, Nam Sudan, và kêu gọi sự công bình, hòa giải, hòa bình và giải trừ vũ khí hoàn toàn ở miền Nam Sudan.

Chúng tôi, anh em Dòng Tên ở Châu Phi và Madagascar, lên án mạnh mẽ vụ sát hại cha Victor-Luke Odhiambo SJ, linh mục Dòng Tên, người Kenya hôm 15/11/2018 vừa qua tại Cueibet, thuộc Nam Sudan. Chúng tôi bày tỏ sự đau buồn với gia đình cha Odhiambo và cầu xin Chúa Ki-tô Phục Sinh an ủi họ.

Cha Odhiambo đã làm việc hơn 10 năm tại vùng đất Nam Sudan đang bị chiến tranh giày xéo này. Ngài đã bị những kẻ không rõ lai lịch đột nhập vào cộng đoàn nhà Dòng bắn chết. Vào thời điểm ấy, cha Odhiambo đang là hiệu trưởng của trường cao đẳng sư phạm Mazzolari ở Cueibet và là quyền bề trên của cộng đoàn. Cha vào Dòng Tên đã được 40 năm. Hôm nay, cha Odhiambo được mai táng tại Cueibet, ngay trong khuôn viên trường, nơi mà ngài đã dâng hiến cả đời mình để phục vụ sứ mạng của Đức Ki-tô.

Cha Odhiambo đã trao hiến đời mình để phục vụ dân Chúa qua việc giảng dạy. Cha có mối tương quan hỗ trợ gần gũi với các sinh viên, những người rất  tin tưởng và tôn trọng ngài. Là một người tôi tớ phục vụ sứ mạng của Đức Ki-tô, cha đã trao hiến sự sống và niềm hy vọng cho những ai thất vọng, thiệt thòi và dễ bị tổn thương. Trong thư chia buồn gửi tới các anh em Dòng Tên ở Đông Phi, cha Bề trên Cả Arturo Sosa SJ đã nhìn nhận rằng cha Odhiambo là “một người rất quả cảm, một nhà quản trị thông minh, tận tụy và sáng tạo; trên hết, ngài còn là một người rất tin tưởng vào giá trị của giáo dục. Ngài không ngại dấn thân vào những môi trường mới và thậm chí là nguy hiểm nhất một khi đã xác tín rằng đó là sứ mạng Chúa trao.”

Nam Sudan được biết đến là một vùng đất xung đột nhiều năm và vẫn là nhà nước bất ổn chính trị nhất trên thế giới. Các anh em Dòng Tên cùng các cộng tác viên đã thực thi sứ mạng ở Wau, Kajokeji, Tabura-Yambio, Lobone, Nimule, Yei, Maban, Rumbek, Cueibet và Juba; thế rồi nhiều người trong số họ liên tục bị tấn công, bị buộc phải rời bỏ một trường học ở Wau khi cuộc chiến lên đến đỉnh điểm, bị phục kích bởi các nhóm vũ trang, bị bắt cóc và phải chứng kiến các cuộc tấn công bạo lực vào những người dân Nam Sudan vô tội. Tổng hội 36 của Dòng Tên đã lên án những cuộc xung đột và bạo lực gây thiệt hại ở một số nơi như Nam Sudan rằng: “Từ Tổng hội trước, chúng ta đã chứng kiến tình trạng xung đột đau thương ở nhiều nơi trên thế giới. Một loạt những nơi đau buồn ấy bao gồm Syria và Nam Sudan,Colombia và Hồ Lớn Châu Phi, Cộng hòa Trung Phi, Afghanistan, Ukraine, Iraq và còn rất nhiều nơi khác nữa. Đã có thương vong nghiêm trọng và làn sóng di dân lớn. Các xung đột này lan rộng khắp toàn cầu. Những người phục vụ ở vùng biên cương phải chịu ảnh hưởng cách đặc biệt” (“Những chứng nhân của Tình Hữu Nghị và Sự Hòa Giải: Một thông điệp và lời cầu nguyện dành cho các anh em Dòng Tên đang sống trong khu vực chiến tranh và xung đột”). Với mọi tình huống như vậy, anh em Dòng Tên vẫn kiên định trong mối liên hệ chặt chẽ với Giáo hội địa phương và người dân Nam Sudan.

Theo Liên Hiệp Quốc và các cơ quan của tổ chức này, sự kết hợp của xung đột vũ trang, bạo lực giữa các nhóm cộng đồng, bùng phát dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế đã làm thiệt mạng hơn 50,000 dân thường, di dời 1/4 dân số của Nam Sudan, làm phát sinh hơn 2 triệu người tị nạn và gây cản trở cho việc phát triển đất nước kể từ sau khi giành độc lập vào năm 2011. Ngay lúc này, có tới 7,5 triệu người dân Nam Sudan đang cần sự hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ khẩn cấp.

Bạo lực ở Nam Sudan phần lớn là do việc cạnh tranh đối đầu giành quyền lực, đấu đá phe phái trong một nền văn hóa đầy thù hận; nhất là sự gia tăng loại vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ. Những vụ giết người trả thù hay còn hiểu là những vụ đền nợ máu tạo nên vòng bạo lực tương báo không có hồi kết khiến hàng triệu trẻ em bị mồ côi và phụ nữ rơi vào cảnh góa bụa, rồi chính những người này cũng đang tìm dịp báo thù.

Để giải quyết tình trạng leo thang kéo dài ở Nam Sudan, chúng tôi, các tu sĩ Dòng Tên ở Châu Phi,

  1. Kêu gọi chính quyền Nam Sudan hành động nhằm bảo vệ mạng sống của tất cả công dân cũng như của những ai đang sống và làm việc ở Nam Sudan, bất kể quốc tịch, dân tộc, tôn giáo hay hệ phái chính trị nào;
  2. Yêu cầu tìm bắt kẻ đã sát hại cha Odhiambo và truy tố kẻ ấy ở mức án cao nhất. Điều này quan trọng để kết thúc lối văn hóa bất công vốn đã trở nên phổ biến ở đất nước này;
  3. Kêu gọi giải trừ vũ khí ngay lập tức và toàn diện tại Nam Sudan;
  4. Lên án sự gia tăng các vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ cách bất hợp pháp ở Nam Sudan mà phần lớn chúng được cung cấp bởi các nước Tây Phương và Châu Á; cũng như kêu gọi chấm dứt ngay việc cung cấp các thứ vũ khí này. Chúng tôi khuyến khích những người chống việc sử dụng vũ khí bất hợp pháp, những tổ chức dân sự, nhóm tôn giáo, chính phủ và các cá nhân chung tay kêu gọi chấm dứt việc buôn bán vũ khí cho những nhóm phi pháp ở Nam Sudan;
  5. Yêu cầu cộng đồng quốc tế để tăng cường hỗ trợ gìn giữ hòa bình cũng như viện trợ cho Nam Sudan để thúc đẩy phục hồi kinh tế, củng cố tổ chức chính trị và xã hội thiết yếu, duy trì luật pháp; và quan trọng hơn nữa là cung ứng một nền giáo dục chất lượng và công bằng cho mọi người trong toàn vùng Nam Sudan;
  6. Yêu cầu cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức để xem xét kỹ và giúp cải thiện tình hình kinh tế ở Nam Sudan thông qua hệ thống thu thuế minh bạch hơn hầu ngăn chặn việc lạm dụng hệ thống hiện thời nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân từ chính nguồn thu nhập ít ỏi của đất nước này;
  7. Kêu gọi củng cố vai trò lãnh đạo của Giáo hội địa phương cũng như chỉ định một cách nhanh chóng và thích hợp những vị lãnh đạo đủ khả năng để họ có thể giải quyết những vấn đề cấp bách liên hệ đến đức tin và công bình đang tác động đến người dân địa phương;
  8. Thôi thúc khối Liên minh Châu Phi, chính quyền các khu vực và cộng đồng quốc tế hỗ trợ thực hiện thỏa thuận hòa bình đạt được ngày 12 tháng 9 năm 2018 giữa tổng thống Salva Kiir và nguyên phó tổng thống của ông, Riak Machar
  9. Đề nghị các bậc phụ huynh, những người đứng đầu gia đình, dòng tộc, khu vực và quốc gia Nam Sudan đồng lòng cùng dứt khoát nói không với văn hóa bạo lực và sự chết. Chúng ta phải vượt qua tác động của sự thù hận bằng tinh thần và sức mạnh của tình yêu, công lý, bình an và sự hòa giải.

Với lòng trung tín trong sứ mạng hòa giải và công bình, chúng tôi nhắc lại cam kết của mình trong việc tiếp tục cộng tác với giáo hội địa phương và với tất cả những ai có thiện chí muốn mở rộng Nước Chúa bằng các sứ vụ và công việc của chúng tôi ở Nam Sudan này.

Lm. Joseph O. Afulo SJ

Bề trên Giám tỉnh Dòng Tên Đông Phi

Lm. Agbonkhianmeghe E. Orobator SJ

Chủ tịch vùng Dòng Tên Châu Phi và Madagascar

Chuyển ngữ: Chí Thành, SJ

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *