Tông Hiến Vultum Dei Quarere

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TÔNG HIẾN VỀ ĐỜI SỐNG CỦA CÁC NỮ TU CHIÊM NIỆM

  1. Tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa luôn là một phần của lịch sử nhân loại. Ngay từ khởi đầu, người nam cũng như người nữ đã được mời gọi đi vào một cuộc đối thoại tình yêu với Đấng Tạo Hoá.[1] Thực vậy, con người trổi vượt nhờ chiều kích tôn giáo không thể chối bỏ, khiến trái tim họ luôn cảm thấy một khao khát về Đấng Tuyệt đối. Việc tìm kiếm này nối kết mọi thiện nam tín nữ. Nhiều người thừa nhận mình không có tín ngưỡng nhưng vẫn nhận ra nỗi khao khát cháy bỏng này hiện diện nơi mỗi người nam và nữ, những người được lôi kéo bởi một ao ước cháy bỏng về một đời sống hạnh phúc và thành toàn, vốn chưa bao giờ được thoả mãn trọn vẹn.

Thánh Âu-tinh thường diễn tả nỗi khao khát này trong Tự Thuật: “Con được tạo dựng nên cho Chúa, và tâm hồn con khắc khoải biết bao đến khi con được nghỉ yên trong Chúa”.[2] Sự ngơi nghỉ của con tim xuất phát từ một trực giác sâu xa do chính Thiên Chúa khởi sự; Ngài tìm kiếm những người nam người nữ và trong một cách thức nhiệm mầu, lôi kéo họ về với Ngài.

Trong quá trình tìm kiếm Thiên Chúa, chúng ta nhanh chóng nhận ra rằng không ai có thể tự thoả mãn chính mình. Đúng hơn, dưới ánh sáng đức tin chúng ta được mời gọi vượt ra khỏi việc chỉ biết tập trung vào bản thân mình, để cho dung nhan Thánh Thiện của Thiên Chúa và “gương thánh thiện của người khác”[3] lôi cuốn chúng ta đi vào một kinh nghiệm hiệp thông sâu sắc hơn bao giờ hết.

Qua Bí tích rửa tội, mỗi người Ki-tô hữu và mỗi người sống đời thánh hiến được mời gọi đi vào một cuộc hành hương tìm kiếm Thiên Chúa đích thực. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, điều này trở thành một hành trình bước theo Đức Ki-tô, ­một bước đường trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, là Thiên Chúa, mỗi ngày một hơn. Con đường này được thể hiện rõ nét nhất trong đời sống tu trì, và một cách cụ thể, qua đời sống đan viện, vốn ngay từ ban sơ được xem là một lối sống đặc biệt của người đã lãnh nhận Phép rửa.

  1. Những người được thánh hiến, ngang qua sự thánh hiến của mình, “bước theo Chúa trong một cách thức đặc biệt và có tính ngôn sứ”.[4] Họ được mời gọi để nhận ra dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống hàng ngày và khôn ngoan nhận định những câu hỏi được đặt ra cho chúng ta bởi Thiên chúa và bởi những người nam cũng như nữ trong thời đại chúng ta. Thách đố lớn nhất mà những người sống đời thánh hiến đối diện là làm sao phải luôn kiên vững trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa “với ánh mắt của đức tin trong một thế giới muốn phớt lờ sự hiện diện của Ngài”,[5] và tiếp tục trao ban cho thế giới đời sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục của Đức Ki-tô như một dấu chỉ khả tín và đầy giá trị, nhờ đó họ có thể thực sự trở thành một sự giải thích sống động lời của Thiên Chúa.[6]

Ngay từ khởi đầu của sự thánh hiến đặc biệt trong Giáo hội, những người nam và nữ được Thiên Chúa mời gọi và ở lại trong tình yêu của Ngài, đã dâng hiến đời sống của họ, chỉ để tìm kiếm dung nhan Ngài, khao khát tìm kiếm và chiêm ngắm Thiên Chúa giữa lòng thế giới. Dù đời sống đơn sơ, nhưng sự hiện diện của các cộng đoàn hệt như thành phố trên núi, hay những chiếc đèn trên giá (Mt 5, 14-15), biểu hiện cách rõ ràng đích điểm mà toàn thể cộng đoàn Giáo Hội đang tiến về. Vì Giáo Hội “đang bước đi trong thời gian nhưng luôn hướng đôi mắt mình về ngày mọi sự được phục hồi trong Đức Ki-tô”[7] nên [đời dâng hiến] tiên báo vinh quang của Thiên Đàng.[8]

  1. Lời của Thánh Phê-rô, “chúng con được ở đây thì tốt quá” (Mt 17,4), có một ý nghĩa đặc biệt đối với những người sống đời dâng hiến. Và lời ấy còn có ý nghĩa đặc biệt hơn đối với những người sống đời chiêm niệm. Trong sự hiệp thông sâu sắc với các ơn gọi khác của đời sống Ki-tô hữu – mọi lối sống giống như những tia sáng khác nhau của một nguồn ánh sáng phát xuất từ Đức Ki-tô, hào quang chói lọi của Ngài chiếu sáng gương mặt của Giáo hội”[9] – đời sống chiêm niệm “dành phần lớn ngày sống của họ trong việc noi gương Mẹ Thiên Chúa, Đấng luôn suy đi nghĩ lại lời nói và việc làm của Con mình (x. Lc 2,19.51), và họ cũng bắt chước Thánh nữ Maria thành Bethany, người đã ngồi bên chân Chúa để chăm chú lắng nghe lời Ngài”(Lc 10, 38)[10]. Đời sống của họ, “được ẩn giấu nơi Đức Ki-tô” (Cl 3,3) trong Thiên Chúa, trở nên hình ảnh của tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, như chính Đức Ki-tô là người chiêm niệm đầu tiên. Họ đặt Đức Ki-tô vào trung tâm đời sống của mình đến mức họ có thể nói như thánh Phao-lô. “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô!” (Pl 1,21). Qua đó, họ diễn tả đặc tính ôm trọn vào lòng ơn gọi đời sống chiêm niệm.[11]

Những người sống đời chiêm niệm, những người nam và nữ dìm mình vào lịch sử nhân loại và được vẻ đẹp chói lọi của Đức Ki-tô lôi cuốn, “giữa thế nhân, Ngài vô song tuyệt mỹ” (Tv 45,3), được đặt vào trung tâm của thế giới và Giáo hội.[12] Trong hành trình liên lỉ tìm kiếm Thiên Chúa, họ khám phá ra dấu chỉ nền tảng và tiêu chuẩn chân thật cho đời sống thánh hiến. Thánh Bênêđictô, Đấng Tổ phụ của đời sống đan viện Tây phương, đã nhấn mạnh rằng, một đan sĩ phải là người dâng hiến toàn bộ đời sống mình để tìm kiếm Thiên Chúa. Ngài khẳng định rằng điều cho thấy một người có được gợi hứng hướng tới đời sống đan viện hay không phụ thuộc vào việc người đó có thực sự ao ước tìm kiếm Thiên Chúa, “si revera Deum quaerit”, hay không.[13]

Cụ thể trong suốt nhiều thế kỷ đã có không biết bao nhiêu người phụ nữ đã dâng mình và tiếp tục dâng “toàn thể đời sống và toàn thể sinh hoạt vào việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa”,[14] như là một dấu chỉ và là ngôn sứ cho Giáo hội, là Trinh nữ, Hiền thê và là Mẹ. Đời sống của họ là một dấu chỉ sống động và là chứng tá cho sự trung tín ngang qua đó Thiên Chúa tiếp tục nâng đỡ dân Ngài giữa biết bao sự kiện lịch sử.

  1. Như một yếu tố của sự hiệp nhất với các niềm tin Ki-tô giáo khác,[15] đời sống đan viện mang một hình thức đặc biệt, là ngôn sứ và dấu chỉ cho thấy rằng “đólà một dấu chỉ có thể và phải lôi cuốn hữu hiệu tất cả mọi chi thể của Giáo Hội đến việc can đảm chu toàn ơn gọi làm Kitô hữu”.[16]Các cộng đoàn cầu nguyện, cách đặc biệt là các cộng đoàn chiêm niệm, một cộng đoàn nhờ vào “việc rời bỏ thế gian để được kết hợp mật thiết hơn với Đức Ki-tô, là trái tim của thế giới”[17], không đề xuất một sự hoàn hảo nào khác hơn Tin Mừng. Đúng hơn, qua việc sống những đòi hỏi của Bí Tích Rửa Tội, họ đưa ra một gương mẫu về nhận định và một lời mời gọi phục vụ toàn thể Giáo hội. Thực thế, họ là những kim chỉ nam trên hành trình tìm kiếm, một sự nhắc nhở cho toàn thể Dân Thiên Chúa về ý nghĩa đầu tiên và tối hậu của đời sống Ki-tô hữu.[18]

Ngưỡng mộ, cảm tạ và biết ơn đời sống thánh hiến và đời sống chiêm niệm

 Ngay từ những thế kỷ đầu, Giáo hội đã diễn tả một sự ngưỡng mộ lớn lao và một tình yêu chân thành dành cho những người nam và nữ, vì đã ngoan nguỳ đáp lại lời mời gọi của Cha và sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, đã chọn để bước theo Đức Ki-tô “một cách gần gũi hơn”[19], bằng cách dâng hiến chính mình cho Ngài với một trái tim không chia sẻ (x. 1Cr 7,34). Được thúc đẩy bởi tình yêu vô điều kiện dành cho Đức Ki-tô và cho toàn thể con người, đặc biệt là những người nghèo và khổ đau, họ được mời gọi tái hiện đời sống trần thế của Đức Giê-su trong sự khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục qua nhiều hình thức khác nhau như – các trinh nữ được thánh hiến, các bà goá, các ẩn sĩ, các đan sĩ và các tu sĩ.[20]

Đời sống chiêm niệm đan tu, mà chính yếu là những người nữ, được cắm rễ sâu trong sự thinh lặng của nội vi; đời sống ấy sản sinh ra một mùa gặt bội thu về ân sủng và lòng thương xót. Đời sống chiêm niệm của các nữ tu luôn hiện diện trong Giáo hội và cho Giáo hội, là trái tim của Giáo hội đang cầu nguyện, là người thủ kho của ân sủng và hoa trái tông đồ, và là một chứng nhân hữu hình cho sự thánh thiện nhiệm mầu và hết sức phong phú trong Giáo hội.[21]

Khởi đi từ kinh nghiệm cá nhân của các trinh nữ được thánh hiến cho Đức Ki-tô, hoa trái tự nhiên của một nhu cầu cảm thấy cần đáp lại tình yêu của Đức Ki-tô là Vị Phu quân, bằng một tình yêu. Đời sống này sớm mang dáng dấp của một thể chế xác định và được Giáo hội công nhận khởi đi từ việc nhìn nhận việc tuyên khấn công khai của các trinh nữ. Trải qua dòng thời gian, hầu hết các trinh nữ thánh hiến tụ họp lại trong một lối sống chung được Giáo hội ân cần bảo vệ và giữ gìn với kỷ luật phù hợp. Nội vi là phương thế để gìn giữ tinh thần và mục đích chiêm niệm nghiêm ngặt trong các nhà này.

Dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, được nhận ra nơi trái tim của các tín hữu và việc gợi hứng cho những cách thức trở nên môn đệ mới, và sự quan tâm mẫu tử của Giáo hội, đã làm nảy sinh những lối sống chiêm niệm và thuần tuý chiêm niệm mà chúng ta biết ngày nay.[22] Bên phía Tây Phương, tinh thần chiêm niệm được biểu lộ nơi sự đa dạng của các đặc sủng, trong khi đó ở Đông Phương vẫn duy trì sự hiệp nhất,[23] nhưng luôn là chứng tá cho sự phong phú và đa dạng của một đời sống được trao hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa.

Trải qua nhiều thế kỷ, kinh nghiệm của những người nữ này, những người đã đặt Thiên Chúa làm trung tâm, là tình yêu đầu tiên và duy nhất của họ, đã mang lại những hoa trái phong nhiêu về sự thánh thiện và sứ mạng. Biết bao nhiêu công việc tông đồ đã trở nên phong phú nhờ vào những lời cầu nguyện và hiến tế toả ra từ các đan viện! Và thật là cao cả biết bao vì những niềm vui và chứng nhân ngôn sứ được công bố cho thế giới nhờ vào sự thinh lặng nơi các nội vi!

Vì hoa trái của sự thánh thiện và ân sủng mà Thiên Chúa đã ban qua đời sống của các nữ tu trong các đan viện, chúng ta hãy hát mừng “Đấng Tối cao, Đấng Tuyệt đối và Tốt lành” ca khúc tạ ơn Laudato si’!”[24]

  1. Các chị em thân mến, không có các con thì đời sống Giáo hội, hay những người đang sống nơi vùng ngoại vi của nhân nhân loại và biết bao nhiêu người đang làm việc tại các tiền đồn của việc phúc âm hóa sẽ ra sao? Giáo hội đánh giá cao sự từ bỏ trọn vẹn của các con. Giáo hội cậy dựa vào lời cầu nguyện của các con và vào sự tự hiến của các con để những người nam và nữ có thể biết đến những tin tốt lành của Tin Mừng. Giáo hội cần các con!

Thế gian hay ít nhất là phần lớn những ai thuộc về nó, những người để cho não trạng quyền lực, giàu có và chủ nghĩa tiêu thụ làm chủ mình, không dễ dàng hiểu ơn gọi đặc biệt cũng như sứ mạng thầm kín của các con. Thế nhưng thế giới ấy lại cần chúng con biết bao. Giáo hội cần các con như một người thuỷ thủ nơi biển xa cần một ngọn hải đăng để hướng dẫn anh ta về bến an toàn. Hãy là những ngọn hải đăng cho những ai gần gũi các con, và nhất là những người ở xa các con. Hãy là những ngọn đuốc sáng hướng dẫn những người nam và nữ trong hành trình đi qua đêm tối của họ trong thời đại này. Hãy là những người lính gác ban mai (x. Is 21,11-12), sứ giả vào lúc rạng đông (x. Lc 1,78). Nhờ vào đời sống được biến đổi, với những từ ngữ đơn sơ được suy đi nghĩ lại trong thinh lặng, các con hãy cho chúng ta thấy Đấng là Đường, là Sự thật và là Sự sống (x. Ga 14,6), chỉ mình Ngài mới có thể mang lại cho chúng ta một sự hoàn thiện và một đời sống phong phú. Hãy gào lên như thánh An-rê đã làm với Simon: “Chúng tôi đã nhìn thấy Chúa” (Ga 20,18). Hãy yêu mến và giữ gìn giá trị ngôn sứ của đời sống tự hiến của các con. Đừng sợ sống trọn vẹn niềm vui Tin Mừng, hợp với đoàn sủng của các con.

Sự trợ giúp và hướng dẫn của Giáo hội

  1. Giáo huấn của các Công đồng và các vị Giáo hoàng luôn bày tỏ mối quan tâm cụ thể đối với mọi hình thức đời sống thánh hiến thông qua việc công bố các tài liệu quan trọng. Trong số đó, cần đặc biệt lưu tâm đến hai tài liệu rất quan trọng của Công Đồng Vaticanô II: Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội Lumen Gentium và Sắc Lệnh về Canh Tân Đời sống Tu trì Perfectae Caritatis.

Tài liệu thứ nhất đặt đời sống thánh hiến trong Giáo hội học của Dân Thiên Chúa nhờ vào lời mời gọi nên thánh dành cho tất cả mọi người có nguồn gốc từ sự thánh hiến của Bí Tích Rửa Tội.[25] Tài liệu thứ hai mời gọi mọi người thánh hiến đi vào một cuộc canh tân thích đáng hợp với những điều kiện thay đổi của thời đại. Để hướng dẫn cuộc đổi mới này, tài liệu đề ra những tiêu chuẩn không thể miễn trừ sau: trung tín với Đức Ki-tô, với Tin Mừng, với đặc sủng của chính hội dòng, với Giáo hội và với những người nam và nữ trong thời đại chúng ta.[26]

Chúng ta cũng không thể bỏ qua Tông Hiến hậu Thượng hội đồng về Đời sống thánh hiến Vita Consecrata của vị tiền nhiệm của tôi, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II. Nhờ vào việc gặp hái những kết quả phong phú của Thượng hội đồng Giám mục về Đời sống Thánh hiến, tài liệu này chứa đựng những yếu tố vẫn còn nguyên giá trị cho một cuộc đổi mới liên lỉ của đời sống thánh hiến và việc làm chứng cho Tin mừng của đời sống thánh hiến trong thời đại của chúng ta.

Chúng ta cũng cần thêm vào một số tài liệu sau như là một hướng dẫn đầy hữu ích dành cho đời sống chiêm niệm.

– Những chỉ dẫn của Bộ Đời sống Thánh Hiến và Tu Đoàn Tông đồ (CICLSAL) Potissimum Institutioni (2 tháng 2 năm 1990), tập trung một cách đặc biệt vào đời sống chiêm niệm của đời sống thánh hiến (Chương IV, 78-85);

– Tài liệu liên Bộ Sviluppi (6 tháng 2 năm 1992) bàn về vấn đề suy giảm ơn gọi trong đời sống thánh hiến cách chung và trong đời sống chiêm niệm, trong phạm vi hẹp hơn (Số 81).

– Giáo Lý Hội thánh Công giáo, được công bố bởi Hiến Chế Fidei Depositum (11 tháng 10 năm 1992), rất hữu ích giúp các tín hữu hiểu hơn lối sống của các con; đặc biệt là các số 915 – 933, bàn về các lối sống của đời tu. Số 1672 bàn về sự thánh hiến không mang tính bí tích của các con và sự chúc lành của các Viện Phụ và Viện Mẫu. Số 1974 và 2102 nối kết Mười Điều Răn với việc tuyên khấn các lời khuyên phúc âm. Số 2518 trình bày mối dây gần gũi giữa việc thanh luyện trái tim được nói đến trong các Mối Phúc như một lời hứa nhìn thấy Dung Nhan Thiên Chúa, và tình yêu dành cho chân lý và đức tin. Số 1691 và 286 ca ngợi vai trò trung gian với Thiên Chúa của đời sống chiêm niệm – là những nơi đặc biệt mà lời cầu nguyện cá nhân cũng như cộng đoàn được nối kết một cách hoà hợp, trong khi đó số 2715 lưu ý rằng đặc quyền của đời sống chiêm niệm là phải giữ ánh mắt hướng nhìn về Đức Giê-su và các mầu nhiệm trong đời sống cũng như sứ mạng của Ngài;

– Huấn thị của Bộ CICLSAL Congregavit Nos (2 tháng 2 năm 1994) ở số 10 và 34 nối kết thinh lặng và cô tịch với những đòi hỏi sâu sắc của cộng đoàn sống đời sống huynh đệ và nhấn mạnh rằng sự tách biệt với thế gian hệ tại ở một bầu khí cầu nguyện hằng ngày;

– Huấn thị của CICLSAL Verbi SponsaEcclesia (13 tháng 5 năm 1999) ở các tiết 1-8 cung cấp một sự tổng hợp có tính hệ thống và lịch sử rất ấn tượng về những giáo huấn trước đây của Giáo hội về tầm quan trọng mang tính cánh chung và sứ mạng của đời sống Đan viện và các nữ tu sống đời sống chiêm niệm;

– Cuối cùng, Huấn thị của CICLSAL Xuất phát lại từ Đức Ki-tô (19 tháng 5 năm 2002) thúc dục mọi người sống đời thánh hiến không ngừng chiêm niệm dung nhan của Đức Ki-tô. Tài liệu này cho thấy rằng, các nam nữ đan sĩ là đỉnh cao trong lời cầu nguyện tạ ơn và âm thầm của Giáo hội, và đồng thời Giáo hội lấy làm biết ơn các nam nữ đan sĩ vì họ luôn giữ việc đọc Các Giờ Kinh Phụng vụ và việc cử hành Thánh Lễ như là tâm điểm trong đời sống thường ngày của họ.

  1. Năm mươi năm sau Công đồng Vaticanô II, sau khi tham khảo ý kiến và nhận định đầy cẩn trọng, tôi thấy cần phải ban hành một Tông huấn cho Giáo hội, đặc biệt dành cho đời sống đan viện theo nghi lễ Latinh. Tài liệu này cũng lưu tâm đến hành trình đầy nhiệt tình và sinh nhiều hoa trái của Giáo hội trong những thập niên gần đây dưới ánh sáng giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II và tình huống xã hội và văn hoá đang không ngừng biến đổi hiện nay. Trong những thập niên cuối, chúng ta đã nhìn thấy những thay đổi nhanh chóng mang tính lịch sử mời gọi một cuộc đối thoại. Đồng thời, những giá trị nền tảng của đời sống chiêm niệm cần được duy trì. Mặc dù những giá trị này – sự thinh lặng, lưu tâm lắng nghe, lời mời gọi đi vào đời sống nội tâm, vĩnh cư – đời sống chiệm niệm có thể và ắt hẳn phải đối diện với não trạng của thời đại.

Với tài liệu này cha ao ước tái khẳng định sự ngưỡng mộ của mình cùng với lòng biết ơn của toàn thể Giáo hội dành cho cách thức bước theo Đức Ki-tô độc nhất vô nhị này, một lối sống được nhiều nữ tu trong đời sống chiêm niệm thực hành; với nhiều người, đời sống chiêm niệm là một quà tặng vô giá và không thể thay thế mà Chúa Thánh Thần tiếp tục làm cho lớn lên trong Giáo hội.

Nơi nào cần thiết hay thích hợp, Bộ Đời sống Thánh Hiến và Tu Đoàn Tông đồ sẽ bàn về những câu hỏi cụ thể và đưa đến những thoả thuận với Bộ Giáo hội Đông Phương và Bộ Phúc Âm Hoá các Dân tộc.

Những yếu tố thiết yếu của đời sống chiêm niệm

  1. Ngay từ những thế kỷ đầu tiên, đời sống chiêm niệm đã hiện diện trong Giáo hội, dẫu có lúc thăng lúc trầm. Điều này có được là nhờ sự hiện diện liên lỉ của Thiên Chúa cùng với khả năng của Giáo hội trong việc đổi mới và thích nghi chính mình hợp với những thay đổi trong xã hội. Đời sống chiêm niệm luôn là một hành trình tìm kiếm gương mặt của Thiên Chúa và gìn giữ tình yêu vô điều kiện dành cho Đức Ki-tô như là dấu hiệu của mình.

Đời sống thánh hiến là một lịch sử của một tình yêu nồng nàn dành cho Thiên Chúa và cho con người. Trong đời sống chiêm niệm, ngày qua ngày, lịch sử này hé mở một cuộc say sưa tìm kiếm để nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa trong một mối tương quan thân mật với Ngài. Với những người nữ sống đời sống chiêm niệm, các con đáp lại lời mời gọi của Đức Ki-tô, “Đấng đã yêu chúng ta trước (1Ga 4,19) và “đã hiến mình vì ta” (Eph 5,2), bằng cách dâng hiến toàn bộ đời sống của mình, sống nơi Ngài và cho Ngài, “để ca ngợi vinh quang Ngài” (Eph 1,12). Ngang qua đời sống chiêm niệm, các con là tiếng nói của Giáo hội khi Giáo hội không ngừng ngợi khen, tạ ơn, khẩn nài và chuyển cầu cho toàn thể nhân loại. Ngang qua lời cầu nguyện của mình, các con là những người cộng sự của Thiên Chúa, giúp những chi thể sa ngã phục sinh nơi thân xác vinh hiển của Ngài.[27]

Trong giờ cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn, các con khám phá ra Thiên Chúa như là kho tàng của đời sống mình, là sự thiện hảo, “sự thiện tối cao và trọn vẹn”, là “sự giàu có và tròn đầy”[28] của các con. Rồi các con sẽ thấy, với một đức tin kiên vững, chỉ có “Thiên Chúa là đủ cho các con”[29], và các con đã chọn phần tốt nhất. Các con đã từ bỏ đời sống của mình và chỉ còn hướng nhìn về Thiên Chúa, điều này đã đi vào từng tế bào của trái tim các con (x. Mt 6,5) trong sự cô tịch với người khác trong tu viện và trong đời sống huynh đệ trong cộng đoàn. Như thế, các con đã trở nên hình ảnh của Đức Ki-tô, Đấng luôn tìm kiếm để gặp gỡ Cha trên những ngọn núi cao (Mt 14, 23).

  1. Qua nhiều thế kỷ, Giáo hội luôn hướng về Mẹ Maria như là người “chiêm niệm tối cao”.[30] Từ khi truyền tin cho đến phục sinh, trải qua một cuộc hành hương của đức tin và đạt đến cao điểm tại chân Thập giá, Mẹ đã luôn chiêm niệm mầu nhiệm trong cung lòng Mẹ. Nơi Mẹ Maria, chúng ta thoáng nhận ra hành trình mầu nhiệm của người được thánh hiến, được đặt nền tảng trên một sự khôn ngoan đầy khiêm hạ nhưng lại phảng phất hương vị của mầu nhiệm của một sự hoàn thiện trọn hảo.

Noi gương Mẹ Maria, người chiêm niệm phải là người đặt Thiên Chúa làm trung tâm (x. Lc 10,42) và xem Ngài là sự cần thiết duy nhất khi so sánh với những thứ khác bởi vì họ nhìn mọi sự bằng một đôi mắt mới. Những người chiêm niệm vẫn đánh giá cao giá trị của những sự vật mang tính thời tạm nhưng những điều này không thể đánh cắp trái tim hay làm lu mờ tâm trí họ; trái lại, của cải vật chất trở thành những “nấc thang quan trọng”[31] đưa họ lên với Đấng Tối Cao! Với những người sống đời chiêm niệm, mọi thứ “nói” về Đấng Tối Cao! Những người biết dìm mình vào mầu nhiệm chiêm niệm sẽ nhìn thấy mọi sự với một ánh mắt thiêng liêng. Điều này giúp họ nhìn thấy thế giới và người khác theo cách thức của Thiên Chúa, trong khi những người khác “có mắt mà không thấy” (Tv 115,5; 135,16; Ger 5,21) vì họ nhìn với ánh mắt xác thịt.

  1. Chiêm niệm là chăm chú nhìn, như Đức Ki-tô, Đấng luôn hướng nhìn về Chúa Cha (Ga 1,18), một cái nhìn được biến đổi bởi hoạt động của Chúa Thánh Thần, một cái nhìn đầy ngạc nhiên, về Thiên Chúa và kỳ công của Ngài. Chiêm niệm cũng có nghĩa là có một tâm trí trong sáng, một tâm trí có thể cảm nhận nhịp điệu của Lời và âm vang của Chúa Thánh Thần như một làn gió nhẹ (x. Sách Các Vua 19,21). Không phải ngẫu nhiên mà đời sống chiêm niệm được sinh ra từ đức tin; thực vậy, đức tin là cánh cửa và là hoa trái của chiêm niệm. Chỉ khi một người có thể thốt lên lời tin tưởng tuyệt đối, “Lạy Chúa, Con đây!” (x. Lc 2,38), người ấy mới có thể đi vào mầu nhiệm này.

Sự thinh lặng và sự bình an của con tim và tâm trí trong bầu khí hồi tâm có thể giúp đối diện với những cám dỗ tinh vi. Việc chiêm niệm của các con sẽ trở thành một cuộc chiến thiêng liêng đầy can đảm nhân danh Giáo hội và vì thiện ích của toàn thể Giáo hội, vốn xem các con như là những người lính gác trung tín, đầy mạnh mẽ và không thể đánh bại trong cuộc chiến này. Trong số những cám dỗ hiểm nghèo nhất mà các con phải đối diện là điều mà các Tổ Phụ sa mạc gọi là “sự dữ giữa ban ngày”: đó là sự cám dỗ lơ đãng, hành trình đơn điệu, thiếu sự nhiệt tâm và bị tê liệt bởi sự thờ ơ lãnh đạm. Như cha đã lưu ý trong tuân Huấn Niềm vui Phúc Âm điều này từ từ dẫn đến một sự “phát triển một tâm lý nấm mồ, dần dần biến các Ki-tô hữu thành những xác ướp trong viện bảo tàng. Thất vọng với thực tại, với Giáo hội và với chính mình, họ sống trong cám dỗ bám víu không ngừng vào một nỗi buồn mông lung, thiếu hy vọng, là điều nắm giữ trái tim của họ như ‘rượu thuốc quý giá nhất của ma quỷ’”.[32]

Những vấn đề mời gọi sự nhận định và các quy luật cần được đổi mới

  1. Như một sự trợ giúp để các chị em sống đời sống chiêm niệm đạt được mục tiêu trong ơn gọi đặc biệt của họ như được mô tả ở trên, cha mời gọi phản tỉnh và nhận định về 12 chiều kích của đời sống thánh hiến nói chung và truyền thống đan viện nói riêng. Đó là việc huấn luyện, cầu nguyện, Lời Chúa, Bí tích Thánh thể và Hoà Giải, đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, sự tự trị, các liên hiệp, nội vi, lao động, sự thinh lặng, truyền thông và sự khổ chế. Kết quả của sự phản tỉnh và nhận định này sẽ phải được thực thi trong cách thế tôn trọng những truyền thống đặc sủng cụ thể của các gia đình đan viện khác nhau. Đồng thời, chúng cần phải tôn trọng các quy luật được trình bày trong phần cuối của Tông hiến này, cũng như những hướng dẫn mang tính thực hành sớm được ban hành bởi Bộ đời sống Thánh Hiến và Tu đoàn tông đồ.

Huấn luyện

  1. Việc huấn luyện những người được thánh hiến là một tiến trình nhắm đến việc trở nên đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa, Đức Giê-su và thấm nhuần tinh thần cũng như trái tim của Ngài trong món quà tự hiến trọn vẹn dâng lên Cha. Tiến trình này sẽ không bao giờ kết thúc và phải được thấm đẫm toàn thể nhân vị, và kết quả là, những suy nghĩ và hành động của những người được thánh hiến phải luôn là dấu chỉ của việc thuộc về Đức Kitô một cách trọn vẹn và vui tươi; thực thế, tiến trình này đòi hỏi một sự hoán cải liên tục hướng về Thiên Chúa. Nó nhắm đến việc đào luyện trái tim, tâm trí và toàn thể đời sống tạo điều kiện cho một tiến trình hội nhất giữa các chiều kích nhân bản, văn hoá, thiêng liêng và mục vụ.[33]

Một cách cụ thể, việc huấn luyện những người trong đời sống chiêm niệm cần hướng đến một sự hiệp thông hoà hợp với Thiên Chúa và với anh chị em mình trong bầu khí thinh lặng, được đảm bảo bởi đời sống hàng ngày của tu viện.

  1. Thiên Chúa là Cha, là nhà huấn luyện tối cao, nhưng trong công việc này, Ngài sử dụng các phương thế nhân loại. Những nhà huấn luyện nam cũng như nữ là những anh chị em lớn tuổi hơn, và sứ mạng chính yếu của họ là giúp làm hé mở “vẻ đẹp của việc bước theo Đức Ki-tô và giá trị của đặc sủng mà nhờ đó việc theo Ngài được trở nên trọn vẹn”.[34]

Việc huấn luyện, đặc biệt là tiến trình huấn luyện liên tục, là “một đòi hỏi có tính nền tảng của việc thánh hiến đời tu”,[35] và được đặt nền tảng trên đời sống hàng ngày của cộng đoàn. Vì thế, các chị nên phải nhớ rằng, không gian của việc huấn luyện phải là chính đan viện, và đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, trong mọi mặt của nó, phải góp phần vào tiến trình này.

15.Trong bối cách xã hội, văn hoá và tôn giáo ngày này, các đan viện cần phải lưu tâm nhiều đến việc nhận định ơn gọi và thiêng liêng, đừng để rơi vào cám dỗ là nghĩ đến số lượng và hiệu quả.[36] Họ nên chắc chắn rằng các ứng sinh nhận được một sự hướng dẫn mang tính cá nhân và một chương trình huấn luyện thích đáng, và luôn nhớ rằng, từ lúc huấn luyện khởi đầu và theo sau đó là việc tuyên khấn tạm thời, trong mức độ có thể, “đặt vào trong một quy trình đào tạo rộng hơn”[37], không ít hơn 9 năm và không nhiều hơn 12 năm.[38]

Cầu nguyện

  1. Cầu nguyện phụng vụ và cá nhân là nền tảng và cần thiết để nuôi dưỡng đời sống chiêm niệm của anh chị em. Nếu cầu nguyện là ‘cốt lõi’ của đời sống thánh hiến,[39] thì điều này càng đúng hơn cho đời sống chiêm niệm. Ngày nay, nhiều người không biết cách cầu nguyện. Nhiều người chỉ cảm thấy đơn giản là không cần phải cầu nguyện, hay giới hạn mối tương quan của họ với Chúa chỉ khi cần sự trợ giúp trong những lúc khó khăn, khi không thể cậy dựa vào ai nữa. Với những người khác, cầu nguyện chỉ là việc tạ ơn trong những giây phút hạnh phúc. Trong việc đọc và hát mừng ca ngợi Thiên Chúa với Giờ kinh phụng vụ, các con cũng cần cầu nguyện cho những người này, giống như các ngôn sứ, các con cần cầu nguyện cho ơn cứu độ của tất cả mọi người.[40] Việc cầu nguyện cá nhân sẽ giúp các con nối kết với Thiên Chúa như cành nho với cây nho, và nhờ đó đời sống các con sẽ sinh hoa trái dồi dào. Đừng bao giờ quên rằng, đời sống cầu nguyện và chiêm niệm không phải là một lối sống chỉ biết quan tâm đến bản thân mình; đúng hơn đời sống ấy phải giúp mở rộng trái tim của các con để ôm trọn toàn thể nhân loại, đặc biệt là những người khổ đau.

Nhờ vào lời cầu nguyện chuyển cầu, các con đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống Giáo hội. Các con cầu nguyện và chuyển cầu cho nhiều anh chị em, các tù nhân, những người di dân và tị nạn, các nạn nhân của những cuộc bách hại. Lời cầu nguyện chuyển cầu của các con ôm ấp những gia đình đang phải trải qua những khó khăn, thất nghiệp, nghèo đói, bệnh tật, và những người đang đấu tranh với các chứng nghiện ngập, đây chỉ là những trường hợp có tính khẩn thiết hơn. Các con là người mang người bị bại liệt đến với Thiên Chúa để Ngài chữa lành. Nhờ vào lời cầu nguyện của mình, liên lỉ suốt đêm ngày, các con mang đến trước Thiên Chúa đời sống của biết bao nhiêu anh chị em của mình, những người vì những lí do khác nhau không thể đến với Ngài để cảm nghiệm ân sủng chữa lành của Ngài, ngay cả khi Ngài kiên nhẫn chờ đợi họ. Nhờ vào lời cầu nguyện của mình, các con có thể chữa lành nhiều vết thương.

Đức Trinh Nữ Maria chính là gương mẫu tối cao trong việc chiêm ngắm Đức Ki-tô. Dung nhan con Mẹ thuộc về Mẹ trong một cách thức độc đáo nhất. Mẹ chính là Mẹ và là Thầy dạy trong việc trở nên đồng hình đồng dạng một cách trọn với con Mẹ; nhờ vào gương mẫu và sự hiện diện mẫu tử của mình, Mẹ luôn nâng đỡ con cái mình, những người con yêu quý của Mẹ, trung tín trong đời sống cầu nguyện mỗi ngày.[41]

  1. Trong sách Xuất hành chúng ta đọc thấy rằng, Môsê đã quyết định số phận dân của ông nhờ lời cầu nguyện. Ông đảm bảo sự vinh thắng trên kẻ thù bao lâu còn nâng cánh tay mình lên để cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa. Điều này đánh động cha, nó cho chúng ta thấy rằng đây là hình ảnh hùng hồn nhất cho thấy sức mạnh và hiệu quả lời cầu nguyện của các con nhân danh toàn thể nhân loại và Giáo hội, đặc biệt là những người mỏng giòn yếu đuối và những người cần lời cầu nguyện của các con. Vậy thì giờ đây chúng ta có thể kết luận rằng số phận của nhân loại được định đoạt bởi những trái tim biết cầu nguyện và bởi những đôi bàn tay biết hướng lên của những người nữ sống đời sống chiêm niệm. Đó là lý do cha khuyến khích các con giữ sự trung tín, hợp với thể chế của các con, trong đời sống cầu nguyện phụng vụ và cá nhân. Đời sống cầu nguyện cá nhân chính là sự chuẩn bị và là sự nối dài của đời sống cầu nguyện phụng vụ. Cha khuyến khích các con “không ước mong gì hơn ngoài công việc của Thiên Chúa”,[42] đừng để điều gì cản trở, làm xao nhãng hay gián đoạn sứ mạng cầu nguyện của các con.[43] Nhờ đó, ngang qua việc chiêm niệm các con sẽ trở thành hình ảnh của Đức Ki-tô[44] mỗi ngày một trọn vẹn hơn, và cộng đoàn của các con sẽ trở thành ngôi trường cầu nguyện đích thực.
  2. Tất cả điều này đòi hỏi một nền linh đạo phải được đặt nền tảng trên Lời Chúa, trên sức mạnh của đời sống bí tích, lời dạy của các Giáo huấn Giáo hội và các bài viết của các Đấng sáng lập nam cũng như nữ, một nền linh đạo có thể giúp các con trở thành những nữ tử của trời cao và của thế giới này, trở thành những người môn đệ và các nhà truyền giáo, hợp với lối sống của các con. Điều này cũng đòi hỏi một tiến trình huấn luyện có tính tiệm tiến trong đời sống cầu nguyện cá nhân cũng như phụng vụ, và trong chính việc chiêm niệm, luôn nhận ra rằng, tất cả những điều này được nuôi dưỡng một cách chính yếu từ “vẻ đẹp gây cớ vấp ngã” của thập giá.

Trung tâm của Lời Chúa

  1. Một trong những yếu tố thiết yếu nhất trong đời sống đan viện nói chung là vị trí trung tâm của lời Chúa trong đời sống cá nhân và cộng đoàn. Thánh Bênêđictô nhấn mạnh điều này khi ngài đòi hỏi các đan sĩ phải biết ước ao lắng nghe các bài đọc thánh: “lectiones sanctas libenter audire”.[45] Qua nhiều thế kỷ, đời sống đan viện đã trở thành người bảo vệ cho Lectio Divina. Ngày nay sứ mạng này được giao phó cho toàn thể Dân Thiên Chúa và là một đòi buộc cho mọi người được thánh hiến.[46] Chính các con được mời gọi để làm cho lời Chúa trở nên lương thực cho đời sống chiêm niệm và đời sống hàng ngày của các con, nhờ đó các con có thể sẻ chia kinh nghiệm được Lời Chúa biến đổi với các linh mục, phó tế, những người thánh hiến khác và giáo dân. Hãy nhìn sự chia sẻ này như là sứ mạng đích thực của các con trong Giáo hội.

Cầu nguyện và chiêm niệm chắc chắn là nơi thích hợp nhất để đón nhận Lời Chúa, nhưng tự mình, chúng có nguồn gốc từ việc lắng nghe Lời. Toàn thể Giáo hội và đặc biệt là những cộng đoàn dâng hiến trọn vẹn cho đời sống chiêm niệm cần tái khám phá vị trí trung tâm của Lời Chúa, như vị tiền nhiệm của cha, Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II khẳng định rằng Lời Chúa chính là “nguồn mạch đầu tiên của mọi nền linh đạo”.[47] Lời Chúa cần thiết để nuôi dưỡng đời sống, lời cầu nguyện và việc chiêm niệm cũng như hành trình hàng ngày của các con, và Lời Chúa cũng cần thiết để trở nên nguyên lý của sự hiệp nhất cho cộng đoàn và huynh đệ của các con. Vì thế, các con được mời gọi để đón nhận Lời Chúa, để suy niệm Lời, để chiêm niệm và cùng nhau đưa vào thực hành Lời cũng như thông truyền và sẻ chia hoa trái phát sinh từ kinh nghiệm này. Nhờ đó, các con sẽ lớn lên trong một linh đạo hiệp nhất đích thực.[48] Ở đây, cha nhắc nhở các con cần “tránh xa nguy cơ của một lối tiếp cận mang tính cá nhân, và nhớ rằng, Lời Chúa được trao cho tất cả chúng ta ngõ hầu chúng ta có thể xây dựng sự hiệp thông, nối kết chúng ta trong Chân Lý, hướng con đường chúng ta đến với Thiên Chúa… Và như thế, các bản văn thánh phải luôn luôn được tiếp cận trong sự hiệp thông với Giáo hội”.[49]

  1. Lectio divina, việc cầu nguyện với Lời Chúa, là một nghệ thuật giúp chúng ta đi từ bản văn Kinh Thánh đến đời sống. Đó là việc giải thích đời sống dựa trên Kinh Thánh, ngang qua đó chúng ta có thể bắc nhịp cầu để nối kết khoảng cách giữa đời sống thiêng liêng và đời sống thường nhật, giữa đức tin và đời sống. Tiến trình này khởi đi từ việc cầu nguyện bằng cách đọc Lời Chúa, nghĩa là chúng ta được hướng dẫn để đi từ việc nghe đến hiểu, từ hiểu đến yêu.

Sự đổi mới về Kinh Thánh đã mang lại một sức sống mới đặc biệt sau khi Công Đồng Vaticanô II công bố Hiến Chế Lời Chúa Dei Verbum. Ngày nay, mọi người được mời gọi để trở nên thân quen với Kinh thánh qua việc siêng năng đọc các bản văn Kinh Thánh trong bầu khí cầu nguyện, việc đối thoại với Thiên Chúa vốn trở nên thực tại hàng đầu của Dân Ngài. Lectio Divina giúp các con nuôi dưỡng một con tim ngoan nguỳ, khôn ngoan và biết nhận định (x. 1V 3,9.12), một con tim có khả năng biết đâu là điều thuộc về Thiên Chúa và đâu là điều có thể dẫn các con lạc xa Ngài. Lectio divina cho phép các con thủ đắc một loại trực giác siêu nhiên vốn đã giúp các vị sáng lập tránh xa việc bắt chước não trạng thế gian, nhưng biết đổi mới tâm trí của các vị ấy nhờ đó các vị “có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Thiên Chúa, cái gì hoàn hảo (Rm 12,2)”.[50]

  1. Toàn bộ đời sống của các con, cá nhân cũng như cộng đoàn, phải được tổ chức xung quanh lời Chúa. Thực vậy, các cộng đoàn và đời sống huynh đệ của các con sẽ trở nên mái trường nơi Lời được chăm chú lắng nghe, đưa vào thực hành và được công bố cho tất cả mọi người gặp gỡ các con.

Cuối cùng, “cũng nên nhớ rằng sự năng động của Lectio divina chưa kết thúc bao lâu nó chưa mở ra với hành động (actio), thúc đẩy người tín hữu dâng hiến đời mình cho người khác trong tình bác ái”.[51] Nhờ đó, việc chiêm niệm Lời Chúa sẽ sinh hoa trái dồi dào trên bước đường trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, là mục tiêu của toàn bộ đời sống chúng ta.

Bí tích Thánh thể và Hoà giải

  1. Thánh Thể là bí tích cao trọng nhất trong cuộc gặp gỡ với con người Đức Giê-su; bí tích này “chứa đựng sự phong phú của toàn bộ đời sống thiêng liêng của Giáo hội, nghĩa là chính Chúa Ki-tô”.[52] Thánh thể là tâm điểm đời sống của những ai đã lãnh nhận Bí tích rửa tội và của đời sống thánh hiến; vì thế, bí tích này cũng là trung tâm của đời sống chiêm niệm. Thực vậy, việc các con tự trao ban chính bản thân mình cho phép các con sẻ chia một cách đặc biệt mầu nhiệm cái chết và phục sinh hiện diện nơi Thánh Thể. Cộng đoàn bẻ bánh lặp lại và làm hiện thực hoá việc Đức Giê-su tự hiến tế chính mình Ngài: “Thiên Chúa đã bẻ chính Ngài và đang tiếp tục bẻ chính Ngài vì chúng ta” và Ngài cũng muốn chúng ta “trao ban chính mình và bẻ chính mình vì người khác”.[53] Nhờ đó mầu nhiệm sâu thẳm này có thể diễn ra và tỏ bày sự phong phú của nó. Việc cử hành thánh lễ cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, xứng đáng và đúng mực. Tất cả mọi người cần tham dự một cách trọn vẹn, trung tín và ý thức.

Trong Thánh lễ, ánh mắt của con tim sẽ nhận ra Đức Giê-su.[54] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II nói cho chúng ta biết rằng, “chiêm niệm Đức Ki-tô nghĩa là đặt hết tâm trí vào để có thể nhận ra Ngài bất cứ khi nào Ngài tỏ lộ chính mình cho chúng ta, trong mọi cách thức hiện diện phong phú của Ngài, nhưng trên hết là nơi bí tích sống động là chính Mình và Máu của Ngài. Giáo hội kín múc đời sống của mình từ Đức Ki-tô trong bí tích Thánh Thể; chính Ngài nuôi dưỡng Giáo hội và soi sáng cho Giáo hội. Thánh Thể vừa là mầu nhiệm của đức tin vừa là ‘mầu nhiệm của ánh sáng’. Bất cứ khi nào Giáo hội cử hành Thánh lễ, người tín hữu, trong một cách thức nào đó, có thể sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmaus: ‘Mắt họ mở ra và họ nhận ra Ngài’ (Lc 24,31)”.[55] Mỗi ngày Thánh Thể lôi kéo các con đi vào mầu nhiệm của tình yêu, một tình yêu hôn nhân, “hành động cứu chuộc của Đức Ki-tô như là vị Phu quân dành cho Giáo hội là Hiền thê”.[56]

Và như thế, truyền thống tôn sùng Thánh Thể như một hành vi nối dài Thánh lễ là một điều rất đáng ca ngợi; đó là một khoảnh khắc đặc biệt để tiêu hoá trong ý nghĩa thiêng liêng tấm bánh đã được bẻ ra trong suốt Thánh lễ và để giữ gìn nó trong việc tạ ơn.

  1. Thánh Thể gợi hứng cho một tiến trình dấn thân vào một cuộc hoán cải liên lỉ được diễn tả nơi Bí tích Hòa giải. Ước gì việc cử hành bí tích Hoà giải của cá nhân cũng như cộng đoàn có thể trở thành một phương tiện đặc biệt để các con chiêm ngắm Đức Giê-su Ki-tô, dung nhan của lòng thương xót của Cha,[57] nhờ đó các con có thể đổi mới con tim và thanh luyện mối tương quan của các con với Thiên Chúa trong chiêm niệm.

Kinh nghiệm hân hoan vì được Thiên Chúa thứ tha nhận được từ bí tích này trao ban cho các con ân sủng ngõ hầu các con trở thành ngôn sứ và những vị mục tử của lòng thương xót, và là khí cụ của hoà giải, tha thứ và bình an. Thế giới hôm nay cần biết bao những vị ngôn sứ và mục tử như thế.

Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn

  1. Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn là một yếu tố thiết yếu trong đời tu nói chung và trong đời sống đan viện nói riêng, cho dù thuộc về các đặc sủng khác nhau.

Mối tương quan hiệp thông là một sự tỏ lộ của tình yêu tuôn trào từ trái tim Chúa Cha và được đổ tràn vào trái tim của chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng mà Đức Giê-su đã hứa ban cho chúng ta. Điều này trở thành một thực tại hữu hình nơi Giáo hội, là ngôi nhà của Thiên Chúa, là dấu chỉ của sự hiệp nhất sâu sắc với Ngài và tỏ lộ như một ngôi nhà nơi đó kinh nghiệm trao ban đầy sống động này trở nên có thể cho tất cả mọi người. Qua việc mời gọi một số người nam cũng như nữ chia sẻ đời sống với mình, chính Đức Ki-tô, là Thiên Chúa đã thiết lập một cộng đoàn nhờ đó “việc chia sẻ của cải, tình yêu huynh đệ, chia sẻ những dự phóng cũng như mọi hoạt động trở thành một thực tại hữu hình. Điều này xảy ra nhờ việc đón nhận lời mời bước theo Ngài một cách tự do hơn và gần gũi hơn”.[58] Đời sống huynh đệ, một đời sống mà qua đó những người nam và nữ nỗ lực để “trở nên một lòng một trí” (Cv 4, 32) theo khuôn mẫu của các cộng đoàn Giáo hội tiên khởi, “là một lời chứng hùng hồn cho mầu nhiệm Ba Ngôi”.[59]

  1. Sự hiệp thông huynh đệ là một sự phản ảnh chính cách thức hiện hữu của Thiên Chúa và cách Ngài trao ban chính bản thân mình; đời sống ấy làm chứng cho chân lý “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8.16). Đời sống dâng hiến tuyên xưng đức tin, sống đức ái của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và do đó, đời sống cộng đoàn trở thành một sự phản chiếu ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu.

Không giống như các ẩn sĩ, những người sống trong “thinh lặng và cô tịch”[60] và những người cũng được Giáo hội hết sức yêu mến, đời sống đan tu đòi hỏi đời sống cộng đoàn không ngừng được lớn lên hầu tạo ra một sự hiệp thông huynh đệ đích thực, koinonia. Điều này có nghĩa là mọi thành viên phải xem mình là người xây dựng cộng đoàn chứ không chỉ đơn giản là người nhận kết quả cuối cùng. Một cộng đoàn tồn tại bởi vì nó cần thiết và được xây dựng nhờ vào sự đóng góp của mọi thành viên, mỗi người theo khả năng của mình, nhờ vào sự lớn lên trong tinh thần hiệp thông mãnh liệt, sự hiệp thông mà mỗi người kinh nghiệm được một cảm thức thuộc về.[61] Chỉ có thế đời sống cộng đoàn mới có thể trao cho các thành viên một sự trợ giúp cần thiết giúp họ sống trọn vẹn ơn gọi của mình.[62]

  1. Các con là những người ôm ấp đời sống đan viện, các con không bao giờ được phép quên rằng, những người nam và nữ hôm nay mong chờ các con làm chứng về một sự hiệp thông huynh đệ đích thực, trong một xã hội bị ghi dấu bởi sự chia rẽ và bất công, thì sự hiệp thông ấy làm chứng hùng hồn rằng, đời sống trong cộng đoàn là một điều khả thi và có thể trở nên trọn vẹn (x. Tv 133,1) bất chấp sự khác biệt về tuổi tác, giáo dục và cả văn hoá. Cộng đoàn các con phải là một dấu chỉ khả tín cho thấy rằng những sự khác biệt trên không những không làm cản trở đời sống huynh đệ, mà trái lại còn làm phong phú đời sống ấy. Hãy nhớ rằng sự hiệp nhất và hiệp thông không phải là sự cào bằng, và sự hiệp thông ấy cần được nuôi dưỡng bằng sự đối thoại, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau và yêu mến nhau sâu sắc, đặc biệt là những người yếu đuối và nghèo khổ.
  2. Cuối cùng, hãy nhớ rằng đời sống huynh đệ trong cộng đoàn cũng là một cách thức truyền giảng Phúc âm quan trọng nhất: “Người ta cứ dấu nầy mà nhận biết các con là môn đệ thật của Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga13, 34-35). Vì lý do đó, cha nhắc nhở các con đừng bỏ qua các phương thế mà Giáo hội đã đề nghị và cung cấp để củng cố đời sống cộng đoàn[63] và để luôn biết lưu tâm đến chiều kích rất nền tảng nhưng cũng rất mong manh này của đời sống đan viện.

Cùng với việc chia sẻ Lời và kinh nghiệm về Thiên Chúa, và việc nhận định cộng đoàn, “chúng ta nên nhắc lại việc sửa lỗi huynh đệ, duyệt xét lại đời sống và những hình thức tiêu biểu khác của truyền thống. Đây là những cách thức cụ thể để phục vụ người khác và để làm phong phú đời sống cộng đoàn bằng những quà tặng mà Chúa Thánh Thần đã trao ban một cách phong phú cho sự phát triển và sứ mạng của nó giữa lòng thế giới”.[64]

Trong cuộc gặp gần đây với những người sống đời thánh hiến tại Roma nhân dịp kết thúc năm đời sống Thánh hiến[65] cha đã nhắc nhở các con là hãy cố gắng giữ mối tương quan gần gũi với các chị em, những người Thiên Chúa đã trao cho các con như một món quà quý giá. Như thánh Bênêđictô cũng nhắc nhở chúng ta rằng, trong đời sống cộng đoàn điều quan trọng là phải “biết tôn trọng người già và biết yêu thương người trẻ”.[66] Hoa trái của đời sống huynh đệ trong cộng đoàn được cắm rễ sâu nơi nỗ lực hoà giải giữa những ký ức của quá khứ và lời hứa của tương lai.

Sự tự trị của các đan viện

  1. Sự tự trị cho phép sự ổn định đời sống và sự hiệp nhất bên trong của mỗi cộng đoàn, đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho việc chiêm niệm. Nhưng sự tự trị không có nghĩa là độc lập hoặc cô lập, đặc biệt là với các đan viện khác của cùng một Hội dòng hay một gia đình đoàn sủng.
  2. “Không ai xây dựng tương lai một mình, chỉ bằng những nỗ lực của riêng mình, nhưng cần đặt mình như là một phần trong sự hiệp thông đích thực vốn luôn đòi hỏi phải mở ra để gặp gỡ, đối thoại, lưu tâm lắng nghe và giúp đỡ lẫn nhau.”[67] Bởi thế, các con hãy cẩn trọng tránh xa “chứng bệnh đặt mình làm trung tâm”[68] và giữ gìn giá trị hiệp nhất trong những đan viện khác nhau như là con đường hướng đến tương tai và là những phương thế để cập nhập và diễn tả những giá trị trường tồn và đã được ấn định thành luật trong sự tự trị của các con.[69]

Các liên hiệp (hiệp hội)

  1. Liên hiệp là một cấu trúc quan trọng trong sự hiệp thông giữa các đan viện chia sẻ cùng một đặc sủng, nếu không các đan viện sẽ bị cô lập.

Mục đích chính của liên hiệp là thăng tiến đời sống chiêm niệm trong các đan viện thành viên, hợp với những đòi hỏi của đoàn sủng của mỗi đan viện, và để đảm bảo một sự trợ giúp cho việc huấn luyện sơ khởi và liên tục cũng như những nhu cầu thực tiễn, qua việc trao đổi nhân sự và chia sẻ của cải vật chất. Với mục đích này, các liên hiệp nên được khuyến khích và nhân rộng.[70]

Nội vi

  1. Sự tách biệt thế giới bởi nội vi là điều cần thiết cho những ai bước theo Đức Ki-tô trong đời tu, điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của các con, là những nữ tu sống đời chiêm niệm. Nội vi là cung thánh bên trong lòng Giáo hội như là Hiền thê: “Đó là dấu chỉ sự kết hiệp của Giáo Hội, là Hiền thê của vị Phu Quân mình, Đấng mà Giáo hội yêu mến trên hết mọi sự”.[71]

Theo Giáo luật, nội vi có bốn hình thức và mức độ khác nhau.[72] Ngoài nội vi chung dành cho các dòng tu, còn ba loại khác tiêu biểu cho các cộng đoàn chiêm niệm đó là nội vi Giáo Hoàng, nội vi theo hiến pháp và đan viện. Nội vi Giáo Hoàng “hành xử theo những quy luật được Toà Thánh ban hành”[73] và “loại trừ mọi công tác tông đồ bên ngoài”.[74] Nội vi theo hiến pháp được xác định theo hiến pháp của mỗi Hội dòng, trong khi đó nội vi của các đan viện, mặc dù vẫn duy trì đặc tính “luật nội vi phải được giữ nghiêm ngặt”[75] so với nội vi nói chung, ngoài bổn phận chính yếu là thờ phượng Thiên Chúa, có thể cho phép đón tiếp và chia sẻ hợp với đặc tính của mỗi dòng. Nội vi nói chung là ít khép kín nhất so với bốn loại trên.[76]

Sự đa dạng của các loại nội vi trong cùng một Dòng tu phải được xem là một sự phong phú chứ không phải là một sự cản trở tinh thần hiệp thông; điều này đòi hỏi một sự hoà giải giữa các đường lối tiếp cận khác nhau trong một sự hiệp nhất cao hơn.[77] Sự hiệp nhất này có thể được hiện thực hoá qua các hình thức đa dạng của việc gặp gỡ và hợp tác, nhất là trong tiến trình huấn luyện khởi đầu và liên tục.[78]

Lao động

  1. Qua việc lao động, các con chia sẻ công việc của Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá đang lao tác trong thế giới. Hoạt động này đặt các con vào trong mối tương quan với tất cả những ai đang lao động một cách có trách nhiệm để sống nhờ vào hoa trái phát sinh từ những giọt mồ hôi của mình (x. St 3,19) và để đóng góp vào công trình sáng tạo cũng như phục vụ con người. Cụ thể, việc lao động cho thấy một sự liên đới với người nghèo, những người không thể sống nếu không lao động hay những người mà dù họ có khả năng làm việc nhưng vẫn thường xuyên cần sự giúp đỡ của anh chị em mình.

Như các vị đại thánh trong đời sống chiêm niệm đã cảnh tỉnh, lao động chưa bao giờ bóp nghẹt tinh thần chiêm niệm. Đời sống của các con phải “thực sự trở nên nghèo khó và phải được sống bằng sự điều độ trong công việc” – như lời khấn nghèo khó đòi hỏi.[79] Vì lý do này, việc lao động của các con nên được thực hiện một cách cẩn trọng và trung tín, đừng để mình bị rơi vào nền văn hoá thời nay cũng như não trạng hiệu quả và hoạt động liên tục của nền văn hoá ấy. “Ora et labora” theo truyền thống Bênêđictô vẫn luôn là nguồn gợi hứng cho các con và giúp các con tìm thấy sự cân bằng đúng đắn giữa việc tìm kiếm Đấng tuyệt đối và việc dấn thân vào đời sống thường ngày, giữa sự bình an của việc chiêm niệm và nỗ lực hết mình trong công việc.

Sự thinh lặng

  1. Trong đời sống chiêm niệm, đặc biệt là trong đời sống thuần tuý chiêm niệm, cha thấy điều quan trọng là phải biết lưu ý đến sự thinh lặng được lấp đầy bởi sự hiện diện của Thiên Chúa như là một “không gian” thiết yếu để lắng nghe và suy gẫm lời Ngài. Sự thinh lặng là một điều kiện tiên quyết ngang qua đó nhờ vào cái nhìn đức tin chúng ta có thể đón chào sự hiện diện của Thiên Chúa vào trong đời sống chúng ta, đời sống của anh chị em những người mà Thiên Chúa trao cho chúng ta và trong những sự kiện trong thế giới hôm nay. Sự thinh lặng bao hàm việc làm rỗng chính mình để lớn lên trong việc đón nhận; sự ồn ào nội tâm sẽ khiến chúng ta không thể đón nhận ai hay bất cứ điều gì. Đời sống chiêm niệm trọn vẹn của các con đòi hỏi “một thời gian và khả năng thinh lặng và lắng nghe”[80] Thiên Chúa và con người. Hãy để tình yêu mà các con dành cho Thiên Chúa thúc bách các con, ngõ hầu các con có thể để cho miệng lưỡi của mình trở nên thinh lặng và nhờ đó Thần khí sẽ nói với các con.[81]

Ở đây, Mẹ rất Thánh Maria là gương mẫu của các con. Mẹ có thể lãnh nhận Lời Chúa bởi vì Mẹ là người phụ nữ thinh lặng – không phải là một sự thinh lặng không sinh hoa trái và cằn cỗi, nhưng đúng hơn là một sự phong phú và tròn đầy. Sự thinh lặng của Mẹ cũng là sự tròn đầy của tình yêu, vì tình yêu luôn chuẩn bị cho chúng ta đón chào một Ai Khác và những người khác.

Truyền thông

  1. Trong xã hội ngày hôm nay, văn hoá kỹ thuật số có một ảnh hưởng mang tính quyết định trong việc định hướng suy nghĩ của chúng ta và cách mà chúng ta tương quan với thế giới và cụ thể là với người khác. Các cộng đoàn chiêm niệm không thoát khỏi sự ảnh hưởng của nền văn hoá này. Rõ ràng truyền thông đã cho thấy sự hữu dụng trong huấn luyện và thông tin. Đồng thời cha cũng nhắc nhở các con là cần phải biết nhận định một cách khôn ngoan để chúng thực sự phục vụ cho việc huấn luyện đời sống chiêm niệm và thông tin cần thiết, và đừng trở thành duyên cớ làm lãng phí thời gian hay trốn tránh các đòi hỏi về đời sống huynh đệ trong đời sống cộng đoàn. Việc sử dụng các phương tiện truyền thông không được gây tổn hại đến ơn gọi hay cản trở đời sống của các con trong việc dâng hiến trọn vẹn con người của mình cho việc chiêm niệm.[82]

Khổ chế

  1. Việc thực hành khổ chế, việc sử dụng các phương thế mà Giáo hội đề nghị để làm chủ bản thân và thanh luyện con tim, cũng là một con đường để giải phóng khỏi tinh thần thế gian. Khổ chế nuôi dưỡng đời sống hợp với luận lý nội tâm của Tin mừng, đó là luận lý của quà tặng, đặc biệt là món quà tự hiến như là một lời đáp trả tình yêu đầu tiên và duy nhất của đời sống các con. Theo đó, các con không chỉ có thể đáp lại những ước mong của anh chị em mình, mà còn những đòi hỏi luân lý và thiêng liêng thuộc về các Lời khuyên Phúc âm mà các con đã tuyên khấn với lời khấn trọng.[83]

Đời sống trao ban chính mình trọn vẹn của các con mang một ý nghĩa ngôn sứ mạnh mẽ. Sự tiết chế, việc các con tách mình ra khỏi những của cải vật chất, bỏ mình trong vâng phục, và các mối tương quan trong sáng, những điều này sẽ trở nên triệt để hơn và đòi hỏi hơn khi các con tự do từ bỏ ‘không gian’, các mối tương quan, và rất nhiều điều tốt đẹp của thế giới… như là một cách thức cụ thể để trao ban chính thân thể các con.[84] Chọn lựa lối sống ổn cư trở nên dấu chỉ mạnh mẽ cho sự trung tín trong thế giới toàn cầu hoá của chúng ta, thế giới vốn quen với sự thay đổi nơi sống một cách dễ dàng và nhanh chóng mà nguy cơ của điều này là nhiều người không bao giờ thực sự gắn bó với một nơi nào.

Trong đời sống đan viện, các mối tương quan huynh đệ thậm chí còn đòi hỏi hơn,[85] vì mối tương quan này bền vững và có tính khép kín hơn. Nhờ vào việc giữ sự gần gũi với anh chị em của mình bất chấp những bất đồng cần được dàn xếp, những căng thẳng và xung đột cần được giải quyết, và những yếu đuối cần được chấp nhận, các con là những mẫu gương hữu ích cho Dân Chúa và cho thế giới hôm nay, một thế giới bị phân rẽ bởi xung đột và chia rẽ. Con đường khổ chế cũng là một phương thế giúp các con ý thức về sự yếu đuối của mình và tin tưởng vào lòng thương xót dịu dàng của Thiên Chúa và của cộng đoàn.

Cuối cùng sự dấn thân vào việc khổ chế là một điều cần thiết trong khi thực thi những trách nhiệm hàng ngày của chúng ta với tình yêu và sự trung tín, nhận ra đó là cơ hội để chia sẻ với biết bao anh chị em trên toàn thế giới, và là một sự trao ban thầm kín và đầy hoa trái cho nhu cầu của họ.

Chứng tá của các chị

  1. Các chị thân mến, mọi điều cha viết trong Tông hiến này là muốn góp phần canh tân một cách hữu hiệu đời sống và sứ mạng của các con, những người đang ôm ấp ơn gọi chiêm niệm, trong Giáo hội và trong thế giới. Ước gì Thiên Chúa luôn hiện diện và hoạt động nơi trái tim các con và biến đổi các con một cách trọn vẹn nơi Ngài. Đây chính là mục đích tối hậu của đời sống chiêm niệm,[86] và ước gì cộng đoàn các con và tình huynh đệ của các con trở thành mái trường đích thực của chiêm niệm và cầu nguyện.

Thế giới và Giáo hội cần các con là ánh sáng soi đường cho hành trình của những người nam và nữ trong thời đại chúng ta. Đây chính là chứng tá mang tính ngôn sứ của các con. Các con không chọn để chạy trốn thế gian vì sợ hãi như đôi người vẫn nghĩ, nhưng đúng hơn là vẫn ở lại trong thế giới này, mà lại không thuộc về thế giới. Mặc dầu các con rời xa thế gian, nhưng các dấu chỉ cho thấy các con thuộc về Đức Ki-tô, các con sẽ không ngưng nghỉ chuyển cầu cho nhân loại, dâng lên Chúa những sợ hãi và hy vọng, những niềm vui và đau khổ của thế giới.[87]

Trong khi kết hợp với Thiên Chúa, các con hãy lắng nghe tiếng khóc của anh chị em mình, là nạn nhân của một “nền văn hoá vứt bỏ”[88], hay những anh chị em đang cần ánh sáng đến từ Tin Mừng. Hãy thực hành nghệ thuật lắng nghe “vốn không chỉ đơn giản là việc nghe”[89], và “một nền linh đạo hiếu khách” bằng cách lưu tâm và mang vào đời sống cầu nguyện mọi nhu cầu của anh chị em, những người được sáng tạo giống như và theo hình ảnh của Thiên Chúa. Như cha đã lưu ý trong Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, “lời cầu nguyện chuyển cầu không khiến các con rời xa đời sống chiêm niệm đích thực vì việc chiêm niệm đích thực luôn luôn có chỗ cho người khác”.[90]

Như thế, chứng tá của các con đã và sẽ luôn là một sự bổ sung cần thiết cho việc làm chứng của những anh chị em, với tư cách là những người chiêm niệm giữa lòng thế giới, làm chứng cho Tin Mừng trong khi dấn thân một cách hoàn toàn vào công việc xây dựng vương quốc trần thế này.

  1. Các chị sống đời sống chiêm niệm thân mến, các con ý thức rõ rằng, cách sống đời sống thánh hiến của các con, như những các sống khác, “là một quà tặng cho Giáo hội, nảy sinh và lớn lên trong Giáo hội, và hoàn toàn được định hướng tới thiện ích của Giáo hội”.[91] Vậy thì các con hãy gìn giữ sự hiệp thông sâu sắc với Giáo hội ngõ hầu, trong Giáo hội, các con có thể trở thành một sự nối tiếp sống động mầu nhiệm của Đức Maria, là Trinh Nữ, Hiền Thê và là Mẹ, Đấng luôn chào đón và gìn giữ Lời để trao Lời ấy cho thế giới. Thực thế, các con có thể sinh hạ Đức Ki-tô và giúp Ngài lớn lên nơi trái tim của mọi người nam và nữ, những người một cách vô thức, vẫn luôn khao khát Đấng là “Đường, Sự thật và là Sự sống”. Giống như Mẹ, các con hãy nỗ lực để trở thành những “bậc thang” ngang qua đó Thiên Chúa ngự xuống để gặp gỡ nhân loại và nhân loại bước lên để gặp gỡ Ngài và để chiêm ngắm dung nhan của Ngài nơi gương mặt của Đức Ki-tô.

Kết luận và các quy tắc

Dưới ánh sáng được trình bày trên, cha sắp xếp và thiết lập các quy tắc sau.

Tiết 1. Tham chiếu khoản 20 của Bộ Giáo luật, và sau khi nghiên cứu cẩn thận 37 số ở trên, với việc ban hành và công bố Tông hiến Vultum Dei quaerere này, những điều sau sẽ được bãi bỏ.

  1. Những khoản luật trong bộ Giáo luật trái ngược hoàn toàn với những khoản mục trong Tông hiến này;
  2. Và, một cách đặt biệt hơn, những khoản luật chứa những quy tắc và quy định trong:

– Tông hiến Sponsa Christi của Đức Piô XII (21 tháng 11 năm 1950): Statuta Generalia Monialium;

– Huấn thị Inter Praeclara của Bộ tu sĩ (23 tháng 11 năm 1950);

– Huấn thị Verbi Sponsa Bộ Đời sống thánh hiến và các Tu đoàn tông đồ (13 tháng 5 năm 1999) về đời sống chiêm niệm và nội vi của các nữ tu.

Tiết 2 §1. Tông hiến này được nhắn nhủ tới Bộ Đời sống thánh hiến và Tu đoàn tông đồ, cũng như từng đan viện nữ chiêm niệm hoặc thuần tuý chiêm niệm, dù có thuộc liên hiệp hay không.

  • 2. Những vấn đề được quy định trong Tông hiến này thì được liệt kê tại số 12 ở trên và được khai triển rõ ràng hơn qua các số 13-35.
  • 3. Bộ đời sống thánh hiến và Tu đoàn tông đồ – nếu thấy cần, với sự đồng ý của Bộ Giáo hội Đông Phương và Bộ Phúc Âm Hoá các Dân tộc (Congregation for the Evangelization of Peoples) – sẽ quy định những phương thức khác nhau nhằm thực thi những quy tắc trong Tông hiến này, hợp với những truyền thống khác nhau của các đan viện và lưu tâm đến các gia đình đặc sủng khác nhau.

Tiết 3 §1. Thông qua những cấu trúc phù hợp được xác định trong việc soạn thảo một kế hoạch cho đời sống cộng đoàn, các đan viện độc lập phải lưu tâm đặc biệt đến tiến trình huấn luyện liên tục, vốn là nền tảng của mọi giai đoạn huấn luyện, bắt đầu từ việc huấn luyện khởi đầu.

  • 2. Để đảm bảo một tiến trình huấn luyện liên tục thích hợp, các liên hiệp phải cổ võ sự hợp tác giữa các đan viện ngang qua sự trao đổi các tài liệu huấn luyện và việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật số trong truyền thông, luôn luôn phải có sự nhận định thích đáng.
  • 3. Cùng với việc chọn lựa cẩn thận các chị đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện và hướng dẫn các ứng sinh trong việc phát triển sự trưởng thành cá nhân, các đan viện độc lập và các liên hiệp phải hết sức nỗ lực để đảm bảo một sự chuẩn bị lành mạnh cho các nhà huấn luyện và các trợ lý của họ.
  • 4. Nữ tu chiêm niệm đang đảm nhận một nhiệm vụ huấn luyện đặc biệt (servatis de iure servandis) có thể theo các khóa huấn luyện đặc biệt ở ngoài đan viện của mình, nhưng phải luôn làm sao để duy trì bầu không khí thích hợp với đoàn sủng chiệm niệm của mình. Bộ Đời sống thánh hiến và các Tu đoàn tông đồ phải ban bố quy định cụ thể liên quan đến vấn đề này.
  • 6. Mặc dầu việc thiết lập các cộng đoàn quốc tế và đa văn hoá là dấu chỉ của tính phổ quát của một đặc sủng, thế nhưng việc thâu nhận các ứng viên đến từ các quốc gia khác chỉ với mục đích duy trì sự sống còn của đan viện thì phải tuyệt đối tránh. Để đảm bảo điều này không xảy ra những tiêu chuẩn nào đó cần phải xác định.
  • 7. Để đảm bảo việc huấn luyện đạt hiệu quả cao, trong hoàn cảnh cho phép, các đan viện nên thiết lập các nhà huấn luyện chung cho việc huấn luyện khởi đầu.

Tiết 4 §1. Cần nhận ra rằng cầu nguyện chính là trung tâm của đời sống chiêm niệm, mỗi đan viện cần xem xét lại nhịp sống hàng ngày để xem xem liệu Thiên Chúa có phải là trung tâm của mọi sự hay chưa.

  • 2. Các cử hành phụng vụ trong cộng đoàn cũng nên được xét lại để xem những cử hành đó có phải là một cuộc gặp gỡ đích thật và sống động với Thiên Chúa hay chưa.

Tiết 5 §1. Xét vì tầm quan trọng của Lectio divina, mỗi Đan viện phải xác định những khoảng thời gian và phương thế phù hợp để đảm bảo việc đọc, lắng nghe, suy niệm, cầu nguyện, chiêm niệm và chia sẻ Kinh Thánh.

  • 2. Vì việc chia sẻ kinh nghiệm được Lời Chúa biến đổi với các Linh mục, Phó tế, các tu sĩ khác và giáo dân là một diễn tả của một sự hiệp thông đích thực trong Giáo hội nên mỗi đan viện phải xác định cách thế để hoàn thành sứ mạng thiêng liêng này.

Tiết 6 §1. Mỗi đan viện, trong khi soạn thảo kế hoạch cho cộng đoàn và đời sống huynh đệ, ngoài việc chuẩn bị cẩn thận những cử hành phụng vụ Thánh Thể, cần phải dành những khoảng thời gian thích hợp cho việc tôn sùng Thánh Thể, và mời gọi các tín hữu trong Giáo hội địa phương cùng tham dự.

  • 2. Cần phải lưu tâm một cách đặc biệt đến việc chọn lựa các tuyên uý, các cha giải tội và các cha hướng dẫn thiêng liêng, cần xem xét các đặc sủng đặc biệt và những đòi hỏi của đời sống huynh đệ trong đời sống cộng đoàn.

Tiết 7 §1. Những ai được mời gọi thực thi sứ vụ quyền bính, bên cạnh lưu tâm đến việc huấn luyện mình, họ còn phải để cho mình được hướng dẫn bởi tình huynh đệ và tinh thần phục vụ đích thực, tạo điều kiện thuận lợi cho một môi trường chan chứa niềm vui, tự do và trách nhiệm, cổ võ việc nhận định cộng đoàn và cá nhân và thông tri một cách chân thật những gì mỗi thành viên làm, nghĩ và cảm nhận.

  • 2. Kế hoạch của đời sống cộng đoàn phải luôn thực sự chào đón và khích lệ sự chia sẻ các tài năng nhân bản và thiêng liêng của mỗi chị em cho sự phong phú và lớn lên trong tình huynh đệ.

Tiết 8 §1. Sự tự trị về mặt pháp lý cần phải đi kèm với sự tự trị đích thực trong đời sống: Điều này đòi hỏi cần phải có tối thiểu một số chị, dù là rất ít, miễn là đa số không phải lớn tuổi; cần nhìn thấy sức sống cần thiết của đan viện và khả năng mở rộng đặc sủng; có khả năng đích thực trong việc huấn luyện và quản trị, sự trang nghiêm và chất lượng của đời sống thiêng liêng, huynh đệ và phụng vụ; tầm quan trọng và việc tham gia vào đời sống của Giáo Hội địa phương; có khả năng tự độc lập; và một cơ sở đan viện thích hợp. Những tiêu chuẩn này phải được suy xét cách toàn diện và trong một viễn cảnh rộng lớn.

  • 2. Khi một đan viện thiếu điều kiện để có thể trở thành một Đan viện tự trị đích thực, Bộ Đời sống thánh hiến và các Tu đoàn tông đồ sẽ nghiên cứu khả năng thiết lập một uỷ ban đặc biệt bao gồm đấng bản quyền, chủ tịch các liên hiệp, đại diện các liên hiệp, các viện mẫu hay nữ tu viện trưởng. Dù sao đi nữa thì mục đích của sự can thiệp phải luôn khởi đi từ một tiến trình hướng dẫn để tái lập một đan viện hay đóng cửa đan viện.
  • 3. Tiến trình này cũng có thể tính đến việc sát nhập vào một đan viện khác hay trao cho chủ tịch liên hiệp hoặc cố vấn của vị chủ tịch này, nếu đan viện này thuộc về liên hiệp. Dù sao đi nữa thì quyết định cuối cùng luôn thuộc quyền Bộ Đời sống thánh hiến và các Tu đoàn tông đồ.

Tiết 9 §1. Một cách tiên thiên, tất cả các đan viện phải thuộc về một liên hiệp. Nếu vì một vài lý do đặc biệt nào đó một đan viện không thể gia nhập vào một liên hiệp, thì sau khi bỏ phiếu của Tổng hội, đan viện này phải xin phép Tòa thánh, là cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu và đưa ra quyết định cho một đan viện không thuộc về một liên hiệp.

  • 2. Các liên hiệp có thể được thành lập theo tiêu chuẩn địa lý hoặc có đoàn sủng, tinh thần hoặc truyền thống giống nhau. Những quy tắc liên quan sẽ được Bộ Đời sống thánh hiến và các Hiệp hội đời sống tông đồ ban hành.
  • 3. Sự trợ giúp trong việc huấn luyện và trong việc đáp ứng các nhu cầu cụ thể ngang qua việc trao đổi nhân sự và chia sẻ của cải vật chất thì cũng cần được đảm bảo hợp với những dự liệu của Bộ Đời sống thánh hiến và các Hiệp hội đời sống tông đồ. Bộ này cũng sẽ xác định các thẩm quyền của chủ tịch và cố vấn của liên hiệp.
  • 4. Sự liên kết, ngay cả khi chỉ mang tính pháp lý, của các đan viện với các Dòng nam tương ứng là điều đáng được khích lệ. Các liên hiệp và việc thành lập các hội đồng quốc tế từ các Dòng khác nhau, với những quy chế được Bộ Đời sống Thánh hiến và Hiệp Hội đời sống Tông đồ cũng được khuyến khích.

Tiết 10 §1. Mỗi đan viện, sau một cuộc nhận định chín chắn và trong tinh thần tôn trọng truyền thống của mình cũng như các đòi hỏi của hiến chương, đan viện đó có thể xin phép Toà thánh về hình thức nội vi mà đan viện đó mong ước sống, khi hình thức mới này khác với tình trạng hiện tại đan viện đó đang sống.

  • 2. Mỗi khi một hình thức nội vi mới được chọn và được phê chuẩn, mỗi đan viện sẽ phải lo liệu làm sao để tuân theo và sống hợp với những đòi buộc của nó.

Tiết 11 §1. Nếu như một số cộng đoàn đan tu nào đó, hợp với tinh thần hiến pháp của mình, có một số nguồn thu nhập, thì điều này không có nghĩa là các thành viên được miễn chuẩn khỏi bó buộc lao động.

  • 2. Trong các cộng đoàn dành cho đời sống chiêm niệm, nguồn thu nhập nhận từ lao động không nên chỉ sử dụng để đảm bảo một đời sống đầy đủ, nhưng hơn thế, nếu được, cộng đoàn ấy cần giúp đỡ những người nghèo cũng như các đan viện khác đang lâm cảnh thiếu thốn.

Tiết 12. Nhịp sống hàng ngày phải bao gồm những khoảnh khắc thinh lặng phù hợp để nuôi dưỡng bầu khí cầu nguyện và chiêm niệm.

  1. Trong bản kế hoạch đời sống cộng đoàn, mỗi Đan viện phải cung ứng những phương thế cần thiết diễn tả tinh thần khổ chế của đời sống đan viện, để làm đời sống ấy trở thành một chứng tá khả tín và có tính ngôn sứ hơn.

Những quy tắc cuối cùng

14 §1. Bộ Đời sống thánh hiến và các Hiệp hội đời sống tông đồ sẽ ban hành, hợp với tinh thần và các quy luật của Tông hiến này, một Huấn thị mới liên quan đến những vấn đề đã được bàn đến ở số 12.

  • 2. Một khi đã được điều chỉnh theo những quy định mới, các khoản quy luật hay những quy tắc của mỗi Dòng tu biệt lập, phải được Toà Thánh phê chuẩn.

Nguyễn Minh Triệu, S.J. chuyển dịch

[1] Xem, Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng, số 19.

[2] Thánh Âu-tinh, Tự Thuật, quyển I, 1, 1: PL 32, 661.

[3] Xem, Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 tháng 9 năm 2013), 169: AAS

105 (2013), 1091.

[4] Tông thư gửi các tu sĩ nhân dịp năm Đời Sống Thánh hiến, (21 tháng 11 2014), II, 2: AAS 106 (2014), 941.

[5] Gioan Phao-lô II, Tông Huấn Hậu Thượng hội đồng Vita Consecrata, (25 Tháng 3 năm 1996), 68: AAS 88 (1996), 443.

[6] Bênêđictô XVI, Tông Huấn Verbum Domini (30 tháng 9 năm 2010), 83: AAS 102 (2010), 754.

[7] Gioan Phao-lô II, Tông Huấn Hậu Thượng hội đồng Vita Consecrata, (25 Tháng 3 năm 1996), 68: AAS 88 (1996), 432.

[8] Xem GL. 573/1.

[9] Ibid., 16: AAS 88 (1996), 389.

[10] Bênêđictô XV, Tông huấn Verbum Domini (30 tháng 9 năm 2010), 83: AAS 102 (2010), 754.

[11] Xem Gioan Phao-lô II, Tông Huấn Hậu Thượng hội đồng Vita Consecrata, (25 Tháng 3 năm 1996) 18: AAS 88 (1996), 391-392.

[12] Xem Công đồng Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, 44; Gioan Phao-lô II, Tông Huấn Hậu Thượng hội đồng Vita Consecrata, (25 Tháng 3 năm 1996), 3 and 29: AAS 88 (1996), 379, 402.

[13] Quy Luật 58, 7.

[14] Gioan Phao-lô II, Tông Huấn Hậu Thượng hội đồng Vita Consecrata, (25 Tháng 3 năm 1996), 8: AAS 88 (1996), 382-383.

[15] Id., Lett. ap. Orientale lumen (2 maggio 1995), 9: AAS 87 (1995), 754.

[16] Công Đồng Vaticano II, Hiến chế Lumen Gentium, 44, 1.

[17] Bênêđictô XV, Tông huấn Verbum Domini (30 September 2010), 83: AAS 102 (2010), 754.

[18] Xem Công Đồng Vaticano II, Decr. Perfectae caritatis, 5.

[19] Ibid., 1.

[20] Xem Gioan Phaolô II, Vita consecrata (25 tháng 3 năm 1996), 14: AAS 88 (1996), 387.

[21] Xem Vat. II, Lumen gentium, 46; Id., SL. Christus Dominus, 35; Id., SL. Perfectae caritatis, 7. 9; CIC GL. 674.

[22] Xem CIC GL. 667 § 2-3.

[23] Xem Gioan Phaolô II, Orientale lumen (2 tháng 5 năm1995), 9: AAS 87 (1995), 754.

[24] Thánh Phanxicô Assisi, Bài ca tạo vật, 1: FF 263.

[25]  Công Đồng Vaticano II, Cost. dogm. Lumen gentium, 44.

[26] Xem Id., Decr. Perfectae caritatis, 2.

[27] Thánh Clara, Thư thứ ba gửi cho Agnes of Bohemia, 8: FF 2886.

[28] Thánh Phanxicô Assisi, Ngợi khen Thiên Chúa tối cao, 3.5: FF 261.

[29] Thánh Terexa Avila, Obras completas. Poesías, Editorial Monte Carmelo, Burgos, 2011, 1368.

[30] Xem eni the arthu ian, Enarrationes in cap. 3 Can. Cant. XI, 6, in Doctoris Ecstatici D. Dionysii Cartusiani Opera Omnia, VII, Typis Cartusiae, Monstrolii, 1898, 361.

[31] Thánh Phanxicô Assisi, Bài ca tạo vật, 4: FF 263.

[32] No. 83: AAS 105 (2013), 1054-1055.

[33] Xem Gioan Phao-lô II, Tông Huấn Hậu Thượng hội đồng Vita Consecrata, (25 Tháng 3 năm 1996), 65: AAS 88 (1996), 441; Bộ Giáo Luật, GL. 664.

[34] Ibid., 66: AAS 88 (1996), 442.

[35]  Ibid., 69: AAS 88 (1996), 444; Xem Bộ Giáo Luật, GL. 661.

[36] Bộ Tu sĩ, Huấn Thị: Xuất phát lại từ Đức Kitô: Canh tân cam kết sống đời Thánh Hiến trong ngàn năm thứ ba (19 tháng 3 năm 2002), 18.

[37] Xem Gioan Phao-lô II, Tông Huấn Hậu Thượng hội đồng Vita Consecrata, (25 Tháng 3 năm 1996), 65: AAS 88 (1996), 441.

[38] Xem Bộ Giáo Luật, GL.  648 § 1 and 3; 675 § 2.

[39] Conclusion of Holy Mass, 2 February 2016: L’Osservatore Romano, 4 February 2016, p. 6; Xem Bộ Giáo Luật, GL.  673.

[40] Xem Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 83; Bộ Giáo Luật, GL.  1173; 1174 § 1.

[41] Xem Bênêđictô XVI, Giáo lý (28 tháng 12 năm 2011): Insegnamenti VII/2 (2011), 980-985; Bộ Giáo Luật, GL. 663 § 4; Bộ Tu sĩ, Huấn thị Phục vụ Quyền bính và Vâng phục  (11 tháng 3 năm 2008), 31.

[42] Thánh Bênêđictô, Quy luật, 43, 3.

[43] Thánh Phanxico Assisi, Regula non bullata, XXIII, 31: FF 71.

[44] Thánh Clara, Thư thứ ba gửi Agnes of Bohemia, 12-13: FF 2888.

[45] Quy luật, 4, 55

[46] Xem Bênêđictô XVI, Verbum Domini (30 September 2010), 86: AAS 102 (2010), 757; Bộ Giáo Luật, GL. 663 § 3.

[47] Gioan Phao-lô II, Tông Huấn Hậu Thượng hội đồng Vita Consecrata, (25 Tháng 3 năm 1996), 94: AAS 88 (1996), 469; Xem Bộ Giáo Luật, GL. 758.

[48] Bộ Tu sĩ, Huấn Thị: Xuất phát lại từ Đức Kitô: Canh tân cam kết sống đời Thánh Hiến trong ngàn năm thứ ba (19 tháng 3 năm 2002), 25; Gioan Phao-lô II, Novo Millennio Ineunte (6 January 2001), 43: AAS 93 (2001), 297.

[49] Xem Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini (30 tháng 9 năm 2010), 86: AAS 102 (2010), 758; Bộ Giáo Luật, GL.  754-755.

[50] Gioan Phao-lô II, Tông Huấn Hậu Thượng hội đồng Vita Consecrata, (25 Tháng 3 năm 1996), 94: AAS 88 (1996), 470.

[51] Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini (30 tháng 9 năm 2010), 87: AAS 102 (2010), 759.

[52] Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, 5; Xem Bộ Giáo Luật, GL. 899.

[53] Bài giảng, Thánh Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô (26 tháng năm 2016): L’Osservatore Romano, May 27-28, 2016, p. 8; Xem Bộ Giáo Luật, GL. 663 § 2.

[54] Xem Gioan Phaolô II, Bài giảng, Thánh Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô (26 tháng năm 2016): L’Osservatore Romano (14 June 2001), 3: AAS 93 (2001), 656.

[55] Ibid., Ecclesia de Eucharistia (17 April 2003), 6: AAS 95 (2003), 437.

[56] Ibid., Mulieris Dignitatem (15 August 1988), 26: AAS 80 (1988), 1716.

[57] Xem Misericordiae Vultus, 1: AAS 107 (2015), 399; Xem Bộ Giáo Luật, GL. 664; 630.

[58] Bộ Đời sống Thánh Hiến và Tu Đoàn Tông đồ, Hướng dẫn về đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, “Congregavit nos in unum Christi amor” (2 tháng 2 năm 1994), 10.

[59] Gioan Phao-lô II, Tông Huấn Hậu Thượng hội đồng Vita Consecrata, (25 Tháng 3 năm 1996), 21: AAS 88 (1996), 395.

[60] Bộ Giáo Luật, GL. 603.

[61] Xem Gioan Phao-lô II, Apostolic Letter Novo Millennio Ineunte (6 January 2001), 43: AAS 93 (2001), 296-297.

[62] Xem Công đồng Vaticano II, Perfectae Caritatis, 15; Bộ Giáo luật, GL. 602.

[63] Xem Bộ Đời sống Thánh Hiến và Tu Đoàn Tông đồ, “Congregavit nos in unum Christi amor” (2 tháng 2 năm 1994); Bộ Giáo Luật, GL. 607 § 2; 608; 665; 699 § 1.

[64] Ibid., 32; Xem Bộ Giáo Luật, GL. 619; 630; 664.

[65] Xem Phanxicô, Lời nhắn nhủ dành cho các tham dự viên nhân dịp năm Thánh thánh dành cho các tu sĩ, 1 tháng 2 2016: L’Osservatore Romano, 1-2 tháng 2 năm 2016, p. 8.

[66] Thánh Bênêđictô, Quy luật, IV, 70-71.

[67] Thư gửi tới các tu sĩ nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến (21 tháng 11 năm 2014), II, 3: AAS 106 (2014), 943.

[68] Ibid.

[69] ibid.; GL. 614-615; 628/2-1; 630/3; 638/4; 684/3; 688/2; 699/2; 708; 1428/1-2.

[70] Xem GL. 582; 684/3.

[71] Xem GL. 582; 684/3.

[72] Xem ibid., 59; GL. 667.

[73] GL. 667 § 3.

[74] Ibid., GL. 674.

[75] Ibid., GL. 667 § 2.

[76] Ibid., GL. 667/1.

[77] Xem J.M. Bergoglio, Bài tham luận tại Thượng hội đồng Giám mục về đời sống Thánh hiến và sứ mạng của Giáo hội trong thế giới vào ngày13 tháng 10 năm 1994 ( “Vida Religiosa” 115, n. 7, tháng 7-tháng 9 năm 2013).

[78] Xem Bộ Đời sống Thánh Hiến và Tu Đoàn Tông đồ (21 tháng 11 năm 2014), II, 3: AAS 106 (2014), 942-943.

[79] Xem Bộ Giáo Luật, số 600.

[80] Sứ điệp Ngày thế giới truyền thông lần thứ 48 (1 tháng 6 năm 2014): AAS 106 (2014), 114; Xem “Congregavit nos in unum Christi amor” (2 tháng 2 năm 1994), 10 and 34.

[81] Xem Thánh Clara, Lá thứ thứ 4 gửi cho Agnes, 35: FF 2908.

[82] Xem Bộ Giáo Luật, GL. 666.

[83] Xem Conclusion of Holy Mass, 2 February 2016: L’Osservatore Romano, February 4, 2016, p. 6; Bộ Giáo Luật, cann. 599-601; 1191-1192.

[84] Gioan Phao-lô II, Tông Huấn Hậu Thượng hội đồng Vita Consecrata, (25 Tháng 3 năm 1996), 59: AAS 88 (1996), 431.

[85] Bộ Đời sống Thánh Hiến và Tu Đoàn Tông đồ, “Congregavit nos in unum Christi amor” (2 tháng 2 năm 1994), 10.

[86] Xem Thánh Clara, Lá thư thứ 3 gửi Agnes, 12-13: FF 2888; Lá thư thứ 4 gửi Agnes, 15-16: FF 2902.

[87] Công đồng Vaticano II, Hiến Chế mục vụ Gaudium et Spes, 4.

[88] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Novembre 2013),

[89] Ibid., 171: AAS 105 (2013), 1091.

[90] Ibid., 281: AAS 105 (2013), 1133

[91] Xem J. . Bergoglio, Intervention (13 October 1994) at the Synod of Bishops on Consecrated Life and its Mission in the Church and in the World (in “Vida Religiosa” 115/7, July-September 2013).

 

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *