Văn hóa chửi, miếng mồi câu của thần dữ

 

 

  1. Hiện Tượng

Thời gian gần đây, Tiếng Việt lại xuất hiện thêm nhiều thuật ngữ mới lạ. Danh từ thì có: “Anh hùng bàn phím”, “thánh soi”, “thánh bóc”, “thánh chém”… Động từ thì có: “ném đá”, “ném đá hội đồng”, “quăng gạch”, “chém”… Hầu như tất cả đều sinh ra từ văn hóa chat trên Internet. Và chừng như tất cả đều có chung một lớp nghĩa, mà ngôn ngữ bình dân thường gọi là “chửi”.

Những lời lẽ tục tằn và thiếu tử tế có mặt khắp mọi nơi. Chỉ cần có một chuyện gì đó không vừa lòng, lập tức cả “cộng đồng mạng” ùa vào ném đá. Các “anh hùng bàn phím” ngày nay bỗng dưng trở thành những kẻ đầy “quyền lực”, có thể ngồi một chỗ mà “soi” khắp mọi ngóc ngách. Rồi thì bom đạn gạch đá cứ ném thả tay. Chỉ cần một kẻ nào đó có ý định phá rối, đưa ra một bài viết hay một bình luận cò mồi theo kiểu “chợ búa”, thì ngay lập tức hàng loạt những bình luận khác đáp lại, theo cách cũng không kém phần “chợ búa” tí nào. Chỉ cần có một người khởi đầu, rất dễ để có cả một “cộng đồng” hùa theo. Quả thật, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Sứ Điệp nhân Ngày Truyền Thông Thế Giới năm nay (Cf. https://dongten.net/2018/01/08/su-diep-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-thu-52-2018/), đã nhận xét “chuẩn không cần chỉnh”, khi chỉ ra hiện tượng “leo thang trong các trào lưu chửi bới và bạo lực bằng lời nói”.[1]

Câu hỏi đặt ra: liệu bạn và tôi, những người có đức tin, có nguy cơ góp phần vào trào lưu này chăng? Liệu các bạn trẻ công giáo có đủ tỉnh để không tự biến mình thành con rối trong vòng xoáy vô nghĩa nhưng đầy nguy hại này không? Liệu trong gia sản thiêng liêng của Giáo Hội có loại “vũ khí” nào có thể giúp các bạn trẻ Công Giáo đứng vững và chiến đấu cho một cuộc chiến thiêng liêng cao đẹp (cf. Eph 6,10-17) trên thế giới truyền thông hiện đại không?

Trong sứ điệp, bốn lần Đức Giáo Hoàng sử dụng từ “phân định”, một thuật ngữ rất đặc trưng của dòng Linh Đạo I-nha-xi-ô: “Cần có một quá trình phân định sâu sắc và thận trọng” (số 2), “Cần dạy cho người ta biết phân định, đánh giá và thấu hiểu…” (số 2), “Để phân định sự thật, chúng ta cần phân định tất cả những gì thúc đẩy sự hiệp thông…” (số 3). Vậy “phân định” có nghĩa là gì? Việc phân định có thể giúp gì cho người trẻ chúng ta trong thế giới truyền thông ngày nay?

 

  1. Chiến thuật của thần dữ

Theo Đức Giáo Hoàng, phân định là để “vạch trần cái gọi là những chiến thuật của con rắn”. Thực tế, Ngài đang áp dụng và diễn giải một quy tắc phân định được trình bày trong tập sách Linh Thao của Thánh I-nha-xi-ô Lo-yo-la: “Chiến thuật của Thần dữ là giả dạng Thần lành, đi vào theo chiều của linh hồn trung tín để rồi kéo linh hồn ấy ra theo đường của nó” (LT 332).

Chúng ta thử áp dụng nguyên tắc này vào trường hợp cụ thể của các “anh hùng bàn phím” nhé!

Thời gian vừa rồi, trong các cuộc tranh luận và cãi cọ trên mạng, hẳn có không ít người trẻ công giáo tham gia. Họ sống đức tin rõ ràng, yêu mến Giáo Hội nồng nhiệt và yêu mến Chúa thật sự. Những người này xứng đáng được gọi là các “linh hồn trung tín”.

Một “linh hồn trung tín” khi đọc thấy một bài viết hay một bình luận không tốt về Giáo hội của mình, về đức tin của mình, về Chúa của mình… sẽ cảm thấy như thế nào nhỉ? Có lẽ là thấy buồn. Thấy bực. Thấy ức… và đương nhiên sẽ muốn làm một cái gì đó để bảo vệ đức tin của mình, Giáo hội của mình, Chúa của mình. Cho tới đây, mọi sự có vẻ hãy còn tốt đẹp. Nhưng làm cách nào để bảo vệ? Thần dữ, lúc này rất biết cách “đi vào theo chiều của linh hồn trung tín”, đặt vào tay “linh hồn trung tín” một vũ khí lợi hại: chiếc bàn phím,  đồng thời không ngừng rỉ tai những lời đầy máu lửa: “chém nó!”, “ném đá nó!”. Lời ấy nghe hợp nhĩ quá, phù hợp với những ấm ức đang dâng trào trong lòng mình quá. Vậy là cuộc chiến diễn ra. Vậy là một “linh hồn trung tín” trở thành một “anh hùng bàn phím”.

Như thế,  một người có thể khởi đầu bằng một ý hướng rất tốt: chống lại tin giả, bảo vệ sự thật, bảo vệ Giáo Hội, bảo vệ hình ảnh đẹp của Thiên Chúa. Nhưng sau một thời gian, người ấy lún sâu vào con đường cãi cọ và bạo lực mà thần dữ đã vạch ra. Thật gọn gàng!

Có thể bạn sẽ thắc mắc, “thần dữ” là ai? Không xa lạ lắm đâu, biết đâu “thần dữ” là chính những xu hướng tiêu cực, bạo lực, và tất cả những gì xấu đang hiện diện trong lòng bạn đấy. Biết đâu “thần dữ” còn có thể đến từ những cơ cấu và những bàn tay vô hình bên ngoài, đang khôn khéo lét lún lèo lái và định hướng tầm nhìn của bạn.

Này bạn, bạn có nghĩ mình sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này không?

 

  1. Hậu quả

Francis Bacon từng nhận định: “Remedy is worse than the disease”. Có những thứ thuốc làm cho bệnh trở nên tệ hơn. Có những can thiệp làm cho tình huống càng xấu hơn.

Có khi nào bạn lầm, tưởng mình đang chữa lành một vết thương, nhưng thực tế lại đang làm cho vết thương ấy lở loét hơn?

Có khi nào bạn lầm, tưởng mình đang chiến đấu để bảo vệ một sự thật nào đó, nhưng thực tế lại đang làm cho sự thật ấy trở nên tồi tệ hơn và xấu hơn rất nhiều trước mắt người khác?

Có khi nào bạn lầm, tưởng mình đang là phát ngôn viên cho sự thật, nhưng thực tế lại đang phát ngôn cho xu hướng bạo lực trong chính lòng mình?

Có khi nào bạn lầm, tưởng mình đang đứng về phía ánh sáng, nhưng thực tế trong tay lại đang cầm vũ khí của bóng tối?

Có khi nào bạn lầm, tưởng mình đang nhiệt thành phục vụ Chúa, nhưng thực tế lại đang tiếp tay với đối phương phá hỏng công cuộc của Chúa?..

Trong cuộc chiến bảo vệ sự thật, bạn có thể có tấm lòng và có mục đích rất tốt, nhưng chỉ cần bạn chấp nhận dùng phương tiện xấu, thì bạn đã tự làm cho mình ra xấu rồi. Khi ấy, còn đòi chiến đấu với bảo vệ được gì nữa! Bạn nghĩ mình có thể thắng sự dữ bằng phương tiện của sự dữ sao? Liệu mục đích (tốt) có thể biện minh cho phương tiện (xấu) không? Có khi nào, với tất cả sự hăng say nhiệt tình, nhưng thiếu phân định, bạn lại đang cộng tác và đang bị lèo lái bởi thần dữ không nhỉ? Có khi nào bạn để cho nó “đi vào theo chiều của linh hồn trung tín để rồi kéo linh hồn ấy ra theo đường của nó”?

Thế nên không lạ khi có nhiều người khởi đầu rất tốt, nhưng lại kết thúc với nhiều đổ vỡ và tâm hồn bất an. Có nhiều blog, trang web, hoặc diễn đàn, có thể chọn cho mình những cái tên rất hay, rất tích cực, và mang đẫm màu sắc tôn giáo, nhưng sau một thời gian hoạt động, lại chứa đầy những tranh cãi cục cằn, những nhận xét thô thiển, và cả những lời mạ lị nặng nề.

Dùng phương tiện của sự dữ, người ta chỉ có thể chiến đấu rất hăng say, trong tình trạng… chưa chiến đã bại. Này nhé, khi bạn chấp nhận “leo thang trong các trào lưu chửi bới và bạo lực bằng lời nói”, chẳng cần biết bạn có làm được gì cho “sự thật” hay bảo vệ được gì cho đức tin của mình hay chưa, ai cũng thấy một điều rất điều hiển nhiên: bạn đang góp phần tích cực vào “văn hóa chửi”. Khi bạn gọi độc giả của mình với các đại từ như “bọn”, “lũ”, “tụi”, “đám”… người ta chưa cần biết những kẻ bị bạn lên án là người loại nào, bởi nói cho cùng chẳng có một dấu hiệu gì thực sự chắc chắn để người ta kiểm chứng những điều bạn nói; nhưng điều mà người ta có thể đánh giá khá chắc chắn là về chính nhân cách của bạn. Khi gọi người khác là “bọn”, là “lũ”, là “tụi”, là “đám”… bạn có chắc mình văn minh và bác ái hơn họ không?

Còn nữa, một khi bạn đã bị cuốn vào vòng xoay rồi, “thần dữ” có nhiều cái lợi lắm nhé!

Chẳng hạn: giam giữ bạn trong cái cảm giác bực bội tức tối với những điều cỏn con, để làm bạn quên đi những chuyện khác đáng quan tâm hơn.

Chẳng hạn: không cho bạn một chính kiến hay lập trường nào, chỉ đơn giản đẩy bạn hùa theo số đông.

Chẳng hạn: để cho bạn tự động bôi xấu điều mà bạn tưởng mình đang ra công ra sức bảo vệ.

Chẳng hạn: để cho bạn tự biến chất, trở nên hung hăng hiếu chiến; dạy bạn cách ve vuốt cái tôi của mình và sẵn sàng ném đá bất kỳ ai đi ngược lại với bạn.

Chẳng hạn: để cho bạn tự tay đạp đổ tất cả những gì bạn muốn làm chứng, và kết quả là hình ảnh mà bạn trình diện trước mắt người khác chỉ là những gì tầm tường và lố bịch.

Bạn đang thắng hay đang thua?

Bạn biết không, trong lịch sử của Giáo Hội, có nhiều hình ảnh tiêu cực về Giáo Hội không phải đến từ lạc giáo, nhưng lại đến từ chính những người hăng say chống lạc giáo. Đồng ý, có nhiều người muốn chống lạc giáo bằng tất cả ý tốt và sự nhiệt tâm của mình. Nhưng từ nhiệt tâm đến hung hăng gần lắm. Nhất là khi lòng người ta không bình an. Người ta có thể làm bất cứ điều gì, dù tốt đến đâu đi nữa, nhưng với một tấm hồn chưa thật sự bình an, thì có nguy cơ sự không an ấy sẽ lây lan nhanh lắm.

Bạn làm điều tốt, nhưng lòng lại rối loạn và bất an? Đó là dấu hiệu rất tốt để cảnh tỉnh và mời bạn nhìn lại: liệu mình có đang cộng tác với thần dữ chăng?

 

  1. Thuốc giải độc

Tới đây, có thể bạn sẽ đặt câu hỏi: khi phận định được rồi, thì nên làm gì? Chẳng lẽ cứ im lặng để mặc sự dữ tràn lan? Băn khoăn này chính đáng lắm. Bởi lẽ, “im lặng trước bất công nghĩa là đồng lõa với kẻ áp bức” (Ginetta Sagan). Không chỉ thế, trong rất nhiều trường hợp “im lặng là phản bội” (Martin Luther King Jr.). “Chuyện ngu ngốc sẽ tràn lan khi những người khôn ngoan im lặng” (Nelson Mandela).

Trong thông điệp của mình, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô cũng rất rõ ràng khi Ngài viết: “Tôi muốn mời gọi tất cả mọi người cổ vũ một nền báo chí vì hòa bình. Nhưng khi nói như thế, tôi không có ý muốn nói đến loại hình báo chí đầy mật ngọt và từ chối thừa nhận sự tồn tại của những vấn đề nghiêm trọng” (số 4). Chúng ta không được phép thinh lặng trước những vấn đề nghiêm trọng; nhưng để có thể giải quyết chúng, và giải quyết theo đường hướng của Kitô giáo, Giáo Hội luôn cần có những người có trái tim bình an. Bởi lẽ, theo Đức Giáo Hoàng, thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất cho tình trạng hỗn loạn truyền thông không phải đến từ những chiến lược, nhưng đến từ chính con người: “những người không tham lam nhưng sẵn sàng lắng nghe, những người nỗ lực tham gia vào cuộc đối thoại chân thành để làm rõ sự thật; những người được cuốn hút bởi sự thiện và chịu trách nhiệm về cách họ sử dụng ngôn ngữ” (số 4).

Trong lời cầu nguyện cuối cùng của thông điệp, Đức Giáo Hoàng chỉ ra những điều rất cụ thể mà một “anh hùng bàn phím” thật sự có thể đóng góp. Trong những tình huống ngặt nghèo khó khăn, Giáo Hội luôn cần đến tiếng nói của chúng ta. Nhưng đó phải là tiếng nói tạo được niềm hứng khởi hòa hợp, chứ không phải bấn loạn; tiếng nói mang đến sự rõ ràng minh bạch, chứ không phải sự lập lờ mơ hồ; tiếng nói mang đến tình liên đới, chứ không phải loại trừ; tiếng nói mang lại sự điềm tĩnh, chứ không phải kích động; tiếng nói của những tìm hiểu và thắc mắc đích thực, chứ không phải chỉ hời hợt; tiếng nói của niềm tin, của sự tôn trọng, và sự thật, chứ không phải của thành kiến, hận thù và giả dối.

Này bạn, Giáo Hội luôn cần đến bạn. Giáo Hội cần những người có khả năng chiến đấu cho một cuộc chiến cao đẹp, có thể chơi fairplay trong bất cứ tình huống nào. Nếu bạn xác tín rằng chiếc bàn phím được đặt vào tay bạn như một sứ mạng, để trước mắt những người khác, nhất là những người không cùng tôn giáo, bạn có thể vẽ lên chân dung của Thiên Chúa, của Giáo Hội, của những người có Đạo… bạn sẽ vẽ thế nào?

 

KẾT LUẬN

Trong Dụ ngôn Lc 15,11-31, Đức Giê-su kể rằng: khi đứa em hoang đàng trở về, người anh cả gọi em mình là “cái thằng con của Cha đó!”. Những bực bội ồn ào trong lòng anh ta, và xu hướng bạo lực của anh ta, được thể hiện ngay trong lời nói. Anh ta tưởng mình đạo đức, vì suốt ngày phục vụ Cha. Anh ta không nhận ra một sự thật cay đắng và nguy hại nơi mình: chính anh đã luôn là người đóng vai một cái nút chặn, là ngăn trở lớn nhất đẩy em mình ra xa mái nhà của Cha, không cho em mình cơ hội để trở về với Cha. Chính anh ta muốn làm người chia rẽ, không muốn cho người cha nhận lại con mình.

Này bạn, trong những cuộc bút chiến và khẩu chiến mà bạn tham gia, bạn có đang truyền giáo thật sự không? Bạn đang nói về Chúa, hay đang làm xấu đi hình ảnh tuyệt đẹp của Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ? Bạn đang muốn kéo người khác về với Chúa, hay đang đẩy họ ra xa?

Nếu Giáo Hội có quá nhiều những người thích cãi cọ và sẵn sàng dùng bất cứ loại ngôn ngữ nào để cãi cho thắng, có lẽ đó không phải là Giáo Hội mà người khác muốn bước vào đâu, phải không?

Cao Gia An, SJ.

[1] Trong sứ điệp của Đức Giáo có hai chủ để xuyên suốt bổ trợ cho nhau, là “tin giả” và “một nền báo chí vì hòa bình”. Tác giả bài viết này chỉ xin tập trung vào chủ đề thứ 2 của sứ điệp, và đặc biệt hướng đến đối tượng độc giả là các bạn trẻ công giáo.

Kiểm tra tương tự

Cuốn sách cảm động về một người tị nạn được giới thiệu bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô

‘Little Brother: A Refugee’s Odyssey’ – ‘Người em bé nhỏ: Cuộc phiêu lưu của người …

Tình yêu sẽ lớn mạnh nhờ tình yêu

Chúa Nhật Tuần XXXI – Mùa Thường Niên “Tình yêu sẽ lớn mạnh nhờ tình …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *