Tuyên ngôn chung của Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill

Pope Francis (L) and the head of the Russian Orthodox Church, Patriarch Kirill exchange documents during a historic meeting in Havana on February 12, 2016. Pope Francis and Russian Orthodox Patriarch Kirill kissed each other and sat down together Friday at Havana airport for the first meeting between their two branches of the church in nearly a thousand years. AFP PHOTO / POOL - Gregorio Borgia / AFP / POOL / GREGORIO BORGIA

“Nguyện xin ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Thiên Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2 Cr 13:13).

1. Bởi ý muốn của Thiên Chúa Cha, Đấng là nguồn mạch của mọi phúc lành, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, trong sự trợ giúp của Đấng An Ủi là Chúa Thánh Thần, chúng tôi là Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill (Thượng Phụ của Moscow và toàn nước Nga) đã gặp nhau hôm nay tại Havana. Chúng tôi xin dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, Đấng được tôn vinh trong Ba Ngôi, vì cuộc gặp gỡ này diễn ra lần đầu tiên trong lịch sử.

Thật vui mừng khi chúng tôi gặp gỡ nhau như là những huynh đệ trong đức tin Kitô, để gặp gỡ nhau “diện đối diện” (2 Ga 12), lòng với lòng, để thảo luận trong tương quan hỗ tương giữa hai Giáo hội, giữa các vấn đề quan trọng của các tín hữu, và viễn tượng phát triển nền văn minh nhân loại.

2. Cuộc gặp gỡ huynh đệ của chúng tôi diễn ra tại Cuba, tại giao lộ của Bắc và Nam, Đông và Tây. Từ quốc đảo này, biểu tượng cho những hy vọng của “Thế giới Mới” và cho những sự kiện kịch tính của lịch sử thế kỷ hai mươi, chúng tôi muốn gửi lời tới tất cả các dân tộc châu Mỹ Latin và các dân tộc thuộc các lục địa khác.

Nguồn vui chính là đức tin Kitô đã và đang phát triển nơi đây trong cách thế năng động. Tiềm năng tôn giáo mạnh mẽ của châu Mỹ Latin, với truyền thống Kitô giáo nhiều thế kỷ, được đặt nền trên kinh nghiệm cá nhân của hàng triệu người, là sự đảm bảo cho một tương lai tuyệt vời của khu vực này.

3. Nhờ việc gặp gỡ và tránh xa những tranh luận lâu đời của “Thế giới Cũ”, chúng tôi kinh nghiệm một cảm thức đặc biệt về nhu cầu cấp thiết cho việc lao tác được sẻ chia giữa người Công Giáo và người Chính Thống, là những người được mời gọi, với sự lịch thiệp và tôn trọng, đưa ra lời giải thích cho thế giới về niềm hy vọng của chúng ta (1 Pr 3:15).

4. Chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa vì những quà tặng mà Người Con Duy Nhất của Ngài đã mang đến thế gian. Chúng tôi chia sẻ cùng Truyền thống tâm linh của một ngàn năm đầu của Kitô giáo. Những chứng từ của Truyền thống này là Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, Đức Trinh Nữ Maria, và các thánh mà chúng tôi tôn kính. Giữa các vị ấy, là vô số các vị tử đạo, đó là những người đã làm chứng cho đức tin vào Chúa Kitô và đã trở nên “hạt giống của Kitô giáo”.

5. Mặc cho Truyền thống này được sẻ chia suốt mười thế kỷ, thì một ngàn năm trở lại đây, Công Giáo và Chính Thống đã xa cách khỏi sự hiệp thông trong Thánh Thể. Chúng tôi đã bị phân cách bởi những vết thương, bị gây ra bởi những xung đột xưa cũ và gần đây, bởi những khác biệt được kế thừa từ tổ tiên của chúng tôi, trong sự hiểu biết và diễn tả đức tin của chúng tôi vào Thiên Chúa, đó là một Chúa mà Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Chúng tôi đau khổ khi đánh mất sự hiệp nhất, vốn là kết quả của những yếu đuối và tội lỗi của con người. Sự chia rẽ này đã diễn ra mặc cho lời cầu nguyện tư tế của Đức Kitô Cứu Thế: “Lạy Cha, để cho họ có thể là một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha… để họ có thể là một, như Chúng Ta là một” (Ga 17:21).

6. Khi lưu tâm đến sự dai dẳng của những trở ngại, thì hy vọng của chúng tôi là, cuộc gặp gỡ này có thể góp phần tái lập sự hiệp nhất theo ý muốn của Thiên Chúa, như Đức Kitô đã cầu nguyện. Ước mong cuộc gặp gỡ này truyền cảm hứng cho các Kitô hữu trên khắp thế giới, với lòng nhiệt thành tươi mới, để cầu cùng Chúa cho sự hiệp nhất vẹn toàn của tất cả các môn đệ của Người. Trong một thế giới, thế giới khao khát không chỉ là những lời nói của chúng ta, mà còn là những cử chỉ cụ thể, cầu chúc cuộc gặp gỡ này là dấu chỉ của niềm hy vọng cho tất cả những ai thiện chí!

7. Khi quyết tâm thực thi tất cả những gì cần thiết để vượt qua những khác biệt có tính lịch sử mà chúng tôi đã kế thừa, chúng tôi mong muốn kết hợp những nỗ lực của chúng tôi để đưa ra những chứng nhân cho Tin Mừng của Đức Kitô và cho di sản chung của Giáo Hội trong thiên niên kỷ thứ nhất, cùng nhau đáp lại những thách đố của thế giới đương đại. Chính Thống và Công Giáo phải học cách đồng lòng đưa ra chứng nhân trong những lĩnh vực có thể và cần thiết. Văn minh nhân loại đã đi vào giai đoạn thay đổi quan trọng. Lương tâm Kitô giáo của chúng tôi và trách nhiệm mục tử của chúng tôi, buộc chúng tôi không chỉ là thụ động khi đối diện với những thách đố đòi hỏi cần có phản ứng chung.

8. Ánh mắt của chúng tôi, trước tiên phải nhìn về những vùng miền trên thế giới, nơi mà các Kitô hữu là nạn nhân của sự bách hại. Trong nhiều quốc gia vùng Trung Đông và Bắc Phi, toàn thể các gia đình, làng mạc và thành phố của các anh chị em của chúng ta đang hoàn toàn bị hủy diệt. Các nhà thờ của họ đang bị cướp bóc và tàn phá cách dã man, các đồ thánh bị xúc phạm, các tượng đài bị tiêu hủy. Thật đau lòng khi nhớ tới tình hình tại Syria, Iraq và nhiều quốc gia Trung Đông, và cuộc di cư ồ ạt của các Kitô hữu từ vùng đất này, nơi mà đức tin của chúng ta lần đầu tiên được gieo rắc, nơi mà họ đã sống đức tin ấy từ thời các Tông Đồ, cùng với các cộng đồng tôn giáo khác.

9. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động khẩn thiết để ngăn chặn việc trục xuất các Kitô khỏi vùng Trung Đông. Khi lên tiếng bảo vệ các Kitô hữu bị bách hại, chúng tôi mong muốn diễn tả sự đồng cảm với những đau khổ được trải nghiệm bởi các tín hữu của các truyền thống tôn giáo khác, những người cũng đang trở thành nạn nhân của chiến tranh dân sự, của những khủng hoảng và bạo lực khủng bố.

10. Hàng ngàn nạn nhân được xác nhận trong các cuộc bạo lực ở Syria và Iraq, và nhiều triệu người khác bị đẩy vào cảnh không nhà cửa hoặc không phương tiện sinh sống. Chúng tôi nài xin cộng đồng quốc tế hãy tìm lời kết cho bạo lực và khủng bố, và đồng thời, góp phần thông qua đối thoại để mau chóng trở lại nền hòa bình dân sự. Sự viện trợ nhân đạo ở quy mô lớn phải bảo đảm cho những cộng đồng khổ đau và cho nhiều người tị nạn tìm được sự an toàn trong những vùng đất lân cận.

Chúng tôi kêu gọi tất cả những ai có ảnh hưởng trên số phận của những vị bị bắt cóc, (tức là hai Đức Tổng Giám Mục Chính Thống là Paul và John Ibrahim, hai vị bị bắt hồi tháng tư 2013) làm mọi nỗ lực để đảm bảo sự tự do cho hai vị.

11. Chúng tôi dâng lời cầu nguyện lên Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ trần gian, nài xin hòa bình trở lại vùng Trung Đông, “hoa trái của công bình” (Is 32:17), để các dân tộc, các Giáo hội và các tôn giáo cùng hiện diện trong tình huynh đệ, để sự diện diện này có thể được thúc đẩy mạnh mẽ, tạo điều kiện cho người tị nạn được trở về nhà, cho những vết thương được chữa lành, và cho những linh hồn vô tội bị giết được nghỉ yên trong an bình.

Với lời khẩn nài tha thiết, chúng tôi xin gửi tới tất cả mọi thành phần liên quan trong cuộc xung đột, hãy tập trung vào thiện chí và ngồi vào bàn đàm phán. Đồng thời, cộng đồng quốc tế phải thực thi mọi nỗ lực có thể, để chấm dứt khủng bố nhờ những hành động chung, nối kết và cộng tác. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia, với những hành động trách nhiệm và khôn ngoan, tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố. Chúng tôi mời gọi tất cả các Kitô hữu và tất cả những người tin vào Thiên Chúa, cầu nguyện chân thành với Đấng Tạo Hóa quan phòng thế giới này, để Ngài bảo vệ thụ tạo của Ngài khỏi hủy diệt và không cho phép có cuộc chiến tranh thế giới nữa. Để đảm bảo hòa bình bền vững, những nỗ lực đặc biệt phải được thực thi, để tái khám phá những giá trị chung nối kết chúng ta, dựa trên Tin Mừng của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô.

12. Chúng tôi cúi đầu trước các vị tử đạo, cái giá mạng sống của các vị đã là chứng từ cho sự thật của Tin Mừng, các vị chết vì Chúa Kitô. Chúng tôi tin rằng, các vị tử đạo của thời đại của chúng ta, những người thuộc các Giáo hội nhưng cùng chia sẻ sự đau khổ, là sự đảm bảo cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Cùng đau khổ vì Chúa Kitô, lời của thánh Tông Đồ là như thế: “Anh em thân mến … Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ” (1 Pr 4:12-13).

13. Đối thoại liên tôn là không thể thiếu trong thời đại đáng lo ngại của chúng ta. Những khác biệt trong sự hiểu biết các chân lý tôn giáo, không được gây cản trở cho những người thuộc các niềm tin khác nhau sống trong hòa bình và hài hòa. Trong bối cảnh hiện thời, các nhà lãnh đạo tôn giáo có trách nhiệm đặc biệt trong việc huấn luyện người tín hữu của họ, trong tinh thần tôn trọng niềm tin của những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Việc nỗ lực biện minh cho các hành vi tội ác bằng các khẩu hiệu tôn giáo, là điều không thể chấp nhận được. Không tội ác nào có thể làm nhân danh Thiên Chúa, “bởi vì Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa gây hỗn loạn, nhưng là Thiên Chúa ban bình an” (1 Cr 14:33).

14. Khi khẳng định giá trị trước nhất của tự do tôn giáo, chúng tôi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì những đổi mới chưa từng có như hiện tại về đức tin Kitô tại Nga, cũng như tại nhiều quốc gia Đông Âu, nơi mà trước đây bị thống trị bởi chủ nghĩa vô thần trong nhiều thập kỷ. Ngày nay, hệ thống chủ nghĩa vô thần đã bị phá vỡ, và tại nhiều nơi, người Kitô hữu có thể tự do tuyên xưng đức tin của mình.

Hàng ngàn nhà thờ mới được xây dựng trong một phần tư thế kỷ, hàng trăm tu viện và học viện thần học cũng được xây dựng. Các cộng đoàn Kitô thực hiện những công việc đáng kể trong các lĩnh vực bác ái và phát triển xã hội, đưa ra những hình thức đa dạng để trợ giúp người nghèo. Chính Thống và Công Giáo thường làm việc bên nhau. Khi làm chứng cho các giá trị Tin Mừng, họ cùng nhau chứng tỏ sự diện diện của những nền tảng tinh thần chung.

15. Đồng thời, chúng tôi lo ngại về tình hình tại nhiều quốc gia, trong đó các Kitô hữu đang ngày càng bị xiết chặt về tự do tôn giáo, bị xiết chặt về quyền làm chứng cho niềm tin và đời sống xứng hợp. Cách riêng, chúng tôi nhận thấy, một số quốc gia biến chuyển sang xã hội tục hóa, tách rời khỏi tất cả những gì liên hệ tới Thiên Chúa và chân lý của Ngài, và tạo thành mối đe dọa nghiêm trọng cho tự do tôn giáo. Điều đáng quan tâm là, hiện đang có sự cắt giảm các quyền của người Kitô hữu, nếu không muốn nói là họ bị phân biệt đối xử. Điều này xảy ra do các lực lượng chính trị, được dẫn dắt bởi ý thức hệ tư tưởng thế tục rất hung hăng, tìm cách gạt người Kitô hữu ra bên lề của đời sống công cộng.

16. Quá trình thống nhất châu Âu, vốn bắt đầu sau nhiều thế kỷ xung đột đẫm máu, được chào đón bởi nhiều người với niềm hy vọng. Điều này như là sự đảm bảo cho hòa bình và an ninh. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị một sự cảnh giác chống lại kiểu hội nhập mà không tôn trọng căn tính tôn giáo. Trong khi mở ra đối với sự đóng góp của các tôn giáo khác cho nền văn minh của chúng tôi, thì chúng tôi tin rằng châu Âu phải trung thành với cội rễ Kitô giáo của mình. Chúng tôi kêu gọi các Kitô hữu của phía Đông và phía Tây của châu Âu, hãy hợp nhất với nhau để cùng làm chứng cho Chúa Kitô và Tin Mừng, để châu Âu có thể gìn giữ được tâm hồn mình, vốn được thành hình bởi hai ngàn năm truyền thống Kitô giáo.

17. Ánh mắt của chúng tôi cũng hướng đến những ai đang phải đối diện với những khó khăn nghiêm trọng. Họ phải sống trong sự nghèo đói cùng cực, trong khi của cải vật chất của con người vẫn tiếp tục tăng lên. Chúng ta không thể làm ngơ trước số phận của hàng triệu người di cư và tị nạn đang gõ cửa các quốc gia giàu có. Chủ nghĩa tiêu thụ không ngừng tăng của một số nước phát triển hơn, đang tiếp tục làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của hành tinh chúng ta. Sự bất bình đẳng tăng lên trong việc phân phối của cải vật chất, càng làm tăng cảm nhận về sự bất công trong trật tự quốc tế, và điều này đã xuất hiện. 

18. Các giáo hội Kitô được mời gọi bảo vệ cho những đòi hỏi của công bằng, tôn trọng các truyền thống của các dân tộc, và tình bằng hữu chân thành đối với người đau khổ. Là Kitô hữu, chúng ta không thể quên rằng “Thiên Chúa đã chọn những gì thế gian cho là điên dại, để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và Thiên Chúa chọn những gì thế gian cho là yếu kém, để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1 Cr 1:27-29).

19. Gia đình là trung tâm tự nhiên của đời sống con người và xã hội loài người. Chúng tôi lo ngại về khủng hoảng trong gia đình tại nhiều quốc gia. Chính Thống và Công Giáo cùng chia sẻ quan niệm về gia đình, và được mời gọi để làm chứng rằng, gia đình là một con đường nên thánh, làm chứng cho lòng trung thủy của vợ chồng trong mối tương quan tương hỗ, để mở ra cho việc sinh sản và nuôi dạy con cái, để nối kết các thế hệ và tôn trọng những người yếu đuối nhất.

20. Gia đình xây nền trên hôn nhân, hôn nhân là một hành vi trao hiến tự do và một tình yêu trung thủy giữa một người nam và một người nữ. Tình yêu chứng thực cho sự hợp nhất của họ và dạy họ chấp nhận người khác như là quà tặng. Hôn nhân là trường học của tình yêu và lòng trung thủy. Chúng tôi tiếc rằng, nhiều hình thức khác của sự chung sống đã thay thế trên cùng cấp độ của sự hợp nhất này, trong khi đó, quan niệm trong truyền thống kinh thánh về người cha và người mẹ như là ơn gọi riêng biệt của người đàn ông và người đàn bà trong hôn nhân, đang bị trục xuất khỏi lương tâm mọi người.

21. Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người tôn trọng quyền bất khả xâm phạm của sự sống. Hàng triệu người bị chối từ quyền rất căn bản, đó là quyền được sinh ra. Máu của các thai nhi kêu thấu tới Thiên Chúa (St 4:10). Cũng xuất hiện cái gọi là an tử, dẫn đến tình trạng, những người già cả và khuyết tật bắt đầu cảm thấy rằng họ như là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chúng tôi cũng lo ngại về sự phát triển của kỹ thuật sinh sản y sinh học, đó là những thao tác tác động trên sự sống con người, điều này đại diện cho một sự tấn công vào những nền tảng của sự tồn tại của con người, những nền tảng của sự sống vốn được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa. Chúng tôi tin rằng, bổn phận của chúng ta là nhắc lại tính bất biến của các nguyên tắc luân lý Kitô giáo, dựa trên sự tôn trọng nhân phẩm của từng cá nhân được mời gọi hiện diện theo kế hoạch của Đấng Tạo Hóa.

22. Ngày nay, trong cách thế riêng, chúng tôi xin gửi tới các Kitô hữu trẻ. Các bạn, những người trẻ, nhiệm vụ của các bạn là đừng vùi lấp những tài năng trong lòng đất (Mt 25:25), nhưng hãy sử dụng những tài năng Chúa ban, để khẳng định chân lý của Chúa Kitô cho thế giới, Đấng đã nhập thể trong chính đời sống của các bạn, để các bạn thực thi các mệnh lệnh của tình yêu Thiên Chúa và của tình yêu đối với đồng loại. Đừng sợ đi ngược lại với xu thế hiện thời, hãy bảo vệ chân lý của Thiên Chúa, chân lý mà các nguyên tắc tục hóa đương đại đang rời xa.

23. Thiên Chúa yêu mến từng người trong các bạn và mong đợi các bạn làm môn đệ và tông đồ của Ngài. Hãy là ánh sáng cho trần gian, để những người xung quanh các bạn thấy việc tốt lành các bạn làm mà ca ngợi Cha trên trời (Mt 5:14,16). Hãy nuôi dạy con cái các bạn trong đức tin Kitô, thông truyền cho các con viên ngọc vô giá là đức tin (Mt 13:46) mà các bạn đã nhận từ cha mẹ và các bậc tiền bối. Hãy nhớ rằng “các bạn đã được chuộc lại bằng một giá rất đắt” (1 Cr 6:20), cái giá ấy là chính cái chết trên thập giá của Thiên Chúa làm Người, là chính Chúa Giêsu Kitô.

24. Chính Thống và Công Giáo được hiệp nhất không chỉ bởi Truyền thống được sẻ chia của Giáo Hội trong suốt một ngàn năm đầu, mà còn bởi sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho thế giới hôm nay. Sứ mạng này đòi hỏi các thành viên trong các cộng đoàn Kitô hữu phải tôn trọng lẫn nhau, và ngăn ngừa bất kỳ hình thức của chủ nghĩa cải đạo nào.

Chúng ta không phải là những đối thủ nhưng là anh em, và điều này phải hướng dẫn tất cả các hành động tương hỗ của chúng ta, cũng như cho những ai hướng đến thế giới bên ngoài. Chúng tôi kêu gọi những người Công Giáo và Chính Thống trong tất cả các cộng đoàn, hãy học cách chung sống trong hòa bình và tình yêu mến, và “đồng tâm nhất trí với nhau” (Rm 15:5).

Do đó, không thể chấp nhận những phương tiện bất trung được sử dụng để xúi giục các tín hữu chuyển từ Giáo hội này sang Giáo hội khác, không cho họ tự do tôn giáo và truyền thống của họ. Chúng ta được mời gọi thực hành lời dạy của thánh Phaolô: “Tôi mong muốn loan báo Tin Mừng ở những nơi người ta chưa được nghe nói đến danh Đức Kitô, để tôi không xây dựng trên nền móng người khác đã đặt” (Rm 15:20).

25. Chúng tôi hy vọng rằng, cuộc gặp gỡ này góp phần hòa giải bất cứ nơi nào mà sự căng thẳng còn tồn tại giữa người Công Giáo Hylạp với người Chính Thống. Rõ ràng là, phương pháp xưa cũ để “hiệp nhất” được hiểu như là kết hợp cộng đoàn này với cộng đoàn khác, bằng cách tách cộng đoàn ấy ra khỏi Giáo hội của cộng đoàn ấy, ngày nay phương pháp ấy không còn là cách thế để tái lập sự hiện nhất nữa. Tuy nhiên, các cộng đoàn giáo hội phát sinh trong những hoàn cảnh lịch sử, có quyền tồn tại và thực thi tất cả những gì cần thiết để thấy được nhu cầu tâm linh của các tín hữu, trong khi vẫn tìm cách sống hài hòa với người thân cận. Chính Thống và Công Giáo Hylạp cần được hòa giải và chấp nhận lẫn nhau khi cùng chung sống.

26. Chúng tôi lấy làm tiếc vì sự thù địch tại Ukraine đã gây ra cho nhiều nạn nhân, gây ra vô số điều thương tâm cho người dân, và ném xã hội vào cảnh khủng hoảng kinh tế và nhân đạo trầm trọng. Chúng tôi mời gọi tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột này, hãy khôn ngoan, hãy thống nhất xã hội, và hành động để thiết lập hòa bình. Chúng tôi mời gọi các Giáo Hội của chúng ta tại Ukraine, hãy hành động hướng tới sự hài hòa xã hội, để kiềm chế không tham gia vào các cuộc đối đầu, và để không hỗ trợ bất kỳ cuộc leo thang xung đột nào.

27. Chúng tôi hy vọng rằng, sự chia cách giữa các tín hữu Chính Thống tại Ukraine có thể được khắc phục nhờ các quy tắc hiện hành, và rằng tất cả các Kitô hữu Chính Thống của Ukraine có thể sống trong hòa bình và hòa hợp, và rằng các cộng đoàn Công Giáo trong quốc gia này có thể góp phần vào điều ấy, trong cách thế mà tình huynh đệ Kitô của chúng ta có thể trở nên bằng chứng ngày càng rõ nét.

28. Trong thế giới đương đại, chúng ta là Chính Thống và Công Giáo, tuy là hai nhưng lại hiệp nhất trong cùng một vận mệnh, đó là chúng ta được mời gọi để cùng nhau trong tình huynh đệ, loan báo Tin Mừng cứu độ, cùng nhau làm chứng cho phẩm giá luân lý và tự do đích thực của con người, “như vậy thế gian sẽ tin” (Ga 17:21). Thế giới này, một thế giới mà các cột trụ tinh thần của sự hiện hữu con người đang dần biến mất, thế giới ấy chờ đợi từ chúng ta những “chứng nhân Kitô hữu hấp dẫn và thuyết phục” trong tất cả các lĩnh vực cá nhân cũng như xã hội. Nhiều người trong tương lai của nhân loại sẽ phụ thuộc vào khả năng làm chứng của chúng ta, khả năng cùng làm chứng tá cho Thần chân lý trong những thời khắc khó khăn này. 

29. Nguyện xin chứng tá can đảm của chúng ta cho chân lý của Thiên Chúa và cho Tin Mừng cứu độ, có thể được gìn giữ nhờ Đấng là Thiên Chúa làm Người là Đức Giêsu Kitô, là Chúa và là Đấng Cứu Độ, Đấng làm cho chúng ta vững mạnh với lời hứa chắc chắn: “Đừng sợ nữa, hỡi đoàn chiên nhỏ bé, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (Lc 12:32)!

Chúa Kitô là mùa xuân tươi đẹp của niềm vui và hy vọng. Đức tin vào Người biến đổi cuộc sống con người, lấp đầy cuộc sống ấy với biết bao ý nghĩa. Đây là niềm tin sinh ra từ kinh nghiệm của tất cả những người mà thánh Phêrô nói trong những lời sau đây: “Xưa anh em ‘chưa phải là một dân’, nhưng nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa; xưa anh em ‘chưa được hưởng lòng thương xót’, nhưng nay anh em đã được xót thương” (1 Pr 2:10).

30. Với lòng biết ơn đầy tràn ân sủng, vì món quà hiểu biết lẫn nhau được thể hiện trong cuộc gặp gỡ hôm nay, với niềm hy vọng, chúng ta hãy hướng về Mẹ Rất Thánh của Thiên Chúa, nài xin Mẹ với những lời cầu nguyện cổ xưa: “Chúng con tìm nơi ẩn náu dưới sự bảo bọc của lòng thương xót Mẹ, Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con”. Nguyện xin Đức Trinh Nữ Diễm Phúc, nhờ lời cầu bầu của Mẹ, khơi gợi tình huynh đệ trong tất cả những ai tôn sùng Mẹ, để họ có thể tái lập sự hiệp nhất, trong thời của Thiên Chúa, trong hòa bình và hòa hợp của dân Chúa, vì vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh!

Phanxicô
Giám Mục Rôma
Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo

Kirill
Thượng Phụ của Moscow
và toàn nước Nga

Ngày 12 tháng 2 năm 2016, tại Havana (Cuba)

Chuyển ngữ: Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.

Bản tiếng Anh

 

 

Kiểm tra tương tự

Thánh lễ trao Tác vụ Đọc Sách, Giúp Lễ và nhắc lại Lời Khấn

Ngày 31.12.2023, ngay sau khi kết thúc kỳ tĩnh tâm Triduum, tại nhà nguyện Học …

Có những người bạn trong Chúa thắm tình như thế! 

  Cùng hòa chung niềm hân hoan với mọi tâm hồn chuẩn bị đón chào …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *