Tự Cao – Tự Ti

Cuộc đời của con người là một cuộc hành trình khám phá chính mình, người khác và vạn vật. Điều này được ông bà ta nói tới cách giản dị mà sâu sắc trong câu: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Mặc dù ý thức “biết mình” quan trọng như vậy, nhưng người ta thường không quan tâm đủ tới nó. Kết quả thường xảy ra sẽ là các thái cực: hoặc là tự cao, hoặc là tự ti.

Dù cùng là nhận thức về chính mình, nhưng tự cao và tự ti mang ý nghĩa trái ngược nhau. Tự cao cùng nghĩa với tự kiêu, tự phụ, kiêu căng, kiêu ngạo. Tự cao là tự đánh giá mình quá cao và tỏ ra coi thường người khác. Còn tự ti là tự đánh giá mình thấp nên thiếu sự tin tưởng vào bản thân.

Tự cao và tự ti được thể hiện trong mọi góc cạnh của cuộc sống. Về thể lý, có biết bao con người có chút nhan sắc, có chút sức khỏe nên tỏ ra kiêu căng, tự phụ, coi thường những con người “không đẹp” bằng mình, những con người yếu đuối, những con người khiếm khuyết. Họ quên mất rằng, cái đẹp đó là quà tặng vô điều kiện mà tạo hóa cũng như cha mẹ ban cho họ. Bản thân họ không thể tự có được những điều tốt đẹp này. Ngược lại, vẫn còn đó những con người luôn mặc cảm về sự hiện diện của mình trên đời này. Rằng khuôn mặt của họ làm cho thế giới này xấu đi. Rằng họ là gánh nặng cho người khác…Những lệch lạc này đều xuất phát từ sự phiến diện. Họ quên đi họ là tổng hòa của rất nhiều yếu tố trong sự kì diệu độc nhất vô nhị của họ.

Về tâm lý, người tự cao cho mình có thế giá hơn người về dòng họ, về khả năng, về vị thế, quyền lực, tiền bạc,…Và dựa vào những “yếu tố hơn người” đó mà họ coi thường, coi khinh những người bị coi là “thấp kém” hơn mình. Có thể họ có khả năng, yếu tố vượt trội thật. Nhưng thật là đáng tiếc nếu những điều tốt đẹp đó lại nên cớ cho họ trở thành xấu trong sự tự phụ của họ. Cũng rất có thể, họ chẳng có gì là nổi trội. Trong trường hợp này, sự tự phụ là chính ảo tưởng của họ về chính mình, là chính bình phong họ dựng lên để che đậy những yếu kém, sai lỗi của chính bản thân trước mọi người. Những người tự ti cũng đáng trách không kém người tự cao. Họ quá hiền đến mức nhu nhược. Họ quá yêu hòa bình đến mức cầu toàn, an phận. Họ quá khiêm tốn đến mức luồn cúi kẻ khác. Họ có tinh thần trách nhiệm quá cao đến nỗi không dám đảm đương những công việc có thể thực hiện vì lo sợ là sẽ không hoàn thành được… Nếu lấy chân, thiện, mỹ để làm điểm quy chiếu cho mọi sự thì người tự cao có khuynh hướng cố tình bóp méo nó, còn người tự tin thì không dám thể hiện đúng như nó là.

Về phương diện tâm linh, tự cao dẫn người ta tới chỗ tuyệt đối hóa giá trị tâm linh mà bản thân theo đuổi đến độ coi thường, coi khinh hoặc coi như không có giá trị đối với những giá trị tâm linh của người khác, của truyền thống khác, tôn giáo khác. Còn tự ti dẫn người ta tới chỗ không dám nói, sống những giá trị tâm linh mà mình biết rõ, hiểu rõ, kinh nghiệm rõ là tốt lành, là con đường dẫn tới hạnh phúc.

Dù khác nhau đến trái ngược, nhưng tự cao và tự ti cùng dẫn con người đến những hệ quả tương tự nhau. Đó là tình trạng con người không chấp nhận nhau. Đó là những bất công xảy ra do có những con người cố tạo nên trong sự tự cao của họ, còn bên kia là những con người chấp nhận sự bất công đó trong tự ti. Đó là sự tự hạn chế lại khả năng của con người. Tự cao làm cho con người không cần phát triển khả năng  trong khi tự ti không dám phát triển khả năng. Trong tự cao và tự ti, con người không thể trao tặng và đón nhận. Vì thế, con người đã lãng phí sự đa dạng, phong phú về mọi phương diện mà “Thiên thời, Địa lợi” đã tạo cho họ. Điều mà đáng lẽ ra đã cho phép họ có thể bổ túc cho nhau để cùng nhau triển nở, hạnh phúc. Vẫn còn đó những con người ngửa mặt khinh đời, khinh người. Vẫn còn đó những con người cúi mặt mà đi, không dám nhìn người khác. Vẫn còn đó những điều vô lý mà con người áp đặt lên nhau. Vẫn còn đó những kì thị chủng tộc, văn hóa, tôn giáo,…; những cuộc chiến vô nghĩa giữa các sắc tộc, dân tộc, quốc gia, khối quân sự,…

Như vậy, thái độ tự cao hay tự ti đều ảnh hưởng rất tiêu cực trên mỗi chúng ta và trên cả xã hội. Vậy đâu là thái độ đúng đắn cần có khi nhận thức về chính mình? Chắc hẳn mọi người có cùng câu trả lời là sự tự tin. Đó là tin vào khả năng của bản thân. Như một triết gia đã viết về thái độ cần có: “Đủ can đảm để đón nhận những gì không thể thay đổi. Đủ can đảm để thay đổi những gì có thể thay đổi. Đủ khôn ngoan để phân biệt sự khác nhau đó”. Tự cao, tự ti hay tự tin, đó là tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi chúng ta.

Vũ Tứ Quyết, S.J.

Kiểm tra tương tự

Các bà mẹ nội trợ và chứng trầm cảm: 4 điều cần biết

  Làm cha mẹ nội trợ ở nhà thật là khó, nhưng liệu điều đó …

10 sách nói tuyệt vời gia đình cùng thưởng thức

  Đây là những cuốn sách sẽ giúp cả người lớn lẫn trẻ em say …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *