Loài người có xác, nên có trái tim hay tâm hồn, khiến yêu luôn là một thụ cảm (passion), nó nhoi nhói trong tim (thương tâm), quặn đau trong ruột (đoạn trường). Chứ Thiên Chúa đâu có xác, do đó đâu có tim hay ruột để mà nghe quặn đau hay nhoi nhói như thế? Chính vì vậy, Ngài phải giáng trần để tình yêu Ngài có thể rung lên trong một trái tim người, để Ngài có thể khóc, có thể đổ mồ hôi máu trong Vườn Dầu, có thể la lên: ”Cha ôi, Cha ôi, sao nỡ bỏ con!”, nhờ đó giúp ta hiểu được phần nào tình thương vô tận của một Thiên Chúa.
Quả thật, Thiên Chúa yêu chúng ta đến vô cùng tận dù không hề thụ cảm, mà nếu phản chiếu trên trái tim cảm thụ của con người thì tình Ngài xói buốt mãnh liệt như thế đó.
Sau Thiên Chúa thành người, ở chính loài người chúng ta, hãy tìm đến đỉnh cao của tình yêu thiêng liêng trong huyền nghiệm.
Theo huyền học, huyền nghiệm ở đỉnh càng cao, thì trí hiểu, trí nhớ và tưởng tượng càng bị treo, ngưng (sommeil des puissances), để cuối cùng chỉ còn an tĩnh (quiétude), chiêm hưởng thuần túy (contemplation pure), tức chiêm ngắm mà trống vắng, không đối tượng, nghĩa là không còn chỗ dựa là ý tưởng hay ảnh tượng chi nữa. Vâng, trong chiêm niệm thụ động hay thiên phú, hành giả biết bằng một thứ biết khác lạ, khiến cho hồi đầu chưa quen, ánh sáng mới này biến thành cái mà thánh Gioan Thánh giá gọi là Đêm tối. Theo Gioan Thánh giá, Đêm tối diễn ra không phải vì thiếu ánh sáng, mà trái lại vì sáng quá lóa mắt nên không thấy gì nữa.
Thật ra, khi nói đến treo ngưng khiếu năng, thánh Tiên sa Avila chỉ nói đến khiếu năng tri thức là trí hiểu, trí nhớ và tưởng tượng thôi, và đây là do khuynh hướng nghiệm tri (gnôsis, gnosticisme) của KTG cổ thời, chỉ quan tâm đến tri thức. Chứ ngày nay, trong thời đại phân tâm học, yếu tố cần chú ý hơn phải là cảm tính (affectivity). Vâng, trong huyền nghiệm đỉnh cao, cả cảm tính cũng bị treo ngưng để chuyển sang một thứ cảm tính khác, thiêng liêng hơn, tức gần hơn với tinh thần. Đây là điều mà vô tình Tiên sa Avila đã đề cập đến, bắt đầu từ cung 5 khi thánh nữ nhắc tới một thứ tình cảm mà ngài không hiểu do đâu và diễn ra thế nào :”Nếu linh hồn ấy yêu, thì y ở trong một thứ ngủ (sommeil, tức treo ngưng khiếu năng) đến nỗi không biết yêu thế nào, mà ngay cả yêu gì, muốn gì, cũng không biết nữa” (cung 5, ch.I). Vâng, nếu ở mặt tri thức, “linh hồn ấy chẳng thấy, chẳng nghe, chẳng hiểu gì” (cung 5, ch.I), thì về mặt tình cảm cũng vậy: “linh hồn ấy như không cảm gì…Và nếu yêu, thì y cũng ở trong một giấc ngủ đến nỗi không biết yêu như thế nào và yêu gì, muốn gì” (cung 5, ch.I). Tuy thế, tình yêu ấy lại vô cùng mãnh liệt, một khát yêu ghê gớm (cung 6, ch.XI). Yêu tuy rất mãnh liệt, nhưng lại không ở phần thường phàm của cảm năng, mà “phần thượng đẳng của linh hồn” (cung 7, ch.I), chắc là gần như tinh thần thuần túy. Theo tôi, khi yêu bình thường, dù siêu nhiên chăng nữa, thì tình yêu ấy vẫn có gốc là tự nhiên, dù nó cố hướng thượng với sự trợ giúp của ân Chúa; còn trong giai đoạn huyền nghiệm cao là Hôn nhân thiêng liêng (cung 7), thì vì tự nhiên đã được biến cải hoàn toàn theo siêu nhiên rồi, nên tình yêu trong giai đoạn ấy trở nên siêu nhiên một cách rất “tự nhiên”, với gốc của nó nằm ở siêu nhiên, nơi Đức Ai thiên phú.
Vậy nơi con người, yêu đúng theo Thần khí là một thứ tình cảm vô cùng khác lạ, nó siêu cảm; cũng như biết theo Thần khí là một thứ siêu tri, tri do một khiếu năng khác với lý trí, khiếu năng được gọi trong huyền học Tây phương là Noũs, Intellect, còn trong huyền học Ấn Độ là Buddhi.
Nhìn tình cảm từ đỉnh cao của nó trong huyền nghiệm, ta có thể hiểu phần nào cái được gọi là tình cảm siêu nhiên ở người thường chưa tiến tới huyền nghiệm. Khi ấy, tình yêu còn nặng về tự nhiên hơn, nên chất “thụ” trong cảm cũng mạnh hơn. Có điều khi chúng ta cố yêu trong Chúa và vì Chúa, chúng ta vẫn cảm nhận có gì thiêng liêng rồi, chứ không còn phàm tục nữa.
Vì Đức Ái huyền diệu đến thế và quan trọng đến thế, nên Tiên sa Avila mới hiểu ra rằng, lửa thanh luyện trong luyện ngục chính là lửa Ái vậy. Vâng, chỉ có lửa Ai mới đủ sức thanh luyện cho hồn ta sạch trong, thanh thoát và lành thánh để xứng “mặt đối mặt” với Đấng là Tình yêu viết hoa: Thiên Chúa.
Kết luận
Chỉ có Từ-Bi Phật giáo Đại thừa có thể so sánh với Đức Ái Chúa Kytô xét cả về bề sâu lẫn bề rộng. Vì Từ-Bi Phật giáo không chỉ là đạo đức suông khi mà nó thuộc Pháp hay căn bản của Đạo. Và cũng do vậy, nó có gì đó thuộc huyền học nữa. Còn Đức Ái của chúng ta thì đúng là huyền nhiệm, siêu huyền nhiệm rồi, khi mà thanh lọc là do yêu (8), thánh thiện cũng do yêu, hạnh phúc thiên đường cũng là yêu thương hay kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, mà chính Ngài cũng là Yêu thương viết hoa luôn.
Riêng về mặt thực hành, chúng ta có thể tìm ở Từ-bi Phật giáo một số bài học : bài học về bình đẳng và thoát tục khi ta cần tập bớt đi những vương vấn, nhất là nệ cảm; bài học về bề rộng khi ta cần mở rộng cõi lòng để yêu thêm các sinh vật bên dưới người, và điều ấy phù hợp hơn với trào lưu sinh thái học (ecology) hôm nay, cũng như phù hợp với niềm tin của chúng ta về một Trời mới, Đất mới!
Cũng về mặt thực hành, anh em Phật giáo có thể thực hiện thật sự tâm bồ tát nhờ vào sức mạnh và động năng siêu nhiên của Đức Ái thiên phú KTG. Vâng, tâm bồ tát là một lý tưởng rất cao, nhưng vì quá cao nên nó mới chỉ là một ý tưởng trừu tượng, không thể hiện nổi trong cuộc sống nếu không có một can thiệp siêu nhiên nó thanh tẩy đến tận cùng sự vị kỷ vốn rất bẩm sinh nơi con người chúng ta.
Lại để thi hành tâm bồ tát, anh em Phật giáo có sẵn trong KTG một mẫu Siêu bồ tát có thật trong lịch sử : Đức Giêsu Nadaret, Ngài đang là Đấng Tối cao, đã tự hạ và tự hủy khi thành người và chịu chết nhục nhã trên thập tự để cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết cũng như để nuôi sống chúng ta bằng chính thịt máu mình (Php.2.6tt.). Những bồ tát tiếp theo, cũng thuộc lịch sử luôn, là các nam nữ thánh nhân KTG khá đông đảo, đã can đảm bước vô con đường từ-bi-hỉ-xả của Thầy mình.
Riêng KTG đã gặp may khi bắt gặp sẵn trên vùng đất Đông Á này cái truyền thống “bồ tát” cao cả của Phật giáo Đại thừa, truyền thống ấy đã ăn sâu vào tâm tư và chuẩn bị tốt cho hạt giống “Tám mối phúc thật” chúng ta, với đúng “mối” 2 là Từ và “mối” 5 là Bi. Nhất là chuẩn bị cho một cái gì căn cội hơn: Đức Ái của và từ Chúa Giêsu Con Thiên Chúa!
———————————————————————————————–
(1) Radhakrishnan, Indian philosophy I, tr. 433.
(2) Xx. Thích Hằng Trường, Bước chân vào Đạo: Tu Hoa Nghiêm Phật Pháp, NXB. Tôn giáo, 2003, tr.94.
(3) Xx. Thích Minh Châu, Từ điển Phật học VN. Cũng thế trong Từ điển Phật học Huệ Quang.
(4) Xx. Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn.
(5) Chúa Giêsu nối Đnl.6.5 với Lv.19.18.
(6) Xx. K. Rahner trong Sacramentum mundi I, tr.416.
(7) Xx. Lâu đài bên trong, cung 6, ch.XI.
(8) Chẳng những vì lửa luyện ngục là Đức Ái, mà còn vì thanh luyện khỏi tội lỗi cách hoàn hảo ở đời này cũng là do Đức Ai. Vâng, sám hối do yêu được gọi là contritio, và tội do đó được tha ngay dù đương sự chưa kịp chịu phép Hối giải.
Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.