Tình trạng dân số đàng ngoài TK 17

Sang thế kỷ XVII chúng ta không có tài liệu nào nói về tổng số dân đinh Đàng Ngoài. Nhưng một tài liệu ước lượng về quân số, do Marini là người Ý sống ở Đàng Ngoài từ 1647-1658, cho chúng ta biết được, hồi đó Trịnh Tráng có tới 335.000 quân, 12.000 ngựa, trên 2.000 voi và 2.000 chiến thuyền3. Quân lính tức là những người đang ở trong tuổi lính, tuổi phải đi lính, tuổi phải chịu thuế thân… Ngoài số trong quân ngũ, chắc chắn còn nhiều dân đinh ở nhà làm ruộng hoặc các nghề khác. Vào giữa thế kỷ XVII cuộc chiến giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài đang gay go. Trịnh Tráng cũng như Trịnh Tạc luôn luôn muốn chiếm Đàng Trong. Hơn nữa, lúc đó tình hình rối loạn ở Trung Hoa do nhà Thanh nổi dậy làm cho nhà Minh ở vào giai đoạn sắp tàn lụi; quân nhà Minh định rút xuống ngả Lạng Sơn, Cao Bằng nên nhà Trịnh phải huy động một số đông binh lính. Nguyên việc phòng thủ biên thuỳ Việt –Hoa vào đầu năm 1651, Trịnh Tráng đã gửi lên đó 160.000 quân4. Vậy nếu theo con số 335.000 quân trong thời loạn của Đàng Ngoài như ta vừa thấy trên đây và cứ tính độ 10 hoặc 15 người dân có một người lính, thì tổng số Đàng Ngoài giữa thế kỷ XVII có thể là từ 3.350.000 đến 5.125.000. Đó chỉ là một cuộc ước tính, lại dựa trên một con số quân ước lượng do Marini ghi lại, nên cũng chẳng có nhiều giá trị.

Nhiều người Tây phương ở Đàng Ngoài vào thế kỷ XVII, khi nói dân số xứ này, đều cho là “rất đông đúc”5 và “điều làm cho các lân bang phải kính nể sợ hãi uy quyền của chúa Trịnh là nhờ có số dân rất đông đảo sống trong 7 xứ và biết phục tùng chúa”6. Ông Marini còn ca tụng đất đai phì nhiêu của Đàng Ngoài, khi nhìn vào số đông dân cư dưới quyền chúa Trịnh: “Số dân đông đúc vô kể sống trong vương quốc này, chứng tỏ đất đai màu mỡ sản xuất tất cả những gì cần thiết cho con người. Dân xứ này không phải chỉ sống sơ sài, vừa vừa, nhưng là no đủ, dư dật, vì họ chỉ rời mâm cơm khi nào không thể ăn được nữa. Thường thường mỗi ngày họ ăn bốn bữa lớn”7. Gaspar d’Amaral là người Bồ Đào Nha sống ở Đàng Ngoài từ 1629-1638, ngày 31-12-1632 viết một bảng tường trình bằng tiếng bĐàng Ngoài, cũng ghi một cách tổng quát là dân cư ở Kẻ Chợ và trong toàn xứ Đàng Ngoài đông đúc vô kể.8

Khi viết về Thăng Long, tất cả những người phương Tây trên đây cũng hết lời ca tụng số dân đông đúc sống trong một thủ đô sầm uất và rộng rãi. Ngay Cardim một người Bồ Đào Nha tới Thăng Long ngày 15-3-1631, đã ghi rõ là mỗi chiều của thủ đô đo được 5 dặm Bồ Đào Nha và có nhiều dân cư 9. Sau này, giáo sĩ Richard, một người Pháp tuy không ở Thăng Long bao giờ, nhưng dựa vào tài liệu của Charles-Thomas de Saint Phalle, đã viết như sau: “Kẻ Chợ rộng bằng thành phố Ba Lê10 và ít đứng ngang hàng với các thành phố lớn nhất Á châu, nhưng một điều đặc biệt là, không một thành phố nào đông dân như Kẻ Chợ, khi ở đây có các chợ phiên vào ngày 1 và 15 mỗi tháng âm lịch”11. Riêng Marin ghi nhận là Kẻ Chợ có 72 khu phố và mỗi khu phố cũng rộng bằng một thành phố trung bình của Ý12. William Dampier đến Đàng Ngoài năm 1688 cũng ước lượng Kẻ Chợ có tới 20.000 nóc gia13, dựa vào tài liệu này, ông Crawfurd cho rằng cuối thế kỷ XVII, Kẻ Chợ ít ra cũng được 200.000 dân. Kẻ Chợ rất đông dân, nhất là vào ngày chợ phiên 1 và 15 mỗi tháng dân chúng khắp nơi ùn ùn đổ về đây buôn bán. Trong những ngày ấy, thủ đô đông nghẹt người qua kẻ lại, muốn tiến được một quãng đường phải mất khá nhiều thời giờ14. Riêng Richard lại quyết đáp mạnh hơn, nên dám viết: “Phải mất một nửa giờ, mới có thể tiến được 100 bước”15. Vì thế khi có chợ phiên, dân số Kẻ Chợ tăng lên tới một triệu người!16

Mớ sử liệu trên đây của người Tây phương chỉ cho chúng ta hiểu được một cách tổng quát là dân chúng Đàng Ngoài rất đông, đặc biệt dân cư tại thủ đô Thăng Long, nhưng không có con số nào đích xác.

Riêng sử liệu Việt Nam càng thiếu xót về dân số Đàng Ngoài thế kỷ XVII, ngay số dân đinh thời đó là bao nhiêu cũng không được ghi lại. Thử mở một cuốn sử tương đối có giá trị như Đại Việt sử ký toàn thư, tác giả cũng chẳng viết gì về số dân đinh và dân cư Đàng Ngoài thế kỷ XVII. Trong tập Lịch sử nước Annam soạn bằng chữ quốc ngữ năm 1659, ông Bentô Thiện kể rất rõ ràng về các xứ, phủ, huyện, xã, động, sách, trại, chu, nhưng không ghi lại tổng số dân cư, cả đến số dân đinh cũng không có. Cuối tập này, tác giả còn viết thêm: “Cả và thiên hạ năm mươy mốt phủ, một trăm bải mươy hai huịen, bốn mươy tám chu, bải nghìn chín trăm tám mươy bải xã”.17

Cũng may chúng ta có thể dựa vào tài liệu sau đây để hiểu biết gián tiếp tình trạng dân số thế kỷ XVII của Đàng Ngoài:

Năm thứ 9 Vĩnh Thịnh, tức năm 1713, người ta đã ghi lại Đàng Ngoài có 306.311 suất, căn cứ theo các loại ruộng:

Nội vi tử                           :           64.267 xuất rưỡi

Âu lộc và ngụ lộc               :           20.038 suất rưỡi

Chế lộc                             :           86.851 suất

Tạo lệ                               :             8.892 suất

Kị sự                                :           26.262 suất

Cộng                206.311 suất18

Mỗi suất gồm 10 đinh,tức là có 2.063.110 đinh. Nếu trung bình cứ 5 người dân có một đinh, như vậy sẽ được 10.315.559 dân trong toàn xứ Đàng Ngoài vào năm 1713. Con số này cũng không chênh lệch bao nhiêu nếu thử áp dụng vào cuối thế kỷ XVII. Thực ra số dân được ước lượng trên đây có phần quá lớn! Dù vậy, qua các loại ruộng ta vừa thấy, có thể hiểu được cách gián tiếp và mù mờ về tổng số dân đinh và dân cư Đàng Ngoài thế kỷ XVII.

Tài liệu về dân số thời đó hiếm như thế, làm sao các nhà dân số học có được một bảng thống kê dân số Đàng Ngoài thế kỷ XVII? Tổng số dân cư cũng không biết, thì làm sao có thể phân loại được: bao nhiêu người làm quan văn, võ, đi lính, các binh chủng, số người làm ruộng, làm muối, khai mỏ, nung gạch, làm đồ gốm, làm giấy, thợ rèn, thợ đúc, thợ kim hoàn, thợ mộc, số học trò, số thầy đồ v.v… Hơn nữa, cũng chẳng có thể biết được mỗi loại tuổi và phải tính có bao nhiêu người v.v…

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *