(Đỗ Quang Chính, S.J.)
IV. Tháo gỡ nghi lễ tôn kính tố tiên[1]
Nếu tính từ năm Toà thánh bắt đầu chính thức lên tiếng cấm việc tôn kính tổ tiên năm 1645 đến năm 1939, thời gian kéo dài tới 3 thế kỷ (294 năm) vấn đề lễ phép nước Ngô mới được ĐTC Piô XII tháo gỡ. Nhưng, công việc tháo gỡ này bắt đầu thực hiện tại Mãn Châu Quốc (Mandchoukouo), rồi đến Nhật Bản, sau đó mới đến Trung Quốc và những nước lân cận có nền văn hoá tương tự. Riêng tại Giáo hội Việt Nam phải chờ đến ngày 14-6-1965 mới được áp dụng Huấn thị trên. Chúng tôi xin chia ra 2 phần:
- Huấn thị Plane compertum est
Trước khi Plane compertum est ra đời, việc tháo gỡ dần dần diễn ra tại hai nước Mãn Châu Quốc và Nhật Bản như sau:
a.Tại Mãn Châu Quốc[2]
Ngày 5-3 1935, Giám đốc Nha Tôn giáo thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục của Mãn Châu Quốc, trả lời cho Đức cha Gaspais, Giám mục Đại diện tông toà Thẩm Dương (Shenyang) về các câu hỏi của Đức cha, liên quan tới nghi lễ tôn kính Đức Khổng Tử. Theo lời ông Giám đốc: “đó chỉ là cách bày tỏ ra bên ngoài lòng tôn kính Đức Khổng, không có tính cách gì là tôn giáo”.
Sau đó, ngày 25-3-1935, Đức cha Gaspais gửi về Bộ Truyền giáo để Toà thánh biết vấn đề trên, và luôn cả vấn đề cúng lạy người chết mà các vị Bản quyền ở Mãn Châu Quốc (khoảng 10 giáo phận) đã đề ra, để Toà thánh rõ. Hai tháng sau, 28-5-1935, Bộ Truyền giáo trả lời cho Đức cha Gaspais như sau:
– Các đấng Bản quyền ở Mãn Châu Quốc phải công bố thư trả lời ngày 5-3-1935 của Nha Tôn giáo hầu tránh mọi gương mù về các nghi lễ kính Đức Khổng “tuyệt nhiên không mang tính cách tôn giáo”.
– Các vị Bản quyền phải ra chỉ thị hướng dẫn giáo hữu về vấn đề trên.
– Các linh lục đã tuyên thệ về vấn đề nghi điển Trung Hoa, phải lưu ý những chỉ dạy của các đấng Bản quyền tại Mãn Châu Quốc, hầu tránh mọi rắc rối.
Thư này do Bộ trưởng T. Bộ Truyền giáo, Hồng y Pietro Fumasoni Biondi, và vị Thư ký của Thánh Bộ là Tổng Giám mục Carlo Salotti gửi cho Khâm sứ Gaspais.
b. Tại Nhật Bản
Ngày 22-9-1932, Đức Tổng Gm Tokyo gửi một vãn thư lên Bộ Quốc gia Giáo dục Nhật Bản, xin Bộ trả lời ý kiến sau đây Chúng tôi có thể chắc chắn là người ta buộc học sinh tham dự các nghi lễ như thế [viếng đền Jinja …] chỉ là vì lý do yêu nước, chứ không có tính cách tôn giáo”? Sau đó vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục trả lời: “Việc kính viếng các đền quốc gia, như đền Jinja, đều bắt buộc theo chương trình giáo dục đối với sinh viên các trường cao đẳng, trường trung học và tiểu học. Trong vấn đề này, các sinh viên, học sinh phải kính bái với mục đích tỏ bày lòng yêu nước và trung thành. Ở đây hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa dân sự như Bộ Giáo dục đã công bố ngày 3-8-1932, đồng thời cấm việc giáo dục tôn giáo và các nghi lễ tôn giáo diễn ra trong các trường công lập cũng như trong các trường bị chi phối bởi các chương trình học vấn chung trong nước”.
Ngày 26-5-1936, Bộ Truyền giáo cũng gửi một văn thư cho Khâm sứ Toà thánh tại Nhật, chủ yếu là nhắc đến nghĩa vụ người Công giáo yêu Tổ quốc, thì phải tôn trọng các nghi lễ đối với hoàng gia, người qua đời, miễn là những nghi lễ ấy có tính cách dân sự.
c. Tại Trung Hoa
Ngày 8-12-1939, Bộ Truyền giáo đã công bố Huấn thị Plane compertum est sau cuộc triều yết ĐTC Piô XII ngày 7-12- 1939. Chúng tôi xin dịch từ bản Pháp văn toàn bộ Huấn thị trên[3]:
“Rõ ràng là tại Cực Đông xưa kia có một số nghi lễ (ceremonies) gắn liền với nghi điển (rites) ngoại giáo, nay vì những biến đổi theo thời gian về các phong tục và ý tưởng, nên nó chỉ còn mang ý nghĩa dân sự, để tỏ lòng tôn kính tổ tiên, yêu mến tổ quốc và vì lịch sự trong các tương quan xã hội.
“Năm 1935 và 1936, với sự chấp thuận của ĐTC Piô XI[4], Thánh Bộ Truyền giáo, dựa theo điều khoản 22 giáo luật[5], đã ban cho các đấng Bản quyền Mãn Châu và đế quốc Nhật (empire japonais) những nguyên tắc mới trong việc hướng dẫn cho thích hợp hơn với những điều kiện hiện tại.
“Vừa rồi đây, các Đức Hồng y T. Bộ Truyền giáo trong phiên họp toàn thể ngày 4-12-1939, đã xem xét vấn đề: nên chăng dùng phương pháp tương tự cho các xứ khác mà thời gian đã mang lại sự thay đổi y hệt.
“Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng những lý lẽ nghịch, thuận, và hỏi ý kiến các nhân vật thông thạo, các Đức Hồng y đã quyết định đưa ra những tuyên bố sau đây:
“1. Xét rằng, nhiều lần chính phủ Trung Hoa đã tuyên bố cách minh nhiên là để mỗi người được tự do lựa chọn tôn giáo, và chính phủ cũng chẳng cần đặt ra những đạo luật và chỉ dụ về vấn đề tôn giáo, và bởi thế các nghi lễ do nhà cầm quyền thi hành để kính Đức Khổng Tử, không có mục đích tế tự tôn giáo (culte religieux), nhưng chỉ là để tôn kính một nhân vật cao quý theo cách tôn trọng phải làm như tập tục tiền nhân, nên người Công giáo được phép (il est licite) tham dự các nghi lễ kính Đức Khổng, trước hình ảnh hoặc bài vị mang tên Ngài trong các văn miếu hay trường học.
“2. Vậy không còn là trái phép (illicite), nhất là khi nhà chức trách truyền lệnh trưng bày hoặc cúi đầu chào hình ảnh hay bài vị mang tên Đức Khổng trong các trường học Công giáo, nếu sợ gây ra gương mù, thì người Công giáo nên cẩn thận tuyên bố về lòng ngay thẳng của mình khi làm cử chỉ đó.
“3. Nhân viên và học sinh các trường Công giáo, nếu có lệnh ban cho họ, thì đừng từ khước dự (assister) các nghi lễ công cộng, mặc dù bên ngoài có thể coi là nhuốm màu dị đoan, miễn là – theo đúng giáo luật điều khoản 1258[6] – họ thi hành cách thụ động với ý tưởng duy nhất là để tôn kính theo nghi lễ hoàn toàn dân sự. Để tránh mọi hiểu lầm về cử chỉ của họ, họ sẽ tuuyên bố về ý hướng của họ mỗi khi xét là cần.
“4. Phải coi là được phép (licites) và xứng hợp (convenables) tất cả những [cử chỉ] cúi đầu và những biểu lộ khác có tính cách tôn trọng dân sự trước những người quá cố hay hình ảnh và bài vị mang tên họ.
“Đàng khác, các Đức Hồng y nhận thấy lời thề về nghi điển Trung Hoa do ĐTC Bênêđitô XIV truyền dạy trong hiến chế Ex quo singulari ngày 11-7-1742 cho tất cả các linh mục trong đế quốc Trung Hoa và các tỉnh lân cận hoặc tiếp giáp (et les provinces proches et limitrophes) không còn hợp với các nguyên tắc hướng dẫn mà Bộ Truyền giáo mới công bố. Vả lại, ngày nay lời tuyên thệ đó như phương thế kỷ luật, trở nên tuyệt đối dư thừa, bởi vì thực tế các cuộc tranh luận xưa về nghi điển Trung Hoa đã chấm dứt như mọi người biết, và các thừa sai cũng như các linh mục khác chẳng còn bị bó buộc phải tuyên thệ để vâng phục mau mắn với tình con thảo đối với Toà thánh. [Vậy, các Đức Hồng y] quyết định bãi bỏ lời thề đó ở tất cả nơi nào còn thi hành, hoặc ở Trung Hoa, hoặc các nơi khác. Dĩ nhiên, tất cả các chỉ dạy khác của ĐTC Bênêđitô XIV vẫn còn giá trị, nếu chưa được thay đổi do các huấn thị mới đây, và đặc biệt là còn cấm tranh tụng về các vấn đề nghi điển Trung Hoa.
“Trong cuộc triều yết ngày 7-12-1939, những quyết định của các Hồng y đã được đệ trình lên ĐTC Piô XII[7] do Đức Hồng y Bộ trưởng Bộ Truyền giáo cùng với chữ ký của ngài; ĐTC đã chấp thuận hoàn toàn và đã phê chuẩn.
“Ban hành tại Thánh Bộ Truyền giáo, Roma, ngày 8-12- 1939, ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm.
“Hồng y Phêrô Fumasoni Biondi, Bộ Trưởng Thánh Bộ Truyền giáo
“Thư ký Celsus Costantini, Tổng Gm hiệu toà Theodos”.
Như chúng ta biết, khi cấm các nghi lễ tôn kính tổ tiên, các ĐTC công bố long trọng bằng Hiến chế (Constitutio), như Ex ilia die năm 1715, Ex quo singulari năm 1742; nhưng khi cho phép thi hành năm 1939, thì chỉ qua một Huấn thị (Instructio) và do Bộ trưởng T.Bộ Truyền giáo sau khi lĩnh ý ĐTC Piô XII.
Sau khi Huấn thị Plane compertum est ra đời, ngày 17-12- 1939 báo Osservatore Romano có một bài nhan đề Les honneurs rendus à Confucius et aux defunts en Chine:
“Chẳng ai không biết rằng lòng hiếu thảo luôn luôn được giảng dạy và thực hành trong những miền rộng lớn bao la này [Trung Hoa và các nước lân cận]. Và chúng ta cũng biết lòng hiếu thảo này phải được hiểu theo nghĩa rộng nhất của nó, đó là phải hiếu thảo không những đối với cha mẹ, nhưng còn phải có đối với tất cả những ai một cách nào đó thay quyền cha mẹ. Đối với người Hoa, một viên quan rõ ràng là “cha mẹ” của dân. Chính Hoàng đế cũng là gia trưởng của cả dân tộc. Tinh thần gia tộc đã ăn sâu vào tâm hồn người Hoa, nên họ coi toàn thể đất nước mình là một gia đình. Và đối với người Kitô hữu, một linh mục rõ ràng là “người cha theo tinh thần”.
“Đàng khác, những biểu lộ các tâm tình này đều theo cảm tính của người Đông phương, nhưng đối với cái nhìn của một người Tây phương không biết cũng chẳng hiểu cái tâm lý này, thì xem ra họ có lý mà cho rằng những biểu lộ ấy có vẻ kỳ quặc, lạ đời, hơn nữa dị đoan. Tại Trung Hoa, đặc biệt Trung Hoa xưa, và ngay cả trong những năm gần đây, việc quỳ cả hai gối và sấp mình đầu chạm tới đất, là một hành vi tôn trọng năng đươc thực hiện. Người ngoại giáo quỳ lạy trước mặt quan, người Kitô hữu quỳ lạy trước mặt linh mục, ấy là chưa nói tới những nghi lễ cử hành trước mặt Hoàng đế và ngay cả trước ngai để trống của Ngài. Càng khẩn xin điều gì quan trọng, thì càng lạy sâu và lặp lại nhiều lần hơn.
“Một điều kỳ lạ là, đối với người Tây phương, tất cả những cử chỉ trên đây biểu lộ với những người còn sống , thì lại không bị coi là dị đoan. Theo não trạng người Âu châu, những biểu lộ ấy chỉ dị đoan đối với người chết. Chính ở cái điểm này người Tây phương phải tập thấm nhập với những tâm cảm của người Đông phương, đồng thời phải lưu ý tới sự tiến triển thế tục (évolution laique) diễn ra trong não trạng của họ, mới hiểu được cách thế hành động của họ. Đối vối người Hoa hay người Nhật, lòng hiếu thảo không chấm dứt sau sự qua đời của cha mẹ hay những ai thay mặt cha mẹ.
“Theo Khổng Tử, sự hoàn thiện của nhân đức này hệ tại ở việc phục vụ người quá cố như đã phục vụ họ khi còn sống, và phải phục vụ người qua đời như thể họ đang sống trên đời này. Hiện thời, một người con hiếu thảo là người quỳ lạy trước mặt cha mẹ mà dâng của ăn cho các ngài. Cử chỉ này cũng như các cử chỉ tương tự đều do lòng hiếu thảo mà ra, cần phải được thực hiện và phải được nhấn mạnh hơn nữa khi cha mẹ đã sang cuộc đời bên kia, dù con cái biết rõ rằng hồn người chết chẳng cần gì những thứ đó.
“Người ta có thể nói được rằng, những gì đối với cha mẹ thì phần nào cũng giống như vậy đối với người khác khi họ qua đời. Người Đông phương không lưu tâm đến những sự khác biệt trong cùng một cử chỉ (quỳ, lạy sát đất, dâng của ăn, v.v…) đối với người sống và người chết. Vì thế, đối với não trạng của người Đông phương, sự khác biệt ấy là điều kỳ quặc và phi lý. Cho nên, đối với người Đông phương, đó không phải là hành vi tôn giáo, nhưng chỉ là hành vi hiếu thảo hay đơn giản là lịch sự”.
2. Thông cáo của Hội Đồng giám mục Việt nam
Theo lời đề nghị của Hội đồng Giám mục Việt Nam (thực tế là Miền Nam Việt Nam), Tòa thánh, qua Bộ Truyền giáo, đã chấp thuận ngày 20-10-1964, đề nghị của hàng Giám mục VN xin áp dụng Huấn thị Plane compertum est, rồi ngày 14-6-1965 Hội đồng Giám mục VN đã ra thông cáo về việc tôn kính tổ tiên.
Nhưng người ta có thể hỏi, tại sao Huấn thị trên được công bố từ năm 1939, mà mãi đến 26 năm sau Giáo hội VN mới đem ra áp dụng? Chúng tôi nghĩ, vì mấy lý do chính sau đây:
– Chiến tranh thế giới thứ hai 1939-1945 và những hậu quả kinh hoàng của nó;
– Từ năm 1945, VN vẫn là một đất nước chiến tranh, kéo dài đến 1975;
– Công đồng Vatican II thổi một luồng gió mới vào Giáo hội.
Đến khi Hội đồng Giám mục VN ra thông cáo ngày 14-6- 1965, không phải là toàn thể Giáo hội VN áp dụng thông cáo ngay, bởi vì một số người đã quá quen thuộc với kiểu cách trước đây, hiểu biết giáo lý chưa đủ, không thông suốt lịch sử Giáo hội toàn cầu cũng như Giáo hội và xã hội VN, v.v… nên lúc đầu cũng có một số người, một số nơi chưa cảm thấy cần thiết.
Sau đây là bản văn Thông cáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam (chúng tôi xin trưng dẫn nguyên văn, kể cả mặt chính tả):