Vài chỉ dẫn của Giáo hội về vấn đề sinh sản

Là linh mục, tôi thường nghe câu hỏi này từ những vợ chồng mới cưới: “Cha ơi, Giáo hội mình ủng hộ việc sinh sản. Tuy nhiên, nếu chúng con sinh nhiều quá thì không nuôi nổi; nếu chúng con sinh ít thì có phạm giáo luật không cha?” Thú thực tôi hơi lúng túng để trả lời cho câu hỏi này. Lúng túng vì nếu mình nói: “Các bạn cứ sinh thoải mái, con cái là quà tặng Chúa ban”, e rằng không thực tế, vì thử hỏi cha mẹ nào đủ can đảm sinh nhiều như thế. Còn nếu mình nói sinh một đến hai hoặc ba con là đủ, thì phải chăng đi ngược lại với lời hứa hôn nhân: “Sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban.”  

Trước câu hỏi trên, tôi về đọc lại những tài liệu mình đã học môn luân lý liên quan đến Bí Tích Hôn Nhân. Dưới đây tôi chia sẻ vài quan điểm của Giáo hội để gia đình Công giáo có thêm cái nhìn về món quà thiêng liêng này của Thiên Chúa dành cho hai vợ chồng.

  1. Trách nhiệm của cha mẹ

Đã từ lâu, Giáo hội luôn đồng hành với gia đình Công giáo. Trước khi bước vào đời sống hôn nhân, đôi bạn trẻ được Giáo hội chuẩn bị những bước cần thiết để lãnh nhận bí tích hôn nhân. Sau đó, Giáo hội tiếp tục hướng dẫn các gia đình sống trong đường lối của Thiên Chúa. Cụ thể về vấn đề sinh sản, Giáo hội luôn nhìn nhận rằng đây là một trong những mục đích chính của bí tích hôn nhân. Chẳng hạn từ Công Đồng Vatican II (1962-1965) đã có cả một hiến chế Mục Vụ (Gaudium et Spes) để hướng dẫn con cái mình tiến bước trong tình yêu của Thiên Chúa. Hiến chế này dành nhiều số để giải thích về đời sống gia đình (số 47-52). Nhất là số 50-Sự sinh sản trong hôn nhân, Hiến chế viết rằng: “Hôn nhân và tình yêu vợ chồng, tự bản tính là quy hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái. Con cái là ơn huệ cao quí nhất của hôn nhân và là đóng góp rất nhiều vào niềm hạnh phúc của cha mẹ.” (GS 50).

Đành rằng Thiên Chúa phán: “Hãy sinh sôi nảy nở (פְּר֥וּ) thật nhiều, cho đầy (וּמִלְא֥וּ) mặt đất.” (St 1,28), nhưng Giáo hội còn nhắc đến một yếu tố khác: “Bổn phận và trách nhiệm nuôi dạy con cái.”[1] Các tài liệu thường nhấn mạnh đến hai điều này. Chẳng hạn: “Tình yêu hôn nhân đòi hỏi đôi vợ chồng ý thức đúng đắn về sứ mạng làm cha làm mẹ có trách nhiệm của mình, điều mà ngày nay người ta có lí để nhấn mạnh rất nhiều, nhưng cũng là điều cần phải được hiểu đúng. […] Cho nên việc thực thi làm cha làm mẹ có trách nhiệm đòi hỏi vợ chồng nhận biết các bổn phận của mình đối với Thiên Chúa, với chính mình, với gia đình mình và với xã hội, phù hợp với một nấc thang giá trị đúng đắn” (Thông điệp Humanae Vitae số 10). Khi ý thức được điều này, vấn đề sinh nhiều hoặc sinh ít không phải là vấn đề quá quan trọng, nhưng Giáo hội cho thấy: “Các vợ chồng có khả năng sử dụng quyền tự do bất khả xâm phạm của họ một cách khôn ngoan và có trách nhiệm, có cân nhắc thực tế xã hội và nhân khẩu, cũng như tùy theo hoàn cảnh riêng và ước muốn chính đáng của mình”[2]. Giáo hội cũng khuyến khích những cặp vợ chồng: “Sau khi thận trọng suy xét và cùng nhau chấp thuận, đã quảng đại nhận lãnh trách nhiệm dưỡng dục cách xứng đáng số con cái khá đông.”[3] 

Tóm lại Công đồng Vatican II đưa ra các tiêu chí để lập kế hoạch về vấn đề sinh con:

  • Cha mẹ nên suy nghĩ về những gì sẽ mang lại lợi ích cho trẻ chưa sinh và trẻ hiện có;
  • Xem xét khả năng tinh thần, vật chất và tài chính của mình, họ có thể nuôi bao nhiêu đứa con một cách có trách nhiệm và nhân văn;
  • Họ nên tính đến các điều kiện của thời đại, các khía cạnh của đất nước và giáo hội địa phương. Đừng quên Giáo hội cũng dạy điều này tương tự ở Việt Nam và Ấn Độ, Châu Phi và Châu Mỹ. Không có hai đạo đức, nhưng Giáo hội giảng dạy cùng một điều ở mọi nơi. Chính vợ chồng đưa ra quyết định có trách nhiệm về số lượng con cái.

Chúng ta đều biết con cái cũng là một trong những lời hứa của bí tích hôn nhân. Đến nỗi Bí tích này sẽ không thành sự nếu vợ chồng từ chối con cái ngay từ đầu. Vì thế trong khi cử hành Bí tích Hôn nhân, chủ tế hỏi: “Các con (anh chị) có sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban, và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh không?”

Ðôi tân hôn đáp: – “Thưa có!”  

Một đàng, Giáo Hội khuyến khích vợ chồng cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo. Mặt khác, chỉ có vợ chồng mới có quyền quyết định khoảng thời gian giữa lần sinh và số con cái mà họ muốn sinh. Họ hoàn toàn tự do, miễn là số con họ muốn sinh phải được giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh. Lý do là vì: “Theo ý định của Thiên Chúa, hôn nhân là nền tảng cho một cộng đoàn rộng lớn hơn, tức là gia đình, vì chính định chế hôn nhân và tình yêu vợ chồng đều quy hướng về việc truyền sinh và giáo dục con cái, làm nên triều thiên cho định chế và tình yêu ấy.” (xem Familiaris Consortio, 14).  

Đứng trước quyết định này, rất nhiều vợ chồng phải đối diện với những nỗi vất vả chăm sóc con cái, vấn đề tài chính, công việc hoặc mong muốn hưởng thụ. Họ ngần ngại có con, con đàn cháu đống quả là trách nhiệm lớn lao! Theo Giáo hội Công giáo, sự hiện diện của con cái là bằng chứng về sự chúc lành và sự liên tục sáng tạo của Thiên Chúa[4]. Đó phải là một vinh dự và niềm tự hào khi vợ chồng cùng nhau quyết định số con (trong cầu nguyện và phân định thiêng liêng). Thay vì loại bỏ những trở ngại thường cản trở việc sinh con, Giáo hội mời gọi họ mở lòng ra với Thiên Chúa và xã hội để nhận được một câu trả lời thỏa đáng, một cách yêu thương.

  1. Sứ mạng sinh sản và chăm sóc con cái

Trước vấn đề sự sống, Giáo hội đặc biệt mời gọi các đôi vợ chồng Kitô giáo ý thức sứ mạng của mình trong việc sinh sản này. “Vợ chồng chính là những người đã được Thiên Chúa giao cho trách vụ biểu lộ tính chất thánh thiêng và sự êm dịu của lề luật liên kết hai sự việc tình yêu giữa hai người phối ngẫu và việc họ cộng tác với Thiên Chúa tình yêu tạo dựng đời sống con người.” (Humanae Vitae 25). Hẳn nhiên vợ chồng không chỉ ủng hộ sự sống bằng lời nói, lời hứa, nhưng còn thể hiện điều này nơi những đứa con của họ. Để làm điều này, vợ chồng cần cùng nhau cầu nguyện và thảo luận về những gì Chúa muốn, không chỉ tập trung vào những gì họ muốn. Dĩ nhiên, Thiên Chúa muốn: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất” (St 1,28), nhưng phải đặt trong hoàn cảnh đặc biệt của mỗi cặp vợ chồng. Thiên Chúa cũng làm mọi sự để giúp họ chăm sóc con cái cho nên người và nên con Chúa.  

Sẽ là thiếu xót nếu không đề cập đến vai trò tình dục trong hôn nhân. Giáo hội thường nhắc đến chủ đề này như là những bài giáo lí về thần học thân xác vốn được Thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh. Chẳng hạn, Giáo hội cho thấy thân xác với tính dục dị biệt (nam nữ) không những là “nguồn của sự phong nhiêu và sinh sản”, mà nó còn sở hữu “khả năng diễn tả tình yêu: tình yêu mà chính ở đó con người – nhân vị trở thành một quà tặng”[5]. Một khao khát tình dục lành mạnh, cho dù gắn với một mưu cầu lạc thú, đều giả thiết có một cảm thức; và chính bởi đó mà nó có thể làm cho các xung năng có tính nhân văn. Con cái là hoa trái của hành vi nhân văn này. Giáo hội tin rằng tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau trong hôn nhân cũng giúp vợ chồng biết cách điều hoà sinh sản cách tự nhiên theo tiêu chuẩn khách quan của luân lý. (Tôi xin phép không bàn nhiều ở đây!)

Trước hết, gia đình phải dạy cho con cái những gì cần thiết để chúng có thể bước vào đời, giúp chúng biết cách chu toàn ơn gọi mà Thiên Chúa ban cho. Vì thế vợ chồng phó thắc, tin tưởng và cộng tác với Thiên Chúa trong sứ mạng này. Tuy nhiên, trong trường hợp gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của người mẹ, tất nhiên, các khía cạnh khác phải được tính đến cẩn thận. Chẳng hạn đứa con sinh ra sẽ bị bệnh (trong trường hợp bệnh di truyền), hoặc người mẹ không thể cưu mang con đến lúc sinh. Ngoài ra, điều kiện kinh tế, thu nhập gia đình thấp, nguy cơ thất nghiệp dài hạn, thiếu nhà ở hoặc khó khăn trong giáo dục. Ngoài chiều kích tâm linh, việc nuôi dạy con cái cần được xét đến. Sau cùng, Giáo Hội nhắc nhở họ về những nguy hiểm của việc kiểm soát sinh sản nhân tạo hoặc cố ý ngăn chặn việc thụ thai. (xem Humanae Vitae 14,17,21). Tài liệu trước đó cũng nhắc đến: “Thiên Chúa là Chúa sự sống, đã trao cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo toàn sự sống, và họ phải chu toàn bổn phận ấy theo cách thức xứng hợp với con người. Do đó, ngay từ lúc thụ thai, sự sống phải được bảo toàn hết sức cẩn thận; phá thai và sát nhi là những tội ác ghê tởm.” (Gaudium et Spes số 51)

  1. Giáo hội không ấn định số lượng con cái

Tới đây chúng ta ngạc nhiên khi Giáo hội không ấn định số lượng con cụ thể cho một gia đình Công giáo. Thay vào đó, Giáo hội đưa ra những chỉ dẫn để các vợ chồng tự quyết định theo hoàn cảnh và lương tâm của mình mách bảo. Ngoài ra, Giáo hội cũng nhìn thấy sự suy giảm dân số phát sinh do não trạng không muốn sinh con và được khuyến khích bởi những chính sách toàn cầu về sức khỏe sinh sản. Điều này đang và sẽ tạo ra không chỉ một tình trạng trong đó sự kế tục các thế hệ không còn được bảo đảm, mà theo thời gian còn có nguy cơ sẽ dẫn đến tình trạng nghèo nàn đi về kinh tế và mất hi vọng vào tương lai. Sự phát triển công nghệ sinh học cũng có một tác động rất lớn trên tỉ lệ sinh sản.[6]

Trước tình trạng trên, tôi muốn trích lời chia sẻ của Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắn với các vợ chồng trẻ: “Hãy biết rằng con cái của các con – đặc biệt là những em bé- chăm chú quan sát các con; chúng tìm kiếm nơi các con những dấu chứng của một tình yêu mạnh mẽ và đáng tin cậy…Con cái luôn là một món quà, chúng thay đổi lịch sử của mọi gia đình. Chúng khát khao tình yêu, lòng biết ơn, sự quý trọng và tin tưởng. Việc trở nên bậc sinh thành mời gọi các con truyền cho con cái niềm vui khi khám phá ra mình là con cái Thiên Chúa, những người con của một người cha luôn yêu thương cách dịu dàng và là người nắm tay chúng mỗi ngày mới. Khi biết được điều này, con cái các con sẽ lớn lên trong đức tin và sự phó thác vào Chúa.”[7]

Tạm kết

Nếu cần thêm chỉ dẫn, bạn có thể đọc tài liệu mới nhất của Giáo hội về đời sống gia đình: Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Của Tình Yêu[8]. Trong đó Đức Giáo Hoàng khép lại với lời chỉ dẫn về vấn đề sinh sản: “Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, gia đình không chỉ đón nhận sự sống bằng cách sinh sản trong phạm vi gia đình, nhưng còn mở ra, đi ra khỏi chính mình để tuôn ban những thiện ích của mình cho người khác và để quan tâm chăm sóc họ và tìm kiếm hạnh phúc cho họ.” (số 324). Ước gì những vợ chồng công giáo, nhất là các gia đình trẻ mạnh dạn cùng nhau bàn thảo trước mặt Thiên Chúa về số lượng con cái mình muốn sinh. Miễn là làm sao việc sinh sản và giáo dục con cái phản ánh được công trình tạo dựng của Thiên Chúa Cha.

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Xét về phương diện sinh lý học, nhận “trách nhiệm trở thành cha mẹ” tức là thấu hiểu và tôn trọng các tiến trình hoạt động của sinh lý: trí thức giúp ta khám phá ra khả năng sinh sản, định luật luân lý nằm ngay trong bản chất con người. (Summa Theologiae, I-II, q. 94, art. 2).

[2] Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Của Tình Yêu

[3] x. PIÔ XII, Huấn từ Tra le Visite, 20.1.1958: AAS 50 (1958), tr. 91.

[4] “Tuy nhiên, hôn nhân không phải được thiết lập chỉ để truyền sinh mà thôi, nhưng chính đặc tính bất khả phân ly của giao ước giữa hai người và lợi ích của con cái đòi hỏi tình yêu tương giao của đôi vợ chồng phải được biểu lộ, thăng tiến và triển nở một cách chính đáng. Cho nên, ngay trong trường hợp không có con như hằng tha thiết mong mỏi, hôn nhân vẫn tồn tại như một cộng đồng hiệp thông suốt đời, và vẫn bảo toàn giá trị cũng như đặc tính bất khả phân ly của mình. (Gaudium et Spes số 50)

[5] Huấn Giáo ngày thứ Tư hằng tuần của Đức Giáo hoàng (16.01.1980), 1: Insegnamenti III, 1 (1980), 151.

[6] Relatio Synodi. Phúc trình của THĐGM tại Đại Hội Ngoại thường lần III (18.10.2014).

[7] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/doc-thu-cua-duc-thanh-cha-phanxico-gui-cac-doi-vo-chong-44322

[8] Bản văn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-amoris-laetitia-niem-vui-cua-tinh-yeu-41885

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …