Trích đoạn Sách Thánh giúp người đi viếng Đất Thánh

Nguyễn Công Đoan, S.J.,

Lời mở đầu

Hoàn cảnh xã hội và kinh tế cùng với sự tiến bộ và thuận lợi của phương tiện giao thông giúp cho người tìn hữu Việt Nam tại quê hương cũng như tản mác khắp thế giới có thể đi viếng các nơi Thánh tại miền đất nơi Chúa Giê-su đã sinh ra, đã sống, đã rao giảng Tin Mừng, đã hoàn tất công trình cứu độ bằng màu nhiệm chết và phục sinh, đã lên trời vinh hiển và gởi Thánh Thần xuống, làm cho Hội Thánh của Chúa bắt đầu vươn lên thành cây lớn bao trùm khắp thế giới loài người.

Cái đêm bi đát nhất lịch sử của ơn cứu độ và của Hội Thánh, là đêm mà Mười Hai vị tông đồ đã được tuyển chọn làm bạn thân tín nhất của Chúa, thì một ông bán Thầy, một ông chối Thầy nhanh hơn gà gáy, mười ông bỏ chạy khi Thầy bị bắt. Còn chính Con Thiên Chúa đã làm người thì bất lực, đơn thân đi qua nhục hình thập giá mà vào cõi chết. Nhưng đó là đêm hạt giống được vùi xuống đất rồi trỗi dậy như mầm cây mọc lên từ trong lòng đất.

Hai ngàn năm đã trôi qua với bao thăng trầm. Bao âm mưu đen tối không ngừng tìm cách tiêu diệt Hội Thánh của Chúa. Cõi chết không ngừng giơ nanh vuốt, banh họng toan nuốt chửng Hội Thánh của Chúa, như đã nuốt được Chúa một lần trong cái đêm bi đát. Nhưng bao nhiêu nanh vuốt cõi chết giơ ra – từ bên ngoài và cả từ bên trong Hội Thánh – đều lần lượt bị bẻ gãy, và Hội Thánh của Chúa vẫn lớn lên, được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu của Chúa, được củng cố bằng máu tử đạo, bằng gương sống đức tin truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ dân tộc này sang dân tộc khác. Đúng như lời Chúa Giê-su đã phán hứa với ông Simon-Phêrô : 17 Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,17-18).

Hành hương là một cách trở về nguồn

Nguồn sống động của đức tin của chúng ta là Lời Chúa luôn nuôi dưỡng chúng ta trong phụng vụ và qua lời rao giảng của Hội Thánh, và Sách Thánh mà ngày nay chúng ta dễ dàng mang theo mình ngay trong điện thoại cầm tay, nếu muốn đọc…

Trở về nguồn gốc địa dư, về những nơi đã mang dấu vết cuộc sống của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, của Chúa Giê-su, Đức Mẹ, Thánh Giuse, các Tông Đồ và cộng đoàn tin hữu ban đầu, để thấy mình ở trong một dòng chảy không ngừng, như đi tới nguồn của một dòng sông. Ở đây chúng ta được cảm nghiệm mình đang uống chung nguồn nước đã tuôn chảy từ khi tổ phụ Áp-ra-ham được Thiên Chúa mời gọi đã tin vào Thiên Chúa, đã rời quê cha đất tổ mà tới làm kẻ ngụ cư ở đây, rồi dân của giao ước Xi-nai được Thiên Chúa đưa vào đây tiếp tục cảm nghiệm lòng yêu thương thành tín của Thiên Chúa, đón nhận các lời hứa ơn cứu độ, và thành cái nôi cho Con Thiên Chúa sinh làm người để thực hiện mọi lời hứa. Về đây, chúng ta được ngắm bầu trời Con Thiên Chúa làm người đã nhìn ngắm, uống chung nguồn nước Người đã uống, ăn những sản phẩm của mảnh đất đã nuôi Người, bước đi trên những con đường Người đã đi, bồng bềnh trên mặt hồ nơi Người đã từng qua lại trên thuyền cùng với các môn đệ, đã dẹp yên sóng gió, đã ngồi trên thuyền dạy dỗ các môn đệ và dân chúng… Đặc biệt là thấy những nơi Người đã cầu nguyện, đã bị bắt, bị xét xử, bị hành hạ, bị đóng đinh thập giá, đã trút hơi thở cuối cùng, đã được mai táng và đã từ cõi chết trỗi dậy, đã lên trời, đã gởi Thánh Thần xuống cho các tông đồ khởi sự loan báo Tin Mừng và quy tụ cộng đoàn Hội Thánh của Chúa.

Những cạm bẫy cho người hành hương

Người đọc có thể nhíu mày trợn mắt khi tôi nói đến cạm bẫy. Tôi không muốn nói đến những cạm bẫy quen thuộc ở những nơi du lịch tại nhiều nước, như bị móc túi, bị mua hớ đồ lưu niệm, bị xí gạt về phẩm chất nhà trọ, đồ ăn… Đó là phần hướng dẫn viên du lịch phải lo bảo vệ cho khách hàng.

Tôi muốn nói đến những cạm bẫy riêng cho người hành hương

1/ Lẫn lộn hành hương với du lịch.

Du lịch là đi ngoạn cảnh để thỏa mãn tò mò, giải trí. Có người đi hành hương chỉ lo mang vali cho to để đựng quà mang về, mang máy chụp hình, quay phim cho tối tân để ghi hình cho nhiều, cho đẹp, đưa về cho bạn bè, con cháu được chung phần vui vẻ. Cũng tốt thôi, nhưng đó là chuyện bên lề, không phải chính yếu của một cuộc hành hương. Thêm vào đó, nhiều khi người hướng dẫn được thuê mướn chỉ là chuyên viên hướng dẫn du lịch, nên cũng chẳng thể chờ đợi nhiều hơn ở họ, và cũng không thể trách móc họ vì không thỏa mãn chờ đợi của người hành hương…

Còn hành hương là về nguồn của đức tin, để củng cố lòng tin nhờ được đắm mình trong cùng một dòng sông, với bao thế hệ tín hữu đã và đang tuyên xưng đức tin xuất phát từ nơi đây suốt từ thời tổ phụ Áp-ra-ham tới nay. Đây không phải là dòng sông Tương của chia ly : “Quân tại Tương Giang đầu, thiếp tại Tương Giang Vĩ, cộng ẩm Tương Giang thủy, tương cố bất tương kiến” (Chàng ở đầu song Tương, thiếp ở cuối sông Tương, cùng uống nước sông Tương, cùng ngoảnh lại nhìn mà chẳng thấy được nhau). Đây là dòng sông hội ngộ, làm cho mọi tín hữu gặp nhau, vì thấy mình cùng ở trong Chúa Ki-tô, Đấng đã sinh ra, đã sống, đã chết và đã sống lại ở đây, để cho chúng ta chung một hơi thở Người đã trao lại và tiếp tục đi với Người cho đến tận cùng thế giới, tận cùng thời gian. Chúng ta được cảm nghiệm rõ hơn mình đang đi trong đoàn hành hương xuyên không gian, xuyên thời gian tiến vào quê hương vĩnh cửu trên trời.

2/ Lẫn lộn Nơi Thánh với bùa ngải. Người đeo bùa, ngậm ngải… tin rằng bùa ngải tự nó hiệu nghiệm, mình chẳng cần làm gì cả. Nơi Thánh không tự nó hiệu nghiệm, nhưng là hoàn cảnh thuận lợi giúp chúng ta gặp gỡ với Chúa trong cầu nguyện và trong sự hiệp thông với cả Hội Thánh. Hàng tỉ tín hữu chẳng bao giờ có dịp hành hương đến đây, thậm chí chẳng có điều kiện đến được những nơi hành hương ngay ở trong nước. Ngược lại có những người hành hương hết nơi này đến nơi khác trên khắp thế giới, nghe ở đâu có Đức Mẹ hiện ra, có phép lạ… là đi cho bằng được, làm như cứ đi hành hương cho nhiều là thành thánh to ! Nhưng cuộc sống của họ vẫn “trước sau như một”. Chúa ban ơn xuống tâm hồn nào khao khát đợi chờ, khiêm tốn cầu xin và sẵn sàng đón nhận, sẵn sàng để Chúa biến đổi cuộc đời mình.

3/ Ngộ nhận về tính chính xác của Nơi Thánh. Một ngộ nhận thông thường nên biết để tránh là ngây ngô tưởng rằng chỗ này đây chính xác là nơi Chúa đã ngồi, đã đứng, đã nằm… Thực tế hai ngàn năm lịch sử, “vật đổi sao dời”, miền đất này không ngừng thay ngôi đổi chủ từ thời tổ phụ Áp-ra-ham tới nay. Vị trí hành lang giữa một bên là Địa trung Hải và một bên là sa mạc phía Đông, dùng làm đường giao thông cho mọi cuộc giao thương cũng như giao tranh giữa Bắc – Nam, Đông – Tây khiến giải đất phì nhiêu mảnh mai này qua tay hết đế quốc này đến đế quốc khác, bị chiến tranh, động đất tàn phá không biết bao nhiêu lần. Mặt đất không ngừng thay đổi. Hãy lấy một thí dụ : làng Bết-xai-đa, sinh quán của hai anh em Si-mon và An-rê, xưa là một làng chài bên hồ, bị động đất đưa lên núi ; cửa nước thượng nguồn sông Gio-đan chảy vào hồ Ga-li-lê xưa ở bên phải làng Bết-xai-đa nay ở bên trái. Thành Giê-ru-sa-lem cũng đã bị phá bình địa rồi xây lại không biết mấy lần từ thời vua Đa-vít tới nay. Đến viếng nơi hồ nước Bê-thét-đa, nơi Chúa Giê-su chữa người bất toại đã 38 năm nằm chờ, sẽ thấy mặt nước nằm sâu 20 mét dưới mặt đất hiện nay.

Lời Chúa đem ý nghĩa và ơn ích cho cuộc hành hương viếng các Nơi Thánh

Nơi Thánh có ý nghĩa, có giá trị khi giúp chúng ta cầu nguyện, giúp chúng ta nghe Lời Chúa đã từng vang lên ở đây, từng được chép lại để kể cho chúng ta những gì đã xảy ra ở đây, hầu giúp chúng ta biết Chúa hơn, yêu mến Chúa hơn và theo Chúa sát hơn.

Vì thế mà hành trang quan trọng nhất của người hành hương viếng các nơi thánh là Sách Thánh và việc chính cần làm ở mỗi nơi Thánh là đọc và suy gẫm những đoạn Sách Thánh liên hệ tới nơi ấy.

Đó là lý do khiến tôi cất công soạn tập sách nhỏ này để giúp người hành hương có trong tay “đồ ăn liền” tại mỗi nơi, vì phần đông người hành hương không quen mở sách Thánh, cũng không biết nơi này liên quan tới chuyện gì trong Sách Thánh. Tôi sẽ dẫn nhập vắn tắt vào mỗi nơi, rồi trích sẵn những đoạn Sách Thánh nên đọc tại mỗi nơi.

Bản dịch tôi dùng để trích dẫn là bản của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, in năm 2011, với sự đồng ý của Nhóm.

Nhà thờ kính Đức Me Hòm Bia Giao Ước tại Kyriat Yearim

Điểm hẹn mới cho người Việt-Nam viếng Đất Thánh

Nhân dịp Năm Thánh kỷ niệm 30 năm ngày phong thánh 117 vị Tử Đạo Việt Nam, cha Trần Công Nghị và Vietcatholic đã có sáng kiến xin một nơi đặt tượng Đức Mẹ La-vang tại Thánh Địa, để các tin hữu Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới khi đến hành hương tại quê hương của Đức Mẹ, cũng thấy hình ảnh thân thương của Mẹ Hiền đã từng thân hành đến rừng La-vang an ủi con cái trong cơn bách hại năm xưa.

Các nữ tu dòng mang danh hiệu “Thánh Giu-se được thiên thần hiện ra” (Saint Joseph of Apparition), có mặt phục vụ tại Thánh Địa từ 1848 tới nay, đã vui lòng dành cho tín hữu Việt Nam một nơi đặt tượng đài Đức Mẹ La-vang, trong vườn cây bên cạnh nhà thờ kính Đức Mẹ Hòm Bia Giao Ước ở Kyriat Yearim. Nơi này gần đường xe hơi nối phi trường Tel Aviv với Giê-ru-sa-lem, chỉ cách Giê-ru-sa-lem 15 cây số, nên rất thuận tiện cho khách hành hương : trên đường từ phi trường lên Giê-ru-sa-lem, dừng chân xin Đức Mẹ dẫn đi viếng các Nơi Thánh, hoặc từ Giê-ru-sa-lem ra phi trường, ghé vào địa điểm hành hương này tạ ơn Đức Mẹ và cầu cho quê hương, cho người Việt Nam đang tản mác khắp thế giới. Cũng có thể đến đây kết thúc chuyến hành hương : dâng lễ tạ ơn, ăn trưa (nhà dòng nhận nấu bữa ăn theo khẩu vị Á-đông cho khách hành hương) và nghỉ ngơi, rồi đi thêm 30 cây số nữa tới phi trường.

Hòm Bia Giao Ước

Trước khi ban cho ông Mô-sê Hai tấm Bia Đá ghi khắc Luật của Giao Ước Xi-nai, Thiên Chúa đã truyền cho ông Mô-sê dựng một cái Lều gọi là Lều Tạm làm nơi Thiên Chúa ngự, và làm Hòm Bia Chứng Ước : “8 Chúng sẽ dựng cho Ta một nơi thánh để Ta ngự ở giữa chúng. 9 Theo như các mẫu chính Ta sẽ chỉ cho ngươi : Nhà Tạm và mọi đồ dùng, các ngươi sẽ làm như vậy. 10 Chúng phải làm một Hòm Bia bằng gỗ keo, dài một thước hai, rộng bảy tấc rưỡi và cao bảy tấc rưỡi. 11 Ngươi sẽ lấy vàng ròng mà bọc, ngươi sẽ lấy vàng mà bọc cả trong lẫn ngoài. Ngươi sẽ làm trên đó một đường viền chung quanh bằng vàng. 12 Ngươi sẽ đúc cho Hòm Bia bốn chiếc vòng bằng vàng và gắn vào bốn chân Hòm Bia : bên này hai vòng, bên kia hai vòng. 13 Ngươi sẽ làm những cây đòn bằng gỗ keo bọc vàng. 14 Ngươi sẽ xỏ đòn vào những vòng bên sườn Hòm Bia để khiêng. 15 Đòn để xỏ vào vòng của Hòm Bia thì không được rút ra nữa. 16 Ngươi sẽ đặt vào Hòm Bia Chứng Ước mà Ta sẽ ban cho ngươi.

17 Ngươi sẽ làm một cái nắp xá tội bằng vàng ròng, dài một thước hai, rộng bảy tấc rưỡi. 18 Ngươi sẽ làm hai tượng thần hộ giá bằng vàng gò, ngươi sẽ làm các tượng ấy ở hai đầu nắp. 19 Ngươi sẽ làm một tượng ở đầu này, một tượng ở đầu kia ; ngươi sẽ làm các tượng thần hộ giá gắn liền với nắp, ở hai đầu. 20 Các tượng thần hộ giá có cánh giương lên và phủ trên nắp. Hai tượng đối diện với nhau, cùng cúi mặt xuống nắp. 21 Ngươi sẽ đậy nắp xá tội trên Hòm Bia, và ngươi sẽ đặt vào đó Chứng Ước mà Ta sẽ ban cho ngươi. 22 Ở đó Ta sẽ gặp gỡ ngươi. Từ trên nắp, giữa hai tượng thần hộ giá đặt trên Hòm Bia Chứng Ước, Ta sẽ nói với ngươi tất cả những gì Ta truyền cho ngươi để ngươi nói lại cho con cái Ít-ra-en.” (Xh 25,8-22).

Sau khi dựng Lều Tạm thì sẽ đặt Hòm Bia trong nơi cực thánh có màn ngăn. Thương Tế chỉ được vào đây mỗi năm một lần trong ngày lễ Xá Tội để cử hành nghi thức Xá Tội : “2 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê : “Hãy nói với A-ha-ron, anh ngươi, đừng vào bất cứ lúc nào trong thánh điện, phía sau màn trướng, trước nắp xá tội ở trên Hòm Bia, và như vậy nó sẽ không phải chết khi Ta hiện ra trong đám mây trên nắp xá tội… 12 Nó sẽ lấy than hồng trên bàn thờ trước nhan ĐỨC CHÚA bỏ đầy vào bình hương, sẽ bốc hai nắm đầy bột hương thơm, và đem vào phía sau màn trướng. 13 Nó sẽ bỏ hương vào lửa, trước nhan ĐỨC CHÚA, và khói hương như mây sẽ phủ nắp xá tội ở trên Chứng Ước, và như vậy nó sẽ không phải chết. 14 Nó sẽ dùng một ngón tay lấy máu con bò tơ rảy trên nắp xá tội, về phía đông ; rồi đằng trước nắp xá tội, nó cũng dùng ngón tay mà rảy máu bảy lần.” (Lv 16,2.12-14).

Hòm Bia Giáo Ước là nơi tột đỉnh Thiên Chúa hiện diện giữa dân của Giao Ước. Khi dân qua sông Gio-đan vào Đất Hứa thì Hòm Bia làm cho nước rẽ làm hai để họ đi qua, như khi họ vượt qua Biển Đỏ (x. Gs 3,14-17). Họ rước Hòm Bia đi quanh thành Giê-ri-cô thì thành sụp đổ (x. Gs 6,1-16).

Hòm Bia Giao Ước tại Kyriat Yearim

Sách Sa-mu-en, quyển thứ nhất lại cho thấy Hòm Bia ở tại Si-lô. Tại đây Sa-mu-en được Thiên Chúa gọi làm ngôn sứ (1 Sm 3,1-14). Trong một trận giao tranh với người Phi-li-tinh, dân It-ra-en khiêng Hòm Bia ra trận vì tin rằng Thiên Chúa sẽ chiến đấu cho họ. Nhưng vì các con trai của thượng tế Ê-li đã xúc phạm đến Thiên Chúa, nên Thiên Chúa để họ thua và mất luôn cả Hòm Bia (1 Sm 4,1-11) vào tay người Phi-li-tinh.

Nhưng Hòm Bia đem tai họa cho người Phi-li-tinh nên họ cho xe bò chở Hòm Bia về phía Ít-ra-en để trả lại. Dân làng Bết Sê-mét rước Hòm Bia vào, nhưng cũng bị tai họa, nên sai người lên làng Yearim trên núi đề nghị họ rước Hòm Bia về : “20 Người Bết Se-mét nói : “Ai có thể đứng vững trước nhan ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa thánh thiện này ? Khi rời chúng tôi, Người sẽ lên với ai ?” 21 Họ sai sứ giả đến với dân cư thành Kia-giát Giơ-a-rim và nói : “Người Phi-li-tinh đã trả lại Hòm Bia ĐỨC CHÚA. Hãy xuống mà đưa lên với anh em.”

1 Người Kia-giát Giơ-a-rim đến và đưa Hòm Bia ĐỨC CHÚA lên. Họ đưa Hòm Bia vào nhà ông A-vi-na-đáp, ở trên đồi, và thánh hiến E-la-da, con ông, để giữ Hòm Bia ĐỨC CHÚA.” (1 Sm 6,20–7,1).

Vua Đa-vít rước Hòm Bia Giao Ước về Giê-ru-sa-lem

Khoảng chừng 70 năm sau, khi vua Đa- vít thống lĩnh các chi tộc Ít-ra-en và chiếm được Giê-ru-sa-lem làm thủ đô thống nhất cả hai miền Nam Bắc (x. 1 V 5,1-10), vua mới đi rước Hòm Bia Giao Ước từ Kyriat Yearim về Giê-ru-sa-lem.

1 Vua Đa-vít lại quy tụ toàn thể tinh binh Ít-ra-en : ba mươi ngàn người. 2 Từ Ba-a-lê Giu-đa, vua Đa-vít lên đường và cùng đi với toàn dân đang ở với vua, để đưa Hòm Bia Thiên Chúa từ đó lên, Hòm Bia mang danh ĐỨC CHÚA các đạo binh, Đấng ngự trên các thần hộ giá. 3 Người ta đặt Hòm Bia Thiên Chúa lên một cỗ xe mới và mang đi từ nhà ông A-vi-na-đáp ở trên đồi. Các con ông A-vi-na-đáp là Út-da và Ác-giô điều khiển cỗ xe mới. 4 Họ đưa xe đi từ nhà ông A-vi-na-đáp ở trên đồi, trên xe có Hòm Bia Thiên Chúa, còn ông Ác-giô đi trước Hòm Bia. 5 Vua Đa-vít và toàn thể nhà Ít-ra-en vui đùa trước nhan ĐỨC CHÚA, với mọi thứ nhạc cụ bằng gỗ trắc bá, với đàn cầm đàn sắt, trống con, chũm choẹ, thanh la.

6 Khi đoàn người tới sân lúa Na-khôn, thì ông Út-da giơ tay ra về phía Hòm Bia Thiên Chúa và giữ lại, vì bò trượt chân. 7 ĐỨC CHÚA nổi cơn thịnh nộ với ông Út-da, và Thiên Chúa đánh phạt ông tại chỗ vì lầm lỗi đó. Ông chết tại đó, bên Hòm Bia Thiên Chúa. 8 Vua Đa-vít buồn bực vì ĐỨC CHÚA đã đột phá hại ông Út-da. Người ta gọi nơi ấy là Pe-rét Út-da cho đến ngày nay.

9 Ngày hôm đó, vua Đa-vít sợ ĐỨC CHÚA, ông nói : “Hòm Bia ĐỨC CHÚA đến với tôi thế nào được ?” 10 Vua Đa-vít không muốn đưa Hòm Bia ĐỨC CHÚA về với mình trong Thành vua Đa-vít, nên cho chuyển hướng sang nhà ông Ô-vết Ê-đôm, người thành Gát. 11 Hòm Bia ĐỨC CHÚA ở nhà ông Ô-vết Ê-đôm người thành Gát, ba tháng, và ĐỨC CHÚA giáng phúc cho ông Ô-vết Ê-đôm cùng cả nhà ông.

12 Người ta báo tin cho vua Đa-vít rằng : “Vì Hòm Bia Thiên Chúa, ĐỨC CHÚA đã giáng phúc cho nhà ông Ô-vết Ê-đôm cùng tất cả những gì thuộc về ông.” Vua Đa-vít liền đi và rước Hòm Bia Thiên Chúa từ nhà ông Ô-vết Ê-đôm lên Thành vua Đa-vít, trong niềm hân hoan. 13 Khi những người khiêng Hòm Bia của ĐỨC CHÚA đi được sáu bước, thì vua sát tế một con bò và một con bê béo. 14 Vua Đa-vít quấn ê-phốt vải gai, nhảy múa hết sức mình trước nhan ĐỨC CHÚA. 15 Vua Đa-vít và toàn thể nhà Ít-ra-en rước Hòm Bia ĐỨC CHÚA lên giữa tiếng hò reo với tiếng tù và. … 16 Người ta đưa Hòm Bia ĐỨC CHÚA đặt vào chỗ đã dọn giữa lều vua Đa-vít đã dựng sẵn. (2 Sm 6,1-16)

“Đức Bà như Hòm Bia Thiên Chúa vậy”

Trong Kinh Cầu Đức Bà, chúng ta tung hô Đức Mẹ : “Đức Bà như Hòm Bia Thiên Chúa vậy”. Lời tung hô này xuất phát từ sách Tin Mừng theo thánh Lu-ca. Sau khi kể chuyện thiên sứ truyền tin cho Trinh Nữ Maria, thánh Lu-ca kể tiếp :

39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. 41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? 44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà. (Lc 1,39-45.56)

Cách kể chuyện này gợi lên chuyện vua Đa-vít đi rước Hòm Bia, để giúp chúng ta nhận biết điều gì đã xảy ra trong lòng Đức Trinh Nữ Maria sau khi Người nộp mình vô điều kiện cho Thiên Chúa : “Này tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin cứ xảy ra cho tôi như lời Ngài nói”. Thiên sứ đã nói : Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Đức Trinh Nữ Maria đã được Vinh Quang Thiên Chúa bao phủ như Nhà Tạm (x. 40,34), Thánh Thần là quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa đã ngự xuống trên Đức Trinh Nữ, và Con Thiên Chúa đã làm người trong lòng Đức Trinh Nữ, như lời Thiên Chúa hứa trong sách I-sai-a  7,14. Đấng thiết lập Giao Ước Mới đang ngự trong lòng Đức Trinh Nữ như Bia Chứng Ước ngự trong Hòm Bia.

Đám rước hôm nay giản lược trong hai người phụ nữ mang thai. Đứa con đã được sáu tháng trong bụng bà I-sa-ve ở phía trước nhảy mừng như vua Đa-vít nhảy múa trước Hòm Bia. Bà I-sa-ve ở phía sau, như dân chúng hò reo, được đầy Thánh Thần để công bố màu nhiệm đã thành sự nơi Đức Trinh Nữ : lời bà I-sa-ve lớn tiếng kêu lên : “Người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” có thể hiểu là “được chúc tụng”, cách nói quen thuộc để chỉ về Thiên Chúa. Vua Đa-vít sợ hãi trước vinh quang của Thiên Chúa nơi Hòm Bia : “Hòm Bia Thiên Chúa đến với tôi thế nào được !” Còn bà I-sa-ve thì đã được đón Hòm Bia Giao Ước Mới vào nhà, nên mừng rỡ kêu lên : “Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?” Cuối cùng, “Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà”, gợi lại việc Hòm Bia ở lại nhà Ô-bét Ê-đôm ba tháng trước khi ngự vào lều do vua Đa-vít đã dựng cho Hòm Bia.

Nhà thờ kính Đức Bà Hòm Bia (Our Lady of the Ark)

Cuối thế kỷ 19, các nữ tu dòng thánh Giuse mua được phần đất này ở Kyriat Yearim để lập tu viện, năm 1920 các nữ tu khởi công đào móng xây nhà thờ kính “Đức Bà Hòm Bia Giao Ước”, đã trúng ngay nền ghép đá (mosaic) của một ngôi nhà thờ thuộc thế kỷ thứ năm (thời kỳ Bi-dăng-tin), và đã xây nhà thờ mới trên đó. Nhà thờ xưa đã bị người Ba-tư phá hủy cùng với tất cả các nhà thờ khác tại Thánh Địa khi họ chiếm đóng từ năm 614. (Chỉ có nhà thờ Giáng Sinh không bị phá, vì có hình ba vua mặc đồ Ba-tư đến thờ lạy). Trên đầu nhà thờ có tượng Đức Mẹ nhìn về Giê-ru-sa-lem. Ngoài nền nhà thờ cổ, có hai đầu cột bằng đá chạm trổ công phu còn lại.

Các nữ tu đã đồng ý cho dùng một đầu cột làm bệ cho tượng đài Đức Mẹ La-vang, và một đầu cột đặt bàn thờ để dâng thánh lễ bên cạnh tượng đài. Tượng đài Đức Mẹ La-vang đứng ở góc vườn, quay mặt về phía biển, nên khi nhìn lên Đức Mẹ thì thấy toàn cảnh Giê-ru-sa-lem phía sau lưng Đức Mẹ. Trong vườn này có nhiều cây ô-liu mấy trăm năm tuổi và một số cây khác che bóng cho khách hành hương, gợi lại phần nào rừng La-vang.

Tu viện và nhà tĩnh tâm cách nhà thờ một cái sân khá rộng, phía sau có một bãi cỏ lớn dành cho người tĩnh tâm và các nữ tu. Người phục vụ ở đây là các nữ giáo dân người Phi-líp-pin rất lịch sự tử tế và nấu ăn rất ngon. Các đoàn hành hương rất thích được ăn bữa từ giã Đất Thánh tại đây trước khi ra phi trường.

[pdf-embedder url=”https://dongten.net/wp-content/uploads/2018/07/TIẾNG-VIỆT-TOUR-ISRAEL-19-Feb-to-28-Feb-2019.pdf” title=”TIẾNG VIỆT TOUR ISRAEL 19 Feb to 28 Feb 2019″]

Kiểm tra tương tự

Facebook năm thứ 20: Tình Bạn đang thay đổi thế nào?

  Giống như khi một người hàng xóm lâu năm làm ta ngạc nhiên, chúng …

Chiêm ngắm khuôn mặt Thiên Chúa | Suy tư Tin Mừng CN Lễ Chúa Hiển Linh năm C

  Các bạn thân mến!   Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *