Các tu sĩ dòng Tên dạy tiếng Hoa cho anh em trong dòng để hỗ trợ công tác truyền giáo
Thầy Santosh Benedict, chủng sinh dòng Tên đến từ Ấn Độ, nhận thấy ngữ điệu là phần khó nhất trong việc học tiếng Hoa. Thầy kể thầy đã bỏ ra sáu tháng để phân biệt bốn dấu thanh trong tiếng Hoa trước khi có thể nghe nói dễ dàng.
Thầy là một trong nhiều tu sĩ đầu tiên của dòng Tên đến từ khắp thế giới được mời học ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc nhằm hỗ trợ sứ mạng của họ tại Trung Quốc và các nước có đông dân Trung Quốc.
Thầy Benedict, 30 tuổi, vào dòng cách đây chín năm, cho biết thầy quyết định đến Đài Bắc sau khi đọc thông báo tuyển dụng của nhà tổng quyền và nói chuyện với bề trên tỉnh dòng của mình.
Ngoài ngữ điệu ra, thầy còn lẫn lộn cách dùng uyển ngữ của người Trung Quốc. Thầy kể có lần thầy mời một người bạn đi ăn tối nhưng người này nói “để hôm khác”. Khi ấy thầy hiểu là người bạn muốn chọn ngày khác nhưng sau đó thầy mới biết đó là cách “từ chối” lời mời lịch sự.
Nhờ phần mềm máy tính, thầy Benedict có thể đánh máy tiếng Hoa bằng cách sử dụng chữ cái Latinh, giúp thầy không phải học viết các nét chữ tiếng Hoa phức tạp. Hiện nay thầy gần như có thể nói lưu loát tiếng Hoa và thường tham gia các hoạt động của sinh viên tại Đài Bắc.
Thầy cho biết khi học xong khóa học ngôn ngữ, thầy sẽ phục vụ tại Đài Loan hoặc sang miền nam Ấn Độ nơi có nhiều người Hoa làm việc trong các hãng công nghệ cao.
Linh mục Louis Gendron, cựu bề trên giám tỉnh dòng Trung Quốc, nói tỉnh dòng Tên Trung Quốc cũng muốn mở trung tâm dạy học tại Bắc Kinh để đào tạo các tu sĩ.
Linh mục người Canada, làm bề trên giám tỉnh từ năm 2005-2012, đã yêu cầu các bề trên tuyển chọn tu sĩ tham gia một chương trình đặc biệt trong đó “năm đầu học tại Đài Bắc và năm hai học tại Bắc Kinh”. Chương trình do sinh viên của một trường đại học của dòng Tên ở Mỹ tổ chức.
Sau năm 1950, nhiều Giêsu hữu từ Trung Quốc đại lục đã sang hoạt động tại Đài Loan
Đối với các tu sĩ, “chương trình này sẽ mở rộng tầm nhìn của họ và làm cho các tu sĩ dòng Tên trở thành thành viên thật sự của một cộng đoàn quốc tế” – cha Gendron nói trong cuộc phỏng vấn mới đây.
Ngài lưu ý Trung Quốc đã cởi mở hơn và hấp dẫn hơn vì thế các tu sĩ rất quan tâm đến lĩnh vực học vấn này. Sẽ có nhiều cơ hội làm việc ở đại lục vì các cơ sở giáo dục đại học cần họ, ngài nói thêm.
“Chúng tôi có trách nhiệm lớn lao tại Trung Quốc vì nhà dòng xem Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch hành động của mình – cha Gendron tiết lộ – Nhà dòng chúng tôi là cộng đoàn đầu tiên đến Trung Quốc và chúng tôi đang tiếp tục sứ mạng của mình ở đây”.
Ngày nay tỉnh dòng Trung Quốc đối diện một số vấn đề như tu sĩ lớn tuổi và thiếu ơn gọi ở địa phương.
Cha Gendron nói tỉnh dòng có hơn 300 thành viên vào những năm 1950 và nhiều người đi khỏi đại lục sang Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao. Hiện nay đa số đã qua đời, còn lại khoảng 90 tu sĩ và phần lớn đã cao tuổi.
Mục vụ đại học trở nên khó khăn nếu không có ơn gọi ở Đài Loan. Chẳng hạn, trường Đại học Công giáo Fu Jen cố gắng tìm tu sĩ dòng Tên đảm nhận công tác giảng dạy. Không còn tu sĩ nào làm việc tại trường Trung học Thánh Inhaxiô, trường tư nổi tiếng tại thành phố Tân Đài Bắc do nhà dòng thành lập tại Thượng Hải vào năm 1850 và chuyển đến Đài Loan năm 1963.
Tuy nhiên, các tu sĩ dòng Tên không có ý định rút khỏi Đài Loan nhưng muốn phát triển, ngài nhấn mạnh. Họ đang đào tạo giáo dân giúp các tu sĩ trong các công tác mục vụ không cần linh mục làm.
XIN MỜI XEM VIDEO DÒNG TÊN TẠI ĐÀI LOAN
[youtube width=”600″ height=”400″]http://youtu.be/_NTt4JH-yZQ[/youtube]
Nguồn: UCAN