ĐỨC THÁNH CHA TẶNG TRỨNG PHỤC SINH
ROMA. Nhân dịp lễ Phục Sinh, Đức Thánh Cha đã tặng trứng Sôcôla Phục Sinh cho 150 trẻ em đang điều trị tại bệnh viện nhi đồng ở Rôma.
Bệnh viện này vẫn được gọi là “Bệnh viện của Đức Giáo Hoàng”. Vị Giáo Hoàng đầu tiên đã tới thăm bệnh viện là Đức Gioan 23, rồi đến Phaolô 6, Gioan Phaolô 2, Biển Đức 16. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm bệnh viện này vào ngày 21.12 năm ngoái.
KÊU GỌI HÒA BÌNH Ở NAIROBI
NAIROBI. Đức Hồng Y John Njue, Tổng Giám Mục Nairobi kêu gọi mọi lực lượng chính trị xã hội Kenya bảo đảm an ninh, tôn trọng các quyền con người, không kỳ thị tôn giáo, bộ tộc hay chủng tộc. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc họp báo tại Nhà Thờ Các Thánh tại thủ đô Nairobi.
Trong những ngày vừa qua, nhiều vụ ám sát đã xảy ra do các thành phần của lực lượng Shabaab Sômali chủ mưu, khiến cho quân đội phát động chiến dịch truy lùng các tay khủng bố. Các cuộc truy lùng này đã khiến cho các tổ chức nhân đạo phản đối vì có thể gây nguy hiểm cho các người tị nạn và công dân Sômali sống bên Kenya. Từ ngày 4.4 đến nay, đã có 4000 người Sômali bị bắt giữ trong toàn nước Kenya, đặc biệt trong khu phố của người Somali ở thủ đô Nairobi. Sau khi bị giam tại các trại cảnh sát, một phần đã được trả tự do và có 82 người bị trục xuất.
MỜI GỌI SỐNG NIỀM VUI PHỤC SINH
MUMBAI. Đức Hồng Y Telesphore Toppo, Tổng Giám Mục Ranchi bên Ấn Độ đã mời gọi các tín hữu Công Giáo tại đây hãy làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh bằng cuộc sống và niềm tin của mình, đặc biệt dịp lễ Phục Sinh năm nay rơi vào đúng thời điểm diễn ra các cuộc tổng tuyển cử trong nước.
Ấn Độ là một nước đa dạng về các lĩnh vực. Số Kitô hữu chỉ chiếm 2,3% trong tổng số hơn 1 tỷ 100 triệu dân. Đức Hồng Y nói: “Chúng tôi có một sứ mệnh lớn phải chu toàn, đó là loan truyền niềm hy vọng giữa các anh chị em đau khổ tại Ấn Độ. Họ cũng được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa nên cũng có phẩm giá cao quý… Các Kitô hữu chúng tôi phải là chứng nhân cho điều đó trong cuộc sống riêng tư, trong gia đình và trong cộng đoàn.
SIRIA MỪNG LỄ PHỤC SINH TRONG LO ÂU VÀ ĐAU KHỔ
BAGHDAD. Đức TGM Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Siria chia sẻ rằng các tín hữu Công Giáo và Chính Thống đã cử hành lễ Phục Sinh trong cùng ngày thứ bảy 19.4, nhưng bầu khí vẫn giống như trong ngày khổ nạn. Hôm thứ Ba Tuần Thánh, một quả bom đã nổ trong sân trường tiểu học công giáo Armeni khiến cho nhiều trẻ em bị thương và một bé gái 9 tuổi cụt cả hai chân.
Tại Aleppo, tình hình chiến sự đã khiến cho nhiều cộng đoàn Kitô không thể cử hành các lễ nghi ngày thứ Năm Tuần Thánh. Những ngày sau đó, chiến tranh vẫn diễn ra khiến cho các nhà thờ, tu viện bị tàn phá và cướp bóc khắp nơi. Có nhiều vụ bắt cóc xảy ra và người ta không nhận được tin tức nào của họ. Trong số đó có hai Giám Mục chính thống bị bắt cóc từ 1 năm qua, một linh mục Công Giáo và một linh mục Chính Thống bị bắt cóc cách đây 14 tháng. Bắt cóc tại Siria đã trở thành một tệ nạn do các tổ chức tội phạm chủ mưu nhưng đôi khi cũng có mục đích chính trị.
CÁC TÍN HỮU ẤN GIÁO VÀ PHẬT GIÁO TẠI NEPAL CŨNG MỪNG LỄ PHỤC SINH
KATHMANDU. Cha Richard Rai, chánh xứ nhà thờ chánh tòa của thủ đô Kathmandu chia sẻ rằng các tín hữu Ấn giáo và Phật giáo tại Nepal cũng mừng lễ Phục sinh bằng cách gửi hàng ngàn điện thư chúc mừng Phục Sinh. Cha hy vọng rằng Phục Sinh sẽ trở thành lễ chung của tất cả mọi người và mọi cộng đoàn.
Ông Bishnu Kasaju, một trong các giám đốc hãng Telecom cho biết, thời gian này, người dân Nepal không kể tôn giáo gửi đến nhau những lời chúc mừng lễ Phục Sinh, nhiều đến nỗi các nhân viên không thể chuyển đi kịp. Mục sư Ishu Karki cũng kinh ngạc khi thấy chứng tá đức tin gia tăng giữa dân chúng và niềm hy vọng sứ điệp phục sinh có thể giúp dân chúng đương đầu và thắng vượt các vấn đề và các khổ đau của cuộc sống.
TÍN HỮU INDONESIA QUYÊN TIỀN GIÚP GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
JAKARTA. Các tín hữu thuộc mọi Giáo Hội Kitô tại Indonesia đã tham gia cuộc lạc quyên để tài trợ cho nhiều dự án khác nhau trong các cuộc lạc quyên để tài trợ cho nhiều dự án khác nhau trong các giáo phận toàn nước. Tổng Giáo Phận Jakarta đã phân phát cho mỗi gia đình một hộp nhỏ để đựng tiền đóng góp. Số tiền quyên được sẽ được dùng để tài trợ cho các dự án xã hội.
Indonesia có tới 86% dân theo Hồi Giáo. Tín hữu Kitô chiếm 5,7%, Công giáo 3%, Ấn giáo 1,8% và 3,4% theo tôn giáo khác. Tuy Hiến Pháp quy định những quyền tự do tôn giáo nhưng ngày càng có các vụ bạo động bất khoan nhượng gây căng thẳng. Tuy là thiểu số nhưng Giáo Hội Công Giáo đã dấn thân rất nhiều trong các lãnh vực xã hội và giáo dục.
CÁC GIÁO HỘI KITÔ SRI LANKA TĂNG CƯỜNG CHỐNG NẠN BUÔN NGƯỜI
COLOMBO. Hôm 17.4 vừa qua, trong cuộc họp kéo dài 4 ngày tại Colombo, thủ đô Sri Lanka, với sự tham dự của các đại diện các Giáo Hội Kitô thuộc nhiều quốc gia, đại diện Liên Hiệp Quốc, giới luật gia, và những người tranh đấu bênh vực nhân quyền, với chủ đề “Di dân và nạn buôn người: phải chăng đây là một hình thức nô lệ mới?”, các Giáo Hội Kitô đã đưa ra quyết tâm tăng cường nỗ lực chống nạn buôn người.
Trong dịp này, nhiều đại diện đã trình bày về nạn buôn người ở địa phương như Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc, Mêhicô, Malaysia, Hong Kong, Nhật Bản. Ông Yilikal Shiferaw Messelu, thuộc Giáo Hội Chính Thống Ethiopia cũng chia sẻ về nạn buôn người nơi những người du mục ở bán đảo Sinai. Đức Thánh Cha đã nhiều lần lên án tình trạng buôn người và gọi đây là “nạn nô lệ tân thời”.
NHIỀU KITÔ HỮU BỊ GIẾT HẠI TẠI NIGERIA
STRASBOURG. Kể từ lễ Giáng sinh năm ngoái cho đến nay, nghĩa là chỉ trong 4 tháng, đã có ít nhất 626 tín hữu Kitô bị giết tại Nigeria, nhiều hơn 14 người so với trọn thời gian năm ngoái 2013. Đây là thống kê mà tổ chức Portes Ouvertes vừa công bố hôm 18.4 vừa qua tại thành phố Straspourg, Pháp. Nhưng cũng theo tổ chức này, con số thực sự có thể còn nhiều hơn.
Nigeria cho đến nay vẫn là nước đứng đầu thế giới về con số tín hữu Kitô bị giết chết vì tôn giáo của mình. Phần lớn những vụ giết chóc này là do nhóm khủng bố Boko Haram thực hiện. Những vụ gần đây xảy ra vào ngày 8.3 tại Fota, ngày 14.4. Vụ ngày 14.4 đã làm 75 người chết và 141 người bị thương, 129 nữ sinh trường Chibok bị bắt cóc.
CHỐNG LẠI DỰ LUẬT PHÁ THAI
COLORADO SPRINGS. Hai nghị sĩ Andy Kerra và Jean Nocholson của tiểu ban này hôm 10.4 vừa qua đã xin nghị viện tiểu bang này coi việc phá thai là quyền cơ bản của con người.
Đức Cha Samuel Aquila TGM giáo phận Denver đã hướng dẫn 1 ngàn người ủng hộ sự sống, cầu nguyện bên ngoài trụ sở thượng viện, đồng thời kêu gọi mọi người thiện chí tại Colorado dành 10 phút cầu nguyện để dự luật này bị bác bỏ. Hôm 14.4, 3 GM thuộc 3 giáo phận ở bang Colorado cũng đã gửi thư cho các đại biểu nghị viện kêu gọi bỏ phiếu chống lại dự luật coi phá thai là một quyền cơ bản của con người.
VỀ NHỮNG CÚ ĐIỆN THOẠI RIÊNG TƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
VATICAN. Trong những ngày qua, báo chí ở Argentina cho biết là Đức Thánh Cha đã gọi điện cho một phụ nữ ly dị tái hôn ở nước này và cho được được xưng tội rước lễ. Nhiều người nghĩ rằng Đức Thánh Cha đã cho phép thay đổi giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến vấn đề tế nhị này.
Tuy nhiên, ngày 24.4 vừa qua, cha Lombardi, Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết những cú điện thoại kiểu này “xảy ra trong khuôn khổ các quan hệ mục vụ riêng của Đức Giáo Hoàng. Đó không phải là những hoạt động công khai của ngài nên không được chờ đợi những thông tin hoặc bình luận từ phía Phòng Báo Chí Tòa Thánh. Vì thế, cần tránh rút ra từ những cú điện thoại này những hệ luận liên quan đến giáo huấn của Giáo Hội.”
ĐTC CHỦ SỰ THÁNH LỄ TẠ ƠN NHÂN DỊP CHÂN PHƯỚC ANCHIETA ĐƯỢC PHONG THÁNH
ROMA. Vào lúc 18h ngày 24.4 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tạ ơn tại Nhà Thờ Thánh Inhaxiô Loyola ở Rôma nhân dịp chân phước San José de Anchieta, linh mục dòng Tên, được phong thánh theo nghi thức tương đương. Thánh nhân được mệnh danh là “Tông đồ của Brazil.”
Thánh Anchieta sinh trưởng tại Tây Ban Nha và qua đời năm 1597 lúc 54 tuổi. Cha là một nhà truyền giáo nhiệt thành, đã cống hiến khả năng để phục vụ các thổ dân ở Brazil trong 35 năm trời. Thánh lễ tạ ơn diễn ra với sự hiện diện của khoảng 9 Hồng Y, 30Giám Mục, hàng trăm linh mục, tu sĩ dòng Tên và nhiều giáo dân Brazil.
TÒA THÁNH CHÚC MỪNG CÁC TÍN HỮU PHẬT GIÁO
VATICAN. Nhân dịp lễ Vesak sắp tới của Phật giáo, Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn mời gọi tín đồ hai tôn giáo cùng cộng tác để xây dựng một thế giới hòa bình và huynh đệ hơn. Trong sứ điệp chúc mừng các tín hữu Phật Giáo, ĐHY Chủ Tịch Jean Louis Tauran và vị Tổng thư ký, cha Guixot chia sẻ rằng: “…chúng ta được mời gọi để trở thành những người chăm sóc, giúp đỡ tha nhân trong sự quảng đại vô vị lợi và là những người hòa giải, phá đổ những bức tường chia cách và thăng tiến một tình huynh đệ chân thực giữa các cá nhân và nhóm trong xã hội.”
Hội đồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn cũng khẳng định rằng: “Các bạn thân mến, để xây dựng một thế giới huynh đệ, điều tối quan trọng là chúng ta liên kết nỗ lực để giáo dục con người, đặc biệt là những người trẻ, để họ tìm kiếm và sống trong tình huynh đệ, cũng như có can đảm xây dựng tình huynh đệ.”
ĐTC TIẾP KIẾN 28 GM MIỀN NAM PHI
VATICAN. Ngày 25.4 vừa qua, Đức Thánh Cha đã dành buổi tiếp kiến cho 28 GM thuộc ba nước miền nam Phi Châu. Trong đó, ngài khích lệ các vị đương đầu với các thách đố về gia đình, sự giảm sút con số linh mục và tình trạng luân lý sa sút. Hội Đồng Giám Mục miền nam Phi Châu bao gồm các Giám Mục thuộc ba nước Nam Phi, Botswana và Zwaziland.
Các GM đã chia sẻ với ĐTC một số vấn đề khó khăn như các gia đình Công Giáo có ít con cái hơn và điều này cũng ảnh hưởng đến con số ơn gọi linh mục và tu sĩ; một số tín hữu Công Giáo chạy theo các nhóm giáo phái khác; các phụ nữ phá thai chịu nhiều chấn thương do hành động này; tỷ lệ ly dị cao, kể cả nơi các gia đình Kitô hữu khiến các trẻ em lớn lên trong môi trường gia đình không ổn định; tình trạng gia tăng nạn bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em.
Tổng hợp và biên tập: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ