NHẬN ĐỊNH VỀ CHUYẾN TÔNG DU BA NƯỚC CHÂU MỸ LATINH CỦA ĐTC
VATICAN. Chiều thứ hai, 13.07 vừa qua, ĐTC đã về đến Roma bình an, kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm mục vụ dài 8 ngày tại 3 nước Nam Mỹ: Ecuador, Bolivia và Paraguay. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, đánh giá rất tích cực cuộc viếng thăm vừa qụa của ĐTC tại Nam Mỹ, như một sứ điệp hy vọng mạnh mẽ cho toàn thể các dân tộc Mỹ châu la tinh. Cha Lombardi cũng lưu ý sự kiện 3 nước Nam Mỹ được ĐTC viếng thăm là những nước đang sống trong thời điểm khó khăn của lịch sử, một thời kỳ chuyển tiếp, tuy tốt đẹp hơn so với quá khứ, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề trầm trọng cần vượt qua, như nghèo đói, bất công, nhiều người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Cũng trong cuộc phỏng vấn, LM giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, nhắc lại ý tưởng chỉ đạo cuộc viếng thăm của ĐTC tại 3 nước Nam Mỹ là niềm vui được loan báo Tin Mừng. Sau cùng, Cha Lombardi nhận định rằng: ĐGH thực hiện cuộc viếng thăm này với nhiều vất vả, nhưng với một sức mạnh, một lòng can đảm.
NHÀ NƯỚC TIỆP TRẢ TÀI SẢN CHO GIÁO HỘI
PRAHA. Sau 2 năm thương thuyết, Nhà Nước Tiệp và Giáo Hội Công Giáo tại đây đã đạt tới thỏa thuận về việc trả lại cho Giáo Hội các tài sản đã bị Nhà Nước cộng sản Tiệp Khắc trước kia tịch thu. Thỏa hiệp đã được Tổng thống Milos Zeman và ĐHY Dominik Duka, TGM thủ đô Praha, Chủ tịch HĐGM Tiệp, ký kết hôm 16.07 vừa qua. Theo văn kiện này, Đan viện cổ kính thánh Giorgio và ngôi trường mới thuộc Đan viện sẽ được trả lại cho Giáo Hội trước cuối tháng giêng năm tới 2016. Hai cơ sở lịch sử này tọa lạc ở khu lâu đài Praha. Ngoài ra, hiệp định tái xác nhận tòa nhà thứ hai được Giáo Hội cho nhà nước thuê trong 99 năm. Vẫn theo thỏa hiệp, Giáo Hội cam kết sẽ tu bổ trong vòng 5 năm Đan viện thánh Giorgio và trường học mới của Đan viện đang ở trong tình trạng sa xút, và sẽ mở cửa cho công chúng được thăm viếng. Người ta không rõ Giáo Hội lấy tiền ở đâu để tiến hành việc tu bổ vừa nói, được ước lượng vào khoảng 12 triệu Euro.
HĐGM KENYA CHỐNG ÁP LỰC NHẬN HÔN NHÂN ĐỒNG PHÁI
NAIROBI. HĐGM Kenya chống áp lực từ nước ngoài đòi nước này phải chấp nhận hôn nhân đồng phái. Vấn đề này được nêu lên và tranh luận trong dư luận tại Kenya nhân dịp Tổng thống Barack Obama của Hoa Kỳ sẽ đến viếng thăm Kenya từ ngày 24 đến 26.07 tới đây. Đức Cha Philip Anyolo, GM giáo phận Homa Bay, Chủ tịch HĐGM Kenya, nói với hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ rằng:“Tuy các GM chào mừng cuộc viếng thăm của Tổng thống Mỹ, nhưng Giáo Hội có sứ mạng ngôn sứ phải bảo vệ hôn nhân thánh thiêng mà Kinh Thánh đã dạy rõ ràng là giữa một người nam và một người nữ”. Phó Tổng thống William Ruto của Kenya tuyên bố tại một xứ đạo ở thử đô Nairobi hôm 05.07 vừa qua rằng đồng tính luyến ái là điều trái ngược với kế hoạch của Thiên Chúa. Ông cho biết sẽ chống lại toan tính của tổng thống Obama và các vị lãnh đạo khác ép buộc Kenya phải ban hành luật công nhận hôn nhân đồng phái. Tại hầu hết trong số 54 quốc gia Phi châu, những người đồng tính luyến ái, nam hay nữ, những người lưỡng tính, đổi giống, thường phải giấu kín các xu hướng tính dục của họ vì sợ bị bách hại hoặc bị truy tố.
CÔNG GIÁO NEPAL KỀU GỌI LẬP HIẾN PHÁP TRUNG LẬP TÔN GIÁO
KATHMANDU. Giáo Hội Công Giáo tại Nepal kêu gọi ban hành hiến pháp mới xác định quốc gia này trung lập về tôn giáo. Trong những ngày qua, chính quyền Nepal và 601 đại biểu quốc hội lập hiến đã phổ biến 200 ngàn dự thảo hiến pháp để tham khảo ý kiến nhân dân và hy vọng Hiến pháp mới sẽ được thông qua vào đầu tháng 8 tới đây. Mặc dù dự thảo có một điều khoản bảo đảm tự do tôn giáo, nhưng các nhóm Ấn giáo chiếm đa số đang vận động để hiến pháp Nepal nhìn nhận nước này là một quốc gia Ấn giáo. Hôm 12.07 vừa qua, Đức GM đại diện Tông Tòa ở Nepal đã gửi một giác thư đến các đảng chính trong liên minh cầm quyền để kêu gọi nhìn nhận đặc tính “đời” của Nhà Nước ngay trong lời mở đầu của Hiến Pháp, để bảo đảm hoàn toàn tự do tôn giáo, đồng thời giác thư cũng yêu cầu chính quyền Nepal nhìn nhận Kitô như một tôn giáo tại nước này. Trong số 30 triệu dân ở Nepal, chỉ có khoảng 10 ngàn tín hữu Công Giáo, họp thành một hạt Đại diện Tông Tòa do Đức Cha Paul Simick coi sóc.
CÔNG GIÁO BURKINA FASO GIÁO DỤC DÂN CHỦ
OUAGADOUGOU. Giáo Hội Công Giáo tại Burkina Faso bên Phi châu đã phát động một chương trình huấn luyện các huynh trưởng giới trẻ, luật sư và giáo chức trong việc xây dựng hòa bình, bất bạo động, quyền công dân và dân chủ. Đức Cha Justin Kientega, GM giáo phận Ouahigouya, Chủ tịch tổ chức Caritas của Giáo Hội địa phương, cho biết chương trình giáo dục này cũng giúp chuẩn bị cuộc tổng tuyển cử vào ngày 11.10 năm nay những cũng sẽ kéo dài cho đến năm 2017. Tuyên bố hôm 14.07 vừa qua, Đức Cha Justin nói: “Dự án của chúng tôi biểu lộ ý chí của Giáo Hội, là gia đình của Thiên Chúa tại Burkina Faso, trong việc hỗ trợ tiến trình bình thường hóa, qua sự đóng góp vào các cuộc bầu cử dân chủ, minh bạch và an bình”. Đức Cha Kientaga cho biết Giáo Hội sẽ chuẩn bị các chương trình phát thanh và truyền hình phò dân chủ, và bố trí 650 quan sát và giám sát viên để theo dõi các cuộc bầu cử tới đây.
HĐGM HY LẠP PHÊ BÌNH THỦ TƯỚNG TSIPRAS
ATHÈNES. HĐGM Công Giáo Hy lạp mạnh mẽ phê bình chính phủ của thủ tướng Alexis Tsipras. Tuyên bố với hãng tin SIR của HĐGM Italia, truyền đi hôm 13.07 vừa qua, Đức TGM Frangislos Papamanolis, Chủ tịch HĐGM Hy Lạp, nói rằng “6 tháng sau khi đảng Syriz thắng cử là thời gian bị uổng phí. Chính phủ Hy Lạp không hiểu tình hình.. Giờ đây mọi người Hy Lạp phải học biết thêm về làm việc và làm kinh tế”. Ngài bày tỏ hy vọng cuộc thương thảo giữa Hy Lạp và các nước Âu Châu sớm được kết thúc. Ngài nhắc lại sự kiện Ông Tsipras đã thắng cử với những lời hứa mà ông không thi hành được. Hôm 13.07 vừa qua, Hy lạp và 18 nước Âu Châu đã thỏa thuận với nhau tại Bruxelles thủ đô Vương quốc Bỉ về một kế hoạch cứu vãn nước này, với một ngân khoản 86 tỷ Euro trong vòng 3 năm. Đối lại Hy Lạp phải cam kết cải tổ hệ thống hưu bổng và thuế khóa. Trong số 11 triệu dân ở Hy Lạp, hầu hết theo Chính Thống giáo và chỉ có 140 ngàn tín hữu Công Giáo.
TOÀ THÁNH ỦNG HỘ THOẢ HIỆP NGUYÊN TỬ CHO IRAN
VATICAN. Ngày 14.07 vừa qua Linh Mục Federico Lombardi giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh cho biết Toà Thánh ủng hộ thỏa hiệp về vũ khí nguyên tử Iran. Thông cáo viết rằng đây là một kết quả quan trọng của các thương thuyết đã diễn ra cho tới nay. Tuy nhiên nó đòi hỏi việc tiếp tục cố găng và dấn thân của tât cả mọi người để có thể mang lại kết qủa tốt. Và cầu mong các kết quả đó không chỉ hạn chế trong lãnh vực của chương trình nguyên tử, mà cũng nới rộng ra trong các chiều hướng khác nữa.
THƯ ĐTC NHÂN DỊP 200 NĂM SINH NHẬT THÁNH BOSCO
VATICAN. ĐTC cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban thánh Gioan Bosco như một hồng ân cho Giáo Hội và ngài khích lệ các con cái thánh nhân sống những đặc tính thiết yếu trong gia sản tinh thần của thánh Bosco. Trên đây là nội dung thư ĐTC Phanxicô gửi đại gia đình dòng Salesien, qua trung gian cha Ángel Fernandez Artime, Bề trên Tổng quyền dòng Salesien Don Bosco, nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhật của thánh Tổ Phụ. Thư của ĐTC đề ngày 24.06 vừa qua và được công bố hôm 16.07 tại Roma. ĐTC nhận xét rằng “Ngày nay gia đình dòng Salesin cũng đang cởi mở hướng về những biên cương mới trong lãnh vực giáo dục và truyền giáo”. ĐTC nhắc nhở cho gia đình dòng Salesien hãy làm cho tinh thần sáng tạo theo đoàn sủng của mình được tái triển nở trong và ngoài các cơ sở giáo dục của dòng, với lòng tận tụy tông đồ, đặt mình trên những con đường của người trẻ, nhất là những người trẻ ở các khu vực ngoại ô.
NGÂN SÁCH 2014 CỦA TÒA THÁNH BỊ HỤT 25,6 TRIỆU EURO
VATICAN. Trong năm 2014, ngân sách của Tòa Thánh bị thiếu hụt 25 triệu 600 ngàn Euro. Theo thông cáo do Hội đồng Hồng Y về kinh tế công bố hôm 16.07, con số thiếu hụt trên đây gần với số thiếu hụt trong năm 2013 trước đó, là 24 triệu 400 ngàn Euro. Số tiền do các giáo phận và dòng tu đóng góp cho Tòa Thánh trong năm ngoái là 21 triệu Euro và Viện Giáo Vụ quen gọi là ngân hàng Vatican góp 50 triệu Euro. Phần lớn số chi trong ngân sách Tòa Thánh là để trả lương cho 2.880 nhân viên với 126 triệu 600 ngàn Euro. Trong năm ngoái, ngân sách của Phủ Thống đốc quốc gia thành Vatican dư được 63 triệu 519 ngàn Euro, tức là nhiều hơn gần 30 triệu Euro so với sô dư của phủ này trong năm 2013 là 33 triệu 42 ngàn Euro. Phủ Thống quốc quốc gia thành Vatican có 1.930 nhân viên, và phân lớn số thu đến từ bảo tàn viện Vatican và sô tiên dầu tư thuận lợi.
Tổng hợp và biên tập: Jos.Nguyễn Tiến Khải, SJ