Tiếp kiến chung ĐTC: Sự công thẳng của Thiên Chúa là sự tha thứ

tiep kienVATICAN. Thiên Chúa không chỉ giàu lòng thương xót nhưng còn công thẳng. Sự công thẳng của Thiên Chúa là sự tha thứ vì Ngài không muốn kết án nhưng muốn cứu chuộc chúng ta. Chỉ có dùng sự thiện đối lại với sự dữ, lấy tha thứ đối đãi với người đã hãm hãi mình thì sự dữ mới bị khuất phục, kẻ bất chính mới quay lại nẻo chính đường ngay và lòng thương xót của Thiên Chúa mới có cơ hội tỏ lộ. Đây là những lời kêu gọi của ĐTC trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 03.02.2016 tại quảng trường Phêrô trước sự hiện diện của đông đảo khách hành hương.

Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ của ĐTC, Ngài nói:

“Kinh thánh giới thiệu cho chúng ta Thiên Chúa là Đấng thương xót vô hạn, nhưng cũng là Đấng công thẳng hoàn hảo nữa. Làm thế nào để dung hoà cả hai điều này? Làm thế nào để nối kết thực tại của lòng thương xót cùng với đòi hỏi của sự công thẳng? Bề ngoài có vẻ là hai điều này là hai thực tại mâu thuẫn với nhau; nhưng trong thực tế không phải như vậy, bởi vì chính lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ kiện toàn sự công thẳng đích thực. Nhưng đó là sự công thẳng nào?

Nếu chúng ta nghĩ đến việc điều hành hợp pháp của công lý, chúng ta thấy rằng ai nghĩ mình là nạn nhân của một sự bất công thì họ sẽ nại đến sự phân xử của toà án và yêu cầu công lý được thực thi. Đó là một công lý thưởng phạt, phạt kẻ có tội theo nguyên tắc của ai trả lại cho người ấy. Như lời được trích trong sách Châm ngôn: “Người thực thi công chính được đi vào cõi sống, kẻ theo đuổi gian tà phải đến chốn tử vong.” (Cn 11,19). Ngay cả Đức Giêsu cũng đã nói đến điều này trong dụ ngôn bà goá nhiều lần đến gặp quan toà và đòi hỏi ông: “Xin hãy thực thi công lý cho tôi chống lại kẻ thù tôi” (Lc 18,3).

Tuy nhiên con đường này thực sự không mang lại công lý đích thực bởi vì trong thực tế nó không chiến thắng được sự dữ, nhưng đơn giản là chỉ ngăn chặn nó mà thôi. Như thế chỉ có cách đáp lại sự dữ bằng sự thiện thì sự dữ mới có thể thực sự bị khuất phục.

Và rồi một cách khác để thi hành công lý mà Kinh Thánh giới thiệu cho chúng ta như con đường chính phải đi. Đó là một cách thức tránh nhờ cậy đến toà án và dự liệu rằng nạn nhân hướng về người có tội để mời gọi họ hoán cải, giúp đỡ họ hiểu rằng họ đang làm điều xấu xa, khích lệ lương tâm của họ. Trong cách này, cuối cùng sau khi đã hồi tâm và nhận ra lỗi lầm của mình, họ có thể mở lòng ra để tha thứ cho những tổn thương mà họ đã phải chịu. Điều này thật là đẹp: sau khi đã thuyết phục những gì là xấu xa, cõi lòng họ mở ra cho sự tha thứ vì những gì họ đã nhận lãnh. Đây là cách thức để giải quyết những bất hoà trong nội bộ gia đình, trong các mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, nơi đó người bị xúc phạm yêu mến kẻ phạm tội và mong muốn cứu vớt mối tương quan ràng buộc họ với người khác. Đừng cắt đứt tương quan này, mối dây đó.

Chắc chắn, đây là một hành trình khó khăn. Đòi hỏi rằng ai đã chịu đựng những lỗi phạm phải chuẩn bị để tha thứ và mong muốn ơn cứu độ và điều thiện hảo cho người đã xúc phạm đến mình. Nhưng chỉ có như thế thì công lý mới có thể chiến thắng, bởi vì, nếu người có tội nhận ra hành vi xấu xa của mình và ngừng lại, thì sự xấu xa không còn nữa, và người bất chính trở nên công chính, bởi vì được tha thứ và được trợ giúp để tìm lại nẻo chính đường ngay. Và ở đây lòng thương xót đã bước vào chính sự tha thứ đó.

Và Thiên Chúa hành động như thế khi đối diện với chúng ta là những tội nhân. Thiên Chúa tiếp tục mang lại cho chúng ta sự tha thứ của Ngài và giúp đỡ chúng ta tiếp nhận nó và giúp chúng ta ý thức về sự xấu xa của mình hầu có thể giải thoát chúng ta khỏi sự xấu xa đó. Bởi vì Thiên Chúa không muốn kết án chúng ta, nhưng muốn cứu chuộc chúng ta. Thiên Chúa không muốn kết án bất kỳ ai cả! Một vài người trong số anh chị em có thể hỏi tôi: “Nhưng cha ơi, sự kết án dành cho Phi-la-tô có đáng không? Thiên Chúa có muốn thế không?” – Không! Thiên Chúa muốn cứu Phi-la-tô và ngay cả Giuđa, cũng như tất cả! Ngài là Thiên Chúa của lòng thương xót nên muốn cứu chuộc tất cả! Vấn đề là con người có để cho Ngài bước vào trong cõi lòng không. Tất cả những lời của ngôn sứ là một lời kêu gọi nồng nàn và đầy tràn tình yêu vốn tìm kiếm sự hoán cải của chúng ta. Đó cũng chính là những lời Thiên Chúa đã nói ngang qua miệng tiên tri Ê-dê-ki-en: “Chẳng lẽ Ta lại vui thích khi kẻ gian ác phải chết … hơn là muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó để được sống sao?” (Ed 18,23; 33,11), đây là điều làm Thiên Chúa đẹp lòng.

Đây là con tim của Thiên Chúa, một con tim của Thiên Chúa vốn yêu thương và muốn những con cái của mình sống tốt lành và công chính, và nhờ đó có thể sống viên mãn và hạnh phúc. Con tim của Thiên Chúa Cha vốn vượt qua ý niệm hạn hẹp của chúng ta về công thẳng ngõ hầu mở ra cho chúng ta những chân trời rộng mở và không bắt đền chúng ta vì tội lỗi của mình, như lời Thánh vịnh (103, 9 -10). Và đó cũng chính là con tim của vị linh mục chúng ta mong muốn gặp gỡ khi chúng ta đi xưng tội. Có thể ngài sẽ nói với chúng ta một điều gì đó để giúp ta hiểu hơn về sự dữ, nhưng trong toà giải tội tất cả chúng ta đến để tìm kiếm một người cha sẽ giúp chúng ta thay đổi đời sống; một người cha mang lại cho chúng ta dũng khí để tiến về phía trước; một người cha tha thứ cho chúng ta nhân danh Thiên Chúa. Vì thế là cha giải tội là một trách nhiệm rất nặng nề, ngõ hầu người con đến với cha giải tội để chỉ tìm kiếm một người cha. Và quý vị, các linh mục, ở đó nơi toà giải tội, quý vị ở đó nơi vị thế của Thiên Chúa Cha thực thi công lý cùng với lòng thương xót của Ngài.”

Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai

Kiểm tra tương tự

“Chúng tôi là anh em trong Chúa”

  “You are mine” là bài hát dẫn chúng tôi vào bầu khí linh thao …

ĐTC Phanxicô: Căn tính và sứ mạng của Đại học Urbaniana là loan báo Tin Mừng

Sáng 30/8/2024, gặp gỡ các tham dự viên Đại hội ngoại thường của Bộ Loan …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *