Mở mắt ra tôi đã thấy mình nằm giữa muôn vàn chiếc đèn lồng xanh đỏ rực rỡ muôn màu: nào là đèn ông sao, đèn cá chép, có cả đèn khủng long nữa chứ. Bên kia là ông Lân ông Địa đang rôm rả trò chuyện về đêm hội nào đó sắp diễn ra, xem chừng cả hai đã háo hức lên đường lắm rồi. “Ủa, đang có chuyện gì vậy nhỉ ?” Ngẫm nghĩ một lúc tôi chợt oà lên: “Ồ, Tết Trung Thu đến rồi !”
..
Nằm trong phòng áo của nhà nguyện Trại Phong Bến Sắn, tôi thích thú ngắm nhìn những nụ cười và cả những tất bật của nhiều người đang chuẩn bị cho hội trăng rằm tối nay. Một câu hỏi chợt nảy ra trong đầu làm tôi thao thức mãi: “Tại sao bao nhiêu con người với những bộn bề cuộc sống lại tình nguyện bỏ thời gian, công sức và cả tiền bạc để chuẩn bị cho đêm trung thu này nhỉ?” Câu hỏi tại sao này vẫn âm ỷ trong lòng tôi dẫu bên ngoài nhiều hoạt động cứ tuần tự diễn ra:
Những Dì Phước ân cần chào đón các bé thiếu nhi vào nhà thờ và kể cho các em nghe về ngày tết của thiếu nhi bằng một đoạn phim ngắn – Tết Trung Thu. Sau đó là một thánh lễ ấm cúng dành riêng để cầu nguyện cho tất cả các em. Tuy có nhiều em lương dân dự lễ, nhưng qua lời chia sẻ đơn sơ của cha Đaminh Nguyễn Đức Trung, giúp các em dần nhận ra sự yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa ngang qua gia đình và bao người xung quanh.
.
Lễ vừa xong tôi đã thấy các diễn viên nhí nô nức chạy ngay qua hội trường để chuẩn bị trình làng các tiết mục văn nghệ đặc sắc.
“Ôi! Ôi! Chúng tôi được mang đi đâu thế này?”
À, thì ra là bạn sinh viên cùng các anh chị tình nguyện đang mang chúng tôi trao tận tay cho các thiếu nhi. Ôi vui làm sao vì bây giờ tôi đã được mang trong mình vẻ đẹp lung linh của ánh nến rực hồng.
.
Sau tiết mục múa lân vui nhộn…
.
chúng tôi cùng các thiếu nhi rước đèn qua hội trường và tưng bừng mở hội với nhiều tiết mục thú vị của các bạn nhỏ ở Trại phong Bến Săn. Tôi thích nhất là vũ điệu Bức Họa Đồng Quê; bạn khác lại thích Hội Cồng Chiêng Tây Nguyên, còn anh đèn cá chép nhớ mãi điệu múa Rock Vầng Trăng. Tóm lại chúng tôi tha hồ thưởng thức những tiết mục cây nhà lá vườn đơn sơ mà ý nghĩa, mộc mạc mà vui tươi, ngắn gọn mà hấp dẫn của các diễn viên nhí đêm nay.
.
Đến khoảng 20 giờ khi ánh trăng dìu dịu đã chan hoà khắp bầu trời, thì cũng là lúc các trẻ thơ vui nhất: thời khắc của trao và nhận quà. Cha Đaminh và Dì Dũng Lạc ân cần trao tận tay những món quà yêu thương cho các em trong sự trợ giúp của các anh chị Hướng Đạo. Ai cũng có quà, bé nào cũng hân hoan ra về trong ánh nến lẫn ánh trăng in xuống trên con đường mòn.
.
Đêm hội trăng rằm đã kết thúc, tôi chợt nhận ra thân thể đèn lồng của mình thật tơi tả với đầy những chỗ méo mó cùng những mảng sáp nến loang lổ, đó là chưa kể những vết cháy xém vì các bé mãi vui đùa với nhau. Nhưng tôi lại vui, vui vì câu hỏi tại sao trong tôi đã dần được sáng tỏ, và vui vì nhận ra cuộc đời mình thật ý nghĩa. Ý nghĩa không phải khi tôi giữ mãi được hình hài là chiếc đèn lồng xinh xắn bắt mắt thuở ban đầu, nhưng ý nghĩa là khi tôi được bắt gặp ánh mắt tươi vui cùng khuôn mặt rạng ngời của từng em nhỏ với chiếc đèn lồng trong tay. Trong những ánh mắt trong veo hồn nhiên đó, hạnh phúc được nảy nở và lan toả cách kỳ diệu, không chỉ nơi các em mà còn nơi chính cha mẹ và những người âm thầm hy sinh tổ chức cho các em. Quả thật, hạnh phúc chẳng tự nhiên rơi xuống và cũng chẳng bỗng nhiên trồi lên nhưng hạnh phúc đến từ những nổ lực và hy sinh âm thầm của mỗi người để đem lại niềm vui cho người khác, hạnh phúc đơn giản có được là khi thấy người khác vui và hạnh phúc. Bởi lẽ chính lúc cho đi cũng là lúc được nhận lại, chính khi quên mình cũng là khi nhận ra chính mình rõ nhất.
.
Nhìn lên ông trăng đang mỉm cười hồn nhiên bên những vì sao lấp lánh, lòng tôi lại háo hứng mong chờ đến đêm rằm trung thu năm sau để lại được làm chiếc đèn lồng cùng các bé tung tăng qua khắp các phố phường, để được lắng nghe những tiếng cười giòn tan, được nhìn thấy những ánh mắt trong veo rạng rỡ, và được sống trọn ý nghĩa cuộc đời đèn lồng của mình: sống là để cho đi.
Khánh Linh, S.J.
Đình Ngọc, S.J