Tu sĩ Dòng Tên ALEXANDRE DE RHODES từ trần

I. Alexandre de Rhodes! Ông là ai?

Tuy bạn đọc đều biết Alexandre de Rhodes là ai, có liên hệ gì với Giáo hội và xã hội Việt Nam, nhưng thiết tưởng cũng nên nhắc lại cuộc đời của ông trên vài trang giấy, sau đó mới bàn đến những ngày cuối đời của ông trên dương thế. Cũng xin bạn đọc lưu ý: Trong tập này chúng tôi xin viết đúng tên Alexandre de Rhodes, hoặc viết ngắn gọn hơn là Rhodes, nhưng không dùng tên Đắc Lộ là tên người ta mới “đặt” cho ông từ 29-5-1941.

1. Thanh thiếu niên một nơi, thành nhân một chốn

Gốc gác Do Thái hay Pháp, Tây Ban Nha? Trước đây, người ta cho rằng Rhodes thuộc dòng dõi Do Thái, từ lâu đời có mặt tại Tây Ban Nha, xứ Aragon, miền Calatayud. Bốn năm gần đây, một linh mục Xuân Bích người Pháp, Michel Barnouin (tên Việt là Sơn) công bố một tài liệu về dòng họ Alexandre de Rhodes, nhận định rằng, không có dấu chỉ Rhodes thuộc dòng dõi Do Thái như người ta tưởng (de Rhodes ne laisse percevoir aucun véritable indice de judaité)[1]. Hãy cứ tạm nhận cho Rhodes có nguồn gốc Do Thái, vì vậy Cụ Tổ của ông ở Tây Ban Nha bị trục xuất cùng với 300.000 người Do Thái trong đợt 31-3-1492 vì chính quyền nước này kỳ thị người Do Thái [2]. Bỏ Calatayud đi đâu? Cụ tổ của Alexandre, Jean Chimenes de Rhodes (ghi trong bản di chúc năm 1497 bằng tên này), tức Jean de Rhodes, phải khăn gói chạy về Avignon, nơi gặp gỡ, hội tụ cho nhiều dân tộc, ngôn ngữ; đó là thành phố đã được Tòa thánh Roma mua lại trước đó 144 năm. Từ đấy Avignon là đất của Tòa thánh; chỉ đến năm 1791, Avignon mới trở thành đất của Pháp hoàn toàn.

Sinh 15-3-1593, thuộc giáo xứ thánh Madalena tại Avignon (từ năm 1960, Torralba chứng minh năm sinh 1591 của A.De.Rhodes là sai), A.de Rhodes cũng như những người trong gia đình sống tại Avignon, là công dân dưới quyền Đức thánh cha, mang quốc tịch Tòa thánh, mặc dù ông nói tiếng Provencale và tiếng Pháp. Thân sinh của Alexandre là Bernardin II de Rhodes, một quan chức giàu có, mang tước vị Ecuyer d’Avigon, kết hôn với Francoise de Raphaelis ngày 10-9-1590, anh của ông là Jean (1591-1621), tiến sĩ luật học; em trai là Georges (1597-1661) tu trong Dòng Tên, nhiều năm làm giáo sư thần học; ngoài ra còn 5 em ruột nữa: Gabrielle, Laure, Suzanne, Francois, và em út là Hélène sinh năm 1607 [3].

Bảy tuổi, Alexandre cắp sách đến trường Trung Tiểu học Avignon dưới quyền điều khiển của các linh mục Dòng Tên (Collège d’Avignon), theo học trường này từ năm 1600-1612. Theo chương trình học (Ratio Studiorum) của Dòng Tên được chính thức thi hành từ 8-1-1599, gồm 3 cấp:

Tiểu học: tức cấp 1 (Petit Collège) tính từ dưới đi lên gồm các lớp 5, 4, 3, 2, 1, tuổi từ 7-13: Các lớp tiểu học 5, 4, 3 học ngữ pháp La văn, Hi Lạp, tập nói và viết cho đúng; về La văn theo Cicero, còn Hi Lạp theo tác giả Ovide, Catulle, Tibulle, Properce, Virgile. Lớp 2 (Humanités), tuổi 10 và 11, nhằm trau dồi văn chương, thi văn La ngữ, Hi Lạp; về La văn theo các tác giả César, Tite-Live, Quinte-Curce, Horace, còn về Hi Lạp theo Esope, thánh Chrysotome, các thư của Platon, Synésios, và Iliade của Aristophane. Lớp 1 (Rhétorique), tuổi 12 và 13, nhằm trau chuốt văn chương Hi-La trong khi nói cũng như viết, đồng thời học Sử Địa, Luân lý tổng quát; về La văn theo Cicero (Partitiones, Do oratore v.v…); về Hi Lạp theo Quintilien, Tite-Live, Hésiode, Homère, Pindare-Démosthène. Bậc Tiểu học có khi thêm lớp 6, cũng vào lứa 7 tuổi.

Trung học: tức là cấp 2 (Moyen Collège, Cycle des Arts), tuổi từ 14-16; bắt đầu học Triết trong hai môn Siêu hình học và Luận lý học theo Aristote và Platon; về khoa học gồm Vật lý, Vạn vật học, Thiên văn, Toán học theo các tác phẩm của Aristote, Euclide, Sacro Bosco, Oronce Finé, các lý thuyết về các hành tinh của Peurbach, lượng giác học của Regiomontanus (cũng gọi là Johann Muller). Trong bậc này, các tu sĩ Dòng Tên (nếu khấn lần đầu độ tuổi này) học 3 năm, học sinh giáo dân 2 năm.

Việc lên lớp Tiểu và Trung học không theo năm học, nhưng theo khả năng.

Cao đẳng, hay cấp 3 (Grand Collège), đây là cấp Đại học, phải học đủ 4 năm chuyên về Thần học. Thường là do một Ban giám đốc riêng biệt điều khiển, trường cũng được đặt xa hai trường Trung Tiểu học; còn Trung Tiểu học thường có một Ban giám đốc chung[4].

Vậy, Rhodes học ở Collège d’Avignon được hiểu là Trung Tiểu học, từ năm 1600-1612, tức 12 năm, lúc đó Rhodes được 19 tuổi. Nhờ học với các cha Dòng Tên, nên ơn gọi tu Dòng Tên của Rhodes được định hình dễ dàng hơn. Nhưng Rhodes lại không xin gia nhập Dòng Tên tại Lyon, nơi có Nhà Tập, ngay phía Bắc Avignon; trái lại cậu thanh niên lại cất công đến Roma để xin vào Nhà Tập tại đây. Ngôi Nhà Tập mang thánh hiệu Anrê này, đã cung cấp cho Dòng Tên bao nhiêu nhân vật lỗi lạc về nhiều mặt.

Tại sao phải sang tận Roma? – Chẳng phải vì ham cái Roma cổ kính, nhưng chỉ vì khi gia nhập Tỉnh Dòng Tên Roma, sẽ dễ dàng được vua Bồ Đào Nha chấp thuận cho ông đi truyền giáo ở xứ Mặt trời hơn, là xứ cũng thuộc quyền vua Bồ Đào Nha theo chế độ bảo trợ (padoado Portugues).

Chính thức vào Nhà Tập ngày 14-4-1612, tuổi 19; hai năm sau, theo Hiến pháp Dòng Tên, Rhodes được khấn lần đầu ngày 15-4-1614. Tuy mới chỉ là “con nít” xét về thời gian tu trì, ấy vậy mà đã “cả gan” trong chính ngày khấn lần đầu, viết đờn chỉ gồm 20 dòng chữ bằng Ý văn, xin cha Bề trên Cả Claudius Aquaviva cho đi truyền giáo nơi xa xôi. Chưa được như ý xin; thế là thầy Rhodes của chúng ta bắt đầu năm thứ nhất Thần học tại Collège Romain, chứ chẳng phải ở Áo Môn hay ở Goa (nếu được chấp thuận cho đi truyền giáo ở Đông Á hay Nam Á). Thử “thời vận” một lần nữa xem thế nào: ngày 15-5-1617, cuối năm Thần học thứ ba, Rhodes viết một đơn khác bằng La văn chứ không bằng Ý văn như đơn viết năm 1614, nhưng vắn hơn hai dòng chữ, đệ lên cha Bề trên Cả Mutio Vitelleschi. Lần này, Rhodes ghi rõ: nhất là từ hai năm nay, con cảm thấy được lôi cuốn bởi lòng ao ước lớn lao vì phần rỗi người Nhật, Trung Hoa hay bất cứ người lương dân nào. Vẫn bặt vô âm tín! Cha Bề trên Cả chẳng nói chẳng rằng. Đánh bạo một phen nữa: vào mùa thu 1617, tức là khoảng tháng 10, đầu năm Thần học thứ bốn của Rhodes, thầy phóng tay viết một hơi 67 dòng chữ bằng La văn trên hai trang giấy khổ lớn như khổ giấy A4 ngày nay. Lời lẽ rất tha thiết, ý tưởng vững chắc, thật mạnh mẽ hùng hồn! Mấy dòng cuối lá đơn, thầy càng như muốn “lên giọng” thuyết phục cha Bề trên Cả hơn, khi đem ra những lý do có tính cách tôn giáo, học vấn, sức khoẻ và xã hội chính trị: con chẳng nghĩ tưởng rằng sinh quán của con có thể gây trở ngại hơn cho việc con đến vùng Ấn Độ, vì con là người Avignon, nên con là công dân của Đức thánh cha, con cũng có sức khoẻ, và con đang bắt đầu vào tuổi 25, con đang theo Thần học năm thứ bốn [5]. Chờ đợi. Cứ đợi chờ và cầu nguyện !

Rhodes vừa thụ phong linh mục xong, thì, đùng một cái, chính trong ngày lễ Phục sinh năm 1618, cha Bề trên Cả Vitelleschi gọi vị tân linh mục nhà ta sang Trụ sở của ngài, nói cho biết ngài chấp thuận cho đi Nhật Bản truyền bá Tin Mừng như ý nguyện. Vui quá là vui! Từ đây, Rhodes dành ra 6 tháng liền chăm chú học Toán học và Thiên văn như khi miệt mài theo khoa Thần học, hầu để thu phục nhân tâm làm cho người ta nhận biết Thiên Chúa.

2. Đông – Tây xa cách mọi mặt

Các nhà truyền giáo thời ấy muốn đi từ Châu Âu qua Đông Á, trừ Philippin, thường phải theo ngả Lisbõa, để từ đó tàu vua Bồ sẽ chở đi. Cuối tháng 1-1619 Rhodes tới thủ đô Lisbõa, sau khi rời bỏ Roma từ cuối năm 1618, ghé qua Avignon thăm gia đình. Ngày 4-4-1619 nhà truyền giáo lên tàu từ thủ đô Bồ Đào Nha, tới hải cảng Goa 9-10-1619. Vì xứ Anh đào đang cấm đạo nghiêm ngặt, bề trên Dòng Tên ở Goa tạm giữ ông lại hơn 2 năm trời, mãi đến 22-4-1622 Rhodes mới lên tàu từ Goa, tới Malacca 28-7-1622, nhưng rồi phải đến ngày 29-5-1623 Rhodes mới có mặt tại Áo Môn, chờ đi Nhật Bản. Tại đây, cũng như ở Goa từ 1619-1622, dù Rhodes chưa chính thức hoạt động truyền giáo, nhưng đã tỏ ra là nhà thừa sai năng động, nhiệt tình, dám nói dám làm, đặc biệt trong phương diện hội nhập văn hóa [6].

3. Còn hơn cả những gì mong đợi

Cuộc cấm đạo ở Nhật do Tướng quân Phong Thần Tú Cát khởi đầu từ 1587, rồi đến Tướng quân Đức Xuyên Tú Trung năm 1614, làm cho Giáo hội non trẻ ở đây tàn lụi dần. Giữa lúc ấy thì ở Đàng Trong xem ra việc truyền bá Tin Mừng khá thành công; do đó Bề trên Dòng Tên ở Áo Môn gửi Rhodes đến xứ chúa Nguyễn Phước Nguyên thời ấy. Thế là cuối năm 1624 (hoặc đầu năm 1625) Rhodes có mặt tại Thành Chiêm (Thanh Chiêm, Kẻ Chăm) cách Hội An về phía Tây chừng 4km, để học tiếng Việt với linh mục Francisco de Pina, một tu sĩ Dòng Tên đầu tiên thời điểm ấy thông thạo tiếng Việt nhất. Xem ra từ cuối năm 1624 đến tháng 6-1626, Rhodes được Bề trên cho ở Đàng Trong với mục đích chính là học tiếng Việt và làm quen dần với con người và xã hội Việt, để rồi tung ông ra Đàng Ngoài. Vì vậy, theo các tài liệu của Rhodes, thì hơn một năm ở xứ Trầm hương Yến sào, Rhodes chỉ có một lần theo Francisco de Pina ra Huế, khi Pina làm bí tích rửa tội cho bà Minh Đức Vương thái phi vào năm 1625. Cũng chẳng thấy Rhodes nói đến các công việc khác.

Để chuẩn bị cho sứ vụ ở Đàng Ngoài, Rhodes phải về Áo Môn đã, không thể trực tiếp từ xứ chúa Nguyễn vào xứ của chúa Trịnh được, vì hai nhà cầm quyền đang thù nghịch nhau dữ dội.

Tháng 6-1626, Rhodes cùng với linh mục Pedro Marques bỏ Đàng Trong về Áo Môn chờ gió mùa sang năm sẽ vào đất chúa Trịnh. Vâng, ngày 12-3-1627, Rhodes và Marques lên tàu từ Áo Môn, chỉ một tuần sau, ngày 19-3-1627, tàu tới bờ biển cửa Bạng tại Thanh Hóa. Lắm sáng kiến, lại nói tiếng Việt ngon lành, Rhodes đã chinh phục lòng người ở vùng cửa Bạng khá dễ dàng. Chẳng thế mà chỉ trong 2 tuần ở đây, ông đã làm cho 32 người tin vào Đức Kitô. Tại An Vực và Vân No, tức tỉnh lỵ Thanh Hóa ngày nay, dù chỉ ở tạm chừng 2 tháng, cũng có đến 200 người được rửa tội. Ngày 2-7-1627, hai nhà thừa sai được tận mắt nhìn thấy Thăng Long, kinh thành ngàn năm văn vật. Lúc đầu các ông được chúa Trịnh Tráng rất quý mến, ra lệnh dựng nhà cho hai ông ở (có lẽ sát với đền Bà Kiệu cạnh hồ Hoàn Kiếm). Nhờ đó, uy tín hai ông càng lớn. Chẳng những giới bình dân mà cả giới trí thức, quan lại và một số vị Sư ở Cầu Giấy cũng đến với Rhodes, người được gọi là Tiến sĩ Tây phương. Nhưng chỉ mấy tháng sau, người ta tung tin hai ông Tiến sĩ Tây phương là gián điệp của chúa Nguyễn tung ra Đàng Ngoài, là kẻ làm bùa phép (khi làm các Bí tích), là kẻ phá hoại đất nước, thuần phong mỹ tục của xã hội, vì rao truyền đạo giáo mới lạ, kỳ cục, lại chỉ cho phép người ta được lấy có mỗi một vợ!

Thế là những chuỗi ngày “xui xẻo” ập đến: 28-5-1628 hai cha bị quản thúc tại chính ngôi nhà do chúa Trịnh cung cấp; 10 tháng sau, 3-1629, hai vị bị chúa Trịnh ra lệnh đưa xuống Bố Chính. Nhưng hai cha cứ từ từ lần mò lên tới Vinh, rồi cơ hội đến, hai cha theo tàu Bồ Đào Nha lại lên Thăng Long. Rốt cuộc, tháng 5-1630, hai cha bị chúa Trịnh trục xuất hoàn toàn khỏi xứ.

Tuy ở Đàng Ngoài hơn 3 năm, nhưng tính ra chỉ hơn một năm đầu là được tự do. Vậy mà tổng cộng số người được rửa tội lên đến 5.602, chưa kể Rhodes đã lập được tu hội Thầy giảng, mà ba vị đầu tiên tuyên khấn đều là ba nhà Sư: Phanxicô Đức, Anrê Tri, Inhaxiô Nhuận.

Về Áo Môn, Rhodes “bị chỉ định” làm Giáo sư Thần học tại Học viện Madre de Deus, điều mà ông không cảm thấy thích thú, chỉ làm vì đức vâng phục. Trong 10 năm trời, 1630-1640, Rhodes ở Áo Môn làm “cái nghề” tay trái ấy, nhưng vẫn hoàn toàn đặt mình trong sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Đúng là ông giống như chiếc gậy trong tay ông già.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *