Tự do dâng hiến

Có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi rằng: “Thế nào là tự do đích thực?” Tôi có cơ hội đứng nhiều lớp giáo lý, với nhiều độ tuổi khác nhau. Khi học đến bài tự do, trước khi bắt đầu bài mới, tôi thường hỏi các em: theo suy nghĩ của em, em hiểu tự do là gì? Hầu hết các em từ khối Xưng tội, Thêm sức và Sống đạo đều trả lời rằng: “Tự do là khi được làm điều mình muốn, mình thích, không bị ép buộc”. Câu trả lời của các em chân thật và đơn sơ, các em nói lên những gì mình hiểu, đó là tự do các em nghĩ và muốn có được. Bạn có nghĩ như các em không? Còn đối với tôi, với nhiệt huyết, hăng say và hoài bão của tuổi trẻ, tôi cũng có một thời gian luôn muốn tự do, muốn được làm theo suy nghĩ và sở thích của mình. Nhưng rồi thời gian đã dạy tôi nhiều điều.

Trước hết, tự do là một món quà quý giá mà Thiên Chúa đã dành cho con người và Ngài luôn tôn trọng tự do ấy, như lời Thánh Augustinô đã nói : “Chúa đã dựng nên tôi không cần đến chúng ta, nhưng để cứu chuộc tôi thì Ngài lại cần tôi đáp lời”. Chúa mời gọi con người cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, cần những người tự do thưa tiếng “Xin vâng” như Ápraham, Đức Maria,…Và dù Chúa muốn cứu chuộc chúng ta nhưng chúng ta từ chối, thì Ngài cũng đành bó tay. Tình thương Thiên Chúa thì bao la, rộng lớn nhưng Ngài tôn trọng tự do của con người và Ngài vẫn luôn chờ đợi từng người tội lỗi quay trở về. Ngài đứng bên ngoài cửa mà gõ, kiên nhẫn chờ ta mở cánh cửa tâm hồn đón rước Ngài.

Thứ hai: Theo Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, tự do giúp con người cân nhắc, lựa chọn và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Như thế, định nghĩa mà các em nêu trên chỉ mới đúng một nửa. Chúng ta được tự do để cân nhắc và chọn lựa nhưng chúng ta phải có trách nhiệm với tự do của mình. Tự do là một món quà quý báu, nhưng phải được sử dụng đúng cách. Nếu lạm dụng sự tự do, chúng ta có thể gây tổn hại cho bản thân, tha nhân và xúc phạm đến Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều có tự do và khi sống cùng nhau chúng ta phải có những nguyên tắc chung, để tự do của mỗi người luôn được tôn trọng. Như vậy, tự do cũng có những giới hạn: gia đình có gia giáo, nhà trường có nội quy, Giáo Hội có giáo luật, Nhà nước có pháp luật. Tự do của chúng ta có thể ví như những con diều, nó được tự do bay trên vùng trời của nó, nhưng vẫn bị ràng buộc bởi sợi dây. Nếu như con diều bị đứt lìa khỏi sợi dây, thì nó sẽ chao đảo và lao xuống đất.

Nhiều bạn trẻ khi chọn lựa bậc sống: tu trì hay gia đình. Họ ngại chọn đời sống tu trì vì họ cảm thấy bị ràng buộc, mất tự do. Với tôi, sau một hành trình dài theo Chúa tôi cảm nghiệm được rằng: Nếu tôi theo Chúa triệt để thì tôi sẽ là người tự do nhất. Vì ba lý do sau đây:

Người tu sĩ tự do với vật chất, vì họ luôn lên đường trong tinh thần của Tin Mừng: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.” (Lc 9, 3). Họ luôn lên đường với sự nhẹ nhàng và thanh thoát với của cải trần gian, phó thác mọi sự cho Thiên Chúa như hoa cỏ đồng nội, như chim trời.

Người tu sĩ được tự do với các tương quan. Ai là anh em, chị em của họ? Đó là những người mà họ được mời gọi sống cùng trong linh đạo, những người mà họ phục vụ, những người họ gặp gỡ. Họ có một gia đình rộng lớn hơn. Thao thức của họ chính là xoa dịu nỗi đau của anh chị em mình.

Người tu sĩ được tự do với tương lai của mình. Họ lên đường đến nơi Chúa muốn, làm những việc Chúa cần, sống trong môi trường Chúa gửi đến. Họ sẵn sàng rời bỏ sự an toàn của mình để đi đến vùng ngoại biên. Dù rằng có những lúc họ không thể hiểu được Thánh Ý của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa có những bí mật mà Ngài đã đặt để trong cuộc đời của họ, họ sẽ từ từ khám phá ra, để rồi từ ngạc nhiên, ngỡ ngàng đến thán phục những hồng ân Thiên Chúa dành cho đời của họ.

Nếu bạn phân vân vì sợ những ràng buộc, bạn hãy biết rằng nếu bạn quảng đại với Chúa, Chúa sẽ cho bạn như điều bạn không tưởng được, như lời Ngài đã hứa: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà bây giờ, ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời đời ở đời sau” (Mc 10, 29-30). Phần thưởng mà bạn có được là cả ở đời này và đời sau, tất nhiên cũng kèm theo hàng khuyến mãi là sự ngược đãi. Nhưng khi bạn suy xét, bạn sẽ nhận ra rằng chọn lựa nào cũng phải trả giá cả, điều càng cao quý, thì giá phải trả lại càng cao, giá càng cao thì bạn càng trân trọng và giữ gìn cẩn thận. Khi bạn yêu một người nào đó, bạn sẽ tặng cho người đó món quà quý giá nhất của bạn. Vậy nếu bạn cho tự do là quý báu thì bạn dành điều quý giá nhất ấy cho Đấng mà bạn yêu mến trên hết mọi sự. Chúa vẫn kêu gọi những tâm hồn quảng đại dâng hiến một cách tự do, để trở thành những cánh tay hữu hình của Chúa đến cho thế giới hôm nay. Thay vì đặt câu hỏi tôi phải làm gì, khi nhân gian phủ đầy tăm tối, khi cuộc đời còn lắm oan khiên, khi anh em chưa tìm lẽ sống, khi bao em thơ không nhà không cửa,….Thì ta hãy đứng dậy, trở thành chứng nhân, loan tin bình an đến khắp mọi nơi (bài hát “con phải làm gì?”)

Tôi viết những dòng này trước hết là cho chính tôi, vì dù đã trải qua một hành trình dài theo Chúa nhưng nhiều lúc tôi cũng muốn tự quyết định cho tương lai của mình, chưa thực sự dám liều mình bước vào cuộc phiêu lưu với Chúa, sẵn sàng để Chúa dẫn dắt, để Chúa dùng tôi như khí cụ của Ngài, đến nơi Ngài muốn. Đây là một lần nhắc nhở chính bản thân tôi, để tôi quảng đại dâng cho Chúa sự tự do của tôi hơn, để tôi đơn sơ, nhẹ nhàng, thanh thoát hơn cho Thần Khí Chúa dẫn dắt tôi đi. Tôi cũng viết cho các bạn trẻ đang thao thức lựa chọn ơn gọi cho mình, hãy can đảm và dấn thân cho Chúa, tiếp bước bao người đi trước, đừng sợ bạn nhé, vì “Ơn Chúa luôn đủ cho bạn”(2Cr 12,9)

Đồng Tiền Hồng

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Các tham dự viên Thượng Hội đồng giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ gì?

  Trong khi Chúa Thánh Thần nói trực tiếp vào tâm hồn mà không cần …

Ngày tận thế: Bí ẩn chỉ có Chúa Cha biết | Suy tư Tin Mừng CN 33 Thường Niên B

SUY TƯ TIN MỪNG CHÚA NHẬT 33 Ngày tận thế: Bí ẩn chỉ có Chúa …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *