Trình Thuật Thương Khó Theo Thánh Mác-cô

 Chuyện trong vườn Ghết-se-ma-ni

Tới vườn, Chúa nói với các môn đệ : « Anh em ngồi lại đây trong khi Thầy cầu nguyện ». Chúa đưa các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo. Ba ông này đã được theo và chứng kiến khi Chúa cho con gái ông Gia-ia đã chết được trỗi dậy (Mc 5,37-43), khi Chúa tỏ vinh quang trên núi (9,2-8). Hôm ngồi trên Núi Ô-liu thì ba ông  này, thêm ông An-rê, hỏi riêng Chúa về thời điểm Giê-ru-sa-lem bị tàn phá. Hôm nay Chúa cũng dẫn ba ông đi theo và thố lộ cho các ông : « Tâm hồn Thầy buồn đến chết được » và xin : « Anh em ở lại đây mà canh thức ». Ở chương 1, Mc kể Chúa đi ra nơi thanh vắng cầu nguyện. Hôm nay Chúa dẫn ba ông theo, xin các ông canh thức, nhưng Chúa đi xa hơn một chút và cầu nguyện một mình. Chúng ta được biết tư thế và lời cầu nguyện của Chúa : « Người sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được. Người nói : « Ap-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn ». Chúa Giê-su thưa với Thiên Chúa bằng cách xưng hô của con với cha trong gia đình : Ap-ba, nại đến quyền phép vô cùng của Cha, bày tỏ với Cha ước muốn của mình, nhưng lại xin Cha làm điều Cha muốn. 

Ta không biết Chúa cầu nguyện bao lâu, nhưng khi Chúa trở lại chỗ ba ông đã được Chúa xin canh thức, thì thấy các ông đang ngủ. Chúa gọi đích danh ông Phê-rô: « Si-mon, anh ngủ à ? Anh không canh thức nổi một giờ sao ? » Bấy nhiêu đủ cho chúng ta suy nghĩ.  Người đã cam đoan thà chết không bỏ Thầy đấy ! Canh thức một giờ không nổi thì làm sao chết vì Thầy được ! Bây giờ thì Chúa  nói rõ tại sao phải canh thức và cầu nguyện : « Kẻo sa chước cám dỗ ». Lý do là « vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu hèn ».

« Chúa lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trước. Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn còn ngủ, vì mắt các ông nặng trĩu. Các ông chẳng biết trả lời làm sao với Người ».

« Lần thứ ba, Người trở lại và nói với các ông : « Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao ? Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi. Đứng dậy, Ta đi nào ! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới ».

Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Chúa đã nói với các ông : « Này chúng ta đi lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại » (Mc 10, 33). Nay thì « giờ đã đến ». Chúa đã xin Cha cho khỏi phải qua giờ này, nhưng ý của Cha đã rõ : « Giờ đã đến ! » Chúa như ra lệnh xông vào cuộc chiến : « Đứng dậy, chúng ta đi nào ! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới ! »

« Ngay lúc đó, khi Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong nhóm Mười Hai xuất hiện. Cùng đi với hắn, có một đám đông mang gươm giáo gậy gộc …». Từ lúc Chúa loan báo : « Một người trong anh em sẽ nộp Thầy » Các môn đệ không hề có một dấu hiệu nào để suy đoán. Thật là một bất ngờ làm các ông phải choáng váng. Mc cho chúng ta biết « Họ đã được các thượng tế, kinh sư và kỳ mục sai đến ». Thượng tế, kinh sư và kỳ mục là Thượng Hội Đồng có quyền tối cao trong dân Do Thái, nhưng ở dưới quyền Tổng Trấn Rôma. Ta còn được biết cả ám hiệu của Giu-đa : « Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh hãy bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận ». Tại sao Giu-đa còn dùng ám hiệu mà không tới chỉ thẳng vào mặt Chúa cho bọn kia bắt ? Có phải vì sợ Chúa kịp bỏ chạy ? Sợ các môn đệ kịp thời phản ứng để giải thoát Chúa Giê-su ? « Vừa tới, Giu-đa tiến lại gần Người và nói : « Thưa Thầy ! » rồi hôn Người. Họ liền tra tay bắt người. » Coi như Giu-đa ôm lấy Chúa mà trao vào tay bọn kia ! Nụ hôn phản bội. Mc vẽ nên sự tương phản quyết liệt giữa « người phụ nữ với bình bạch ngọc » và Giu-đa !

« Một trong những kẻ có mặt tại đó tuốt gươm ra chém… » Mc không cho biết kẻ đó là ai, có phải là một môn đệ hay không. Dù sao hành động đó không xứng với môn đệ. Mc cũng không cho biết phản ứng của Chúa Giê-su về chuyện này nhưng kể ngay phản ứng của Chúa với những kẻ đến bắt Chúa. Chúa không chống cự, nhưng vạch cho thấy ý nghĩa thật của việc này : « Đức Giê-su lên tiếng nói với họ : Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt ? Ngày ngày tôi vẫn ở giữa các ông, vẫn giảng dạy trong Đền Thờ, mà các ông không bắt. Nhưng thế này là dể ứng nghiệm lời Sách Thánh ». Mc không trưng lời Sách Thánh, nhưng chúng ta nhận ra qua câu hỏi của Chúa : « Người đã bị liệt vào hàng phạm pháp » (Is 53,12). Chỉ khi bắt quả tang kẻ phạm pháp người ta mới bắt ban đêm.

« Bấy giờ họ bỏ người mà chạy trốn hết ». Lúc Giu-đa « một người trong Nhóm Mười Hai » xuất hiện dẫn đầu bọn người cầm gươm giáo thì Mc nói đến « một những kẻ đứng gần đó» hay « một trong những kẻ có mặt đó tuốt gươm chém », không nói « môn đệ » hay « nhóm Mười Hai ». Lần cuối ta thấy Mc kể rõ « nhóm Mười Hai » cùng đi với Chúa Giê-su là khi đến ăn tiệc Vượt Qua. Sau đó chỉ dùng đại từ « họ », bao gồm cả Chúa Giê-su khi đi ra núi Ô-liu. Khi Chúa đối diện với kẻ phản nộp là « một người trong Nhóm Mười Hai » thì những người khác trong nhóm Mười Hai chỉ còn là « những kẻ có mặt đó » và một người tuốt gươm chém. Khi người ta tra tay bắt Chúa thì « Họ bỏ Người mà chạy trốn hết », đúng như lời Chúa đã báo trước và đúng như lời trong sách Is 53,6 : «Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, mỗi người mỗi ngả ».

Có một chi tiết riêng của Mc : « Trong khi đó có một người thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng ». Nhiều tranh luận về chi tiết này. Chúng ta sẽ trở lại chuyện này sau. Xin chú ý tới hai yếu tố : người thanh niên và tấm vải gai. Người thanh niên ở đây không có tên, khoác tấm vải gai rồi trút tấm vải gai lại mà chạy trốn trần truồng. Chúng ta hãy thử nhìn bức tranh khi Chúa bị bắt và dẫn ra khỏi vườn : Người ta tra tay bắt và dẫn Chúa đi ra, tất nhiên là theo lối chính đi vào vườn. Các người khác « có mặt đó » bỏ Người mà chạy thoát thân. Trong số ấy không chỉ có nhóm Mười Hai, mà có cả một người thanh niên. Anh này chậm chân nên bị người ta túm… liền trút tấm vải gai mà chạy đi trần truồng, tất nhiên chạy về một phía khác. Hình ảnh Chúa bị bắt ở giữa và hình ảnh người thanh niên trần truồng chạy trốn ở một góc bức tranh gợi hình ảnh con người đầu tiên bị đuổi ra khỏi vườn sau khi đã nhận ra mình trần truồng. Mc gợi cho chúng ta liên tưởng tới A-đam… như đã gợi lên ở phần mở đầu (1,12-13) : « Thần khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa suốt bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người » (Mc dùng cùng một từ hy-lạp « đuổi » như St 3,24). Mc vẽ bốn bức tranh mà ta có thể đối chiếu với Sáng Thế  2-3 :       

A/ Thần Khí đuổi Chúa Giê-su vào hoang địa  –  Thiên Chúa đuổi A-đam ra khỏi vườn

B/ Chúa Giê-su chịu Xa-tan cám dỗ – A-đam chịu  Xa-tan cám dỗ

C/Chúa Giê-su sống giữa loài dã thú – A-đam sống trong vườn giữa loài dã thú

D/ các thiên thần hầu hạ Người  –   thiên thần giữ cửa vườn không cho vào.

Thần Khí đuổi Chúa Giê-su vào hoang địa, nơi A-đam đang ở và cũng là nơi Xa-tan đang ở. Chúa cũng chịu Xa-tan cám dỗ, nhưng sau đó Chúa ở giữa các loài dã thú như A-đam trước khi bị cám dỗ và Thiên thần đã giữ cửa vườn không cho A-đam vào hái trái cây Sự Sống thì nay hầu hạ Chúa Giê-su. Như vậy Chúa Giê-su bị Thần Khí đuổi vào sa-mạc là để chiến thắng Xa-tan, phục hồi thân phận A-đam, biến sa-mạc thành vườn Địa Đàng. Nhưng để làm được cuộc biến đổi ấy thì Chúa Giê-su phải chịu điều đã xảy ra trong vườn : Chúa là Con Thiên Chúa, có các thiên thần hầu hạ, vô tội, hoàn toàn vâng phục Cha, nhưng phải bị đối xử như kẻ phạm pháp : « Đức Chúa đã đổ trên đầu Người tộ lỗi của tất cả chúng ta » (Is. 53,6).

(xin mời đọc trang tiếp theo)

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Hành trình Đức tin của ngôi sao bóng rổ Gordon Hayward

Ngôi sao NBA* gia nhập đạo Công giáo vài tháng sau khi giải nghệ. Để …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *