[Tuần Cửu Nhật Chúa Thánh Thần]: Ngày thứ bảy

  1. Đặt mình trước tôn nhan Thiên Chúa, lòng hướng về Chúa Thánh Thần và bắt đầu với dấu Thánh Giá.

Khi làm dấu Thánh Giá chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi và hơn nữa qua dấu Thánh Giá, chúng ta xin ơn cho phép chúng ta được bước vào ngôi nhà của Thiên Chúa Ba Ngôi.

  1. Thinh lặng và đọc lời cầu xin Chúa Thánh Thần của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II:
“Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin cho con ơn Khôn Ngoan,

để được hiểu biết hơn,

về Chúa Thánh Thần và

về các chuyện toàn hảo của Ngài.

Xin cho con ơn Hiểu Biết,

để được hiểu biết hơn,

về sự mầu nhiệm của đức tin thánh thiện.

Xin cho con ơn Thông Minh,

để con biết lo liệu đời con,

theo các luật lệ của đức tin.

Xin cho con ơn Khuyên Bảo,

để trong mọi sự con tìm lời khuyên nơi Chúa

và để lời khuyên này luôn ở gần Chúa.

Xin cho con ơn Sức mạnh,

để không một nỗi sợ nào,

không một suy nghĩ trần thế nào

có thể bứt con ra khỏi Chúa.

Xin cho con ơn Đạo Đức,

để con có thể phục vụ Chúa

với tình yêu phụ tử.

Xin cho con ơn Kính Sợ Chúa,

để không một nỗi sợ nào,

không một suy nghĩ trần thế nào

có thể bứt con ra khỏi Chúa”.

 

  1. Đọc bài Tin Mừng của thánh sử Luca cùng bức tranh của El Greco.

49 “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!”

(Lc 12,49-50)

Cuộc bắt bớEl Greco (ca 1579), hiện được trưng bày trong phòng thánh nhà thờ Chánh Toà Toledo.

 

  1. Suy niệm.

Chúa Giê-su nhắc đến Lửa hai lần trong một câu: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”. Chúa muốn nói gì qua câu này? Các Giáo Phụ hướng về việc Chúa Giê-su đến và mang Thánh Thần Chúa đến, cũng như Chúa mong sao mọi người được đón nhận Thánh Thần Chúa như là ngọn lửa sống động. Điều này liên hệ đến biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống (Cv 2,3). Thánh Ambrose viết như sau: “Ánh lửa soi tỏ những điều bí nhiệm cho trái tim của các môn đệ trên đường Emmaus là chính Lời của Thiên Chúa”. Chúng ta mở lòng mình ra như thế nào, để lửa của Chúa Thánh Thần có thể soi sáng và hướng dẫn chúng ta hiểu được Lời Chúa và nhận ra được tiếng nói và thánh ý của Thiên Chúa?

Ngoài ra, Đức Giêsu còn gán cho toàn thể hoạt động của Người đặc tính của “lửa”. Người đến, đầy Thánh Thần, đầy sức sống thâm sâu nhất của Thiên Chúa. Người loan bao Tin Mừng cho người nghèo. Người cho những kẻ bần cùng và tội lỗi biết lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi làm những việc ấy, Người nhen lên ngọn lửa, muốn đốt cháy, và như lửa, Người bao trùm, xuyên suốt mọi sự. Người sẽ đến gặp người ta, nắm bắt người ta một cách thâm sâu. Nhìn vào bức tranh của El Greco diễn tả cảnh Chúa Giê-su bị bắt và quân lính chuẩn bị đóng đinh Người. Dù ở trong cảnh thê lương đó, hoạ sĩ đã tô lên được dung mạo thật tuyệt vời của Chúa Giê-su, với chiếc áo đỏ nổi bật hẳn, như là lửa tình yêu sẵn sàng hiến mình cho nhân loại. Tay phải Người đặt trên ngực như lời ưng thuận của hy sinh và hiến dâng. Tay trái Người chìa xuống với kẻ đang chuẩn bị đóng đinh Người, như để ban lửa tha thứ và lòng thương xót. Đôi mắt Người hướng về trời cao để cầu xin Cha trên trời ban lửa tha thứ cho những kẻ bách hại Người. Ôi lửa thật tuyệt vời của Đấng Cứu Độ chịu đóng đinh!

Nếu chúng ta chiêm ngắm cuộc sống và thế giới hôm nay, sẽ nhận ra nhân loại cần “lửa tình yêu và lửa của lòng thương xót” hơn bao giờ hết. Vậy chúng ta có thể cộng tác với Chúa Thánh Thần như thế nào, để có thể nhen nhúm lửa tình yêu, lửa của lòng thương xót đến với các anh chị em chúng ta gặp?

Giáo phụ Origen đã thông chuyển cho chúng ta lời ấy của Đức Giê-su: “Bất cứ ai gần Tôi, là gần ngọn lửa”. Người Ki-tô hữu không được phép là kẻ thơ ơ lãnh đạm với Chúa Giê-su. Chúng ta cần trở nên “cành nho trung tín” luôn khôn ngoan bám chặt vào Cây Nho là Chúa Giê-su. Thật vậy, càng gần Chúa Giê-su, chúng ta sẽ càng gần lửa tình yêu, lửa của ơn cậy trông và lửa của niềm tin sắt son. Hơn nữa, càng gần Chúa Giê-su, chúng ta càng gần nguồn lửa làm cho chúng ta trở thành Ánh Sáng cho trần gian, để soi tỏ, để đốt cháy và sưởi ấm, cũng như đôi khi để thiêu rụi những gì cần hủy đi. Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần cho chúng ta luôn được gần Chúa Giê-su.

  1. Thinh lặng cầu nguyện trong khoảng 05 phút và chú ý rút ra một điểm nào trong bài Tin Mừng và trong phần suy niệm, để đưa vào ngày sống.

 

  1. Thinh lặng và đọc lời cầu xin Chúa Thánh Thần của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II:

 

“Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin cho con ơn Khôn Ngoan,

để được hiểu biết hơn,

về Chúa Thánh Thần và

về các chuyện toàn hảo của Ngài.

Xin cho con ơn Hiểu Biết,

để được hiểu biết hơn,

về sự mầu nhiệm của đức tin thánh thiện.

Xin cho con ơn Thông Minh,

để con biết lo liệu đời con,

theo các luật lệ của đức tin.

Xin cho con ơn Khuyên Bảo,

để trong mọi sự con tìm lời khuyên nơi Chúa

và để lời khuyên này luôn ở gần Chúa.

Xin cho con ơn Sức mạnh,

để không một nỗi sợ nào,

không một suy nghĩ trần thế nào

có thể bứt con ra khỏi Chúa.

Xin cho con ơn Đạo Đức,

để con có thể phục vụ Chúa

với tình yêu phụ tử.

Xin cho con ơn Kính Sợ Chúa,

để không một nỗi sợ nào,

không một suy nghĩ trần thế nào

có thể bứt con ra khỏi Chúa”.

 

  1. Kết thúc với lời kinh sáng danh.

Chú ý đọc thật chậm rãi với tâm tình: Tôi tuyên xưng Chúa Ba Ngôi và tôi xin Chúa cho tôi được phép sống trong mái nhà của các Đấng:

“Sáng Danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen”.

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 03-01-2025

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 3/1/2025 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Lễ kính Thánh Danh …

Mến Yêu Hằng Ngày, 03-01-2025

Con Thiên Chúa làm người mang tên là Giêsu, Tên Cực Thánh, trọng đại được …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *