Vài điều thú vị liên quan đến thánh Giuse có thể bạn chưa biết

  1. Hoàn toàn im lặng trong toàn bộ Kinh Thánh

Toàn bộ Kinh Thánh không ghi chép lại lời nào của ngài. Tân ước đề cập rất ít đến ngài. Tin Mừng Mathêu mô tả ngài là một người công chính (x.Mt 1,19), và khi biết vợ chưa cưới của mình là Maria chưa về sống với mình mà đã có thai, ngài đã có ý định ra đi cách kín đáo. Tin Mừng Luca thì nói ngài là thuộc dòng dõi vua Davit (x.Lc 2,4) và phải đưa vợ về thành của mình là Bêlem để khai tên tuổi. Tin Mừng Gioan thì chỉ nói về Giuse cách gián tiếp khi mô tả thân thế của Chúa Giêsu: Giêsu là con ông Giuse (x.Ga 1,45; 6,42). Thánh Giuse chủ yếu xuất trong những trình thuật về giáng sinh của Chúa Giêsu. Lần cuối ta thấy nhắc đến Ngài là trong trình thuật lạc mất Giêsu lúc 12 tuổi, lúc đó, mẹ Maria đã nói về Giuse bằng đại từ “cha con” (x.Lc 2,48) khi trò chuyện Chúa Giêsu. Từ đó về sau, ta không hề thấy nhắc gì về ngài. Các sách khác của Tân Ước cũng không đề cập gì đến ngài.

 

  1. Việc tôn kính thánh Giuse xuất hiện khá trễ

Dù vào năm 313 AD, ngài đã được tôn kính đặc biệt trong thánh lễ. Nhưng đến thế kỷ 9, người ta mới quan tâm đến ngài nhiều hơn. Tước hiệu đầu tiên dành cho ngài là “nutritor domini” có nghĩa là “người dưỡng dục Chúa”. Đức Gioan XIII, vào 13.11.1962 đã thêm tên của Giuse vào Kinh Nguyện Thánh Thể I như là Đấng bảo trợ Giáo Hội hoàn vũ. Ngày lễ 19.3 là lễ trọng buộc của Giáo Hội (GL 1246). Vào năm 1955, Đức Pio XII thành lập lễ Giuse Thợ 1.5, nêu gương cho những người lao động và nhấn mạnh đến nhân phẩm của người lao động. Ngoài hai lễ trên, thánh Giuse cũng được nhớ đến trong ngày lễ thánh Gia Thất. Truyền thống cũng dành thứ 4 hàng tuần để tôn kính ngài. Thánh Giuse đã trở thành Đấng Bảo Trợ cho nhiều quốc gia như: Mỹ, Canada, Trung Quốc, Croatia, Mexico, Áo, Bỉ, Peru, Philippines, Việt Nam. Ngài cũng là bổn mạng của những người mong chết lành, các gia đình, các gia trưởng, thai phụ, di dân, công nhân, kỹ sư, lao động chân tay. Ngoài ra, khoảng đầu thế kỷ 20, các nhà thần học bắt đầu suy tư về thánh Giuse và thành lập một môn học về ngài. Từ năm 1950, có 3 trung tâm dành nghiên cứu về ngài: ở Tây Ban Nha, Ý và Canada.

 

  1. Thánh Giuse làm nghề gì để sinh sống?

Lâu nay, chúng ta vẫn thường nghĩ về ngài như một thợ mộc. Từ Hy Lạp tekton  nói đến ở Mt 13,55 và Mc 6,3 có nghĩa cách chung là những nghề lao động chân tay (dĩ nhiên, trong đó có nghề mộc). Nhưng nó cũng có nghĩa là thợ xây, phụ hồ, thợ làm đá… thậm chí là người thành thạo cái gì đó và dạy người khác. Bản Kinh Thánh tiếng Latin thì dùng từ faber có nghĩa là công nhân, thợ thủ công. Một giáo sư Kinh Thánh người Mỹ tên là James D.Talor thì cho rằng có vẻ thánh Giuse làm nghề thiên về xây dựng hơn là gỗ vì hai lý do: thứ nhất, Chúa Giêsu khi giảng dạy dùng rất nhiều hình ảnh về xây dựng (đá góc tường, xây nhà trên nền vững, cá rác cái xà); thứ hai, vào thời Chúa Giêsu, nhà cửa được xây bằng đá hơn gỗ, Israel cũng không thịnh hành về gỗ. Vì thế, ông cho rằng có thể Giêsu đã theo học nghề từ cha Giuse của mình. Nhưng trong bản Bảy Mươi (bản dịch đầu tiên Kinh Thánh từ tiếng Do Thái và Aram sang Hylạp), từ tekton được dùng trong sách Isaia, và trong danh sách các công nhân xây dựng sửa chữa đền thờ Giêrusalem trong sách các Vua quyển thứ hai, phân biệt giữa thợ mộc và các công nhân khác: tekton: thợ mộc; còn lithólogos: thợ đá và laxeutes: thợ nề.

Vì thế, thánh Giustino, một giáo phụ lỗi lạc thời kỳ đầu, trong tác phẩm Đối Thoại với Trypho, 88, và truyền thống Giáo Hội cho rằng Giuse đã làm nghề mộc và truyền nghề này cho Giêsu.

 

  1. Cũng có những giai thoại hư cấu về Giuse

Vì không có nhiều chi tiết nên trong Nguỵ Tin Mừng Giacôbê và cuốn Lịch sử thánh Giuse thợ mộc ghi lại rằng ngài đã từng có một đời vợ và có con riêng trước khi kết hôn với Maria, và ngài sống đến 111 tuổi. Chuyện cho rằng khi ngài 40 tuổi, ngài kết hôn với 1 phụ nữ tên là Melcha (nguồn khác là Escha, hoặc Salome), sau 49 năm chung sống, họ có với nhau 2 gái 4 trai, trong đó có một người tên là Giacôbê (vẫn được gọi là “người anh em của Chúa”). Sau khi vợ qua đời, nghe tin các tư tế ở Giudea muốn chọn chồng cho Maria (lúc đó mới 24 tuổi), còn Giuse khi ấy đã gần 90 tuổi lên Gierusalem để ứng thi. Cây gậy của ngài bỗng dưng nở hoa nên ngài được chọn. Hai năm sau thì biến cố truyền tin xảy ra.

Xuất phát từ câu chuyện hư cấu này nên các tranh ảnh tượng, Giuse thường xuất hiện như một ông già. Nhưng Giáo Hội và nhiều vị thánh khác như Atanasio, Âutinh, Toma Aquino, Phanxico de Sales dạy rằng Giuse khi cưới Maria là một thanh niên trai tráng chưa kết hôn. (dùng từ giới trẻ: ngài còn “gin”).

 

  1. Giuse qua đời khi nào?

Chúng ta không biết chắc chắn Giuse qua đời khi bao nhiêu tuổi. Ở trên, chúng ta đã biết câu chuyện cho rằng ngài qua đời khi 111 tuổi. Một nguồn khác cho rằng ngài qua đời khi Giêsu được 20 tuổi. Nhưng tất cả chỉ là giai thoại. Căn cứ vào một số chi tiết của Kinh Thánh, ta có thể đoán rằng ngài qua đời trước khi Giêsu công khai vì, thứ nhất, không thấy ngài xuất hiện trong thời gian công khai của Chúa Giêsu, tiệc cưới tại Cana lúc khởi đầu sứ vụ của Giêsu cũng không nhắc đến Giuse; thứ hai, trước khi nhắm mắt, Giêsu trao phó Mẹ cho Gioan (như thể Maria chẳng còn người thân nào khác để chăm sóc Mẹ).

Ngoài ra, truyền thống cũng cho rằng ngài qua đời trong sự hiện diện của Maria và Giêsu. Vì thế ngài rất hạnh phúc, và cũng từ sự tích này, ngài trở thành bổn mạng của kẻ mong chết lành.

 

  1. Bố mẹ của Giuse là ai?

Tin Mừng Mathêu nói rằng Giuse là con của Giacob (Mt 1,16), còn Luca thì nói Giuse là con của ông Heli (Lc 3,23). Vậy rốt cuộc thế nào? Người ta thường giải thích bằng hai giả thuyết. Thứ nhất, tên Heli là viết tắt của Eliachim (hay còn gọi là Gioakim) chính là tên của bố Đức Maria. Khi nói Giuse là con của ông Heli, người ta ám chỉ đến việc Giuse được nhìn nhận là đã cưới Maria. Vì là chồng của Maria, nên Giuse cũng là bố của con của Maria. Nhưng còn có cách giải thích thứ hai. Theo nhà hộ giáo Jimmy Akin: sử gia Julius Africanus, sinh quán ở Israel, đã ghi lại thông tin về gia đình của Đức Kitô. Theo đó, Matthan (theo Mt) là ông nội của Giuse, cưới bà Estha và sinh ra Jacob. Sau khi Matthan qua đời, Estha cưới một người bà con của chồng là Matat (theo Lc) và sinh ra Heli. Như thế, Giacob và Heli là anh em cùng mẹ khác cha (bố của cả hai cũng có họ hàng với nhau). Heli qua đời mà không có con, nên Giacob phải cưới vợ của Heli và sinh ra Giuse. Như thế, Giuse là con về mặt sinh học của Giacob, và là con về măt pháp lý của Heli. (Eusebius, Ecclesiastical History 1:6:7).

Mẹ của Giuse là ai? Không có sử liệu chính xác nào ghi lại. Vào thế kỷ 18, Cecilia Baij được cho là nhận thị kiến và được mặc khải cho biết mẹ của Giuse tên là Rachel. Nhiều người tin vào điều này vì có ý nối kết Giuse này với Giuse của cựu ước (St 35). Nhưng đây chỉ là mặc khải tư và không được Giáo Hội công nhận chính thức.

 

  1. Những bé trai có tên Giuse còn được gọi là Pepe

Ở phương Tây, bé trai nào đó được đặt tên Giuse, thì cũng thường được gọi bằng cái tên rất dễ thương là “Pepe” hay “Pepito”. “Pepe” hay “Pepito” là phát âm của hai chữ “p” (pp), là viết tắt của chữ “padre putativo”, có nghĩa là “cha nuôi”, có ý ám chỉ thánh Giuse là cha nuôi của Chúa Giêsu, nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của thánh nhân.

Giuse là vị đại thánh trong Giáo Hội. Ai chạy đến với ngài chắc chắn không bao giờ thất vọng mà về không. Đây có lẽ là điều thú vị nhất trong tất cả những gì người ta cần biết về thánh Giuse – cha nuôi của Chúa Giêsu.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

(tổng hợp từ nhiều nguồn)

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

2 Bình luận

  1. Xin cho con được hoi: co quan he gì giua Giuse bi ban sang Ai-cap va Giuse ban Duc Me ?

  2. Con xin có vài suy nghĩ sau:
    Thưa cha! Với bài của cha,con xin có ít chia sẻ sau:
    Đã thành truyền thống, chúng ta cứ chọn nghề mộc cha nhỉ! Cha ơi! Hai cha con làm mộc.tuy nhiều tuổi,hành nghề lâu…nhưng bố việc nào cũng thua con tuy nó mới lên..10 tuổi, chẳng hạn:-bố phải dùng thước để đo các kích cỡ; con hoàn toàn chẳng cần thước bất cứ ở việc gì..mà vẫn chính xác 100%. Bố đóng đinh đôi lúc đinh bị cong,đóng trật..! con đóng không bao giờ trật hoặc đinh cong. Xẻ gỗ, bố phải nẻ “mực tàu”, còn con – chẳng cần cũng thẳng! Mặc bố làm nghề mộc! sao Chúa Giêsu không làm nghề bốc thuốc và chữa bệnh lúc..10..tuổi cha hệ?
    Ở mục 4, kể ra thì chuyện xung quanh chàng Giuse và nàng Mari mà Chúa Cha gán ép lại sinh nhiêu khê quá cha hệ! con ước chi chỉ đơn giản thể này:- Chúa cha chọn từ trước đời đời và để cô Mari sống độc thân đến đúng 80 tuổi thì Truyền tin có thai và sinh Chúa Con; tuổi này thì không còn ai nghi.. con ông này ông nọ mà ai cũng tin do phép tắc của Đức Chúa. Chúa chết được ..10 năm.. thì Mẹ được Chúa Cha đưa về trời.
    Cha ạ! Noãn người nữ phải kết hợp với trùng người nam thì mới có thai,lại phải do X hoặc Y nữa mới được giới tính. Đằng này,có thai nhi Chúa Giêsu hoàn toàn không do kết hợp 2 trong 1; nghĩa là cũng chẳng cần noãn của cô Maria! Vậy rõ ràng Đức Mẹ mang thai hộ cho Chúa Cha! Đã lâu con thấy như vậy đó cha ạ!cha nghĩ sao?
    Ở mục 5,như ở bình luận trước con có nói thì có lẽ Giáo hội nên bảo thánh Giuse chết sau Chúa Giêsu chết kẻo sau này con cháu chúng nó kiện! vì:- chẳng lẽ bố cao trọng vậy mà để bố chết bệnh? Chết rồi lại không cho sống lại? trong khi Ladarô sống lại,lại chẳng chịu theo Chúa,rõ ổng quá tệ bạc! Hai nữa,chẳng lẽ bố cao trọng vậy mà lại bắt linh hồn bố phải vô ngục tổ tông nữa? trong khi chỉ cần Chúa Giêsu cho phép bố mình sống đến..70..80 tuổi là hoàn toàn quyền của Chúa. Con nghĩ vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *