Tiếng reo vui của lòng biết ơn


(Lc 17,11-19)

                                                                                                                                       MM Tân, SJ.

Mười người mắc bệnh phong đón gặp đức Giê-su.

Họ dừng lại đàng xa và kêu lớn tiếng : “lạy Thầy Giê-su, xin rủ lòng thương chúng tôi”.

Đức Giê-su bảo họ : “Hãy đi trình diện với các tư tế”.

Dễ vậy thôi sao, Chúa không đòi hỏi gì thêm.

Đang khi đi thì họ được sạch.

Chuyện cứ như thể đương nhiên,.

Và hình như chỉ có một người nhận ra ân huệ Thiên Chúa.

Một người trong bọn thấy mình được khỏi liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.

Thế còn 9 người kia đâu?

Có thể họ vẫn chưa hết ngạc nhiên vì chuyện lạ mới xảy ra cho mình.

Đoán vậy thôi, nhưng trong thực tế thì nhiều người còn không “nhận ra ân huệ Thiên Chúa” (Ga 4,10) nữa.

Do đó, họ không có được niềm vui của người Samaria : “trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”  vì được chữa lành.

Cuộc sống là ân huệ, mấy ai nhận ra điều này, mấy ai nhận ra bóng dáng Thiên Chúa giữa đời thường để chữa lành, ủi an, chăm sóc  và dẫn dắt?

Những ngày lưu lại giáo xứ Nam Viên, tôi có dịp gặp gỡ nhóm Caritas, trong đó có một chị tuổi đời quá 35, một góa phụ :

Đó là một người con gái lớn lên trong một gia đình tương đối khá giả.

Năm 14 tuổi đã tham gia giáo lý viên.

Năm 18 tuổi chị gặp được một chàng trai thương mình hết lòng, và đã lên xe hoa theo chàng xây tổ ấm. Đời sống vợ chồng êm đềm, vui tươi, nhưng ngặt nỗi anh chị vô sinh, cuối cùng cũng xin được một bé gái kháu khỉnh, dễ thương về nuôi.

Cách đây năm năm, chị tham gia nhóm Caritas giáo xứ, nhưng bước đầu còn rời rạc lắm, chỉ đi thăm viếng và trao quà cho bà con nghèo quanh giáo xứ thôi.

Hai vợ chồng chung sống 16 năm thì anh được Chúa gọi về, để hai mẹ con  lại trong cảnh cô quạnh, đến nay vừa tròn ba năm sáu tháng. Tuy nhiên, chưa bao giờ chị nghĩ đến chuyện đi bước nữa, cũng tại thương chồng đã khuất, và tại cái đôi chân ngắn, lỡ bước hụt thì khổ cả mẹ lẫn con.

Vắng bóng chồng, ngôi nhà trở nên lạnh lẽo, chị sợ nhất những ngày tết, chập tối, và đặc biệt những chiều mưa. Nhìn mưa rơi ngoài kia mà sao mắt chị nhạt nhòa, nước đâu thấm ướt đôi bờ vai làm tan nát cõi lòng, chị muốn hét lớn cho bớt cô quạnh, nhưng rồi lại cố dằn lòng để con khỏi tủi. Có những chiều khi con ở trường thì mẹ ở nhà bên mấy lon bia với vài cái nem chua, thế nhưng uống để giải sầu mà sao chỉ thấy thêm sầu.

Cũng trong thời gian này, 3 năm trở lại đây, nhóm  Caritas sinh hoạt đều đặn, chị đi nhiều, gặp nhiều, từ những hoàn cảnh gần nhà cần giúp đỡ cho tới tận Bạch Xa xa xôi.

Những lần cúi mình chăm sóc các cụ già neo đơn nằm liệt, hoặc bước vào những mái nhà không hơn túp lều, để ra tay nâng đỡ và chia sớt chút chi đó, phải chăng là để lấp đầy khoản trống trong lòng?

Không, người nghèo là tiếng gọi.

Caritas – một tiếng gọi và cũng là ơn gọi.

Từ kinh nghiệm xót thương người đến chỗ biết mình được Chúa xót thương, thì những cơn mưa ban chiều không còn làm mắt chị nhạt nhòa, nhưng trái lại, ấm áp lạ thường. Hình ảnh người chồng giờ đây cứ như đang nhìn chị với ánh mắt khích lệ, chứ không gây cho chị cảm giác trốn chạy như trước đây.

Thì ra Thiên Chúa từng bước dẫn đưa, từ những năm tháng ấu thơ lớn lên đầy bản lãnh, cho tới khi cất đi người chồng khỏi mái ấm, trải qua những khoảnh khắc trống rỗng của người như đứng bên bờ vực thẳm của chán chường, là để uốn nắn và  rèn luyện để chị có được một con tim biết cảm thương, xứng hợp cho kế hoạch của Người : để chị được sai đến với những ai đang bị tổn thương.

Ban caritas cũng là ban bảo vệ sự sống, thiết lập nghĩa trang riêng, ngày ngày đi tìm kiếm và mỗi tháng một lần có thánh lễ ngay tại nghĩa trang trong ngày chôn cất thai nhi.

Cứ mỗi lần ôm một xác thai nhi trên tay, chị âu yếm gọi “con của mẹ”. Sáng trước khi đi làm, chị có thói quen viếng Chúa và không quên ghé nghĩa trang thăm con cái mình.

Đêm trung thu vừa qua, một cuộc rước đèn lạ lùng có một không hai, thiếu nhi Nam Viên rước đèn từ nhà thờ ra nghĩa trang thai nhi mà các chị gọi là nghĩa trang các thiên thần, tại đây sau trận mưa rào chập tối, giờ nhờ ơn Chúa thương, trời quang mây tạnh, có thánh lễ đồng tế long trọng, sau lễ phát quà và các anh chị huynh trưởng ở lại sinh hoạt.

Không may đêm nay ngay khúc đường gần nghĩa trang có xảy ra tai nạn, có người cho rằng mấy con mẹ góa chồng ở  không nghĩ ra đủ thứ chuyện, làm người đi đường mất tập trung. Cũng may chỉ vài hôm sau thì ngay tại cung đường này lại xảy ra một tai nạn nữa. Thế là tai nạn xảy ra đâu phải tại mấy con mẹ rỗi hơi. Đơn cử một cậu chuyện để cho thấy bước đường của chị em đâu phải ai cũng sẵn lòng hỗ trợ. Dù sao khuôn mặt của chị trời cho cũng tròn trịa, nếu có dày thêm chút thì cũng không xóa nhòa nét phúc hậu sẵn có.

Một người Samaria người mắc bệnh phong, căn bệnh tàn phá thể xác.

Một người chị em góa chồng, nỗi trống vắng làm thương tổn tâm hồn, nỗi đau gặm nhấm, nhiều đêm khóc thầm, nằm bên con cứ phải nuốt lệ vào tim.

Thế nhưng khi mỗi ngày chị tiến bước xa hơn và sâu hơn vào dòng suối của lòng thương xót Thiên Chúa, thì chị nhận ra ân huê Thiên Chúa ban, và chị nghe được tiếng gọi của Đấng trao ban ân huệ: “Một sự gặp gỡ với những tiếng gọi đem đến cho cuộc đời chị một chân trời mới và một hướng đi quyết định”.

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *