“Tuyên xưng một phép rửa để tha tội” – Tại sao không tuyên xưng các bí tích khác?

Hỏi: Tại sao trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng là “tôi tuyên xưng có một phép rửa để tha tội” mà không tuyên xưng các bí tích khác như bí tích Thánh Thể, bí tích Giải Tội…?

Trả lời:

Kinh Tin Kính mà chúng ta thường đọc trong thánh lễ Ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng được gọi là kinh Tin Kính Nicea-Constantinop I. Nicea và Costantinop I được xem là hai công đồng đại kết đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo, trong đó, các Nghị Phụ đến từ nhiều vùng miền khác nhau trên thế giới, cố gắng đưa ra một bản tuyên tín chung, giúp định tín những chân lý đức tin, chống lại những lạc thuyết đang hoành hành và làm lung lạc đời sống của các tín hữu lúc bấy giờ. Ngoài các tín lý về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, ở phần cuối của bản đúc kết, công đồng dành một phần nhỏ để nói về Giáo Hội và những vấn đề liên quan, trong đó có lời tuyên xưng “tôi tuyên xưng có một phép rửa để tha tội”.

Sở dĩ Kinh Tin Kính không nhắc gì đến bí tích Thánh Thể, bí tích Giải Tội … bởi vì đây không phải là một bản tuyên tín về các bí tích. Khi nhắc đến “phép rửa”, công đồng chủ yếu nói đến một sự tái sinh khi người ta được tha hết mọi tội lỗi. Một vài đoạn thư của thánh Phaolo tông đồ mà chúng ta thường đọc trong đêm vọng Phục Sinh có lẽ sẽ giúp chúng ta hiểu thêm điều này.

Ví dụ như đoạn Rm 6,3-11:

“Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Giêsu Kitô, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới… Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu.”

Hay như trong thư gửi tín hữu Epheso 4,4-6, thánh Phaolo cũng nói rằng: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.”

Như vậy, khi nói đến “phép rửa”, Giáo Hội có ý muốn nói đến việc con người tội lỗi của chúng ta đã được dìm vào trong ân sủng của Thiên Chúa, nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, để rồi từ đó, chúng ta được “tha tội” và trở nên một thụ tạo mới, một con người mới, sống bằng ân sủng của Thánh Thần. Không có sự biến đổi này của ân sủng thì tất cả mọi hoạt động khác của Giáo Hội đều trở nên vô nghĩa. Không được “sinh ra một lần nữa bởi Thánh Thần” thì cũng sẽ chẳng thể nào đón nhận ơn sủng từ các bí tích khác.

Khi ta lãnh nhận phép rửa, đó không chỉ đơn thuần là một hình thức gia nhập đạo Công Giáo. Các nghi thức như dìm mình trong nước hay đổ nước trên đầu là một hành vi gợi nhớ rằng mình đã được thanh tẩy khỏi con người cũ và được đưa vào một đời sống mới, với một con người mới và một thân phận mới. Phép rửa này là con đường đưa ta về với Thiên Chúa là Đấng duy nhất cao vượt trên tất cả mọi sự.

“Phép rửa” cũng hệt như cơn hồng thuỷ vào thời Noê đã tẩy xoá hết những gì nhơ nhuốc của thế gian. Ta chịu phép rửa chính là để cho ân sủng của Chúa “tẩy rửa” con người cũ của chúng ta, gột bỏ hết khỏi chúng ta mọi thứ xấu xa đã làm ta xa lìa Thiên Chúa. Thiên Chúa đã không huỷ diệt chúng ta rồi tạo nên những loài thụ tạo mới để thay thế, nhưng Ngài ban ân sủng để chính con người cũ của chúng ta được biến đổi để trở nên mới.

Chịu “phép rửa” cũng giống như thực hiện một cuộc vượt qua: từ thân phận nô lệ của tội lỗi và sự chết đến vùng trời tự do và hạnh phúc trong bàn tay Thiên Chúa. Hình ảnh dân Israel năm xưa thoát khỏi vòng vây của quân Pharao, băng qua biển Đỏ chính là để diễn tả điều này. Khi chưa chịu phép rửa, ta vẫn còn sống trong vòng kiềm kẹp của thế lực tăm tối. Khi đã chịu phép rửa rồi, ta hệt như đi từ bờ bên này sang bờ bên kia một cách ngoạn mục như trình thuật xuất hành kể lại về chuyện vượt biển của dân Israel. Thế lực hùng hậu của Pharao tượng trưng cho sự dữ, nhưng chúng không thể làm gì đám dân kém cỏi khi có Thiên Chúa ở cùng họ. Phép rửa mà chúng ta chịu chính là phép rửa trong Thánh Thần. Và chỉ có phép rửa này mới có sức biến đổi chúng ta từ một thụ tạo thấp hèn và chết chóc trở thành Con Thiên Chúa, người thừa hưởng gia nghiệp Nước Trời.

Khi nhắc đến việc vượt qua từ sự chết đến sự sống nhờ phép rửa, chúng ta không thể nào không nhắc đến cuộc Vượt Qua ngoạn mục của Đức Giêsu. Vào đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta được mời gọi để tuyên xưng lại niềm tin của mình, chính là để gợi nhắc chúng ta về cuộc Vượt Qua mà chính Đức Giêsu đã thực hiện khi đưa dẫn chúng ta từ cái chết đến bến bờ của sự sống. Sự phục sinh của Đức Giêsu không chỉ là chuyện của riêng Ngài, rằng Ngài đã chiến thắng sự chết, rằng Ngài là Thiên Chúa nên sự chết không thể đụng chạm gì đến Ngài. Việc Ngài phục sinh cũng có một ý nghĩa lớn lao đối với chúng ta đến độ ta có thể nói rằng Ngài phục sinh là vì chúng ta. Đức Giêsu là người dẫn đường của chúng ta. Việc Ngài đi từ sự chết đến sự sống mới đã mở ra cho chúng ta một con đường, rằng chính chúng ta, nếu kết hiệp với Ngài, đi theo Ngài, thì chúng ta cũng sẽ được như vậy.

Ngoài ra, như chúng tôi đã nói, vào những thế kỷ đầu, có rất nhiều lạc giáo nổi lên chống lại niềm tin của Giáo Hội liên quan đến Thiên Chúa Ba Ngôi. Có những lạc giáo chối bỏ bản tính Thiên Chúa hoặc bản tính con người của Đức Giêsu. Họ cho rằng Đức Giêsu chỉ có thể hoặc là Thiên Chúa, hoặc là con người chứ không thể vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Có những lạc giáo khác không thừa nhận Thánh Thần là Thiên Chúa. Việc chịu phép rửa được nói đến như một sự nhắc nhở về niềm tin vào một Thiên Chúa Ba Ngôi của Giáo Hội Công Giáo, vì khi thực hiện nghi thức rửa tội, vị chủ tế nhắc đến Ba Ngôi Thiên Chúa. Rất nhiều giáo phụ cho rằng vì chúng ta được rửa tội và được cứu độ bởi danh Cha, Con và Thánh Thần nên không những Cha mà cả Con và Thánh Thần cũng phải là Thiên Chúa, bởi nếu họ là thụ tạo thì họ không thể cứu độ con người.

Như thế, khi chúng ta tuyên xưng “tôi tuyên xưng có một phép rửa để tha tội” là chúng ta đang tuyên tín về sự chiến thắng của Đức Giêsu trên tử thần, rằng thật sự có một sự sống mới đang chờ chúng ta do Đức Giêsu Phục Sinh mang đến, rằng con người tội lỗi của chúng ta có thể được thanh tẩy để trở nên trắng tinh và nguyên tuyền nhờ ân sủng của Thánh Thần để đi vào trong cung lòng của Chúa Cha. Có thể nói, đây chính là điểm khởi của đời sống Kitô hữu. Nó cũng chính là niềm hy vọng cho hết thảy chúng ta, để chúng ta không buông mình trong thân phận tội lỗi của mình, nhưng mở ra trước Thánh Thần, để Ngài thực hiện nơi chúng ta một cuộc biến đổi tận căn, nhờ đó, chúng ta có thể trở nên một thụ tạo mới, hoàn hảo trong mắt Chúa. “Tha tội” chính là được gột bỏ khỏi mọi sự cũ kỹ để đi vào trong tương quan mới với Thiên Chúa. Đây là điều mà ta được mời gọi để tin và sống theo.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Đổi mới giáo dục Công giáo tại Học viện Thánh Augustinô

  Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài trong Tin …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *