Trong những ngày gần đây quan sát trên báo chí tôi thấy có nhiều vấn đề mà người ta quan tâm nhưng trong đó nổi bật lên hai vấn đề dường như trái chiều đó chính là sự “ca ngợi” của báo chí đối với cuộc viếng thăm của tổng thống Obama, đặc biệt là bài phát biểu của ông trước 2000 tri thức trẻ và sự bất bình của dư luận trước vấn đề môi trường. Tôi tự hỏi tại sao lại có sự khác biệt này, hai vấn đề, hai cách phản ứng nhưng chung một nền tảng, nền tảng đó thuộc về giá trị, lợi ích cốt lỗi.
- Thừa nhận nền tảng chung
Chắc chắn sẽ có nhiều lý do đưa đến việc báo chí “ca ngợi” bài phát biểu của ông Obama. Tuy nhiên một trong những điều làm nên sự thành công của của bài phát biểu là nó đã đụng chạm đến những điều mà người Việt Nam cần đó là vấn đề: chủ quyền, tự do, tôn trọng, hợp tác, đối thoại. Vấn đề chủ quyền có liên quan đến vấn đề giá trị của sự sống, sự hiện hữu, tăng trưởng. Khi ta nói: “Sông núi nước Nam vua Nam ở. Rành rành định phận ở sách trời” chắc chắn tác giả không chỉ đơn thuần muốn nói đến cương thổ nhưng muốn ám chỉ đến một chủ thể sống. Chủ thể đó có giá trị, đang hiện hữu, sinh trưởng và phát triển. Khi nói như thế, tác giả cũng gián tiếp khẳng định giá trị tự nội nơi sự sống và phẩm giá của con người. Nếu “sông núi” không gắn với một chủ thể hiện hữu và không có giá trị tự thân thì những con người hiện hữu trên mảnh đất đó đâu có đổ xương máu ra để bảo vệ. Vả lại chủ thế đó luôn gắn với những quyền căn bản: quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc như trong bản tuyên ngôn của Mỹ đã đề cấp. “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo Hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Nói cách khác khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một đất nước cũng nhằm thừa nhận những giá trị phổ quát làm chuẩn mực và làm quy tắc cho sự ứng xử.
Chuẩn mực chung đó chính là phẩm giá, bình đẳng, công bằng và tôn trọng. Không thừa nhận phẩm giá nơi con người khó có thể nói đến sự bình đẳng, công bằng và tôn trọng. Bởi vì có chung phẩm giá nên không thừa nhận sự phân biệt, vì chung chia sự sống nên cần đối xử công bằng, vì thừa nhận giá trị nơi mình và mong muốn mình được tôn trong nên cần phải tôn trọng người khác. Như thế, “việc thừa nhận phẩm giá vốn có, các quyền bình đẳng và không thể tách rời của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là cơ sở cho tự do, công bằng và hoà bình trên thế giới“. Cũng trong ý hướng đó, “sự coi thường và xâm phạm các quyền con người đã dẫn đến những hành động tàn bạo xúc phạm tới lương tâm nhân loại, và việc xây dựng một thế giới trong đó con người được tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, không còn phải chịu nỗi sợ hãi và nghèo khổ cùng cực, được coi là khát vọng cao nhất của loài người.” (TUYÊN NGÔN NHÂN QUYỀN QUỐC TẾ, 1948, Lời Mở Đầu).
Như thế vấn đề chủ quyền, tôn trọng, đối thoại và hợp tác thực chất là vấn đề về phẩm giá và vấn đề nhân quyền, vấn đề của chuẩn mực và quy tắc ứng xử phổ quát. Vấn đề trật tự thế giới cần phải đặt nền trên những quy tắc và chuẩn mực nhất định. Trong bài phát biểu của mình, Obama có đề cập: “Thấy rằng trật tự thế giới làm nền tảng cho an ninh chung của chúng ta được hình thành dựa trên những quy tắc và chuẩn mực nhất định. Các quốc gia đều có chủ quyền, bất luận quốc gia đó lớn hay nhỏ, chủ quyền của họ phải được tôn trọng, và lãnh thổ của họ không nên bị xâm phạm.” Việc thừa nhận các quốc gia có chủ quyền và không bị xâm phạm cũng đồng thời thừa nhận giá trị tự nội của con người bởi vì như đã nói quốc gia gắn với một chủ thể sống, có ý chí, lý trí, gắn với sự tự trị và những quyền cơ bản.
Những quyền cơ bản ‘được hầu hết các bản tuyên ngôn thừa nhận, “Tạo Hóa” đã cho họ những quyền đó, quyền sống, tự do, bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc. Chỉ khi những quyền căn bản của con người được thừa nhận và đi vào thực tiễn trong văn hóa và làm nền tảng cho việc chọn lựa, ứng xử cộng đồng đó mới phát triển, điều này không chỉ đúng ở Việt Nam mà nơi hầu hết các quốc gia văn minh. “Chúng tôi cho rằng bình đẳng giới là một nguyên tắc quan trọng…, cộng đồng, và các quốc gia đều thịnh vượng hơn khi trẻ em gái và phụ nữ có cơ hội ngang bằng để thành công ở trường học và ở nơi làm việc và trong chính phủ. Điều đó đúng ở mọi nơi và điều đó đúng ở Việt Nam.” Việc tự do biểu đạt, ngôn luận, báo chí, hội họp là động lực cho sự phát triển. Tự do biểu đạt thúc đẩy việc tự do “chia sẻ ý tưởng sáng tạo“, tự do ngôn luận giúp những người “lãnh đạo buộc phải có trách nhiệm và xây dựng niềm tin cho người dân“, tự do hội họp giúp lãnh đạo “giải quyết tốt những thách thức mà nhóm nhỏ không thể tự giải quyết được“. Như thế quyền, tự do và hợp tác không phải là gọng kìm hạn chế sự phát triển nhưng là “cơ hội thực sự và thịnh vượng” cho sự phát triển của một quốc gia.
- Giá trị thứ yếu và cốt yếu, tư lợi và phổ quát, quan niệm về phẩm giá con người và Đấng Tuyệt Đối.
Xã hội chỉ thực sự ổn định và phát triển khi được xây dựng trên những nguyên tắc nền tảng mà trong đó sự sống và những quyền căn bản của con người được tôn trọng, thừa nhận mối liên đới, phụ thuộc và bổ trợ giữa mọi thành phần. Ngược lại cuộc khủng hoảng xã hội và môi trường có thể trước hết là cuộc khủng hoảng về niềm tin, giá trị. “Chúng ta đang phải đối diện không phải với hai cuộc khủng hoảng riêng biệt, một cuộc khủng hoảng môi trường và một cuộc khủng hoảng xã hội, nhưng đúng hơn là với một cuộc khủng hoảng phức tạp cả về môi trường lẫn xã hội” (LS 141). Nói cách khác đằng sau cuộc khủng hoảng về môi trường là cả một quan niệm về con người và Thượng Đế. “Con người là thước đo của vạn vật” hay là kẻ “sáng tạo thế giới theo quy luật của cái Đẹp?” Nói cách khác chủ thể đó “định hình” thế giới hay được “nhấc bổng” lên cao theo quy luật “phổ quát và tất yếu”. Con người được đối xử như là “mục đích hay như là phương tiện”. Vả lại, đằng sau một cuộc khủng hoảng, môi trường, xã hội là cuộc khủng hoảng về niềm tin, một quan niệm về Thượng Đế và ngẫu tượng. Có lẽ nếu một tập thể thừa nhận một vị ” Cha chung” và coi người khác là anh chị em có lẽ tập thể đó sẽ “bao dung” hơn. Còn nếu tập thể đó “tôn thờ tiền bạc và trong sự độc tài của kinh tế đa diện, không mục đích nhân bản” (EG, 55) có lẽ tập thể đó sẽ ít bao dung hơn. Câu nói của Chúa Giêsu “xem quả thì biết cây” (Mt 7, 20) quả là không sai! Xem kết quả của cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ cho thấy giá trị, nền tảng, quan niệm về con người và Thượng Đế mà tập thể đó lựa chọn. Khi nhận định điều này tôi không muốn phê bình hay chỉ trích như một kẻ đứng ngoài cuộc đời quan sát bàng quan nhưng tôi tin rằng nơi biết bao con người đang hiện diện trên cuộc đời này vẫn đang khao khát sống, tự do và hạnh phúc. Đâu đó trong sâu thẳm của con người “ý chí hùng cường” và sức sống “nội sinh” vấn đang tuôn chảy. Tôi biết rằng đâu đó trong cuộc đời này vẫn có một “Tiếng Gọi” mời gọi tôi và tha nhân hay sống tử tế hơn, bao dung hơn, quảng đại hơn. Ngọn suối trong dù len lỏi qua bao thác ghềnh cũng tìm về biển lớn, những hạt mầm dù dập dìu mưa nắng vấn hướng về Ánh Dương.
Hòa Minh