Tại sao tình trạng dân số Đàng Ngoài thế kỷ XVII mập mờ như thế? Có phải nhà cầm quyền không thiết gì đến việc tăng dân số, hoặc không cần để ý đến số dân cư, nên vua Lê chúa Trịnh đã chẳng nắm được trong tay tổng số dân của các ngài.
Trước hết chúng ta cần biết rằng, hầu hết các dân cư Đàng Ngoài thời ấy sống bằng nông nghiệp, kể cả một số thương gia ở các thành thị lớn như Thăng Long, Phố Hiến cũng đặt nặng vấn đề làm ruộng. Sống trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, người ta luôn luôn cầu mong có thêm dân để lấy nhân công canh tác. Hơn nữa, bất cứ gia đình nào thời ấy đông con nhiều cháu, đều được coi là hạnh phúc. Vì thế ba chữ phúc, lộc, thọ nhan nhản khắp nơi, nhất là được đề cao trong ngày đầu xuân. Chính chúa Trịnh Tạc cũng khuyến khích dân chúng sinh nhiều và thưởng cho người sống lâu. Hồi tháng 9 Bính Ngọ, năm thứ 4 Cảnh Trị (1666), Trịnh Tạc đi kinh lý đến cửa biển Diêm Hộ, huyện Thuỵ Anh, thăm hỏi các bô lão trong dân, thưởng cho người 80 tuổi trở lên mỗi người 3 quan tiền, 70 tuổi trở lên, 2 quan tiền18. Đàng khác chúa Trịnh Tráng cũng như Trịnh Tạc cần có đông dân để lấy lính đi đánh Đàng Trong và phòng thủ biên thuỳ, nên luôn luôn muốn dân số tăng thật mau lẹ. Nói cách chung, thì nhà cầm quyền cũng như dân chúng, kể cả người khố rách áo ôm, cũng ước muốn con đàn cháu đống, chứ không khi nào nghĩ đến việc hạn chế sinh sản vì lý do kinh tế, giáo dục hay bất cứ lý do nào.
Nhưng việc kiểm soát dân số Đàng Ngoài thế kỷ XVII ra sao? Thật ra thời đó không bao giờ đặt vấn đề kiểm soát và làm thống kê dân số. Nhà cầm quyền chỉ cần biết đến sổ đinh của các xã, hầu bắt dân đinh nộp thuế, đi lính v.v… còn số đàn bà con trẻ dưới 18 tuổi và người lớn từ 60 tuổi trở lên không cần biết. Nhưng tổng số dân đinh trong nước bao nhiêu, lại cũng thuộc bí mật quốc phòng; rất ít quan cao cấp ở triều Lê phủ chúa biết. Không khi nào nhà nước công bố số dân đinh trong nước, vì sợ ngoại quốc, nhất là người Trung Hoa biết, thì họ ước lượng theo số dân đinh mà đoán được số binh lính và tiền của trong xứ. Đó là mối nguy hại cho quốc gia. Đàng khác nói cho đúng ra, thời ấy chỉ có Cai Xã biết rõ số dân đinh trong xã mình. Vì thường thường, khi trình sổ đinh lên cấp trên, Cai Xã chỉ khai chừng 2 phần 3, nghĩa là ẩn lậu tới 1 phần 3 số đinh (loại này gọi là lậu đinh), để bớt phải đóng thuế, sưu dịch…; và nhỡ ra khi có nhiều dân đinh trong xã chết, thì họ có số lậu đinh dự trữ, mỗi khi cấp trên đòi hỏi. Nhất là từ năm 1669, khi quan Tham tụng Phạm Công Trứ xin đặt ra phép bình lệ19, tức làm sổ hộ tịch nhất định một lần thay vì 6 năm một lần, sinh thêm cũng không tính, chết đi cũng không trừ, thì các Cai Xã càng giấu số đinh trong xã mình. Vì vậy, nhà cầm quyền cũng chẳng biết rõ tổng số dân đinh thật sự. Đấy là những lý do quan trọng nhất trong việc bí mật số đinh và cũng vì thế mà ngày nay chúng ta không có con số dân đinh rõ rệt của Đàng Ngoài vào thế kỷ XVII.
Còn về vấn đề tổng số dân cư Đàng Ngoài vào thế kỷ XVII, nhà cầm quyền cũng như dân chúng không bao giờ có thể biết rõ, vì chẳng khi nào làm sổ kiểm tra toàn dân, ngay sổ khai sinh, khai tử, hôn thú cũng chẳng có (sổ khai sinh, hôn thú và khai tử mới được lập ở Nam Kỳ năm 1883, Bắc Kỳ năm 1931, và Trung Kỳ năm 1936). Thời ấy dầu không có các sổ trên đây, nhưng một người vừa được sinh ra, vừa mới chết hoặc lập gia đình, người trong thôn ấp đều biết cả, vì họ cư ngụ ở đó lâu và vì cơ cấu nông nghiệp, việc di chuyển và đổi nơi cư trú cũng rất ít. Thật ra vào thế kỷ XVII ngay các nhà cầm quyền ở Âu Châu cũng không tổ chức sổ khai sinh khai tử, hôn thú, tuy nhiên các họ đạo Công giáo ở Tây phương lại có sổ rửa tội, hôn phối và sổ nhân danh, nên người Âu châu có thể căn cứ vào đó mà biết khá đúng về tình hình dân số, mặc dầu phải gặp rất nhiều khó khăn.
Qua mấy dòng trên, chúng tôi đã trình bày tổng quát về những lý do và trạng thái mờ tối về dân số và dân đinh ở Đàng Ngoài thế kỷ XVII. Ngoài ra chúng tôi cũng nói qua những lý do thúc đẩy dân chúng cũng như nhà cầm quyền lúc ấy luôn luôn muốn tăng dân số. Đối với họ, tăng miệng ăn thì cũng lại tăng người làm việc, sản xuất, một nước đông dân là một nước giàu có và hùng cường, đâu có sợ thiếu hụt. Do đấy quan niệm kế hoạch hóa gia đình như ngày nay theo tinh thần của nhà kinh tế học Anh quốc Thomas Robert Malthus (1766-1834) lúc đó không thể có được.