QUÂN ĐÔI HỒI GIÁO TIẾP TỤC GÂY CHẾT CHÓC Ở NIGERIA
NIGERIA. Bạo lực tiếp tục leo thang tại Nigeria trong những ngày qua. Hôm Chúa Nhật, 26.1, quân đội Hội Giáo đã thực hiện hai cuộc công kích tại hai ngôi làng nhỏ, giết chết ít nhất 74 người.
Vụ thứ nhất xảy ra ở bang Adamawa, đông bắc Nigeria. Những tên khủng bố đã tấn công vào nhà thờ Công Giáo ở Waga Chakawa, cách biên giới Borno vài cây số, khi các tín hữu đang tham dự thánh lễ. Chúng tiếp tục cho nổ một vài tòa nhà và lều tạm của người dân. Số người chết, khoảng 22 người, đã được an táng, còn số bị thương thì không biết được là bao nhiêu. Vụ thứ hai xảy ra tại Borno. Những tên khủng bố kéo đến đây với những loại vũ khí hạng nặng, và nả súng liên tục vào những người từ nhiều nơi khác nhau trong vùng đến đây họp chợ vào Chúa Nhật. Chúng cài rất nhiều bom tự chế ở nhiều nơi trong làng trước khi tấn công đám đông và sẵn sàng bắn bất cứ ai cố tìm cách trốn thoát. Ước lượng có khoảng 52 người thiệt mạng và nhiều người bị thương trong vụ tấn công này.
GIÁO HỘI SẮP CÓ THÊM VỊ CHÂN PHƯỚC
VATICAN. Ngày 27.1 vừa qua, Đức Thánh Cha đã chấp nhận đệ trình của Đức Hồng Y Amato, Tổng Trưởng bộ phong thánh về việc phong chân phước cho vị tôi tớ Chúa là linh mục Pietro Asúa ngườiTây Ban Nha. Cha sinh ra ở Balmaseda, tại làng Baschi, năm 1890, chịu chức linh mục năm 1924 và phục vụ tại Chủng Viện Vitoria. Đời sống khiêm nhường đã đánh dấu cuộc sống của ngài cho đến 29.8.1936, ngài bị một số quân binh giết chết chỉ bởi vì ngài là một linh mục do bối cảnh của cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha lúc đó.
Trong số bảy án khác cũng đang được suy xét phong chân phước cùng với ngài có cha Giuse Cirelli (1886 – 1978), nữ giáo dân Elisabeth Sanna (1788 – 1857). Ngoài ra, còn có cha Zaccaria (1887 – 1957) người Tây Ban Nha, cha được sai đến truyền giáo ở Ấn Độ làm công tác giáo dục cho các linh mục trẻ tại đây. Bên cạnh đó, cũng có nữ tu Marcella Mallet (1805 – 1871), vị sáng lập dòng nữ tử bác ái ở Quebec, Canada; nữ tu Maria Benedetta Arias (1822 – 1894), người Argentina, vị sáng lập dòng Nữ Tử Chúa Giêsu Bí Tích; nữ tu Margaret (1862 – 1952), dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu; nữ tu Seraphina (1913 – 1988), dòng Chị Em Thờ Phượng Bửu Huyết Chúa Kitô.
ĐỨC THÁNH CHA CHIA SẺ VỀ BÍ TÍCH THÊM SỨC
VATICAN. Ngày 29.1 vừa qua, trong buổi tiếp kiến chung các khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô, Vatican, Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài chia sẻ giáo lý của mình về các bí tích. Lần này, ngài chia sẻ về bí tích Thêm Sức.
Ngài chia sẻ rằng “cùng với bí tích Rửa Tội và bí tích Thánh Thể, bí tích Thêm Sức làm nên các bí tích Khai Tâm Kitô giáo. Các bí tích này giúp chúng ta chia sẻ cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu và trở thành chi thể của Giáo Hội. Nơi bí tích Thêm Sức, qua dấu chỉ xức dầu thánh, chúng ta lãnh nhận ơn sủng của Chúa Thánh Thần để nên giống Đức Kitô, Đấng được xức dầu hơn. Chúng ta cũng được tiếp thêm ân sủng của bí tích Rửa Tội để có thể làm chứng cho Đức Kitô và tình yêu của Người.”
Đức Thánh Cha cũng mời gọi mọi người hãy dâng lời tạ ơn Chúa vì ơn sủng đã lãnh nhận được từ bí tích Thêm Sức. Đồng thời, tiếp tục xin ơn để chúng ta được đong đầy ơn Chúa, hầu có thể tấm gương phản chiếu sự hiện diện của Đức Kitô trong tương quan giữa chúng ta với tha nhân, sự mở ra của chúng ta với người thiếu thốn, và là nhân chứng sống động cho thông điệp về niềm vui và bình an của Tin Mừng.
BẠO LỰC Ở NHÀ THỜ CHÍNH THỐNG COPTIC
AI CẬP. Chiều ngày 28.1 vừa qua, một nhóm những người đàn ông đã tấn công vào nhà thờ Chính Thống Coptic Đức Maria Trinh Nữ ở Cairo. Trong lúc ẩu đả, một cảnh sát đã thiệt mạng và hai người khác đã bị thương.
Giáo Chủ Chính Thống Coptic Tawadros II đã lên tiếng kết án vụ tấn công này và đã gửi một thông điệp chia buồn đến thân nhân của những cảnh sát bị chết. Cha Samir Jerome, vị linh mục giáo phận ở đây chia sẻ rằng trong những ngày sắp tới sẽ gia tăng phòng bị cho các cơ sở tôn giáo, kể cả các nhà thờ nhỏ bé. Cha chia sẻ thêm rằng trong vùng có một số lính có vũ trang đang muốn hủy hoại hòa bình. Ai Cập hiện đang bị tấn công bởi làn sóng bạo lực từ sau vụ trục xuất Các Anh Em Hồi Giáo khỏi chính quyền xảy ra sau cuộc biểu tình lớn của 30 triệu người hồi 30.6 năm trước.
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ LẠI ĐƯỢC NÓI ĐẾN TRONG MỘT TẠP CHÍ Ở MỸ
VATICAN. Hôm 28.1 vừa qua, một tạp chí âm nhạc nổi tiếng ở Mỹ tên là Rolling Stone đã đăng một tiêu đề dài cùng với hình của Đức Thánh Cha Phanxicô ở trang bìa, nhằm tôn vinh ngài vì đã có những cải cách lớn lao trong việc loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới.
Tác giả của bài báo, Mark Binelli, ngoài việc đề cao những điều Đức Phanxicô đã làm được, đã thực hiện một sự so sánh giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 khi cho rằng Đức Biển Đức 16 là người có phần nghiêm nghị theo kiểu hàn lâm, ít nhập cuộc trong những cuộc tiếp kiến chung, trong khi Đức Phanxicô thì hòa đồng với đám đông, có những tiếp xúc với mọi người và dành nhiều thời gian để chào hỏi các tín hữu đến gặp ngài.
Phản ứng trước bài báo này của tờ Rolling Stone, cha Lombardi, Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho hay nội dung bài báo rơi vào chủ nghĩa báo chí hời hợt khi đề cao những phương diện tích cực của Đức Đương Kim Giáo Hoàng và nói đến những điều ngược lại trong phong cách hành xử của Đức Nguyên Giáo Hoàng. Đây không phải là điều làm cho Đức Phanxicô hài lòng vì ngài luôn ý thức rõ là Giáo Hội nợ Vị tiền nhiệm của ngài biết bao nhiêu.
ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP RIÊNG CHO HÀN LÂM VIỆN TÒA THÁNH
VATICAN. Chiều ngày 28.1 vừa qua, nhân sự kiện Hàn Lâm Viện Tòa Thánh nhóm họp tại Rôma dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về văn hóa, Đức Thánh Cha đã gửi một sứ điệp ngắn đến nhóm này, trong đó, ngài đề cao sự liên kết giữa đức tin và lòng mến trong việc tìm kiếm chân lý đức tin.
Trong sứ điệp này, Đức Thánh Cha đã chia sẻ rằng “nếu chân lý là chân lý tình thương và mở ra để gặp gỡ với Đấng khác và với người khác, chân lý ấy sẽ giúp con người thoát ra khỏi sự khép kín… Thay vì làm cho chúng ta trở nên cứng nhắc, sự chắc chắn của đức tin làm cho chúng ta lên đường làm cho chứng tá và đối thoại với mọi người trở thành điều có thể thực hiện được.” Ngoài những chia sẻ về tư tưởng thần học, Đức Thánh Cha cũng công bố hai vị giáo sư được giải thưởng năm nay của Hàn Lâm Viện về nghiên cứu thần học, đó là Linh mục giáo sư Alessandro Clemenzia và nữ giáo sư Maria Silvia Vaccarezza.
KHÔNG CÓ TIN TỨC GÌ VỀ LINH MỤC BỊ BẮT CÓC Ở SYRIA
DAMASCO. Đức TGM Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Syria cho biết ngài cũng như Tòa Thánh không có tin tức gì về cha Paolo Dall’Oglio, dòng Tên bị bắt cóc cách đây nửa năm tại Syria.
Cha Dall người Ý năm nay 60 uổi, sáng lập công đoàn Đan Viện Siriac thánh Moise ở Siria trong thập niên 1980 tại 1 sa mạc ở niềm bắc thủ đô Damasco. Cha dấn thân rất nhiều trong cuộc đối thoại liên tôn và với thế giới Hồi giáo. Cha đã từng bị nhà cầm quyền Syiria trục xuất vào năm 2012. Năm 2013 cha trở lại bắc Syria thuộc vùng phiến quân kiểm soát. Nhưng ngày 27.7 cha bị 1 nhóm hồi giáo cực đoan thân Al-Qaida bắt cóc, và từ đó người ta không có tin tức gì về cha.
Đức TGM Zenari cũng cho biết là hiện nay người ta không có tin gì về hai vị TGM Chính Thống bị bắt cóc ngày 22.4 năm ngoái gần thành phố Aleppo ở Syria. Về 12 nữ tu chính thống bị bắt ngày 2.12 năm ngoái ở đan viện Thekla, làng Maalula, Đức TGM Zenari nói rằng các nữ tu được đối xử tử tế và ở trong 1 nhà tại thị trấn Abrud. Thỉnh thoảng các chị có thể điện thoại với các nữ tu khác và nói về tình trạng của mình.
ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN
VATICAN. Hôm 31.1 vừa qua, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các Hồng Y, Giám Mục thành viên của Bộ Giáo Lý Đức Tin, khi các vị này vừa kết thúc khóa họp toàn thể ở đây. Trong buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha kêu gọi các vị cảnh giác, không được lợi dụng giáo lý của Giáo Hội và khuyến khích các vị giải quyết những vấn đề giáo lý đức tin trong tinh thần đoàn thể của hàng Giám Mục.
Đức Thánh Cha chia sẻ rằng vai trò của Bộ Giáo Lý Đức Tin là thăng tiến và bảo vệ đạo lý đức tin và phong hóa trên toàn thế giới Công Giáo. Ngài cũng nhìn nhận rằng việc bảo vệ đức tin toàn vẹn là một nghĩa vụ rất khó khăn, nhưng nếu chúng ta hoạt động trong đoàn thể tính thì ánh sáng đức tin của chúng ta càng rạng ngời trước mặt thế giới. Đức Thánh Cha cũng gửi lời cám ơn đến Bộ vì đã có những dấn thân trong việc giải quyết những vấn đề tế nhị như nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em. Ngài cũng cho biết đang có một nghiên cứu xem xét việc nối kết Ủy Ban đặc biệt bảo vệ trẻ em mà ngài vừa thành lập với Bộ giáo lý đức tin.
BẮT ĐƯỢC NHỮNG THỦ PHẠM ĂN TRỘM THÁNH TÍCH ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II
L’AQUILA. Hôm 30.1 vừa qua, cảnh sát Italia đã tìm được một mặt nhật bằng kim loại trống rỗng, không còn thánh tích, cùng với thánh giá bị ăn trộm, được chôn dưới đất gần trung tâm cai nghiệm ma túy ở thành phố L’Aquila, trung Italia, cách Rôma khoảng 100 cây số. Những thánh tích này là của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã bị 3 thanh niên đánh cắp gần 1 tuần trước.
Trong số những thánh tích bị đánh cắp, còn có một mảnh vải có dính máu, nhưng bọn trộm đã ném mảnh vải này đi vì nghĩ rằng nó chả có giá trị gì. Mảnh vải dính máu này là mảnh áo khi ngài bị mưu sát vào ngày 13.5.1981. Hiện tại, ba thanh niên này được trả tự do và cảnh sát tiếp tục điều tra để tìm ra mảnh vải này.
Mặt nhật đựng thánh tích và thánh giá được giữ tại ngôi nhà thờ nhỏ San Pietro della Jenca, cách L’Aquila khoảng 20 cây số về hướng bắc, và là nơi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường đến cầu nguyện khi ngài đến vùng Abruzzo để nghỉ ngơi.
Tổng hợp và biên tập: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ