ĐTC CỬ HÀNH THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC GIÁM MỤC Ở VATICAN
VATICAN. Chiều ngày 30.5 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ truyền chức Giám Mục cho Đức Cha Fabio Fabene, Phó Tổng Thư Ký Thượng HĐGM thế giới tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Hiện diện trong thánh lễ có hàng ngàn tín hữu cùng với hàng chục Hồng Y, Giám Mục và hơn 100 linh mục đồng tế.
Trong bài chia sẻ, Đức Thánh Cha nói đến nghĩa vụ của các Giám Mục là nối tiếp các thánh Tông Đồ trong việc rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và thánh hóa các tín hữu nhờ các bí tích đức tin. Ngài nhắn nhủ rằng đừng bao giờ để sự háo danh và kiêu ngạo xảy đến trong tâm hồn. Chức GM là danh xưng của một sự phục vụ, không phải là vinh dự vì Giám Mục có nhiệm vụ phục vụ hơn là thống trị. Giám Mục cần phải canh chừng chính mình và canh chừng dân Chúa.
ĐHY PAROLIN ĐI BA LAN
VATICAN. Hôm 31.5 vừa qua, ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã sang Ba Lan để viếng thăm trong vòng năm ngày nhân dịp kỷ niệm 25 năm tái lập quan hệ ngoại giao giữa Ba Lan và Tòa Thánh. Hôm Chúa Nhật ngày 1.6, ngài đã chủ sự thánh lễ tạ ơn tại thủ đô Varsava nhân sự kiện Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 được phong thánh và biến cố nước Ba Lan phục hồi được tự do năm 1989.
Thứ tư, ngày 4.6, ĐHY đã chủ sự thánh lễ nhân kỷ niệm đúng 25 năm cuộc bầu cử Quốc Hội bán tự do của Ba Lan. Sau đó, ngài đi thăm một số giáo phận. Cùng ngày, cũng có buổi lễ kỷ niệm chấm dứt chế độ cộng sản ở Ba Lan, với sự tham dự của Tổng Thống Mỹ Barack Obama, Tổng Thống Đức và nhiều đại diện các nước khác. Tòa Thánh và Ba lan đã tái lập quan hệ ngoại giao với nhau vào ngày 17.7.1989, sau 40 năm bị gián đoạn dưới thời cộng sản.
CHA PAOLO DALL’OGLIO BỊ GIẾT
BEIRUT. Theo thông cáo của Liên minh Siria bênh vực nhân quyền được đài truyền hình Al-Arabiya truyền đi và được báo L’Orient-Le-Jour ở Liban đăng tải ngày 30.5 vừa qua, cha Dall’Oglio, bị bắt tại tổng hành dinh của thủ lãnh nhóm Daech ngày 29.7 năm ngoái và trong một khoảng thời gian dài người ta không biết tung tích gì về cha, thực ra đã bị sát hại trong tù.
Cha Paolo Dall’Oglio đã hoạt động tại Siria lâu năm trước khi bị trục xuất. Cuối tháng 7 năm ngoái, cha trở lại Siria qua ngả biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và đi tới thành phố Raqqa, nơi có hơn 200 ngàn dân cư và là nơi các nhóm Thánh Chiến Hồi Giáo cực đoan từng bắt các nhiều nhân vật thuộc phe đối lập có khuynh hướng cấp tiến. Cha đến Raqqa vào ngày 28.7 và tham gia một cuộc biểu tình chống chế độ của tổng thống Assad vào ban tối cùng ngày. Ngày hôm sau, cha đến tổng hành dinh thì bị bắt.
ĐTC SẼ GẶP CÁC ĐẠI DIỆN CÁC TÔN GIÁO LỚN TẠI HÀN QUỐC
HÁN THÀNH. Hôm 29.5 vừa qua, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết các đại diện các tôn giáo lớn tại Hàn Quốc gồm Tin Lành, Viên Phật Giáo, Phật giáo Thiên Đạo, Khổng Giáo cũng như các đại diện của đạo dân tộc Triều Tiên sẽ tham dự cuộc gặp gỡ của ĐTC trong cuộc viếng thăm của ngài tại Hàn Quốc vào ngày 13 đến 18.8 năm nay.
Giáo Hội Công Giáo và 10 hệ phái Kitô khác ở Hàn Quốc đã đồng ý thành lập Ủy ban đức tin và cơ chế của các Giáo Hội Kitô Hàn Quốc để nghiên cứu, hoạt động và cầu nguyện với nhau nhằm tái đẩy mạnh việc loan báo Tin Mừng tại nước này. Hiệp định thành lập đã được đại diện của các Giáo Hội liên hệ ký kết hôm 22.5 vừa qua gồm Công Giáo, Chính Thống, Hội Đồng Giáo Hội Kitô Hàn Quốc, Giáo Hội Tin Lành trưởng lão, Methodist, Anh Giáo, Đạo Binh cứu độ, Giáo Hội Tin Lành đại hội của Thiên Chúa, Tin Lành Luther.
ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN CÁC GIÁM MỤC ZIMBABWE
VATICAN. Ngày 2.6 vừa qua, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến dành cho 8 Giám Mục nước Zimbabwe, nhân dịp các vị về viếng thăm Tòa Thánh và viếng mộ hai vị Tông Đồ Phêrô và Phaolô.
Trong bài chia sẻ, Đức Thánh Cha khuyến khích các Giám Mục Zinbabwe giúp các tín hữu phục hồi hy vọng giữa những khó khăn, đồng thời gia tăng các hoạt động loan báo Tin Mừng. Ngài cũng nhắc nhở các Giám Mục hãy quan tâm cách đặt biệt đến các tân linh mục và tăng cường việc huấn luyện giáo dân. Ngài nói: “Cùng với các linh mục thánh thiện, Giáo Hội cũng cần các giáo lý viên nhiệt thành được đào tạo kỹ lưỡng, cộng tác với giáo sĩ và giáo dân khác”. Zinbabwe có diện tích khoảng 390 ngàn km vuông, với gần 50% theo tín ngưỡng pha trộn giữa Kitô giáo, và tôn giáo cổ truyền của Phi Châu.
BA NGÀN BÁC SĨ VÀ SINH VIÊN Y KHOA BA LAN CHỐNG PHÁ THAI
VARSAVA. Hơn 3 ngàn bác sĩ và sinh viên y khoa Ba Lan đã cam kết từ chối thực hiện phá thai, cấy thai nhân tạo và không ra toa cho các phương tiện phá thai. Họ cũng hứa tôn trọng luân lý Công Giáo trong khi thi hành nghề nghiệp. Họ đưa ra lời cam kết trên đây trong một bản tuyên ngôn do bà bác sĩ phân tâm Wanda Poltawska, 92 tuổi, đề xướng ngày 27.4 vừa qua, nhân ngày lễ phong hiển thánh cho ĐGH Gioan Phaolô II. Trong bản tuyên ngôn có câu: “Thân thể con người và sự sống là thánh thiêng và bất khả xâm phạm, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên”.
Chủ tịch Ủy ban y tế thuộc Quốc Hội Ba Lan, ông Tomasz Latos, ủng hộ sáng kiến này, chống lại những lời phê bình của phe tả. Ông nói: “Các bác sĩ có quyền phản kháng lương tâm và điều này không tạo ra vấn đề cho các bệnh nhân, vì nếu họ muốn, họ có thể tìm một bác sĩ khác”.
ĐỨC THƯỢNG PHỤ ARAM I THĂM TÒA THÁNH
VATICAN. Ngày 3.6 vừa qua, Đức Thượng Phụ Aram I của Giáo Hội Arméni Tông truyền miền Cilicia đã đến viếng thăm Tòa Thánh. Ngài có tòa ở Antélias cách thủ đô Beirut của Liban vài cây số. Năm nay ngài 67 tuổi, tục danh là Pedros Keshishian, được bầu làm Thượng Phụ hồi năm 1995. Trong những ngày lưu lại ở Roma, Đức Thượng Phụ I cũng gặp gỡ Hội Đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, viếng mộ thánh Phêrô tong đồ và cầu nguyện trước tượng thánh Gregorio Vị Soi Sáng ở sau Đền Thờ.
Giáo Hội Arméni Tông truyền hiện có khoảng 6 triệu tín hữu, gồm 2 tòa Thượng Phụ ở Liban, Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Tòa Tổng thượng phụ Edchmiadzin ở Cộng Hòa Arméni về những vấn đề tinh thần.
BA VỊ THỪA SAI ĐƯỢC TRẢ TỰ DO
CAMERUN. Ba vị thừa sai gồm 2 linh mục người Italia, cha Gianantonio Allegri và Giampaolo Marta và nữ tu Gilberte Bussier người Canada thuộc dòng Đức Bà Montréal bị bắt cóc vào tháng 4 vừa qua tại giáo phận Maroua-Mokoko ở miền Bắc Italia đã được thả tự do.
Cha Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết: “Chúng tôi cảm tạ Chúa vì vụ này được giải quyết tích cực, đồng thời chúng tôi tiếp tục cầu nguyện và dấn thân để mọi hình thức bạo lực, oán thù và xung đột tại nhiều miền ở Phi Châu và các nơi khác trên thế giới được khắc phụ. ĐHY Fermando Filoni, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo, đã chào thăm hai linh mục Italia tại thủ đô Yaoundé của Camerun, trước khi trở về Roma sau cuộc viếng thăm tại Guinea Equatoriale và Camerun. Ngài cho biết hai linh mục thừa sai xúc động và đang trong tình trạng sức khỏe tốt cả thể lý lẫn tâm lý.
CÔNG GIÁO UCRAINA VÀ CHÍNH THỐNG NGA CĂNG THẲNG
MASCOVA. Đức Thượng Phụ Chính thống Nga, Kirill, mạnh mẽ phê bình Giáo Hội Công Giáo Ucraina và cho rằng thái độ bài Nga của Giáo Hội này tạo ra một bóng đen sâu đậm trên quan hệ giữa Tòa Thánh và Chính Thống Nga. Ngài đã bày tỏ lập trường này trong phiên họp hôm 28.5 vừa qua tại Hội Đồng ngoại vụ Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga. Những ngày trước đó, Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga đã đưa ra những lời phê bình tương tự.
Trong khi đó, Đức TGM Schevchuk, Tổng GM trưởng của Giáo Hội Công Giáo Ucraina nghi lễ Đông phương, mạnh mẽ phê bình Nga xen mình vào nội bộ của Ucraina, nhất là gửi những nhân viên khiêu khích đến Ucraina và đe dọa can thiệp quân sự. Giáo Hội Công Giáo Ucraina Đông Phương và Chính Thống Nga vốn có một lịch sử xung đột từ lâu và chưa có dấu hiệu lắng dịu.
HỘI ĐỒNG CÁC GIÁO HỘI KITÔ ẤN ĐỘ CHỐNG CƯỠNG BÁCH LAO ĐỘNG
NEW DELHI. Hội đồng toàn quốc các Giáo Hội Kitô Ấn Độ tham gia chiến dịch của Tổ chức lao động quốc tế, nhằm yêu cầu tân chính phủ Ấn bãi bỏ nạn cưỡng bách lao động. Chiến dịch này được phát động nhân dịp khóa họp lần thứ 1103 của Tổ chức Lao động quốc tế, tiến hành tại Geneve, Thụy sĩ từ ngày 28.5 đến 12.6 tới đây, với mục đích thiết lập một hiệp định thư chấm dứt nạn cưỡng bách lao động bằng những biện pháp hữu hiệu.
Hội đồng toàn quốc các Giáo Hội Kitô Ấn Độ nhấn mạnh rằng khi ký vào hiệp định thư này, chính phủ Ấn Độ phải bày tỏ quyết tâm bài trừ tệ nạn vô nhân đạo cưỡng bách lao động. Theo thông kê, vùng Á châu Thái Bình dương có 11 triệu 700 ngàn người, tương đương với 56% tổng số 21 triệu người bị cưỡng bách lao động.
ĐTC PHÊ BÌNH NHỮNG CẶP VỢ CHỒNG KHÔNG MUỐN CÓ CON
VATICAN. Trong bài giảng thánh lễ sáng ngày 2.6 vừa qua tại nguyện đường Matta, với sự hiện diện của 15 đôi vợ chồng mừng kỷ niệm 25, 50, 60 năm Hôn Phối, ĐTC tố giác thứ văn hóa chỉ tìm thoải mái, khiến cho một số người nghĩ rằng tốt hơn không nên có con cái để có thể đi du lịch khám phá thế giới, nghỉ hè, có biệt thự ở quê, được yên hàn. Hoặc tốt hơn là nếu có một con chó nhỏ, hai con mèo, và tình yêu thương dành hết cho chúng. Những cặp này sẽ phải sống trong sự cô đơn khi về già.
ĐTC cũng nói rằng: “Sự chung thủy, kiên trì và phong phú là ba đặc tính của tình yêu Thiên Chúa đối với Giáo Hội và cũng phải là ba trụ cột của hôn nhân Công Giáo. Cũng như Giáo Hội được phong phú nhờ sinh ra những người con mới trong Chúa Kitô nhờ phép rửa, hôn nhân cũng phải cởi mở để đón nhận sự sống mới.
CÁC DÂN QUÂN HỒI GIÁO TỊCH THU TÀI SẢN CỦA KITÔ GIÁO
RAQQA. Hôm 1.6 vừa qua, các dân quân Thánh Chiến Hồi Giáo đã chiếm nhà cửa và đất đai của các tín hữu Kitô ở làng Ein al-Issa thuộc tỉnh và thành phố Raqqa bên Siria. Các nhóm Hồi giáo này cũng thực hiện những hành vi tương tự như đốt Kinh Thánh và các sách đạo của Kitô giáo. Đây chính là vùng mà cha Paolo Dall’Oglio dòng Tên người Italia bị các nhóm võ trang Hồi giáo bắt và bị sát hại.
Thành phố Raqqa có 200 ngàn dân cư ở miền bắc Siria, từ lâu ở dưới sự chiếm đóng của những lực lượng thánh chiến Hồi Giáo và họ thành lập cái gọi là “Quốc gia Hồi Giáo irak và Đông phương”. Họ biến nhiều thánh đường Kitô ở thành phố này thành các công sở để quản trị Hồi giáo vụ và cổ võ luật Sharia của Hồi Giáo.
MỘT LINH MỤC DÒNG TÊN BỊ BẮT CÓC
KABUL. Một linh mục dòng Tên người Ấn Độ, cha Alexis Brem Kumar đã bị một nhóm người võ trang bắt cóc hôm 2.6 vừa qua tại Afghanistan. Cha Kumar năm nay 47 tuổi, làm giám đốc cơ quan dòng Tên trợ giúp tị nạn tại Afghanistan trong 4 năm nay. Cha bị bắt trong lúc viếng thăm một trường dành cho các trẻ em hồi hương tại làng Sohadat, cách thành phố Herat 25 cây số.
Cha Giuseppe Moretti, bề trên miền Afghanistan nói với hãng tin Fides rằng: “Sau vụ bắt cóc cha Kumar, chúng tôi sống trong kinh nguyện sâu xa, thinh lặng với niềm hy vọng. Vụ bắt cóc này là một biến cố đau buồn và chúng tôi hy vọng sẽ sớm có diễn tiến tích cực. Chúng tôi cũng kêu gọi giới truyền thông dè dặt tối đa để các cơ quan chính quyền có thể làm việc và cứu thoát cha Alexis Brem Kumar”.
HĐGM INDONESIA KÊU GỌI CÁC TÍN HỮU BẦU CỬ THEO LƯƠNG TÂM
JAKARTA. HĐGM Indonesia đã kêu gọi các cử tri Công Giáo hãy tham gia bầu cử và bỏ phiếu theo lương tâm trong cuộc tuyển cử tổng thống và phó tổng thống vào ngày 9.7 tới đây. Theo các GM Indonesia, các vị lãnh đạo tương lại của đất nước phải có đời sống thanh liêm, giúp họ chu toàn trách nhiệm đang chờ đợi họ trong việc cai quản đất nước.
Indonesia là nước theo Hồi Giáo Sunnit đông nhất với 86% dân số, và các tín hữu Kitô chiếm 5,7% dân số, trong số này có hơn 3% là tín hữu công giáo. Hiến pháp Indonesia bảo đảm tự do tôn giáo, nhưng trong những năm gần đây, các tín hữu Kitô thường bị các nhóm Hồi Giáo cực đoan tấn công.
TÒA TGM CÔNG GIÁO ARMÉNI Ở ALEPPO BỊ TRÚNG BOM
ROMA. Cộng đồng thánh Egidio ở Roma cho biết tòa TGM Công Giáo Armeni ở Aleppo bên Siria đã bị trúng đạn pháo kích hôm 4.6 vừa qua và bị phá hủy 1 phần. Rất may là không có ai bị thương hay thiệt mạng. Từ lâu thành Aleppo vẫn bị bao vây và vụ pháo kích này thêm 1 hành vi trầm trọng trong những ngày bầu cử này.
Từ nhiều năm nay, cộng đồng thánh Egidio vẫn dấn thân tìm kiếm giải pháp cho các cuôc khủng hoảng xung đột. Hôm 4.6 vừa qua, cộng đồng này tái liên tiếng kêu gọi quốc tế đừng lãnh quên dân thành Aleppo bị vây hãm, và tìm những phương thế để làm dịu bớt cuộc bao vây Aleppo vốn là 1 thành phố lịch sử và hòa bình. Cần cấp thiết can thiệp nhân đạo để cứu giúp dân chúng địa phương.
ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI NÂNG ĐỠ DÂN DU MỤC
VATICAN. ĐTC khích lệ cũng như các tổ chức quốc gia và quốc tế nâng đỡ những người du mục thường phải sống ngoài lề xã hội và chịu nhiều kỳ thị. Ngày bày tỏ lập trường trên đây hôm 5.6 vừa qua trước 70 tham dự viên của Hội Nghị Quốc Tế về Giáo Hội và người du mục do Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động triệu tập. Trong số các tham dự viên của nhiều Giám Mục, giám đốc mục vụ người du mục thuộc các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới.
Hội nghị này có chủ đề: “Giáo Hội và người du mục: loan báo Tin Mừng trong các môi trường bên lề xã hội.” Đức Thánh Cha chia sẻ rằng: “Những người du mục thường ở ngoài lề xã hội và nhiều khi họ bị người ta nhìn với cặp mắt đố kỵ và ngờ vực. Họ ít tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội ở địa phương”.
GIÁO HỘI KITÔ Ở AI CẬP HÀI LÒNG VỚI KẾT QUẢ BẦU CỬ MỚI
CAIRO. Giáo Hội Kitô ở Ai Cập vui mừng với việc bầu tướng Abdel Fattah al-Sisi làm tổng thống mới với số phiếu là 96.1%. Đây là lần đầu tiên có người được bầu làm tổng thống với số phiếu cao như vậy ở đây.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, Đức Cha William Kiryllos, Giám Mục Giáo Phận Assiut chia sẻ rằng chính tướng Al-Sisi đã giúp cho người dân nơi đây, đặc biệt là các Kitô hữu thoát khỏi các lực lượng Hồi Giáo quá khích. Nơi các lượng lượng anh em Hồi Giáo này, có một nhóm gọi là nhóm “trừng phạt Kitô hữu”. Họ muốn trừng phạt các Kitô hữu vì cho rằng chính các Kitô hữu là người đã hạ bệ ông Morsi và đứng đằng sau việc tướng Al-Sisi được bầu làm tổng thống. Đức Cha cũng nói thêm rằng tình trạng xung đột giữa những người Hồi Giáo quá khích với Kitô hữu chắc chắn không thể chấm dứt ngay lập tức nhưng ngài hy vọng các lực lượng an ninh làm việc mạnh mẽ và hiệu quả hơn để tránh những thiệt hại không đáng có.
Tổng hợp và biên tập: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ